Đại học 4.0
Thứ Năm, 27/9/2018 16:33'(GMT+7)

Phát triển nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng

1- Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến cuối năm 2015 cả nước có 164.746 người tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trong thời gian 5 năm gần đây (2011 - 2015), nhân lực nghiên cứu và phát triển đã tăng từ 134.780 người lên 167.746 người, đạt tỷ lệ 24,45%; cán bộ nghiên cứu tăng từ 105.230 người lên 128.997 người, đạt tỷ lệ 22,6%. Bình quân cán bộ nghiên cứu toàn thời gian tính trên một vạn dân hiện nay khoảng gần 7 người. Cùng với sự gia tăng về số lượng, đóng góp của nhân lực khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội ngày càng thể hiện rõ nét trên tất cả các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. 

Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất lao động nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về lúa gạo và một số mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực. Trong công nghiệp và dịch vụ, lực lượng khoa học và công nghệ trong nước đã có khả năng thiết kế, chế tạo thành công nhiều công nghệ, thiết bị nội địa đạt tiêu chuẩn quốc tế; có năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ cao trong một số ngành thiết yếu, như điện, điện tử, dầu khí, đóng tàu, xây dựng, y tế, công nghệ thông tin và truyền thông. Một số thành tựu nổi bật, như thiết kế, thi công các nhà máy thủy điện lớn; chế tạo thiết bị cơ khí thủy công và nâng hạ siêu trường, siêu trọng; giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước và 120m nước; xếp hạng thứ 3 châu Á và ở tốp 10 nước hàng đầu thế giới về phát triển công nghệ khai thác dầu trong đá móng; tạo các giống cây trồng năng suất cao; khai thác vệ tinh viễn thông và vệ tinh viễn thám; làm chủ công nghệ đóng tàu, xây dựng công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc đạt tiêu chuẩn quốc tế; thành công trong ghép đa tạng và sản xuất vắc-xin;... Việc tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ cũng góp phần không nhỏ trong phát triển các vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, phát huy lợi thế và tiềm năng của các địa phương, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Bên cạnh đó, Việt Nam đã có bước phát triển trong nghiên cứu cơ bản, tạo tiền đề hình thành một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đa ngành mới, như vũ trụ, y sinh, na-nô, hạt nhân; một số lĩnh vực khoa học tự nhiên, như toán học, vật lý lý thuyết đạt thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Khoa học xã hội và nhân văn đã kịp thời cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương phát triển đất nước, hoàn thiện pháp luật, tạo tiền đề cho đổi mới tư duy kinh tế, khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, bảo tồn các hệ giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam. 

Có thể nói, trong điều kiện quy mô và tiềm lực của nền kinh tế còn thấp, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng khích lệ so với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, xét về trình độ và năng lực khoa học và công nghệ. Khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể trong xếp hạng năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu và ở một số lĩnh vực khoa học và công nghệ có thế mạnh. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhân lực khoa học và công nghệ của nước ta còn nhiều hạn chế: 

Đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ tuy gia tăng về số lượng và trình độ đào tạo nhưng chất lượng thực tế chưa tương xứng, thậm chí còn thấp, đặc biệt là thiếu các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ quan trọng; thiếu các tổng công trình sư, các tập thể khoa học mạnh hoặc tổ chức khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế đủ năng lực chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng quy mô quốc gia, quốc tế hoặc có đủ khả năng giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ lớn của đất nước. 

So với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, đóng góp của đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thực sự giúp một cách có hiệu quả trong việc nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Số lượng nhà khoa học có trình độ cao và có kinh nghiệm ngày càng giảm do đến tuổi nghỉ hưu, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, lĩnh vực công nghệ cao. Đội ngũ kế cận các nhà khoa học giỏi, các chuyên gia đầu ngành trong các viện nghiên cứu, trường đại học ngày càng thiếu hụt nghiêm trọng. 

Tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng làm việc nhóm của đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ còn yếu. Nhân lực khoa học và công nghệ phân bố không đều, cơ cấu, trình độ chưa hợp lý theo vùng, miền và lĩnh vực hoạt động. Phần lớn nhân lực khoa học và công nghệ hiện đang tập trung làm việc ở khu vực nhà nước, số nhân lực này làm việc trong khu vực tư nhân và doanh nghiệp còn rất thấp. Một bộ phận không nhỏ nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao, đặc biệt là giảng viên trong các trường đại học không trực tiếp làm nghiên cứu và phát triển. Số lượng các nhà khoa học đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao hiện đang tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính chuyên nghiệp ngày càng giảm. Trong khi đó, các cán bộ khoa học trẻ lại không được tạo động lực để phấn đấu theo đuổi và gắn bó với sự nghiệp khoa học lâu dài. Do cơ chế bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý hiện nay vẫn dựa trên trình độ chuyên môn cao (học hàm, học vị) nên tình trạng một số cán bộ lãnh đạo là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tập trung thời gian cho công tác quản lý, điều hành mà ít tham gia trực tiếp các hoạt động nghiên cứu khoa học. 

Những hạn chế nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân mang tính chủ quan và khách quan. Cho đến nay, chúng ta chưa có quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên; chưa có sự gắn kết giữa đào tạo với quy hoạch nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Hệ thống giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt đối với những lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến; chưa triển khai thực hiện được việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành chuyên sâu đối với đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ. Mặc dù Nhà nước đã xác định một số hướng, lĩnh vực công nghệ ưu tiên nhưng việc đầu tư đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực cho các lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức; chưa có chương trình đào tạo, bồi dưỡng dành riêng cho đối tượng nhân lực đang làm công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đội ngũ nhân lực quản lý khoa học và công nghệ. Cùng với đó là điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ và trang thiết bị nghiên cứu của nhiều tổ chức khoa học và công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu ở trình độ quốc tế. Môi trường dân chủ trong sáng tạo và sinh hoạt học thuật chưa phát huy hiệu quả; khả năng khích lệ, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu sáng tạo của Nhà nước đối với cộng đồng khoa học còn mờ nhạt; không gian sáng tạo, nhu cầu được phát triển và theo đuổi nghề nghiệp nghiên cứu còn hạn chế.

Có thể thấy thời gian qua, cơ chế quản lý đối với nhân lực khoa học và công nghệ chưa phù hợp và còn nhiều bất cập. Hầu hết các tổ chức khoa học và công nghệ là các đơn vị sự nghiệp nhưng cơ bản chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế quản lý như đối với cơ quan quản lý hành chính mà không tính đến đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ. Chính sách thu hút, đãi ngộ, sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ mới được ban hành và còn hết sức khiêm tốn, chưa có tính đột phá mạnh mẽ nên chưa tạo động lực, chưa phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo và đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, nhất là người có trình độ cao, tài năng trẻ. Hiện chúng ta vẫn chưa có chính sách thỏa đáng để thu hút và sử dụng các trí thức tài năng là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở Việt Nam. Việc triển khai thực hiện một số chính sách mới được ban hành còn hạn chế. Chính sách và cơ chế huy động, khuyến khích nguồn nhân lực và đầu tư từ xã hội và doanh nghiệp cho phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ còn thiếu.

Chính sách hiện có đối với cán bộ khoa học và công nghệ còn mang nặng tính bình quân, chưa toàn diện, chưa tạo động lực cống hiến và phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, nhất là người có trình độ cao, tài năng trẻ và người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Thời gian vừa qua, tuy một số chính sách mới được ban hành, trong đó có chính sách trọng dụng với nhóm những nhà khoa học có trình độ cao, có thâm niên hoặc tài năng, song tính đột phá còn hạn chế, còn nặng về thủ tục hành chính, vẫn bị ràng buộc bởi những quy định chung về cơ chế tài chính, về khung chính sách dành cho viên chức nói chung. Hoạt động khoa học và công nghệ có tính đặc thù nhưng chế độ sử dụng nhân lực trong lĩnh vực này đến nay chưa có nhiều khác biệt so với nhân lực trong các lĩnh vực khác.

2- Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đối với phát triển nhân lực khoa học và công nghệ của nước ta. Trí tuệ ảo, kỷ nguyên số và sự phát triển bùng nổ của các công nghệ liên ngành, đa ngành, xuyên ngành của cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức rất lớn đối với yêu cầu xây dựng và phát triển nhân lực khoa học và công nghệ. Máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế cho sức người sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là nhu cầu nhân công giá rẻ kỹ năng thấp sẽ nhường chỗ cho nhu cầu đối với nhân lực trình độ cao; hơn lúc nào, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ càng đặt ra yêu cầu cấp bách.

Quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, đặc biệt là hội nhập về kinh tế, về khoa học và công nghệ đặt ra yêu cầu nhân lực khoa học và công nghệ phải có những kỹ năng mang tính toàn cầu, cập nhật và theo kịp xu thế mới trong sự phát triển của khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, khi nhân lực khoa học và công nghệ của các nước di chuyển tự do vào Việt Nam đặt ra rất nhiều vấn đề, trong đó có cả những thuận lợi, cơ hội cũng như khó khăn và thách thức đối với nhân lực khoa học và công nghệ của Việt Nam; đòi hỏi phải có lộ trình chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như tâm lý sẵn sàng thích nghi với yêu cầu hội nhập mang tính toàn cầu. Do sự chênh lệch về thu nhập, điều kiện làm việc giữa Việt Nam và các nước nên tình trạng “chảy máu chất xám” nhân lực khoa học và công nghệ là khá phổ biến trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu mang tính chiến lược trong xây dựng, phát triển nhân lực khoa học và công nghệ để không chỉ ngăn chặn “chảy máu chất xám” mà còn thu hút, lôi kéo và kết nối một cách có hiệu quả sự tham gia, đóng góp của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài đối với hoạt động khoa học và công nghệ ở trong nước, tham gia đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trình độ cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy phải được xác định là khâu “đột phá” để phát triển đất nước trong điều kiện tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế mang tính toàn cầu. 

3- Để tạo bước đột phá trong việc phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, có hệ thống các giải pháp mang tính toàn diện từ tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, trọng dụng nhân lực khoa học và công nghệ, cụ thể như sau:

Một là, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, phải coi lao động khoa học và công nghệ là một loại hình lao động đặc thù và do vậy cần có tư duy phù hợp khi xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với nhân lực khoa học và công nghệ. 

Hai là, có chiến lược và tầm nhìn dài hạn về công tác tạo nguồn cán bộ khoa học và công nghệ, xây dựng và triển khai thực hiện bài bản, khoa học quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao; định hướng xem xét tạo nguồn từ cấp bậc phổ thông, đào tạo đại học và sau đại học theo các ngành, lĩnh vực được xác định gắn với chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc xác định chiến lược đào tạo, tạo nguồn cán bộ khoa học và công nghệ phải gắn liền với yêu cầu đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng đến các ngành, lĩnh vực mang tính xuyên ngành, công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa và đào tạo kỹ năng mang tính toàn cầu.

Quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực khoa học và công nghệ phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và thực hiện mối quan hệ ổn định, liên kết giữa doanh nghiệp với nhà khoa học để nâng cao tính ứng dụng của các sản phẩm khoa học và công nghệ.

Ba là, đẩy mạnh phát triển nhân lực khoa học và công nghệ bao gồm việc đào tạo, đào tạo lại gắn liền với sử dụng và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; có chính sách để nuôi dưỡng tài năng đối với cán bộ khoa học trẻ, tạo nguồn tiến tới hình thành những nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư tâm huyết và gắn bó lâu dài với sự nghiệp khoa học và công nghệ, có đủ năng lực chỉ đạo giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ trọng yếu của đất nước.

Chú trọng giải pháp đưa nhân lực khoa học và công nghệ đi thực tập, làm việc tại các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học của nước ngoài; tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật quốc tế song phương và đa phương; đồng thời xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học nước ngoài và mở rộng các chương trình đào tạo ở nước ngoài để cán bộ khoa học và công nghệ được cọ xát môi trường học thuật quốc tế và được đào tạo trong hoạt động nghiên cứu và phát triển quốc tế. Ban hành cơ chế mang tính bắt buộc về việc đào tạo lại đối với nhân lực khoa học và công nghệ tùy theo từng lĩnh vực cụ thể.

Bốn là, hoàn thiện theo hướng đồng bộ và toàn diện chính sách đối với nhân lực khoa học và công nghệ, nhất là nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao, trong đó bao gồm chính sách tiền lương, thu nhập; các hoạt động tôn vinh, ghi nhận đối với đóng góp, cống hiến của trí thức khoa học và công nghệ; môi trường sống và làm việc thuận lợi cho cá nhân nhà khoa học và gia đình họ; hạ tầng nghiên cứu tiên tiến, văn hóa học thuật lành mạnh. Đổi mới cơ chế, phương thức trả lương, thù lao cho các nhà khoa học theo thông lệ của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Năm là, tăng cường việc quản lý, đón đầu, khai thác và sử dụng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ từ các lưu học sinh, nghiên cứu sinh giỏi, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài. Song song với đó là đầu tư tới ngưỡng để xây dựng một số cơ sở nghiên cứu có môi trường, điều kiện làm việc chuyên nghiệp, theo thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ để thu hút và giữ chân được các nhà khoa học giỏi ở trong nước và thu hút các nhà khoa học từ nước ngoài đến làm việc. Thực tiễn cho thấy, môi trường học thuật và điều kiện nghiên cứu chuyên nghiệp là nhân tố có ý nghĩa quyết định để thu hút và giữ chân các nhà khoa học giỏi. Do vậy, cần tăng cường các hoạt động hợp tác trao đổi học thuật, giao lưu khoa học quốc tế để cập nhật, nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trong nước.

Sáu là, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, nhất là từ doanh nghiệp cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Tăng cường huy động đầu tư ngoài ngân sách để phát triển tiềm lực, đặc biệt là cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức khoa học và công nghệ, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho nhân lực khoa học và công nghệ.

Hội nhập quốc tế toàn diện với xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trên thế giới đã và đang đặt nước ta vào nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về khoa học và công nghệ. Hơn lúc nào hết chúng ta càng phải thực hiện một cách thực chất các giải pháp mang tính đồng bộ, toàn diện để phát triển nhân lực khoa học và công nghệ như các nghị quyết, văn kiện của Đảng đã khẳng định, đầu tư cho phát triển nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước; Đảng và Nhà nước có trách nhiệm và chính sách phát triển, trọng dụng và phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. /.

Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Nguồn: Tạp chí Cộng sản

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất