Trước đây, cảnh sát vốn là nghề được coi là "lãnh địa" riêng của nam giới. Chỉ tới cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, phụ nữ mới được xuất hiện chính thức trong lực lượng cảnh sát. Từ đó đến nay, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, các cảnh sát nữ đã ngày càng đóng góp to lớn vào nhiệm vụ chung và trở thành một phần rất quan trọng của lực lượng cảnh sát các nước trên thế giới…
Năm 1903, cảnh sát Đức tuyển mộ phụ nữ vào phục vụ trong lực lượng và tới năm 1908, Thụy Điển là nước tiếp bước với sự xuất hiện của ba nữ sỹ quan là Agla Hallin, Maria Anderson và Erica Strom.
Ba sỹ quan này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đây là tiền đề quan trọng để từ năm 1910 trở đi, phụ nữ được tuyển dụng vào làm việc tại lực lượng cảnh sát ở tất cả các thành phố của Thụy Điển.
Tuy nhiên, quyền hạn ban đầu của các nữ cảnh sát chỉ giới hạn ở những công việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em như: Giám thị trẻ em bị bắt giam về các tội đặc biệt nghiêm trọng, tiến hành các thủ tục pháp lý ban đầu liên quan đến phụ nữ…
Năm 1930, Luật Cảnh sát Thụy Điển giao thêm nhiều quyền hơn cho nữ cảnh sát với quyền khám nhà nữ nghi phạm, hỏi cung nghi phạm nữ liên quan đến tội phạm tình dục, tuần tra tại các địa điểm công cộng…
Cảnh sát Thụy Điển mở khóa đào tạo chính quy đầu tiên dành cho nữ cảnh sát vào năm 1944 và tới năm 1957, các nữ cảnh sát được trao quyền và được hưởng các chế độ bình đẳng như nam giới.
Trong những năm Thế chiến I, một số nữ tình nguyện viên đã làm việc trong lực lượng cảnh sát Anh. Họ đóng vai trò hỗ trợ cảnh sát nam tuần tra và thực hiện nhiệm vụ y tế, hậu cần. Khi chiến tranh kết thúc, những nữ tình nguyện này được biên chế về các đơn vị cảnh sát tại các thành phố trên toàn quốc.
Từ năm 1921, nữ cảnh sát bắt đầu được tuyển dụng chính thức, bình đẳng như nam giới và được trao các quyền như nam cảnh sát. Tại Mỹ, các nữ cảnh sát đầu tiên được tuyển dụng là Marie Owens, phục vụ tại Sở Cảnh sát Chicago năm 1891; Lola Baldwin làm tại Sở Cảnh sát Portland năm 1908, Fanny Bixby làm ở Sở Cảnh sát Long Beach năm 1908 và Alice Stebbins Wells làm tại Sở Cảnh sát Los Angeles năm 1910.
Hiện nay, số lượng nữ cảnh sát chiếm tới khoảng 15% quân số toàn lực lượng cảnh sát Mỹ (khoảng 16.000 người). Trong đó, có 219 người giữ các chức vụ chỉ huy trong các đơn vị khác nhau của cảnh sát.
Phụ nữ tham gia ở hầu hết các nhiệm vụ và đơn vị của cảnh sát Mỹ, trong đó có cả ở những đơn vị sức mạnh và đặc thù như các đội đặc nhiệm nổi tiếng SWAT, các đơn vị cứu nạn, cứu hộ, chống bạo loạn…
Tại các nước, cảnh sát nữ ngày càng thể hiện sự chủ động và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, không quản ngại gian khó và chấp nhận đối mặt với hiểm nguy, không thua kém nam giới. Nhiều cảnh sát nữ lập công xuất sắc, được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý.
Không ít nữ cảnh sát đã bị thương hoặc hy sinh trong cuộc chiến không khoan nhượng với các loại tội phạm. Sự xuất hiện của họ như bông hoa tô đẹp thêm lực lượng trong mắt nhân dân, nhưng cũng là nỗi khiếp đảm và sự dè chừng của tội phạm đối với các lực lượng thi hành pháp luật.
Một số lĩnh vực, phụ nữ đóng vai trò không thể thiếu trong hoạt động của cảnh sát và thậm chí cho thấy hiệu quả hơn cả nam giới. Không ít điều tra viên, thanh tra cảnh sát nổi tiếng, vang danh thế giới, gắn liền với thắng lợi của những chuyên án lừng danh là phụ nữ.
Từ đó, cảnh sát các nước đã dần công nhận và tuyển dụng chính thức phụ nữ vào phục vụ trong lực lượng cảnh sát, trong đó có nhiều quốc gia đạo Hồi vốn lâu nay không có bất kỳ sự phục vụ nào của phụ nữ như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Iran…
Tại Việt Nam, từ lâu các nữ cảnh sát đã xuất hiện và góp phần quan trọng trong các chiến công chung của lực lượng Cảnh sát nhân dân anh hùng, được giới đồng nghiệp nam trong và ngoài nước kính nể.
Tuy đạt được những tiến bộ và tiếng nói của phụ nữ trong lực lượng cảnh sát các nước trên thế giới ngày càng nâng cao nhưng tại nhiều đơn vị cảnh sát một số nước vẫn còn sự bất bình đẳng nam nữ. Các cảnh sát nữ bị phân biệt đối xử, chỉ được giao công việc phụ trợ, hành chính, không được huấn luyện và trực tiếp chiến đấu.
Họ cũng không có nhiều cơ hội được cử đi đào tạo nâng cao trình độ. Cảnh sát nữ cũng dường như không có nhiều cơ hội được thăng tiến và giữ các chức vụ lãnh đạo như các đồng nghiệp nam.
Số lượng nữ sỹ quan cấp cao chiếm tỷ lệ nhỏ trong quân số cảnh sát. Thậm chí, tại một số đơn vị cảnh sát ở một số nước đã ngừng tuyển dụng nữ ứng viên trong suốt 20 năm qua. Nhiều nữ cảnh sát bị quấy rối tình dục hoặc là đối tượng bị khinh rẻ bởi các đồng nghiệp nam.
Vấn đề phân biệt chủng tộc cũng là điều nan giải trong hàng ngũ cảnh sát ở nhiều quốc gia đa chủng tộc. Đặc biệt là tại Mỹ, nhiều cảnh sát nữ da màu vẫn bị coi thường, thậm chí miệt thị từ cảnh sát nam hoặc cả đồng nghiệp nữ da trắng.
Tại những nước còn nhiều kỳ thị đối với người đồng tính, thì các nữ cảnh sát đồng tính luôn bị kỳ thị hơn so với đồng nghiệp nam, thậm chí khi bị phát hiện có biểu hiện đồng tính, nữ cảnh sát đó ngay lập tức bị sa thải.
Tại một số đơn vị cảnh sát, khi nữ cảnh sát trở lại làm việc sau khi sinh con sẽ vĩnh viễn không được biên chế trở lại các đơn vị mũi nhọn, trọng điểm, kể cả khi con của họ đã lớn.
Khảo sát tại lực lượng cảnh sát Mỹ và các nước châu Âu cho thấy, chỉ có 80% số sỹ quan cảnh sát nữ vượt qua được kỳ kiểm tra sức khỏe bắt buộc hằng năm và chỉ 10% số nữ sỹ quan đạt kết quả xuất sắc.
Nữ cảnh sát Việt Nam
Như vậy, có thể thấy đã có nhiều bước phát triển nhưng để đạt được sự bình quyền giữa nam và nữ trong một ngành nghề đặc thù như lực lượng cảnh sát thì rất cần những kế hoạch và chiến lược quan trọng của những người hoạch định, thực thi chính sách, sự lên tiếng của toàn xã hội và những người quản lý trong lực lượng.
Đồng thời, bản thân các nữ cảnh sát cũng cần tự nâng cao vai trò tự giác, chủ động trong rèn luyện, phấn đấu vươn lên về mọi mặt để tự khẳng định vị thế và vai trò của mình, đấu tranh để giữ vững quyền bình đẳng, có đóng góp tích cực và không ngừng trong công tác chung của lực lượng cảnh sát góp phần vào sự thành công của công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các nước.
Hoàng Đoàn
Nguồn: Cảnh sát toàn cầu