Theo nghĩa thông thường, khái niệm phương pháp được hiểu là cách thức, con đường mà chủ thể dùng để tác động vào đối tượng nhằm đạt mục đích nhất định. Còn theo nghĩa khoa học, phương pháp là hệ thống những nguyên tắc được rút ra từ tri thức về đối tượng, về thế giới khách quan.
Phương pháp có vai trò rất quan trọng trong hoạt động nhận
thức của con người. Về phương diện này, nhà triết học Anh Phranxi Bêcơn, đã ví
phương pháp như là “chiếc đèn soi đường cho khách lữ hành trong đêm tối”. Nhà triết học Pháp Rêne Đềcáctơ viết: “Nếu chỉ có lý
tính tốt thì chưa đủ, mà chủ yếu là phải áp dụng nó tốt. Một linh hồn vĩ đại nhất
có thể đem lại những điều nhảm nhí nhất, nhưng cũng có thể đem lại những điều tốt
lành nhất, và những người nào, dù đi rất chậm, nhưng nếu anh ta đi đường thẳng,
vẫn có thể vượt xa so với những ai mặc dù chạy nhưng lại không đi theo con đường
thẳng đó”. Đặc biệt hơn, Hê ghen, nhà triết học vĩ đại người Đức
đã coi: “Phương pháp là linh hồn của nội dung đang vận động”. Không chỉ dắt dẫn
hoạt động nhận thức của con người, phương pháp còn có ý nghĩa quan trọng trong
các hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng
định: “Phong trào cách mạng có khi dậm chân tại chỗ, không phải vì thiếu một phương
hướng và mục tiêu rõ ràng, mà chủ yếu vì thiếu
một phương pháp cách mạng thích hợp”.
Việc sử dụng phương pháp như thế nào phụ thuộc vào nhiều
yếu tố. Tùy thuộc vào đối tượng mà chủ thể sử dụng những phương pháp khác nhau,
điều đó cũng đồng nghĩa với việc không thể chỉ sử dụng một phương pháp cho nhiều
đối tượng khác nhau. Ví dụ: Điều tra viên sử dụng các phương pháp khác nhau khi
hỏi cung các trường hợp: bị can thành thật khai báo, bị can khai báo gian dối
và bị can từ chối khai báo. Trong nhà trường phổ thông, người giáo viên chủ nhiệm
khi giáo dục học sinh cá biệt sẽ sử dụng phương pháp khác với khi giáo dục những
học sinh bình thường.
Không chỉ phụ thuộc vào đối tượng, việc sử dụng phương
pháp như thế nào còn do điều kiện khách quan, cơ sở vật chất, công cụ, phương
tiện quy định. Đồng thời khi tác động vào một đối tượng cụ thể có thể sử dụng
nhiều phương pháp khác nhau và do đó, chủ thể cần lựa chọn phương pháp thích hợp
nhất để mang lại hiệu quả tối ưu.
Trong giáo dục, phương pháp dạy học chịu sự quy định của
mục đích, nội dung giáo dục và đối tượng người học, đồng thời nó còn chịu sự
tác động mạnh mẽ bởi sự phát triển của khoa học và công nghệ. Khi khoa học và
công nghệ có những phát minh vạch thời đại thì việc sử dụng phương pháp dạy học
cũng phải thay đổi theo.
Hiện nay, nhân loại đang ở cuộc cách mạng 4.0 mà theo dự
báo của các chuyên gia, cuộc cách mạng này sẽ có tác động lớn đến mọi ngành, mọi
lĩnh vực, kể cả giáo dục và đào tạo. Việc xuất hiện và sử dụng các phương tiện
hiện đại buộc người giáo viên nói chung, người giáo viên Công an nhân dân nói
riêng phải thay đổi và điều chỉnh phương pháp dạy học cho phù hợp.
Trong thời gian qua, việc sử dụng phương tiện và phương
pháp dạy học hiện đại của đội ngũ giáo viên Công an nhân dân đã diễn ra theo những
chiều hướng khác nhau.
Ở một số giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ đã tăng
cường sử dụng các phương tiện hiện đại vào giảng dạy, khai thác các thông tin,
hình ảnh trên internet đưa vào bài giảng, làm cho bài giảng sinh động, hấp dẫn
hơn, giúp cho người học dễ dàng hình dung hơn lý thuyết và ghi nhớ sâu hơn, dễ
hiểu bài hơn.
Tuy nhiên, trong số này cũng có giáo viên đã lạm dụng các
phương tiện hiện đại trong giảng dạy, biểu hiện ở chỗ đã trình chiếu nội dung
bài học lên màn chiếu để người học chép lại, thậm chí có giáo viên bị lệ thuộc
vào máy móc và công nghệ hiện đại, tỏ ra lúng túng khi có sự cố không thể sử dụng
được máy móc và phương tiện trợ giúp. Việc sử dụng thái quá các phương tiện hiện
đại mà thiếu đi lời nói của giáo viên cũng dễ thiếu đi tính hấp dẫn, làm cho
người học không thấy được cái mạch, cái logic trong tư duy của người thầy.
Chúng ta biết rằng, trong dạy học thì lời nói của người
thầy là vô cùng quan trọng. Để người học hiểu được nội dung bài học đòi hỏi người
thầy phải sử dụng tổng hợp các phương pháp: thuyết trình, phân tích, diễn giảng,
đàm thoại, liên hệ so sánh...
Phương tiện hiện đại là công cụ hỗ trợ rất đắc lực trong
dạy học, song nếu lạm dụng điều này sẽ dễ làm nghèo nàn hóa tri thức của người
giáo viên. Bởi, bài giảng của người thầy là sự chắt chiu, chắt lọc, thâu thái
những kinh nghiệm, tri thức mà nhân loại đã tích lũy được trong từng lĩnh vực,
đòi hỏi khi giảng dạy, người thầy phải có sự chủ động trong việc tổ chức quá
trình tiếp nhận và phát hiện tri thức ở người học.
Một số giáo viên đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học,
bên cạnh các phương pháp dạy học truyền thống đã sử dụng các phương pháp dạy học
nêu vấn đề, thảo luận nhóm... Song nếu lạm dụng và sử dụng không đúng những
phương pháp này sẽ dẫn đến tình trạng là có giáo viên chỉ nêu câu hỏi, yêu cầu
học viên tự nghiên cứu và trình bày, thiếu đi sự hướng dẫn, gợi mở, phân tích,
giảng giải cần thiết của giáo viên cho những vấn đề mà nếu không có sự diễn giảng,
phân tích của người thầy thì người học sẽ rất khó nắm bắt. Quan trọng hơn là
làm cho người học không tiếp nhận được khối lượng kiến thức cần thiết từ người
thầy trong mỗi bài học và qua từng môn học để áp dụng vào công tác thực tiễn
sau khi tốt nghiệp.
Cũng có một số giáo viên ít hoặc hầu như thường không sử
dụng phương tiện dạy học hiện đại, thường là rơi vào các trường hợp giáo viên
lâu năm, tích lũy được nhiều tri thức, thậm chí nhiều người có kiến thức uyên
bác, có tính chủ động trong giảng dạy, bài giảng của họ thường có tính logic
cao và sâu sắc, rộng mở về nội dung, nhưng kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin
có phần hạn chế. Điều này cho thấy sự thiếu thích ứng với sự phát triển của
công nghệ và phương tiện hiện đại. Và đồng thời họ vẫn thường sử dụng phương
pháp thuyết trình là chủ yếu, ít sử dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề, thảo
luận nhóm và các phương pháp dạy học hiện đại khác, cũng không chú ý nhiều đến
sự gợi mở tư duy chủ động của người học. Đây là sự truyền thụ tri thức mang
tính một chiều, người học có sự thụ động trong việc tiếp nhận tri thức từ người
thầy.
Nếu sử dụng thái quá phương pháp thuyết trình, độc thoại
sẽ mang tính truyền thụ kiến thức một chiều, dễ gây nhàm chán nếu nội dung bài
giảng không có tính mới và không sinh động, không hoặc ít có sự tương tác với
người học.
Điều không mới là trong dạy học người giáo viên muốn sử dụng
phương pháp gì là phải phụ thuộc trước hết vào nội dung giảng dạy. Điều đó đòi
hỏi sự linh hoạt và nhuần nhuyễn nội dung bài giảng của người giáo viên - yếu tố
được coi là giữ vai trò quyết định chất lượng giáo dục.
C.Mác đã nói: “Ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy”.
Và như vậy có lẽ là cho dù khoa học và công nghệ phát triển như thế nào đi
chăng nữa thì cũng không thể thay thế được hoàn toàn vai trò của người giáo
viên. Bởi dạy học không phải chỉ là việc tổ chức quá trình nhận thức, hình
thành kỹ năng, phát triển tư duy mà còn truyền thụ niềm tin, sự cảm hứng và niềm
say mê học tập, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm, phát hiện tri thức mới của người
học, không thể thay thế được lời nói chứa đựng tri thức sâu, rộng và một phương pháp phát huy tính sáng tạo của người thầy đối với
người học.
Trong thời đại cách mạng 4.0 người giáo viên Công an nhân
dân không thể không biết sử dụng các phương tiện hiện đại trong dạy học, cũng
đòi hỏi mỗi người giáo viên Công an nhân dân phải không ngừng nỗ lực học tập,
trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt kỹ thuật mới, thường xuyên đổi mới
phương pháp dạy học cho phù hợp với nội dung, đối tượng người học, điều kiện dạy
học và thời đại mới. Phải biến quá trình truyền thụ tri thức thành quá trình tổ
chức, phát hiện tri thức và phát triển tư duy chủ động, độc lập, sáng tạo ở người
học.
Đề xuất:
Một là, hiện nay các trường Công an nhân dân không giảng
dạy môn phương pháp dạy học các bộ môn nghiệp vụ chuyên ngành. Trong trường hợp
học viên tốt nghiệp các học viện, trường Công an nhân dân được phân công về làm
công tác giảng dạy sẽ được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm. Song nội dung bồi dưỡng
chỉ về lý luận và phương pháp dạy học nói chung chứ không đề cập tới phương
pháp dạy học đối với các bộ môn chuyên ngành cụ thể. Do đó các trường CAND mà
nhất là các học viện cần tổ chức nghiên cứu và bồi dưỡng về phương pháp dạy học
bộ môn chuyên ngành để giáo viên có thể sử dụng phù hợp các phương pháp dạy học
trong từng bài giảng nghiệp vụ.
Hai là, cũng cần tổ chức biên soạn tài liệu về thiết kế
bài giảng cho từng môn học, trong đó nêu rõ nội dung, phương pháp dạy học và
trang thiết bị, phương tiện để giáo viên tham khảo, sử dụng trong quá trình dạy
học./.
Đại úy, ThS. Nguyễn Đức Hòa
Phòng Công tác Đảng, CTCT và CTQC, Học viện CSND
Trích kỷ yếu Hội thảo “Cuộc cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân”