Ngày 24/5/2024, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý, phát hành, sử dụng Hóa đơn điện tử - Những vấn đề đặt ra trong công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong tình hình hiện nay”.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và các đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ trực thuộc Tổng cục Thuế, đại diện lãnh đạo cục thuế các địa phương; Đồng chí Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đại tá, ThS Nguyễn Quang Phương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an và đại diện lãnh đạo Phòng 1, Phòng 2 và Phòng 4 Cục Cảnh sát kinh tế; Đại tá, TS Đoàn Hồng Hiệu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng; đồng chí Lưu Văn Tuyển, Ủy viên HĐQ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; đồng chí La Thị Hồng Minh, Kế toán trưởng Ngân hàng Vietcombank; đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh, thành phố và cán bộ thực tiễn có bài viết, tham luận tại Hội thảo. Về phía Học viện CSND có Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện và đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Học viện.
Trong những năm qua, quá trình Chuyển đổi số quốc gia đang cho thấy những chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó phải nhắc đến vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, nhất là việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử, giúp ngành Thuế tạo bước đột phá mới trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế, thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu cho các cơ quan nhà nước khác, đặc biệt là cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý tội phạm.
Tuy nhiên, các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã và đang dần có sự “thích ứng” với việc sử dụng các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tình hình mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn vẫn đang có chiều hướng diễn biến ngày một phức tạp. Không chỉ vậy, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp còn là nguyên nhân dẫn đến sự phức tạp của tình hình về tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.
Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử - Những vấn đề đặt ra trong công tác phòng ngừa điều tra tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong tình hình hiện nay” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Đây là cơ hội quý giá để làm rõ về thực trạng; nguyên nhân, điều kiện của tội phạm; những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu liên quan đến hóa đơn điện tử, từ đó đề xuất kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả công tác của lực lượng Cảnh sát kinh tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung tham luận một số nội dung trọng tâm sau: hệ thống quy định pháp luật về quản lý hoá đơn điện tử; việc triển khai hệ thống dữ liệu hoá đơn điện tử và các giải pháp trong rà soát, đối chiếu phục vụ quản lý rủi ro hoá đơn; tình hình vi phạm pháp luật và kiến nghị nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về hoá đơn điện tử; về công tác phối hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về hoá đơn điện tử. Kinh nghiệm thực tế về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về hoá đơn, đặc biệt, thực tiễn cũng như kinh nghiệm điều tra, xử lý vi phạm về hoá đơn trong các vụ án tham nhũng, kinh tế cũng như các kiến nghị từ thực tiễn đến khắc phục, loại trừ tình trạng mua bán, sử dụng hoá đơn trái phép. Kinh nghiệm trong triển khai hệ thống hoá đơn điện tử tại doanh nghiệp, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp nhằm góp phần khắc phục, loại trừ tình trạng mua bán, sử dụng hoá đơn trái phép.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thiếu tướng Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện CSND gửi lời cảm ơn tới các đại biểu khách mời đã tham dự, và mang tới Hội thảo những bài tham luận sâu sắc, có giá trị thực tiễn và tham khảo cao. Những kiến nghị, giải pháp của các đại biểu sẽ được Ban Tổ chức ghi nhận, tổng hợp và phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan báo cáo, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền, từ đó góp phần vào việc tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong thời gian tới.