Qua thảo luận, các đại biểu tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, đáp ứng ngày càng cao hội nhập quốc tế. Đặc biệt, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân nhằm chiếm đoạt, mua bán trái phép diễn ra phức tạp trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, dữ liệu cá nhân bản chất là quyền nhân thân của mỗi cá nhân. Khi nào thì dữ liệu này được sử dụng phải được sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Quy định này liên quan đến Hiến pháp, do đó cần phải quy định bằng Luật của Quốc hội, trong tờ trình của Chính phủ cũng nêu nội dung này. Do đó, tôi đồng ý với chủ trương chúng ta ban hành luật, sớm thay thế Nghị định của Chính phủ.
Ông Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, qua nghiên cứu, dự thảo có kết cấu hợp lý. Trong đó, tôi đặc biệt quan tâm đến các nội dung rất quan trọng, chẳng hạn như: Về quyền và nghĩa vụ ở Chương 2, điều này sẽ giúp cho công dân hiểu rõ quyền kiểm soát thông tin cá nhân của họ. Đặc biệt, ở Chương 5 và Chương 6, cơ chế kiểm tra và xử lý vi phạm, việc xác định rõ cơ quan quản lý và cơ chế giám sát sẽ giúp Luật được thực thi một cách hiệu quả hơn khi được thông qua.
Đối với xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em từ 7 đến 15 tuổi cần có sự đồng ý của trẻ em và của người đại diện theo pháp luật. Góp ý vào Dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị, ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu kỹ, bảo đảm tính thống nhất với quy định trong Luật Trẻ em và Bộ Luật dân sự.
Ông Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, để đảm bảo tính thống nhất của Luật Trẻ em và Bộ luật Dân sự, tôi đề nghị chỉnh lý lại quy định nêu trên của Dự thảo luật theo hướng, việc xử lý dữ liệu cá nhân trẻ em phải được sự đồng ý của trẻ em và cha mẹ hoặc người giám hộ trong các trường hợp sau: Một, trẻ em từ 7- dưới 15 tuổi; hai – trẻ em từ 15 tuổi – dưới 16 tuổi. Đối với dữ liệu đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em. Đồng thời, chỉnh sửa kỹ thuật tại câu 2 để thống nhất với câu thứ nhất của Khoản này.
Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị,cần rà soát, bổ sung tờ trình để làm rõ hơn cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Bổ sung báo cáo đánh giá tác động, nhất là các chính sách mới, chính sách vượt trội liên quan đến Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật, bổ sung hồ sơ bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9.