Đại học 4.0
Thứ Năm, 20/2/2020 15:48'(GMT+7)

Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến xây dựng mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo

Lễ khánh thành Tòa nhà Ươm tạo tài năng và Hỗ trợ khởi nghiệp ĐHQGHN. Nguồn: VNU

Lễ khánh thành Tòa nhà Ươm tạo tài năng và Hỗ trợ khởi nghiệp ĐHQGHN. Nguồn: VNU

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với những công nghệ mới, làm thay đổi nền tảng sản xuất, phát sinh thêm nhiều ngành nghề mới,.. đang diễn ra một cách mạnh mẽ và có ảnh hưởng đến từng cá thể, doanh nghiệp và đặc biệt môi trường giáo dục đại học - nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nền công nghiệp 4.0. Mô hình đại học sáng tạo đang được hình thành và phát triển do nhu cầu đổi mới giáo dục đại học để đáp ứng nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức, mở rộng phương thức đào tạo mới. Nghiên cứu này phân tích tác động của cuộc CMCN 4.0 đến nguồn nhân lực Việt Nam và sự cần thiết xây dựng mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới, qua đó đưa ra một số giải pháp để góp phần xây dựng mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo tại Việt Nam để đáp ứng xu thế phát triển của CMCN 4.0.

1. TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 ĐẾN NGUỒN NHÂN LỰC VIỆT NAM

Thế giới đã trải qua ba cuộc CMCN và đang trong giai đoạn CMCN 4.0. Nếu như CMCN lần thứ nhất là cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước, thì CMCN lần thứ hai sử dụng động cơ điện và dây chuyền lắp đặt, sản xuất hàng loạt, tiếp đến là kỷ nguyên máy tính và tự động hóa trong CMCN lần thứ ba, và hiện nay là các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo của cuộc CMCN lần thứ tư. Có thể tóm lược lại, CMCN 4.0 là sự hội tụ của một loạt các công nghệ mới xuất hiện dựa trên nền tảng kết nối và công nghệ số và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Các công nghệ, lĩnh vực mới có thể kể đến như: Internet kết nối vạn vật (IoT); Cơ sở dữ liệu tập trung (Big data); Trí tuệ nhân tạo (AI); Năng lượng tái tạo/ Công nghệ sạch (Renewable energy/ Clean tech); Người máy (Robotics);

Công nghệ in 3D (3D printing); Vật liệu mới (graphene, skyrmions, bio-plastic,...); Blockchain; Kết nối thực ảo (Virtual/Augmented Reality); Thành phố thông minh (Smart cities); Công nghệ màng mỏng (Fintech); Các nền kinh tế chia sẻ (Shared economics); v.v...

Khác với các cuộc cách mạng trước đó, CMCN 4.0 có sự khác biệt rất lớn về tốc độ, phạm vi và sự tác động. Cuộc cách mạng này có tốc độ phát triển và lan truyền nhanh hơn rất nhiều so với trước đó. Phạm vi của CMCN 4.0 diễn ra rộng lớn, bao trùm trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ trong sản xuất chế tạo mà trong cả dịch vụ, trong đó có dịch vụ công.

CMCN 4.0 dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội, nhà nước, chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... Do đó, để duy trì lợi thế cạnh tranh và có thể bắt kịp các nước tiên tiến, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều đang tập trung phát triển và ứng dụng các thành tựu công nghệ của CMCN 4.0. Cuộc cách mạng lần này tạo cơ hội cho các nước đi sau, tuy nhiên cũng tạo ra nhiều thách thức đối với những nước đi chậm.

Bên cạnh những tác động to lớn mà CMCN 4.0 đem lại thì cũng có nhiều thách thức được đặt ra đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động và thị trường lao động. Hệ thống tự động hóa sẽ thay thế dần lao động thủ công trong toàn bộ nền kinh tế, sự chuyển dịch từ nhân công sang máy móc sẽ gia tăng sự chênh lệch giữa lợi nhuận trên vốn và lợi nhuận với sức lao động, điều này sẽ tác động đến thu nhập của lao động giản đơn và gia tăng thất nghiệp. Số lượng công việc cần lao động chất lượng cao ngày càng gia tăng, phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt: thị trường kỹ năng cao, thị trường kỹ năng thấp và dẫn đến gia tăng sự phân hóa, hoặc tạo ra nhu cầu việc làm hoàn toàn mới so với trước đây, do vậy cần có sự chủ động chuẩn bị trong việc đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường.

Theo Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố tháng 4/2018, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ  xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực. So sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về chỉ số nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines và chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia.

Trong CMCN 4.0 lần này, cơ hội dành cho tất cả mọi người là như nhau. Ai có năng lực, có trình độ chuyên môn tốt, có kỹ năng và có thể tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, người đó sẽ thành công. Đối với các trường đại học, CMCN 4.0 đòi hỏi phải đào tạo ra nguồn nhân lực có các kỹ năng mới và trình độ giáo dục cao hơn so với những thập kỷ trước, bởi thị trường đòi hỏi lao động có trình độ giáo dục và đào tạo cao hơn. Thực tế hiện nay, giáo dục đại học về tổng thể vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng. CMCN 4.0 với những công nghệ mới, làm thay đổi nền tảng sản xuất, phát sinh thêm nhiều ngành nghề mới, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới về năng lực nhân sự. Đây là một thách thức lớn đối với giáo dục đại học Việt Nam. Vì vậy, các trường đại học ở Việt Nam cần phải nhận thức được những thách thức này, từ đó, có chiến lược phù hợp cho việc phát triển khoa học, công nghệ, thay đổi phương thức đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất để đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao trong thời kỳ kỹ thuật số.

2. MÔ HÌNH ĐẠI HỌC ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Theo các chuyên gia, mô hình đại học sáng tạo ra đời tại Phần Lan, sau đó được nhân rộng ra các nước Mỹ, Anh và châu Âu. Nó xuất phát từ sự hợp tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp trong việc gắn liền nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất. Đại học sáng tạo được hình thành và phát triển do nhu cầu đổi mới giáo dục đại học để đáp ứng nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức, mở rộng phương thức đào tạo mới.

Một nhóm nghiên cứu gồm các hiệu trưởng, giáo sư đầu ngành và lãnh đạo các công ty Phần Lan đã liên kết những trường đại học hàng đầu trên thế giới để xây dựng hình mẫu cho đại học sáng tạo. Ngay cả Ấn Độ cũng định hướng giai đoạn 2010-2020 là “thập kỷ đổi mới sáng tạo quốc gia” và tháng 4/2017, Chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch thành lập 14 trường đại học sáng tạo. Hiện nay, Dự án đại học sáng tạo đang được nhiều nước quan tâm và triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo quốc gia trong cải tổ hệ thống giáo dục đại học. Với giáo dục hiện tại, dường như chỉ có các đại học tinh hoa (nghiên cứu) mới đáp ứng một phần nhân lực cho nền kinh tế tri thức và sáng tạo. Để gia tăng nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng phát triển tri thức và sáng tạo, giáo dục đại học đương đại cần chuyển từ giáo dục đại học cho đại chúng thành giáo dục đại học sáng tạo cho đại chúng.

Mô hình này là một khái niệm còn khá mới mẻ trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, với sự thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế xã hội, việc áp dụng mô hình này vào chương trình đào tạo ở bậc đại học của nước ta là cần thiết. Mô hình đại học sáng tạo nhằm đổi mới và tăng trưởng giáo dục đại học Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý; tăng khả năng gắn kết với doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư, hình thành các liên kết giữa đại học và doanh nghiệp; tăng cường hội nhập quốc tế để ngành giáo dục Việt Nam nhanh chóng đạt chuẩn khu vực và quốc tế trong đào tạo. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra một cách mạnh mẽ và có ảnh hưởng đến từng cá thể, doanh nghiệp và đặc biệt môi trường giáo dục đại học - nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nền công nghiệp 4.0. Trong tương lai không xa, khi ASEAN trở thành thị trường không biên giới, luồng lao động tự do di chuyển từ các quốc gia Đông Nam Á khác đến Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn hơn về nguồn nhân lực nhưng nhân lực Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Khi đó, bản thân các trường đại học và những quyết sách về đào tạo sẽ không thực thi được sứ mệnh phục vụ xã hội của mình. Thậm chí, thiếu động lực đổi mới sáng tạo, các trường đại học có nguy cơ bị mua lại, thâu tóm sáp nhập một khi thị trường giáo dục có những độ mở nhất định. Đó là câu chuyện của chiến lược tồn tại của các trường đại học trong một hai năm tới, bởi lẽ là một cấu phần của nền kinh tế, trường đại học cũng không tránh khỏi áp lực cạnh tranh.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức - Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận từ những thay đổi của nền công nghiệp 4.0 và yêu cầu phát triển của nền kinh tế hiện nay, các trường đại học đang có xu hướng phát triển thành trường đại học thông minh theo định hướng đổi mới sáng tạo. Ngoài yếu tố thông minh, yếu tố đổi mới sáng tạo được thể hiện qua 7 đặc trưng:

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục không chỉ dừng lại ở việc đào tạo truyền thống mà đào tạo phải theo định hướng khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp phải được thấm sâu trong hệ thống ngành nghề đào tạo mới.

Thứ hai, việc nghiên cứu không chỉ dừng lại ở bài báo, sách vở mà cần tập trung vào các vấn đề nghiên cứu khoa học với các sản phẩm mang tính ứng dụng thực tế.

Thứ ba, khởi nghiệp cần phải dựa trên việc đổi mới sáng tạo với những công nghệ mới để tương thích với nền kinh tế tri thức có tính cạnh tranh cao.

Thứ 4, giá trị quản lý cốt lõi mạnh mẽ tập trung trong việc thích ứng các nhu cầu đa dạng. Đây chính là nền tảng vững chắc để triển khai mô hình đại học mới.

Thứ năm, nhà trường cần phải tạo ra hệ sinh thái. Trong đó, mối quan hệ giữa nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường có mối quan hệ khăng khít hỗ trợ nhau trong sự phát triển chung.

Thứ sáu, chính là mức độ quốc tế hóa, không chỉ dừng lại ở việc trường có bao nhiêu sinh viên - giảng viên quốc tế mà còn phải mở rộng ra hợp tác nghiên cứu với ai? Sở hữu trí tuệ chia sẻ với ai? Và các sản phẩm có ra thị trường quốc tế không?...

Thứ bảy, liên quan đến trách nhiệm xã hội và phục vụ cộng đồng. Bên cạnh việc chuyển giao tri thức để làm cho doanh nghiệp phát triển, xã hội phát triển, vùng miền phát triển, các trường đại học cần phải vốn hóa tri thức, phải tạo ra được tài chính trong khuôn viên trường. Tạo điều kiện làm sao để quyền lợi nhà trường và quyền lợi xã hội được phát triển một cách hài hòa.

Tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp ngày nay. Nó không chỉ cần khi người ta bắt đầu mở ra một doanh nghiệp mới, mà còn cần thiết trong suốt quá trình hoạt động của mọi doanh nghiệp, vì nó giúp họ đổi mới không ngừng để thích ứng với bối cảnh và tạo ra thế mạnh cạnh tranh. Vì vậy, nó cần được gieo trồng, vun đắp trong quá trình đào tạo ở đại học. Truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên và trang bị cho họ những kiến thức kỹ năng cần cho hoạt động khởi nghiệp, chính là nhà trường đang tạo ra những người chủ doanh nghiệp thành công trong tương lai.

Hơn thế nữa, trường đại học còn có thể đóng một vai trò tích cực trong việc tạo ra môi trường khích lệ khởi nghiệp trong xã hội, thông qua kết nối với giới doanh nghiệp và giới làm chính sách và tham gia vào những dự án nhằm cải thiện môi trường khởi nghiệp. Đó chính là cách tăng cường sứ mạng thứ ba của nhà trường, gắn kết nhà trường với xã hội nhằm tái định hình trường đại học và khẳng định tầm quan trọng của nó.

3. GIẢI PHÁP XÂY DỰNG MÔ HÌNH ĐẠI HỌC ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TẠI VIỆT NAM ĐÁP ỨNG XU THẾ PHÁT TRIỂN CỦA CMCN 4.0

Có thể nói, việc phát triển mô hình trường đại học đổi mới sáng tạo đang là một xu thế quốc tế nhận được nhiều sự quan tâm. Trường đại học, một chủ thể quan trọng của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sẽ phát huy được mạnh mẽ thế mạnh và thực thi sứ mệnh của mình hiệu quả khi ở tầm vĩ mô, các nhà quản lý nhìn nhận ra vấn đề đổi mới sáng tạo và cơ chế chính sách cho đổi mới sáng tạo ở trường đại học là nhân tố sống còn cho phát triển một xã hội đổi mới sáng tạo và chủ động sáng tạo giá trị. Khi đó, bản thân các trường chủ động nâng cao nội lực thông qua quyết tâm thay đổi, đặt đổi mới sáng tạo vào nhiệm vụ trọng tâm để tự đổi mới chính mình và xác định kỳ vọng đầu ra một cách rõ ràng, minh bạch, bằng chiến lược hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả với khu vực tư nhân và thị trường.

Để tạo ra sự thay đổi này, các trường đại học sẽ cần phải nhấn mạnh trọng tâm đào tạo của mình, không chỉ là kiến thức hàn lâm, mà là kỹ năng giao tiếp và thương lượng, kỹ năng xây dựng nhóm, sử dụng con người; kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng xử lý khủng hoảng, kỹ năng lãnh đạo và tư duy chiến lược; kể cả những kỹ năng cụ thể như lập kế hoạch tài chính và quản lý dòng tiền, sáng tạo giá trị mới và quản lý quan hệ khách hàng. Thay cho cách dạy lý thuyết, các trường cần chuyển sang dạy học thông qua trải nghiệm, mục đích là để giúp người học hiểu cách tư duy của những người khởi nghiệp và có khả năng lựa chọn những quyết định tốt nhất trong một bối cảnh cụ thể.

Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả đề xuất các giải pháp như sau:

Một là, thiết kế lại chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao các kỹ năng mềm cho sinh viên

Đánh giá một cách khách quan cho thấy, hệ thống đào tạo của nước ta còn tồn tại nhiều bất cập, cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo, phương thức đào tạo vẫn theo kiểu cũ, thiếu tính tương tác, sự gắn kết với thực tiễn, học không đi đôi với hành, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của xã hội đặc biệt trong xu thế phát triển của CMCN 4.0. Do đó, cần sớm đổi mới chương trình, nội dung đào tạo đại học theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực và phù hợp. Cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo, ưu tiên cho các ngành khoa học kỹ thuật, đào tạo hướng nghiệp gắn với việc làm và theo nhu cầu của xã hội. Việc đào tạo cũng cần tiếp cận theo hướng đa ngành thay vì chuyên ngành như trước đây, đồng thời tăng cường sự phản biện của người học. Quản trị đại học cũng cần có sự thay đổi, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.

Đặc biệt, trong thời kỳ kỹ thuật số như hiện nay, các trường đại học cũng cần nghiên cứu, bổ sung thêm các chuyên ngành đào tạo các nghề về ICT, Blockchain, Trí tuệ nhân tạo (AI) để đáp ứng về nhu cầu nhân lực trong CMCN 4.0.

Ngoài ra, một thực tế nữa cho thấy, lao động của Việt Nam vẫn hạn chế trong việc sở hữu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng công nghệ thông tin và khả năng sáng tạo. Nhiều lao động dù đã qua đào tạo, nhưng khi làm việc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khiến người sử dụng lao động mất thời gian đào tạo lại. Do đó, một giải pháp đưa ra đó là cần trang bị các kỹ năng mềm cho sinh viên ngay từ trong nhà trường, bằng cách đưa kỹ năng mềm vào trong chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra cho sinh viên. Không những thế cần khuyến khích và đẩy mạnh việc tự học của sinh viên, tăng cường việc dạy thực tiễn từ các chuyên gia, doanh nhân... không chỉ 100% kiến thức là giáo viên giảng dạy.

Hai là, tạo mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp

Mô hình sinh viên được vừa học, vừa làm trong môi trường thực tế sẽ có hiệu quả cao trong kỷ nguyên số 4.0. Tuy nhiên, hiện rất ít công ty có chiến lược nuôi dưỡng nguồn nhân lực ngay từ năm thứ 2, thứ 3 và có kế hoạch cho sinh viên vào làm linh hoạt. Và ngược lại, các trường cũng chỉ tập trung vào công tác đào tạo chứ chưa quan tâm nhiều đến việc hợp tác với doanh nghiệp. Giữa các doanh nghiệp với các trường đại học cũng như các cơ sở đào tạo thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ, doanh nghiệp phải là nơi đặt hàng cho các trường đại học về nhu cầu nhân lực, tuy nhiên, vấn đề này ở Việt Nam chưa được thực hiện tốt, dẫn đến trường hợp nhân lực vừa thừa nhưng lại vừa thiếu. Do đó, cần tập trung gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thông qua các mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường. Ngoài ra, có thể đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung, từ đó hai bên cùng chủ động nắm bắt và đón đầu các nhu cầu của thị trường lao động.

Ba là, nâng cao chất lượng của các vươn ươm công nghệ

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về công nghệ, tạo hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình hoạt động và phát triển của các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; ưu tiên tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có công trình khoa học - công nghệ xuất sắc.

Bốn là, đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với dạy nghề theo nhu cầu của thị trường và yêu cầu cụ thể của người sử dụng lao động

Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn về kỹ năng tối thiểu cần có của các loại nghề nghiệp theo yêu cầu của người sử dụng lao động; trên cơ sở đó, khuyến khích và tạo điều kiện để các hội, hiệp hội nghề nghiệp tự xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp áp dụng cho các thành viên theo hướng áp dụng bộ chuẩn nghề nghiệp ở mức trung bình trong khu vực; hướng dẫn các trường, trung tâm và tổ chức dạy nghề xây dựng các chương trình và cách thức đào tạo đáp ứng các yêu cầu nói trên.

Thực hiện đấu thầu hoặc chỉ định thầu cung cấp dịch vụ đào tạo lao động trong các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động; khuyến khích, tạo thuận lợi để doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo thực hiện hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động của doanh nghiệp.

Thực hiện hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các trường, tổ chức đào tạo nghề theo kết quả đầu ra, như số học viên được đào tạo theo nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp, số học viên tốt nghiệp đạt chuẩn nghề theo mức trung bình của khu vực, số học viên tốt nghiệp có được việc làm trong 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp, v.v...

Khuyến khích doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn, tự đào tạo lao động phục vụ nhu cầu của bản thân, của các doanh nghiệp bạn hàng, đối tác và các doanh nghiệp có liên quan khác./.

 

 

_____________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội nghị đối thoại giáo dục toàn cầu, 16,17 tháng 6/2016, tại TP. Hồ Chí Minh.

2. Hội thảo “Hệ sinh thái đại học đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”, ngày 30/11/2017, Đại học Nguyễn Tất Thành, Tp. Hồ Chí Minh.

3. Xây dựng đại học định hướng đổi mới sáng tạo, https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N20875/Xay-dung-dai-hoc-dinh-huong-doi- moi-sang-tao.htm

4. Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và liên hệ với Việt Nam, http://nistpass.gov.vn:81/tin-chien-luoc- chinh-sach/ 1241-lien-ket-giua-truong-dai-hoc-va-doanh-nghiep- kinh-nghiem-quoc-te-va-lien-he-voi-viet-nam.html

5. Vai trò của trường đại học trong xây dựng môi trường sáng tạo khởi nghiệp, http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/vai-tro-cua-truong-dai-hoc-trong-xay-dung-moi-truong-sang-tao-khoi- nghiep-9770

6. Tác động Cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, 2018.

7. Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố tháng 4/2018.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất