Cách mạng 4.0 cũng như những cuộc cách mạng trước đó đã tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội với những mức độ và chiều hướng khác nhau. Giáo dục đại học là một trong những ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của cuộc cách mạng 4.0 vì sản phẩm của đào tạo phải đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động đang có sự thay đổi nhanh chóng. Bài viết này đề cập đến một số tác động của cuộc cách mạng 4.0 tới hoạt động giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay.
1. Khái quát về cuộc cách mạng 4.0
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) bắt đầu xuất hiện từ thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Cuộc cách mạng 4.0 là sự gắn kết giữa các nền công nghệ, làm xóa đi ranh giới giữa thế giới vật thể, thế giới số hóa và thế giới sinh học. Đó là các công nghệ internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, người máy, xe tự lái, in ba chiều, máy tính siêu thông minh, công xưởng thông minh, công nghệ nano, công nghệ sinh học… Đây là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ khác nhau với nền tảng là các đột phá của công nghệ số. Trung tâm củacuộc cách mạng 4.0là công nghệ thông tin và internet kết nối vạn vật (IoT), không chỉ giúp con người giao tiếp với con người, mà còn là con người giao tiếp với máy, con người giao tiếp với đồ vật và đồ vật giao tiếp với nhau.
Cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất và tiêu dùng nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Nền sản xuất “tự động” đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ 3 sẽ sớm chuyển sang nền sản xuất “thông minh”, trong đó các máy móc được kết nối internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự vận hành toàn bộ quá trình sản xuất theo một kế hoạch đã được xác lập từ trước.
Làn sóng công nghệ mới với sản xuất thông minh sẽ giúp công nghệ phát triển và kéo theo năng suất tăng cao. Nhưng để có thể áp dụng được “sản xuất thông minh” vào thực tiễn thì không thể thiếu một nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Giáo dục là cần phải có định hướng cụ thể để thích ứng với thời cuộc, để đào tạo ra nguồn nhân lực tốt, đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của thị trường lao động. Bởi, nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là yếu tố quyết định cho sự phát triển.
2. Lực lượng lao động trước đòi hỏi của cuộc cách mạng 4.0
Theo Báo cáo phân tích môi trường kinh doanh (Doing Business Report) của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016, Việt Nam xếp thứ 90 trong 189 nước tham gia xếp hạng. Với sự tác động của cách mạng 4.0, các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi lợi thế cạnh tranh. Dự báo, từ năm 2020 trở đi, chúng ta không cạnh tranh với các quốc gia như Trung Quốc, Bănglađét, Malaixia, Ấn Độ hay Mêxicô, mà là cạnh tranh với những công ty tự động hóa của Mỹ hay Nhật Bản.
Trong lịch sử, các cuộc cách mạng công nghiệp đều đi kèm với những hệ lụy như bất công gia tăng kéo theo hàng loạt những chuyển dịch lớn về chính trị cũng như thể chế. Diễn đàn kinh tế thế giới đã rung một hồi chuông cảnh báo người lao động và chính phủ các nước cần chuẩn bị cho việc nguồn lực lao động sẽ có những dịch chuyển đột ngột, khiến cho người lao động đối diện nguy cơ mất việc làm. Có khoảng 47% các công việc hiện tại ở Mỹ có thể biến mất vì tự động hóa, dẫn đến nguy cơ phá vỡ thị trường lao động và gia tăng căng thẳng về việc làm.
Nhìn vào một ngành cụ thể như ngành Dệt may, đã xuất hiện rô-bốt làm việc cùng con người trong các nhà máy. Điều đó còn chưa dừng lại. Theo ILO, 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành Dệt may và Da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa, trong đó 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Inđônêxia trong ngành May mặc, Da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa trong ngành. Hay như hệ thống tổng đài (Call Center) trả lời trong ngành Viễn thông, Ngân hàng, Bảo hiểm, Chứng khoán cũng bị đe dọa, khi mà hàng trăm nghìn người đang làm việc cho các “call center” trên khắp thế giới có thể mất việc.
Cùng với sự ảnh hưởng của công nghệ, việc gia tăng tầng lớp trung lưu và quá trình đô thị hóa ở các thị trường mới nổi cũng sẽ ảnh hưởng đến xu hướng việc làm. Nhu cầu lao động có tay nghề cao gia tăng trong khi nhu cầu đối với lao động có tay nghề và kỹ năng thấp đã giảm. Điều đó có lợi cho tầng lớp giàu hơn là nghèo và dẫn đến tình trạng bất bình đẳng lớn hơn. Diễn đàn Kinh tế Davos năm ngoái đã dự đoán, cách mạng 4.0 diễn ra sẽ khiến 7 triệu việc làm trước đây biến mất và 2.000.000 việc làm mới được tạo ra.
Với khoảng 60% dân số trong độ tuổi lao động, Việt Nam còn ở thời kỳ dân số vàng trong ít nhất 20 năm nữa. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực có sự thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ tay nghề cao và công nhân kỹ thuật lành nghề khiến cho chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73/133 nước (WB, 2014). Hiện có khoảng 52% dân số Việt Nam sử dụng internet, dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 1000.000 lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là những nền tảng và lợi thế rất quan trọng mà nhiều tập đoàn công nghệ cao như Fujitsu, Intel, Samsung, Siemens, Acatel... đang tranh thủ để mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập trong một năm, bình quân một giờ đồng hồ có 12 doanh nghiệp mới ra đời. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 có hơn 1.000.000 doanh nghiệp, hỗ trợ khoảng 600 doanh nghiệp, với 2.000 dự án trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo để thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ mới. Đồng thời, việc đàm phán hoặc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hy vọng đem lại những cơ hội việc làm mới. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn dựa nhiều vào các ngành thâm dụng lao động giá rẻ.
Nhà vật lý, vũ trụ học Stephen Hawking gần đây đã có phát ngôn chấn động khi dự đoán về tác động khủng khiếp của công nghệ rô-bốt trong tương lai: “Loài người đang đối diện với khả năng diệt vong trong 1.000 năm nữa, nếu không phải vì chiến tranh hạt nhân, thì cũng vì công nghệ rô bốt phát triển”. Mới đây, Elon Musk tuyên bố thành lập một công ty chuyên nghiên cứu cách liên kết bộ não con người với trí tuệ nhân tạo của máy tính. Viễn cảnh các nhà máy thông minh, trong đó các máy móc được kết nối internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định có lẽ sẽ không còn xa xôi nữa.
Thách thức lớn nhất của mỗi cá nhân là vượt qua chính mình, vượt qua tâm lý tư duy phát triển tự hài lòng của người tiểu nông, không dám chấp nhận mạo hiểm để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cần chủ động đưa tư duy của mình thoát khỏi lối mòn với những ý tưởng, những hệ thống thậm chí chưa bao giờ nghĩ tới. Xét đến cùng, nếu không muốn bị lệ thuộc vào những quốc gia đi trước thì mỗi cá nhân, doanh nghiệp hay rộng hơn là đất nước, đều cần phải liên tục đổi mới để sinh tồn.
Cách mạng 4.0 trong đó cách mạng năng lượng, cách mạng ICT và trí tuệ nhân tạo cùng công nghệ in 3D đang tạo ra môi trường kinh doanh mới mẻ. Nơi mà tài năng, tri thức sẽ đại diện cho yếu tố quan trọng của sản xuất, hơn là yếu tố vốn. Đồng thời, tạo cơ hội phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt và có thu nhập cao trong xã hội.
Lực lượng lao động của nước ta hiện nay không thiếu về số lượng nhưng lại thiếu về kiến thức chuyên môn, yếu về kỹ năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo và giao tiếp dẫn đến năng suất lao động thấp (chỉ bằng 4,4% Singapore; bằng 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia). Với thực trạng như vậy, lợi thế về chi phí nhân công thấp tại Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước thực tế trình độ lao động như vậy, cùng với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mối lo này càng trở nên lớn hơn. Một số báo cáo về thị trường lao động đánh giá cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp (lực lượng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất) mà ngay cả các lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị kiến thức mới, chủ yếu là kỹ năng sáng tạo. Một số nghề như lái xe, lắp ráp điện tử, rô bốt cũng sẽ dần thay thế. Thách thức ở đây chính là, nếu muốn ứng dụng được công nghệ 4.0, con người phải có trí tuệ mới tham gia được quá trình sản xuất, bản thân mỗi con người trong đó phải có sự sáng tạo.
Do đó, để phát huy được sự sáng tạo của mỗi lao động, không còn cách nào khác là phải cải cách, thay đổi ngay từ khâu đào tạo.
3. Tác động của cuộc cách mạng 4.0 tới giáo dục của Việt Nam
Trước những đòi hỏi của thị trường lao động ngày càng cao để phù hợp với môi trường sản xuất mới, các hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo càng phải được gắn kết với doanh nghiệp nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo, nghiên cứu và triển khai. Đẩy mạnh phát triển đào tạo tại doanh nghiệp, phát triển các trường trong doanh nghiệp để đào tạo nhân lực phù hợp với công nghệ và tổ chức của doanh nghiệp. Tăng cường việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp, trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo và thực tập tại doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 tới giáo dục là rất lớn, vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức ngày càng nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục. Cơ hội và thách thức đối với các cơ sở giáo dục trước sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 luôn có sự đan xen lẫn nhau. Cụ thể là:
Thứ nhất, tạo ra nhu cầu đào tạo cao cho các cơ sở giáo dục. Trong mọi lĩnh vực ngành nghề, những bước đi có tính đột phá về công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, robot, mạng internet, phương tiện độc lập, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử sẽ còn tác động mạnh mẽ hơn tới đời sống xã hội. Trong cuộc cách mạng 4.0, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động rất mạnh và toàn diện, danh mục nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì các ranh giới giữa các lĩnh vực rất mỏng manh. Theo đó, sẽ là sự liên kết giữa các lĩnh vực lý - sinh; cơ - điện tử - sinh, từ đó hàng loạt nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay vào đó là cơ hội cho sự phát triển của những ngành nghề đào tạo mới, đặc biệt là sự liên quan đến sự tương tác giữa con người và máy móc. Thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động có trình độ thấp và nhóm lao động có trình độ cao. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp, mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không được trang bị kiến thức mới - kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0. Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tạo ra cơ hội đào tạo những người mới chưa qua đào tạo, còn đòi hỏi ngay cả những người đã đi làm, từ công nhân đến kỹ sư đều phải thay đổi, cập nhật về kiến thức, kỹ năng ở mức độ cao hơn. Theo mục tiêu của Chính phủ, năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 1.000.000 doanh nghiệp, tức là cũng cần một triệu cán bộ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới có 300.000 cán bộ công nghệ thông tin, nên chỉ riêng nhu cầu đào tạo mới của ngành này để cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động làm chủ công nghệ thông tin đã là cơ hội lớn cho các trường đào tạo.
Thứ hai, làm thay đổi mọi hoạt động trong các cơ sở đào tạo. Để đáp ứng đủ nhân lực cho nền kinh tế sáng tạo, đòi hỏi phải thay đổi các hoạt động đào tạo, nhất là ngành nghề đào tạo, hình thức và phương pháp đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ củacông nghệ thông tin. Theo đó, các phương thức giảng dạy cũ không còn phù hợp với nhu cầu của xã hội. Với sự vận dụng những thành tựu của cách mạng 4.0 thì người học ở bất cứ đâu đều có thể truy cập vào thư viện của nhà trường để tự học, tự nghiên cứu. Như vậy, không thể chỉ tồn tại mô hình thư viện truyền thống mà các trường phải xây dựng được thư viện điện tử. Hoặc chúng ta sẽ có những mô hình giảng dạy mới như đào tạo trực tuyến không cần lớp học, không cần giáo viên đứng lớp, người học sẽ được hướng dẫn học qua mạng. Những lớp học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo có tính mô phỏng, bài giảng được số hóa và chia sẻ qua những nền tảng như Facebook, YouTube, Grab, Uber... sẽ trở thành xu thế phát triển trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp trong thời gian tới. Khi đó, kiến thức không thể bó hẹp và độc quyền bởi một người hay trong một phạm vi tổ chức. Người học có nhiều cơ hội để tiếp cận, tích lũy, chắt lọc cái mới, cái hay, có nhiều cơ hội để trở thành một công dân toàn cầu - người lao động tương lai có khả năng làm việc trong môi trường sáng tạo và có tính cạnh tranh. Phần thưởng cuối cùng không còn là bằng cấp trên giấy tờ nữa, mà là bằng cấp theo nghĩa mở rộng, trao đổi tri thức, sáng tạo, giá trị đóng góp cho xã hội. Bởi một doanh nghiệp tuyển dụng là cần người làm được việc chứ không cần người có văn bằng cao. Từ đó có thể bỏ việc yêu cầu về bằng cấp hay xem đó là điều kiện tiên quyết khi tuyển dụng lao động. Như vậy, các cơ sở giáo dục sẽ phải chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chỉ đào tạo “những gì thị trường cần”, những nội dung của các môn cơ bản sẽ phải được rút ngắn và thay thế vào đó là những nội dung cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, của nền kinh tế nói chung và đảm bảo để người học thực hiện được phương châm “học tập suốt đời”. Theo mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục đào tạo với doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu để bổ sung cho nhau. Đồng thời, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để phân chia các nguồn lực chung, làm cho các nguồn lực được sử dụng một cách tối ưu hơn. Điều này sẽ tác động đến việc bố trí cán bộ quản lý, phục vụ và đội ngũ giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Khi đó, tại các cơ sở giáo dục, tất cả các dữ liệu của người học từ mã số, điểm số, thông tin cá nhân... đều đã được số hóa tại một nơi lưu trữ. Trong nhiều trường hợp, người dạy chỉ cần “vứt” tài liệu lên “mây” (Cloud), tất cả mọi người tranh luận trên “mây” mà vẫn đảm bảo được sự riêng tư, hiệu quả và tính đồng bộ. Trước thực tế này, nếu các trường không thay đổi thì sẽ không có người học. Doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung có nhu cầu như thế nào, thì người học sẽ càng hướng tới tìm học những nơi đáp ứng được nhu cầu đó. Đây thực sự là một thách thức vì hầu như các trường hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức độ giáo viên giảng dạy bằng máy chiếu, video, chia sẻ tài liệu trên mạng. Kinh phí eo hẹp cũng là một trong những điểm chính khiến các ứng dụng khoa học công nghệ chưa phát triển trong trường học.
ThS. TRẦN MẠNH HÙNG (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)
Nguồn: Tạp chí Công Thương
_______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. TS. Nguyễn Hồng Minh, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Tạp chí Lao động và Xã hội, số tháng 2/2017.
2. PGS,TS. Nguyễn Viết Thảo, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Lý luận chính trị số 5/2017.
3. Phan Thị Thùy Trâm, Lao động trong vòng xoáy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Báo Nhân dân cuối tuần (28/4/2017).
4. Các trang web: giaoduc.net.vn, baoquocte.vn, aum.edu.vn, thanhnien.vn, news.zing.vn
IMPACT OF THE INDUSTRY 4.0 ON EDUCATION IN VIETNAM
MBA. TRAN MANH HUNG
Faculty of Business Administration, University of Economic and Technical Industries
ABSTRACT:
The fourth Industrial revolution as well as previous revolutions have affected all aspects of social life with varying degrees and dimensions. Higher education is one of the most influential sectors of the 4th revolution because the output of training has to respond to the rapidly changing labor market needs. This article addresses some of the effects of the 4th revolution on higher education in Vietnam today.
Keywords: Revolution 4.0, higher education, labor market.
|