Hiện nay, thế giới đang trong giai đoạn bản lề của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghiệp 4.0) với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, in-tơ-nét kết nối vạn vật, rô-bốt, công nghệ na-nô, công nghệ sinh học…
Để phù hợp với xu thế này, nền kinh tế Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội, khắc phục những hạn chế và thách thức, chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, lao động giản đơn chi phí thấp sang nền kinh tế tri thức, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy lợi thế từ cơ cấu dân số vàng và tiềm năng trí tuệ của người Việt Nam để nắm bắt những cơ hội mới mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Đặc trưng cơ bản của Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động đối với thị trường lao động
Đặc trưng cơ bản của Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hợp nhất giữa các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số, sinh học để giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, sự kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực, các hệ thống kết nối in-tơ-nét.
Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất và phương pháp quản trị “các nhà máy thông minh”, “công sở và thành phố thông minh” được kết nối in-tơ-nét, liên kết với nhau thành một hệ thống thay vì các dây chuyền sản xuất và phương pháp quản trị hành chính trước đây. Nhờ khả năng kết nối bằng máy tính, các thiết bị di động tiếp cận với các cơ sở dữ liệu lớn từ nhiều nguồn, những tính năng xử lý thông tin được nhân lên nhờ những đột phá về công nghệ bằng trí tuệ nhân tạo, người máy, công nghệ in 3D, công nghệ na-nô, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, công nghệ vật liệu mới,…
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra kỷ nguyên mới của sự lựa chọn các phương án đầu tư kinh doanh, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực, thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả, tạo bước đột phá về tốc độ phát triển, phạm vi mức độ tác động làm biến đổi cơ bản hệ thống sản xuất và quản trị xã hội cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Những bước nhảy vọt của công nghệ tự động hóa có tác động đến các công việc văn phòng, bán hàng, dịch vụ khách hàng điều khiển các phương tiện giao thông và các ngành hỗ trợ khi rô-bốt tự động hóa và trợ lý ảo trở nên phổ biến. Những truy vấn khách hàng trong kinh doanh sẽ được trả lời bằng rô-bốt tư vấn. Trên thị trường tài chính, máy tính có thể nhanh chóng đọc hàng vạn e-mail… Tất cả những dịch vụ trên đây sẽ tiết giảm đáng kể chi phí giao dịch. Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ đặt ra những yêu cầu mới về kiến thức kỹ năng và tâm thế của người lao động. Những kiến thức và kỹ năng có thể chia thành 3 nhóm:
- Các kiến thức và kỹ năng liên quan đến nhận thức, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng thích nghi, kỹ năng sáng tạo.
- Các kỹ năng về thể chất: kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng số, kỹ năng kết nối.
- Các kỹ năng về xã hội: giao tiếp, ứng xử, tạo lập quan hệ, làm việc theo nhóm.
Như vậy, việc áp dụng tổng hòa những kiến thức kỹ năng và tâm thế để đổi mới sáng tạo quan trọng hơn nhiều so với những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt trước đây.
Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực to lớn trên đây, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động và thị trường lao động. Các hệ thống tự động hóa sẽ thay thế dần lao động thủ công trong toàn bộ nền kinh tế, sự chuyển dịch từ nhân công sang máy móc sẽ gia tăng sự chênh lệch giữa lợi nhuận trên vốn và lợi nhuận với sức lao động, điều này sẽ tác động đến thu nhập của lao động giản đơn và gia tăng thất nghiệp. Tỷ trọng lao động chất lượng cao gia tăng, làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt thành các phân đoạn: thị trường kỹ năng cao, thị trường kỹ năng thấp và sẽ dẫn đến gia tăng sự phân hóa, hoặc tạo ra nhu cầu việc làm hoàn toàn mới so với trước đây mà cần có sự chủ động chuẩn bị và chính sách điều tiết thích hợp.
Đổi mới đào tạo và nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0
Như vậy, Cách mạng công nghiệp 4.0 thật sự đặt giáo dục đại học trước những thách thức mới diễn ra nhanh. Các trường đại học có thể chưa dự đoán hết được các kỹ năng mà thị trường lao động cần. Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống sẽ phải đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy, cơ cấu kiến thức, kỹ năng và phương pháp. Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học cả tư duy những kiến thức kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng. Đây là thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền giáo dục đại học của Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, cả những yếu tố nền móng và phát triển.
Trong những năm gần đây, những yếu tố nền móng suy giảm, chỉ số phát triển con người (HDI) giảm dần, cải cách giáo dục tốn nhiều công sức nhưng chưa mang lại kết quả, hoạt động đào tạo tự phát, thiếu sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến là thiếu sự tương tác giữa Nhà nước và thị trường; thị trường chưa thực sự trở thành căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách cũng như định hướng đào tạo và chưa trở thành căn cứ để đánh giá tuyển chọn và sử dụng. Tình trạng dư thừa lao động diễn ra phổ biến lãng phí lớn.
Sự kết nối giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam rất yếu. Thiếu thể chế tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho liên kết, mở rộng quyền tự chủ cho một số lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, phối hợp đào tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tuy Nhà nước đã có chính sách khuyến khích giáo viên và sinh viên đăng tải các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế đối với các trường đào tạo khoa học cơ bản nhưng đối với các trường kỹ thuật và công nghệ, chưa có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để thực hiện nghiên cứu ứng dụng với các hình thức thích hợp. Nghiên cứu chuyển giao, phối hợp nghiên cứu gắn với những yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp còn ở mức khiêm tốn.
Cơ cấu các ngành đào tạo về cơ bản tự phát, chưa có định hướng rõ nét, xu hướng học để bảo đảm cuộc sống hiện tại, chưa chú ý đúng mức đến tiềm năng, kỳ vọng cá nhân, xu hướng phát triển của thời đại và yêu cầu của đất nước. Nhiều sinh viên giỏi về khoa học tự nhiên nhưng lựa chọn các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, ngoại thương,…
Giải pháp và một số gợi ý về chính sách cho Việt Nam
Từ những vấn đề nêu trên, để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức từ Cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống giáo dục đại học nước ta cần tập trung thực hiện một số vấn đề sau đây:
Một là, cần tiếp tục gia cố những yếu tố nền móng, đổi mới tư duy về phát triển giáo dục trong tổng thể chiến lược phát triển của quốc gia. Kinh nghiệm thành công của các quốc gia trên thế giới đã khẳng định giáo dục có vai trò then chốt đối với phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của giáo dục là đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, trong đó có cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phải chuyển từ biệt lập, tự phát nặng về số lượng sang chất lượng, có kết nối giữa đào tạo và sử dụng, từ cách đào tạo làm cho người học thụ động sang chủ động sáng tạo, không ngại đương đầu với khó khăn thách thức.
Hai là, nâng cao vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ tương tác với thị trường, tạo động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Về phía Nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao; thị trường sản phẩm khoa học công nghệ phải phản ánh đầy đủ quan hệ cung - cầu và qua đó, làm căn cứ hoạch định chiến lược và chính sách. Sử dụng cơ chế thị trường để đánh giá, tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ thỏa đáng. Có chính sách đặc biệt đối với những nhà khoa học đầu ngành.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về công nghệ, trước mắt ưu tiên đối với các lĩnh vực nước ta có thế mạnh, như công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học. Các vườn ươm này sẽ gắn kết chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, khởi đầu của các ý tưởng, sáng tạo, đưa kết quả của các công trình nghiên cứu vào sử dụng,...
Ba là, các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, các trường đại học quốc tế để xây dựng các phòng thí nghiệm theo hình thức hợp tác công - tư. Các phòng thí nghiệm này không chỉ là nơi để sinh viên thực hành mà còn là trung tâm nghiên cứu chuyên sâu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức cao. Tùy thuộc vào khả năng và điều kiện cụ thể mà lựa chọn nội dung và hình thức liên kết phù hợp. Về nội dung hợp tác liên kết nghiên cứu phát triển dưới dạng hợp đồng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phối hợp thực hiện các chương trình đào tạo. Doanh nghiệp với tư cách là khách hàng thường xuyên của các trường đại học. Hợp tác nghiên cứu sẽ mang lại cho các trường đại học nguồn kinh phí đáng kể để tăng thêm tiềm lực khoa học - công nghệ và nâng cao chất lượng đào tạo.
Kinh nghiệm một số nước trên thế giới cho thấy, để sự liên kết này thành công, cần sự tác động từ 3 phía. Nhà nước có cơ chế chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi, tạo khung pháp lý cho mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa đào tạo nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với sản xuất - kinh doanh, trong đó cần quan tâm đến chính sách đầu tư, cơ chế tài chính, tạo động lực cho việc liên kết bền vững. Khuyến khích phát triển thị trường sản phẩm khoa học - công nghệ, ngoài khoa học cơ bản, cần trao quyền tự chủ đối với các lĩnh vực khoa học ứng dụng cho nhà trường, các viện nghiên cứu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động nghiên cứu. Đối với doanh nghiệp, cần chủ động đề xuất nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, lựa chọn các đề tài, dự toán kinh phí, chọn cử cán bộ có năng lực tham gia. Các trường đại học cần tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ nghiên cứu, thu hút cán bộ giỏi các chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác với nhà trường. Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trong đó xây dựng đội ngũ giáo viên là khâu then chốt./.
PGS. TS Nguyễn Cúc - Học viện Chính trị khu vực I
Nguồn: Tạp chí Cộng sản