1. Phóng viên (PV): Theo bà, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động như thế nào đến nền giáo dục đại học của Việt Nam?
Bà Phạm Thị Ly (PTL): Cách mạng công nghiệp 4.0 đã biến trái đất thành một ngôi làng toàn cầu. Với những thành tựu công nghệ nổi bật: trí khôn nhân tạo, robot, internet của vạn vật, mạng xã hội, big data, mobile, chúng ta đang chứng kiến công nghệ 4.0 tạo ra những thay đổi chưa từng có tiền lệ trước đây trong mọi mặt đời sống.
Nó làm cho tài năng trở thành yếu tố quyết định thay cho nguồn vốn. Nó tạo ra thêm nhiều của cải, nhưng cũng làm giãn rộng thêm khoảng cách bất bình đẳng: người giàu càng lúc càng giàu, người giỏi càng lúc càng giỏi, còn những người yếu thế thì càng lúc càng dễ bị đẩy ra bên lề. Và bất công sẽ dẫn đến bất ổn.
Giờ đây, trường ĐH không còn là nơi độc quyền trong việc tạo ra tri thức mới và chuyển giao tri thức qua các thế hệ. Hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học ứng dụng đã và đang tiếp tục chuyển dịch sang khu vực doanh nghiệp với ngân quỹ dành cho nó ngày càng lớn. Đối với việc đào tạo, trường ĐH cũng không còn là nguồn cung cấp kiến thức duy nhất hay chủ yếu như xưa nữa. Kiến thức và thông tin tăng với cấp số nhân, và có thể tiếp cận rất dễ dàng, khiến câu hỏi cốt lõi ngày nay trên thị trường lao động không phải là “bạn đã biết được những gì?” mà là “bạn có khả năng học hỏi được điều gì?”, và đặc biệt là “bạn có khả năng thay đổi suy nghĩ và quan điểm của bạn để học một cách tiếp cận hoàn toàn mới hay không?”. Năng lực chọn lọc, đánh giá, sử dụng thông tin, năng lực tự học trở thành điều kiện sống còn trong nền kinh tế tri thức.
Trường ĐH Việt Nam chịu ảnh hưởng của truyền thống học từ chương, học để làm quan, học để cả họ được nhờ đã hàng ngàn năm và thay đổi nó không phải là điều dễ dàng. Đến khi chuyển sang kinh tế thị trường, nền kinh tế dịch vụ phát triển và sự gia nhập sân chơi của các doanh nghiệp nước ngoài đã tạo ra nhu cầu về lao động kỹ năng cao. Điều này giải thích sự phát triển quá nóng về số lượng trong ba thập kỷ qua của GD ĐH Việt Nam. Tấm bằng ĐH trở thành điều kiện cần để bước vào thị trường lao động kỹ năng cao. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển nóng ấy, hệ thống GD ĐH Việt Nam cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Trừ một số trường hàng đầu vẫn còn giữ được truyền thống tinh hoa, phần lớn các trường mới chỉ thỏa mãn được nhu cầu bằng cấp của người học, chứ chưa chuẩn bị tốt cho họ đáp ứng với những đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong lúc đó, toàn cầu hóa và chính sách mở cửa đã tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn sinh viên Việt Nam đi học ở nước ngoài, cũng như đã đem các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo đầy kinh nghiệm vào Việt Nam. Với mức học phí cao hơn hàng chục, hàng trăm lần, các trường ĐH nước ngoài, các chương trình đào tạo liên kết đã khiến thị trường giáo dục trở thành phân hóa và cạnh tranh cao độ. Mức học phí ở các trường công quá thấp cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước hạn hẹp và thiếu hiệu quả, tư duy chậm thay đổi và cơ chế bất cập đã khiến các trường ĐH có khoảng cách ngày càng xa với những gì xã hội thực sự cần.
Giờ đây, tấm bằng ĐH hoàn toàn không đủ để tồn tại trong nền cách mạng công nghiệp 4.0 với một công việc tốt như xưa. Tiến bộ công nghệ đã làm thay đổi bức tranh của thị trường lao động: lao động giản đơn đã có robot đảm nhiệm, vì thế những người không có kỹ năng cao sẽ mất việc và ngày càng bị đẩy ra bên lề. Thị trường chủ yếu chỉ còn những việc đòi hỏi lao động trí tuệ và sáng tạo ở trình độ cao, hoặc lao động phục vụ. Và tất cả đang diễn biến rất nhanh. Chúng ta hãy nhớ lại là điện thoại thông minh và mạng xã hội chỉ mới xuất hiện chưa đầy một thập kỷ, thế mà ngày nay hầu như bất cứ ai cũng đều có thể sở hữu nó. Với một chiếc điện thoại thông minh có nối mạng, con người có thể tìm được vô vàn thông tin và kiến thức, có thể làm việc, giải trí, mua sắm, thanh toán ngân hàng, v.v., và đặc biệt là có thể dạy và học ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Nếu các trường ĐH Việt Nam không bắt kịp sự thay đổi ấy và ý thức được rằng họ không thể tiếp tục chỉ cung cấp tấm bằng như xưa, thì họ sẽ bị đẩy sang bên lề, vì giờ đây, người ta có thể theo học các khóa trực tuyến của các trường ĐH trên thế giới rất dễ dàng và với chi phí rất rẻ, mà không cần phải đến trường ĐH như xưa nữa. Tấm bằng ĐH, một khi đã bị lạm phát giá trị, và không còn là một bảo đảm cho tương lai, thì chẳng có lý do gì người ta phải phí bốn năm của cuộc đời để có nó. Đó có thể là lý do khiến một vài năm gần đây, các trường ĐH Việt Nam đã bắt đầu cạn nguồn tuyển.
- PV: Các nhà quản lý giáo dục Việt Nam nên thay đổi tư duy như thế nào khi không thể đứng ngoài cuộc của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
(PTL). Họ cần đáp ứng với những đòi hỏi của thị trường lao động và chứng minh ý nghĩa sự tồn tại của các trường ĐH bằng những đóng góp cho sự tiến bộ xã hội. Trường ĐH ngày nay đang thay đổi mạnh mẽ. Cách mạng 4.0 không chỉ đặt ra những đòi hỏi mới buộc các trường phải thay đổi, mà còn tái định nghĩa quan niệm của chúng ta về trường ĐH và về sứ mạng của nó.
Vì thế, các nhà quản lý và lãnh đạo ĐH cần có tầm nhìn và tư duy chiến lược hơn bao giờ hết, để tìm được những phương cách đáp ứng phù hợp. Họ vẫn sẽ phải giải quyết bài toán muôn thuở: tăng nguồn lực, sử dụng chi phí có hiệu quả, cải thiện chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy, v.v. Nhưng họ không thể giải quyết bài toán ấy bằng những cách họ đã làm trước đây, bởi vì thế giới đã đổi thay.
- (PV). Thực tế cho thấy giáo dục đại học của nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế để có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong thời điểm này. Vậy thách thức của các trường đại học tại Việt Nam là gì để tiến đến “giáo dục 4.0”?
(PTL). Ai cũng nói rằng nguồn lực và cơ chế đang là những lực cản chính. Nói như vậy tất nhiên có phần đúng nhưng chưa đủ. Tôi nghĩ rằng còn một thách thức không kém phần quan trọng, là niềm tin của xã hội. Đông Kinh Nghĩa Thục là một trường tư chỉ tồn tại có 9 tháng trời, nhưng người dân ùn ùn đem tiền đến ủng hộ cho nó có lúc không đếm xuể. Chỉ một ví dụ đó là đủ cho chúng ta thấy, niềm tin là một tài sản quý giá đến chừng nào. Những người đem tiền đến ủng hộ Đông Kinh Nghĩa Thục không phải chỉ là người giàu. Người ta có thể nhịn ăn nhịn mặc, tự nguyện đem tiền đến cho trường, bởi vì người ta tin rằng nhà trường đang làm những việc có ý nghĩa nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho họ và nhất là cho con cháu họ trong tương lai.
- (PV): Những giải pháp nào bà có thể gợi ý cho các nhà quản lý giáo dục cũng như người học trong thời kỳ “hội nhập” vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
(PTL). Đối với người học, phương Tây có câu “God helps those who help themselves” tức là Thượng đế chỉ giúp những người biết tự cứu mình”, nói theo tiếng Việt là cứu mình trước khi trời cứu. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại cho người học những điều kiện chưa từng có trước đây để “tự cứu mình”, tức là tự bổ khuyết những gì nhà trường còn thiếu. Đừng ngồi chờ nhà trường thay đổi, cũng đừng mong đợi ai đó cứu giúp mình. Nếu bạn có một cái điện thoại thông minh nối mạng, mà bạn hôm nay không tiến bộ gì hơn so với hôm qua, thì bạn chỉ có thể tự trách chính mình mà thôi.
Đối với các nhà quản lý giáo dục, bài toán trước mắt của họ là sử dụng nguồn lực có hiệu quả. Điều này liên quan đến việc xác lập ưu tiên, và cải thiện quản trị nội bộ. Việc xác lập ưu tiên lại liên quan rất nhiều đến tầm nhìn của lãnh đạo nhà trường. Bởi vì những thay đổi trong giáo dục không thể chỉ đến qua một đêm, các nhà làm chính sách phải tạo ra những cơ chế khích lệ tầm nhìn dài hạn, và hạn chế tác hại của tư duy nhiệm kỳ cũng như tâm lý chỉ biết nhằm vào cái lợi trước mắt.
Nguồn: Báo Tự động hóa ngày 27.10.2016