Giáo dục - Đào tạo
Thứ Hai, 7/5/2018 10:52'(GMT+7)

Tăng cường cơ sở vật chất cho Trung tâm Huấn luyện và Thực hành nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và chuẩn quốc gia

Các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm Huấn luyện và thực hành nghiệp vụ

Các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm Huấn luyện và thực hành nghiệp vụ

1. Học viện Cảnh sát nhân dân là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Bộ Công an và là một trong các trung tâm nghiên cứu lí luận khoa học hàng đầu của lực lượng Công an nhân dân trên lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Trong những năm qua, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện đặt mục tiêu, cũng như chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng quyết tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện các tiêu chí cơ bản, phấn đấu đến năm 2020 Học viện sẽ được Nhà nước công nhận là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và đạt chuẩn quốc gia.

Song song với việc xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí về đội ngũ giảng viên, về hệ thống giáo trình, tài liệu, về cơ sở vật chất và phương tiện, thiết bị dạy và học, Học viện Cảnh sát nhân dân cũng đang rất tích cực trong việc đổi mới và hoàn thiện về tổ chức bộ máy của Học viện. Bên cạnh việc sắp xếp lại các đơn vị đã có theo hướng tinh gọn và khoa học, Học viện Cảnh sát nhân dân đã mạnh dạn đề xuất Bộ Công an cho phép thành lập một số đơn vị mới tại Học viện, nhằm hoàn thiện về tổ chức, cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu và đòi hỏi của thực tiễn phòng, chống tội phạm.

Trong lộ trình hoàn thiện về tổ chức, Trung tâm Huấn luyện và Thực hành nghiệp vụ[1] đã được Bộ trưởng Bộ Công an cho phép thành lập tại Học viện Cảnh sát nhân dân, với nhiệm vụ “Chủ trì và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình huấn luyện đầu khóa, huấn luyện chuẩn đầu ra các môn bắn súng, võ thuật CAND, bơi vũ trang và tổ chức thực hành nghiệp vụ cho các khóa học, hệ học trong toàn Học viện…”[2]. So với lịch sử gần 50 năm xây dựng và phát triển của Học viện, cũng như so với các nhà trường khác thuộc lực lượng vũ trang (các trường Đại học thuộc Quân đội nhân dân), việc thành lập Trung tâm Huấn luyện và Thực hành nghiệp vụ tại Học viện Cảnh sát nhân dân tuy muộn, nhưng vô cùng cần thiết.

Theo quy định nêu trên, các nhiệm vụ thường xuyên của Học viện như: học tập quy chế, nhập môn Điều lệnh Công an nhân dân (nay gọi là Huấn luyện đầu khoá); huấn luyện Chuẩn đầu ra bắn súng - võ thuật Công an nhân dân; huấn luyện chuẩn đầu ra bơi vũ trang; tổ chức thực hành nghiệp vụ chuyên ngành Cảnh sát điều tra, Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát Giao thông… lần đầu tiên được giao cho một đơn vị độc lập chủ trì và tổ chức thực hiện - Trung tâm Huấn luyện và Thực hành nghiệp vụ. Trước đó, các nhiệm vụ nêu trên được giao cho nhiều đơn vị khác nhau của Học viện cùng đảm nhận, thực hiện như: Bộ môn Quân sự và Thể dục, thể thao, Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát Vũ trang, các khoa nghiệp vụ chuyên ngành… Việc phân công nhiệm vụ như trên là cần thiết, thể hiện sự đổi mới trong công tác đào tạo của Học viện Cảnh sát nhân dân. Hai khâu quan trọng của quá trình đào tạo là: “Giảng dạy lý thuyết” và “Giảng dạy thực hành” được “bóc tách” và triển khai thực hiện theo hướng “chuyên môn hoá”. Theo đó, các khoa, bộ môn sẽ đảm nhận “giảng dạy lý thuyết”, Trung tâm sẽ đảm nhận khâu “hướng dẫn thực hành” cho học viên[3].

Sau ba năm thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị chức năng, Trung tâm Huấn luyện và Thực hành nghiệp vụ đã triển khai và thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ được phân công. Những kết quả ban đầu mà Trung tâm đã đạt được thời gian qua không chỉ góp phần làm gia tăng vị thế của Học viện, mà còn khẳng định sự đúng hướng trong đổi mới và tổ chức điều hành của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiệm vụ “tổ chức thực hành nghiệp vụ cho các khóa học, hệ học trong toàn Học viện” vẫn chưa được Trung tâm chủ trì, triển khai bài bản, đồng bộ. Nghiên cứu cho thấy, sở dĩ nhiệm vụ trên chưa được triển khai thực hiện là do một số nguyên nhân cơ bản như:

- Các quy định khác có liên quan đến việc tổ chức giảng dạy thực hành chưa cụ thể. Quan điểm chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện là tăng thời lượng cho khâu “thực hành”, nhất là thực hành đối với các môn “nghiệp vụ chuyên ngành”. Tỷ lệ thời gian cho hai khâu “lý thuyết” và “thực hành” là 50/50. Tức là, 50% quỹ thời gian cho giảng lý thuyết, thảo luận; 50% quỹ thời gian cho khâu thực hành. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể nên chưa áp dụng thống nhất, triệt để trên thực tế. Việc chủ trì và tổ chức thực hành hiện vẫn do các khoa, bộ môn đảm nhận (mặc dù đây là nhiệm vụ của Trung tâm)[4]. Trên thực tế, quỹ thời gian thực hành cho mỗi môn học, cách thức tổ chức thực hành của các khoa, bộ môn là khác nhau, thiếu tính thống nhất.

- Công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, cũng như thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy thực hành chưa được quan tâm đúng mức. Ở các trường đại học lớn, nhất là các trường có thế mạnh về thực hành giảng viên phụ trách khâu “lý thuyết” và phụ trách khâu “thực hành” được phân định khá rõ, theo hướng chuyên môn hoá cao. Thông thường, giảng viên phụ trách khâu “thực hành” đồng thời là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn (có thời gian làm công tác nghiệp vụ nhiều hơn). Ngược lại, giảng viên phụ trách khâu “lý thuyết” có thời gian làm công tác nghiệp vụ ít hơn, chủ yếu nghiên cứu lý luận. Do vậy, việc sử dụng những giảng viên có thế mạnh về giảng dạy “lý thuyết” đảm nhận khâu hướng dẫn “thực hành” như hiện nay là chưa phù hợp, hiệu quả không cao. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo (đặc biệt là tăng cường năng lực hoạt động thực tiễn, giúp học viên có thể hoà nhập, tiếp cận thực tiễn nhanh sau khi ra trường), thời gian tới Học viện cần có quy hoạch, cũng như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng có thể đảm nhận tốt khâu hướng dẫn “thực hành”. Đồng thời, cần xem xét, nghiên cứu và áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp đối với đội ngũ giảng viên thực hành.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giảng dạy thực hành chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị, cơ sở vật chất của nhà trường đã được tăng cường[5]. Tuy nhiên, so với các nhà trường của lực lượng Quân đội ở Việt Nam[6], các trường Đại học Cảnh sát, Công an của một số quốc gia trên thế giới[7], cũng như yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn thì những cơ sở vật chất hiện có, nhất là cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, hướng dẫn huấn luyện và thực hành nghiệp vụ của Học viện Cảnh sát nhân dân còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu và rất khó để nâng cao chất lượng đào tạo.

2. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, đặc biệt là nâng cao chất lượng huấn luyện và thực hành nghiệp vụ cho học viên, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của tình hình mới là một nhiệm vụ rất cần thiết và cấp bách. Song song với việc hoàn thiện chương trình, nội dung và cơ sở pháp lý; quy hoạch và xây dựng đội ngũ giảng viên huấn luyện và thực hành đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng... thời gian tới, Học viện Cảnh sát nhân dân cần tăng cường và hoàn thiện hơn nữa cơ sở vật chất cho Trung tâm Huấn luyện và Thực hành nghiệp vụ. Để những cơ sở vật chất sau khi được tăng cường và hoàn thiện phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và chuẩn quốc gia, theo chúng tôi cần thực hiện có lộ trình, trên cơ sở quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt. Trước mắt, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau đây:

Một là, rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị hiện có. Ban Giám đốc Học viện chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, phương tiện, trạng thiết bị đã được trang cấp. Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá có kế hoạch sửa chữa, thanh lý đối với các phương tiện, trang thiết bị hư hỏng hoặc không còn sử dụng được.

Hai là, tổ chức sắp xếp lại các phòng học thực hành, các phương tiện và trang thiết bị hiện có. Cùng với việc rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị hiện có Ban Giám đốc cần chỉ đạo các đơn vị chức năng quy hoạch lại các phòng thực hành hiện đang sử dụng vào một khu vực, tạo thuận lợi cho việc quản lý và khai thác, sử dụng, cũng như khắc phục, sửa chữa trong trường hợp phương tiện, thiết bị vụ công tác huấn luyện và thực hành nghiệp vụ hư hỏng.

Ba là, bổ sung kịp thời những phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác huấn luyện và thực hành nghiệp vụ. Cũng trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, cũng như đề xuất nhu cầu của các đơn vị giảng dạy, huấn luyện Ban Giám đốc phân công các đơn vị chức năng mua hoặc sưu tầm các phương tiện, trang thiết bị cần thiết để bổ sung kịp thời phục vụ công tác huấn luyện và thực hành nghiệp vụ.

Bốn là, xây dựng dự án quy hoạch khu vực huấn luyện và thực hành nghiệp vụ riêng, trên cơ sở đó tìm kiếm nguồn kinh phí triển khai xây dựng trên thực tế. Cùng với việc triển khai thực hiện các công việc nên trên, Ban Giám đốc Học viện cần chỉ đạo các đơn vị chức năng nhanh chóng xây dựng dự án quy hoạch khu vực riêng để tổ chức huấn luyện và thực hành nghiệp vụ cho học viên. Dự án được xây dựng trên cơ sở tham khảo các trường đại học trong và ngoài nước, các đề xuất, mô hình mô phỏng của từng đơn vị giảng dạy, cũng như mục tiêu và nhu cầu của công tác đào tạo, huấn luyện và thực hành nghiệp vụ của Học viện. Trên cơ sở dự án quy hoạch đã được phê duyệt, Học viện cần sớm có giải pháp để tìm kiếm nguồn kinh phí triển khai dự án trên thực tế. Bởi vì, một không gian (khu vực) riêng, được quy hoạch, xây dựng bài bản, được lắp đặt các phương tiện, trang thiết bị cần thiết, sát thực không chỉ góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện và thực hành nghiệp vụ của Học viện, mà còn là một trong những tiêu chí bắt buộc để Học viện Cảnh sát nhân dân sớm được Nhà nước công nhận là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, đạt chuẩn quốc gia.

 

Thượng tá, PGS.TS Hoàng Trung Thực

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và THNV - Học viện CSND

Đại uý, ThS Thái Minh Hải

Trung tâm Huấn luyện và THNV - Học viện CSND



[1] Tính đến thời điểm hiện tại Trung tâm Huấn luyện và Thực hành nghiệp vụ là đơn vị đầu tiên và duy nhất được thành lập tại các trường Công an nhân dân.

[2] Trích Quyết định số 6125/QĐ-X11-X12, ngày 07/06/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân.

[3] Đào tạo theo hướng chuyên môn hoá giữa “giảng lý thuyết” và “hướng dẫn thực hành” đã được triển khai thực hiện khá sớm và thành công tại các trường thuộc Bộ Y tế.

[4] xem Quyết định số 6125/QĐ-X11-X12, ngày 07/06/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân.

[5] Hiện Học viện được đánh giá là nhà trường có cơ sở vật chất tốt nhất trong các trường Công an nhân dân.

[6] Khu huấn luyện và thực hành của Học viện Kỹ thuật Quân sự là 10ha, của Học viện Biên phòng là trên 20ha.

[7] Khu huấn luyện và thực hành của Trường Đại học Công an Bắc kinh là 80ha.

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất