Ngày 30/5/2024, tại Học viện CSND, Khoa Kỹ thuật hình sự phối hợp với Trung tâm Pháp y, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học “Hoạt động giám định pháp y tử thi - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” kết hợp Tổng kết thực tế môn học Pháp y hình sự của các lớp chuyên ngành Kỹ thuật hình sự khóa D46 tại Trung tâm Pháp y, Sở Y tế Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trung tâm Pháp y Hà Nội).
Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Yến, Giám định viên, Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội và đồng chí Trịnh Xuân Hà, Giám định viên, Phó Giám đốc Trung tâm. Về phía Học viện CSND có sự tham dự của Đại tá Lê Hữu Anh, Trưởng khoa Kỹ thuật hình sự; tập thể lãnh đạo, giảng viên Khoa Kỹ thuật hình sự; đại diện lãnh đạo, giáo viên chủ nhiệm thuộc Phòng Quản lý học viên và học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự Khóa D46.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Ban Giám đốc Học viện về việc gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình giảng dạy các môn học; được sự đồng ý, thống nhất của Trung tâm Pháp y Hà Nội, Khoa Kỹ thuật hình sự đã chủ động tham mưu, đề xuất Ban Giám đốc Học viện triển khai hoạt động thực tế, kiến tập tại Trung tâm Pháp y Hà Nội cho học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự khóa D46 từ ngày 15/4/2024 đến ngày 26/5/2024.
Để tổng kết rút kinh nghiệm, phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình thực tế môn học của học viên chuyên ngành, giải đáp những vướng mắc giữa lý luận và thực tiễn của công tác pháp y nói chung, hoạt động giám định pháp y tử thi nói riêng, Khoa Kỹ thuật hình sự đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Hoạt động Giám định pháp y tử thi - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thượng tá Nguyễn Thế Công - Phó Trưởng khoa Kỹ thuật hình sự đã báo cáo khái quát kết quả thực tế môn học của học viên tại Trung tâm Pháp y Hà Nội thời gian vừa qua. Theo đó, qua 06 tuần thực tế môn học Pháp y hình sự tại Trung tâm Pháp y Hà Nội, giảng viên và học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự đã trực tiếp tham gia theo dõi, tiếp xúc hơn 40 vụ việc có liên quan đến các lĩnh vực về công tác pháp y như: khám ngoài, khám trong đối với các vụ việc có người chết; các vụ việc giám định thương tích; xâm hại tình dục; được hướng dẫn về việc lập biên bản khám nghiệm tử thi, một phần tử thi; xây dựng hồ sơ giám định pháp y tử thi… Học viên được nghe báo cáo về công tác giám định pháp y tình dục tại Trung tâm trong những năm qua. Ngoài ra, báo cáo cũng đánh giá các yếu tố thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực tế môn học và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả học tập môn học Pháp y hình sự trong thời gian tới.
Trong không khí sôi nổi, cởi mở của buổi Tọa đàm, đại diện học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự vừa kết thúc thực tế môn học tại Trung tâm Pháp y Hà Nội đã tham luận, trình bày về một số kết quả đã đạt được trong quá trình học tập và một số khó khăn trong quá trình thực tế như: phương tiện di chuyển khó khăn; việc tiếp xúc với tử thi đối với một số đồng chí còn tâm lý hoang mang, sợ sệt…
Phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc Trung tâm đã trình bày sơ bộ về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Pháp y Hà Nội, một đơn vị chuyên nghiên cứu và sử dụng những kiến thức, tiến bộ về Y học để phục vụ pháp luật, góp phần gìn giữ an ninh, trật tự, đảm bảo công bằng xã hội và xây dựng hệ thống Y tế vững mạnh toàn diện. Theo đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Yến, hoạt động giám định pháp y cực kỳ quan trọng bởi đối tượng giám định là con người, các tang vật (sinh học) thu được tại hiện trường các vụ án, tai nạn, thảm họa. Kết luận của giám định pháp y góp phần quan trọng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc truy tìm tội phạm, xác định tung tích người bị nạn, xác định mức độ tổn hại sức khỏe hay nguyên nhân tử vong… Đồng chí cũng biểu dương tinh thần học hỏi, cầu thị của học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự trong suốt quá trình học tập tại Trung tâm và mong muốn sẽ tiếp tục được phối hợp với Khoa Kỹ thuật hình sự để tiếp nhận học viên đến thực tế trong thời gian tới.
Kết thúc buổi tọa đàm, đồng chí Đại tá Lê Hữu Anh, Trưởng khoa Kỹ thuật hình sự gửi lời cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện; sự phối hợp, tạo điều kiện từ các đơn vị chức năng trong Học viện; tinh thần cố gắng, nỗ lực của thầy và trò Khoa Kỹ thuật hình sự đã không ngại khó, ngại khổ, mạnh dạn tham mưu, tổ chức đưa học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự đi thực tế môn học. Đại tá Lê Hữu Anh cũng cảm ơn Trung tâm Pháp y Hà Nội đã phối hợp, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho học viên được trực tiếp tham gia, theo dõi các vụ việc thực tế. Từ kết quả của chương trình này, Khoa Kỹ thuật hình sự sẽ nghiên cứu, đề xuất Ban Giám đốc Học viện tiếp tục triển khai chương trình đưa sinh viên thực tế tại Trung tâm Pháp y Hà Nội trong thời gian tới.