I. Đặt vấn đề
Trong Báo cáo “Nền kinh tế lấy tri thức làm nền tảng”, tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD) khẳng định rằng, ngày nay, tri thức (Knowledge) đã trở thành nhân tố quan trọng nhất trong phát triển kinh tế và chuyển hóa xã hội, là tài nguyên
(resource) mà nhờ nó, của cải được sáng tạo ngày càng nhiều, những cải cách và đổi mới được thúc đẩy mạnh mẽ, sự phát triển xã hội trở nên bền vững. Nhà kinh tế học được giải thưởng Nobel – Slow R đã phát hiện, việc nâng cao năng suất lao động ở
Mỹ chỉ khoảng 1/8 là dựa vào vốn đầu tư; còn lại là nhờ những nhân tố khác; trong đó, chủ yếu là tri thức và vốn nhân lực (Human capital). Hàng loạt công trình nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng, sự khác biệt giữa tỷ lệ tăng trưởng của các
nước và các khu vực phụ thuộc hàng đầu là nhân tố tri thức, còn tính chênh lệch của tỷ lệ tăng trưởng đầu tư vốn không lớn như người ta thường nghĩ.
Vào năm 1998, Joseph Stiglitz, người được giải thưởng Nobel về kinh tế vào năm 2001, cũng đã từng viết: Tri thức có tác dụng thúc đẩy to lớn đối với cải cách và chuyển đổi xã hội. Chuyển đổi xã hội là một sự biến đổi mà trong đó các quan hệ
xã hội truyền thống, phương thức tư duy truyền thống, việc giải quyết các vấn đề giáo dục và y tế cũng như phương thức sản xuất v.v… sẽ trở nên ngày càng hiện đại hơn, làm cho người ta có thể nắm tốt hơn vận mệnh của mình, mở rộng tầm mắt,
giảm thiểu các ách tắc, từ đó làm cho cuộc sống ngày càng phong phú hơn.
Việt Nam đang hướng đến sự phát triển bền vững của xã hội, từng bước mở rộng nền sản xuất dựa trên tri thứ và nắm cơ hội tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển này thông qua cuộc vận động xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, chúng ta đang thiếu cả hai nguồn lực quan trọng hàng đầu: Tri thức và nhân lực chất lượng cao.
Về phương diện giáo dục người lớn (Adult Education), cuộc vận động người lớn học tập suốt đời hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ, tức là nhân lực đang hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh thuộc nền kinh tế quốc dân có tầm chiến lược quốc gia. Khái niệm người lớn ở đây là những người đã qua vòng giáo dục ban đầu (Initial education) và sẽ học tập suốt đời trong các thiết chế giáo dục tiếp tục (Continuing education), chủ yếu là học tập dưới các hình thức không chính quy (Non-formal education) và phi chính quy (Informal education). Đó là những cán bộ, công chức, viên chức, công nhân kỹ thuật, nông
dân và những lao động tự do cần đến những tri thức và kỹ năng hữu ích cho nghề nghiệp đang làm, hoặc để có thêm nghề, hoặc để có năng lực chuyển đổi nghề. Những tri thức và kỹ năng đó chỉ có trường cao đẳng và đại học mới đáp ứng được, bởi những gì người học có được tại trường phổ thông không ứng dụng được trong nghề nghiệp và việc làm hàng ngày.
Hội thảo khoa học “Trường đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn” được Bộ Giáo dục và Đào tạo,phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức xuất phát từ những điều nói trên.
II. Tính cấp thiết của việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn qua hệ thống đại học
1. Trước hết, cần phải thừa nhận và khẳng định rằng, người lao động nói chung ở nước ta còn nghèo nàn về tri thức (Knowledge poverty), những tri thức hiện có không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, không đủ sức để tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Amartya Sen cho rằng, cái gọi là nghèo nàn chỉ là sự tước đoạt năng lực về nguồn cơ bản của con người chứ không chỉ là sự thu nhập thấp. Sự tước đoạt ở đây được hiểu là con người không thể nào đạt được con đường, cơ hội và quyền lựa chọn để giành, tiếp thu và giao lưu tri thức mà đáng ra con người phải được hưởng, từ đó dẫn đến thiếu năng lực. Tài nguyên giáo dục mở chính là nguồn lực lấp đi sự nghèo nàn về tri thức.
2. Nguyên nhân của sự nghèo nàn về tri thức và sự thiếu hụt năng lực thu lượm tri thức chủ yếu ở nền giáo dục khép kín, không mở ra những con đường thu gọn, tích tụ tri thức và những cơ chế chia sẻ tri thức, sự bình đẳng về cơ hội tiếp thu và giao lưu tri thức. Hiện tượng này làm xuất hiện những “khoảng cách tri thức” (Knowledge gap) giữa các cộng đồng dân cư, giữa các vùng kinh tế v.v… Khoảng cách tri thức là sự không đối xứng thực chất giữa hai hay nhiều cộng đồng người về mặt phân phối và sử dụng hữu hiệu các nguồn tri thức, thông tin và thông tấn. Tài nguyên giáo dục mở được chuyển tải trên mạng thông tin, phân phối đến
từng người dùng, không có trở ngại về địa lý và hàng loạt rào cản khác sẽ nhanh chóng lấp đi các cái hố ngăn cách tri thức với người có nhu cầu về tri thức.
3. Trên thực tế, những tri thức trong các chương trình giáo dục người lớn thường chỉ chú ý đến những đối tượng là nông dân, dân nghèo nông thôn và thành thị cùng những người làm nghề tự do. Vì thế, những tri thức thường dừng lại ở mức độ phổ thông, không ứng dụng có hiệu quả cao đối với công việc sản xuất hàng ngày, đối với những việc làm đòi hỏi tính sáng tạo, tính độc đáo. Rất nhiều người học bị “cách ly” tri thức đại học, hay nói cách khác là những người thiếu năng lực sáng tạo, thu lượm, giao lưu tri thức, không thể tham gia và chia sẻ thành quả văn minh xã hội lấy tri thức làm nền tảng. Các trường đại học tạo ra tài nguyên giáo dục mở sẽ giúp cho hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, bác sĩ, nhà kinh doanh … có thêm học vấn để không bị cách ly hiện đại hóa.
4. Việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở để phục vụ cho người lớn có đầy đủ tư liệu học tập suốt đời phải nhằm vào 2 vấn đề lớn: Có kho tư liệu giáo dục càng lớn càng tốt dưới hình thức đầu tư phần mềm cho giáo dục thường xuyên, đồng thời phát huy tinh thần hiếu học của người học và tạo cho họ năng lực tự học với cách học hiện đại (phi truyền thống), sử dụng các công nghệ học tập để truy cập, tiếp cận, sử dụng, phổ biến, chia sẻ tri thức. Có tài nguyên giáo dục mở cho người lớn, nhưng cần kèm theo đó là một cơ chế chia sẻ tri thức từ tài nguyên giáo dục mở thì giá trị sử dụng và hiệu quả sử dụng các tri thức sẽ được nhân lên gấp bội.
III. Những giải pháp cơ bản để các trường đại học đóng góp có hiệu quả vào việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở
1. Giải pháp mang tính chiến lược để có được hệ thống đại học tham gia xây dựng tài nguyên giáo dục mở là thực hiện một nền giáo dục mở với những thiết chế giáo dục mở như nhiệm vụ hàng đầu trong việc triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Quyết định 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020. Xã hội học tập là mô hình Giáo dục Mở, hoạt động dựa trên những yếu tốquan trọng là hệ thống các thiết chế giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở, các khóa học trực tuyến và các chính sách giáo dục – đào tạo mở. Nếu Trung ương Đảng và Nhà nước không chỉ đạo ngành giáo dục đề xuất hệ thống giáo dục mở, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp, quản lý… theo mô hình giáo dục mở thì việc triển khai các Nghị quyết, các Quyết định nói trên sẽ thiếu hiệu quả mong muốn.
2. Để có được cộng đồng các trường đại học tham gia trong một mạng lưới tổ chức xây tài nguyên giáo dục mở, trước hết phải có chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ chỗ thống nhất nhận thức, xác định quan điểm bằng Hội thảo như thếnày đến chỗ tổ chức được lực lượng thực hiện một sự nghiệp là cả một vấn đề,nhưng mấu chốt là ở chỗ Bộ Giáo dục phải có chủ trương và ra được những quyết định cụ thể để có được một thiết chế và quy định được sự vận hành của thiết chế đó. Chỉ bằng Hội thảo và Hội nghị, chúng ta chỉ có thể ra lời kêu gọi hoặc những tuyên bố mà thôi.
3. Giáo dục người lớn đã đến lúc phải trở thành một bộ phận (một ngành học) bên cạnh giáo dục mẫu giáo, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp và có được những chính sách đầu tư cần thiết, có sự quản lý chặt chẽ về phía Nhà nước. Trong sự phát triển hướng về tương lai, giáo dục người lớn ngày càng phải tính đến nâng cao học vấn đại học cho người dân. Lúc này mà nói đến đại chúng hóa đại học và phổ cập trình độ học vấn đại học cho người lớn có thể bị coi là xa rời thực tiễn hoặc bị coi là đề án giáo dục xa xỉ. Nhưng, sự phát triển của nhiều quốc gia đã tiến sâu vào kinh tế tri thức và bắt kịp bước tiến của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy, trong các thiết chế giáo dục người lớn, đại học cộng đồng dành cho người lao động và người cao tuổi đang phát triển. Trước kia, ở Nhật Bản, các Kominkan làm nhiệm vụ giáo dục gắn với cộng đồng như ta thấy ở nhiều nước, nhưng nay, thiếu đại học cộng đồng, Nhật Bản sẽ không thể giải quyết nhiều vấn đề xã hội, chủ yếu là những vấn đề gắn với các chính sách an sinh khi dân số già hóa. Các nước Bắc Âu, Canada, Hoa Kỳ cũng phải tính đến các trường lớp đại học dành cho lứa tuổi thứ 3, các đại học mở có thể dung nạp cả triệu học viên là người lớn tuổi.
4. Một khi đã có tài nguyên giáo dục mở thì vấn đề tiếp theo là phương thức sử dụng tài nguyên đó. Việc học tập của người lớn sẽ phải đổi hướng. Lúc đó, tự học và sử dụng công nghệ học tập hiện đại sẽ là mấu chốt của việc khai thác tài nguyên giáo dục mở. Chúng ta đã bắt đầu phải tính việc sử dụng các công nghệ máy tính để người lớn tiếp cận được các nguồn thông tin rộng lớn như các phương tiện giao tiếp hiện đại: Internet, vô tuyến, các từ điển trên máy tính, phim video, băng ghi âm, sao cho việc học tập ngày càng theo hướng cá nhân hóa.
5. Tài nguyên giáo dục mở càng phong phú thì việc chia sẻ tri thức càng mở rộng. Trường đại học xây dựng tài nguyên giáo dục mở là một việc làm để thực hiện một nền giáo dục chia sẻ. Tri thức càng chia sẻ thì tài nguyên giáo dục càng phát triển và càng bền vững. Nhưng, bản chất của công việc này chính là chúng ta tập trung vào chiến lược tăng trưởng vốn con người (Human Capital). Xã hội dựa trên tri thức là mô hình phát triển xã hội có triển vọng nhất mà ta cần lựa chọn. Xã hội đó cần đến giáo dục mở, trường học mở để con người được tri thức hóa, trở thành nguồn vốn quan trọng nhất cho sự đi lên của đất nước khi làn sóng công nghiệp 4.0 tràn tới. Không làm được điều này, cơ hội phát triển sẽ tuột khỏi tay, và tụt hậu là điều không tránh khỏi.