Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Ba, 18/9/2018 15:28'(GMT+7)

Thế nào là một bài báo khoa học

 Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ là sản phẩm tri thức, mà còn là một loại “tiền tệ” của giới làm khoa học, bởi vì qua đó mà người ta có thể đánh giá khả năng chuyên môn và năng suất khoa học của nhà nghiên cứu. Giới làm nghiên cứu khoa học nói chung nhất trí rằng chỉ tiêu số một để đề bạt một nhà khoa học là dựa vào số lượng và chất lượng bài báo khoa học đã công bố trên các tập san chuyên ngành. Trên bình diện quốc gia, số lượng bài báo khoa học là một thước đo về trình độ khoa học kĩ thuật và hiệu suất khoa học của một nước.

Nhưng cũng giống như sản phẩm công nghệ có nhiều hình thức và giá trị khác nhau, các bài báo khoa học cũng xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau và giá trị cũng không đồng nhất. Đối với người ngoài khoa học và công chúng nói chung, phân biệt được những bài báo này không phải là một chuyện dễ dàng. 

Bài báo khoa học

Nói một cách ngắn gọn, bài báo khoa học là một bài báo có nội dung khoa học được công bố trên một tập san khoa học đã qua hệ thống bình duyệt của tập san. 
Trước hết xin bàn về nội dung khoa học của một bài báo. Giá trị khoa học của một bài báo tùy thuộc một phần lớn vào nội dung của bài báo. Có những bài báo mang tính cống hiến nguyên thủy. Đây là những bài báo khoa học nhằm báo cáo kết quả một công trình nghiên cứu, hay đề ra một phương pháp mới, một ý tưởng mới, hay một cách diễn dịch mới. Có khi một công trình nghiên cứu có thể có nhiều phát hiện mới, và cần phải có nhiều bài báo nguyên thủy để truyền đạt những phát hiện này.

Tất cả các bài báo thể hiện những cống hiến nguyên thủy, trên nguyên tắc, đều phải thông qua hệ thống bình duyệt trước khi được công bố. Một bài báo không hay chưa qua hệ thống bình duyệt chưa thể xem là một “bài báo khoa học”.

Thứ hai là những bài báo nghiên cứu ngắn,... Là những bài báo rất ngắn (chỉ khoảng 600 đến 1000 chữ, tùy theo qui định của tập san) mà nội dung chủ yếu tập trung giải quyết một vấn đề rất hẹp hay báo cáo một phát hiện nhỏ nhưng quan trọng. Những bài báo này vẫn phải qua hệ thống bình duyệt nghiêm chỉnh, nhưng mức độ rà soát không cao như các bài báo cống hiến nguyên thủy. 

Trong y học còn có một loại bài báo khoa học xuất hiện dưới dạng báo cáo trường hợp mà trong đó nội dung xoay quanh chỉ một (hay một số rất ít) bệnh nhân đặc biệt.             

Thứ tư là những bài điểm báo. Như tên gọi bài điểm báo thường tập trung vào một chủ đề hẹp nào đó mà tác giả phải đọc tất cả những bài báo liên quan, tóm lược lại, và bàn qua về những điểm chính cũng như đề ra một số đường hướng nghiên cứu cho chuyên ngành.

Thứ năm là những bài xã luận (editorials). Có khi tập san công bố một bài báo nguyên thủy quan trọng với một phát hiện có ý nghĩa lớn, ban biên tập có thể mời một chuyên gia viết bình luận về phát hiện đó. 

Thứ sáu là những thư cho tòa soạn.  Nhiều tập san khoa học dành hẳn một mục cho bạn đọc phản hồi những bài báo đã đăng trên tập san. Đây là những bài viết rất ngắn của bạn đọc về một điểm nhỏ nào đó của bài báo đã đăng.  Những thư này thường phê bình hay chỉ ra một sai lầm nào đó trong bài báo khoa học đã đăng. 

Và sau cùng là những bài báo trong các kỉ yếu hội nghị. Trong các hội nghị chuyên ngành, các nhà nghiên cứu tham dự hội nghị và muốn trình bày kết quả nghiên cứu của mình thường gửi bài báo để đăng vào kỉ yếu của hội nghị. 

Trong hoạt động khoa học, các tập san khoa học là những tờ báo xuất bản định kì, có thể là mỗi tuần một lần, mỗi tháng, hay 3 tháng, thậm chí hàng 6 tháng một lần. Mục tiêu chính của các tập san khoa học là chuyên chở thông tin đến giới nghiên cứu khoa học nhằm từng bước phát triển khoa học. Các tập san khoa học còn là những diễn đàn khoa học để giới khoa học có cùng chuyên môn trao đổi và học hỏi với nhau.  Phần lớn các tập san khoa học rất chuyên sâu về một bộ môn khoa học. Trên thế giới ngày nay, có khoảng 3000 tập san y sinh học được công nhận, và con số vẫn tăng mỗi năm. Tiêu chuẩn mà các tập san này dựa vào để công bố hay không công bố một bài báo khoa học cũng rất khác nhau. 

Giá trị khoa học của một bài báo do đó không chỉ tùy thuộc vào nội dung, mà tập san công bố cũng đóng một vai trò quan trọng. 

Cơ chế bình duyệt

Cơ chế bình duyệt là một cơ chế có mục đích chính là thẩm định và kiểm tra các bài báo khoa học trước khi chấp nhận cho công bố trên một tập san khoa học. Tuy một cơ chế bình duyệt như thế không phải hoàn toàn vô tư và hoàn hảo, nhưng nó là một cơ chế tốt nhất hiện nay mà giới khoa học đều công nhận.
Nói chung một bài báo từ lúc nộp bài cho đến lúc xuất hiện trên mặt giấy - nếu mọi bình duyệt và phản hồi đều trôi chảy - tốn khoảng 9 tháng đến 12 tháng. 

Ý nghĩa xã hội của bài báo khoa học

Như vậy một bài báo chỉ khi nào được xem là “bài báo khoa học” nếu nó đã qua cơ chế bình duyệt và được công bố trên một tập san chuyên môn.  Những bài báo xuất hiện dưới dạng “abstracts” hay thậm chí “proceedings” không thể xem là những bài báo khoa học bởi vì nó không đáp ứng được hai yêu cầu trên. Thế nhưng trong thực tế đã có rất nhiều nhà khoa học, kể cả ở trong nước, có lẽ do hiểu lầm đã liệt kê những “abstracts” và “proceedings” như là những bài báo khoa học trong lí lịch khoa học của họ! 

Trên bình diện quốc gia, công bố báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một cách không chỉ nâng cao sự hiện diện, mà còn nâng cao năng suất khoa học của nước nhà. 

Theo tác giả Phạm Duy Hiển (Tạp chí Tia Sáng số tháng 6 năm 2005) trong năm 2003, các nhà khoa học Việt Nam đã công bố trên 7000 bài báo trên các tạp chí hay tập san khoa học trong nước. Con số này rất ư là ấn tượng, song đó chỉ là những bài báo “ta viết cho ta đọc” chứ trên trường quốc tế thì sự hiện diện của các nhà khoa học Việt Nam còn rất khiêm tốn. Vẫn theo tác giả Phạm Duy Hiển, trong năm 2001 các nhà khoa học Việt Nam chỉ công bố được 354 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế, mà 71% con số này là do cộng tác với các nhà khoa học ngoài Việt Nam. Trong quá trình hội nhập thế giới, xã hội có quyền đòi hỏi nhà khoa học nước ta phải có tầm vóc và đứng vững trên trường khoa học quốc tế.  Đã đến lúc chúng ta phải đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm túc mà quốc tế đã và đang sử dụng để thẩm định thành tích nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học và nhà nghiên cứu ở nước ta.

GS. Trần Văn Tuấn

Nguồn: Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất