Nếu thử so sánh với tương quan của thời đại (hiện là cách mạng công nghiệp 4.0), trình độ phát triển giáo dục nước nhà đang chậm hẳn 2 giai đoạn. Điều đó đặt ra thách thức lớn cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam.
Đó là nhận định của GS.TS. Nguyễn Lộc (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) tại hội thảo "Phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0" do Học viện Quản lý Qiáo dục tổ chức ngày 15/11 ở Hà Nội. Tại đây, hơn 10 đoàn đại biểu đến từ Mỹ, Italia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Philipin, Lào đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.
Giáo dục nước nhà chậm 2 giai đoạn so với thời đại
GS.TS. Nguyễn Lộc (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho hay: Hiện đang có một số nghiên cứu bàn về việc phân chia các giai đoạn phát triển của giáo dục theo tiếp cận của thời đại công nghiệp 4.0. Một trong những mục đích của việc phân giai đoạn này nhằm xác định xem giáo dục của quốc gia mình đang ở giai đoạn nào, từ đó có thể đề ra những canh tân cần thiết để bắt kịp yêu cầu của CMCN 4.0.
Theo đó, Ong J.C.B đã tổng hợp và phân giáo dục làm 4 giai đoạn là Giáo dục 1.0, Giáo dục 2.0, Giáo dục 3.0, Giáo dục 4.0 trong các khoảng thời gian tương đương với các cuộc cách mạng công nghiệp; theo 8 đặc trưng của giáo dục: Trọng tâm, Chương trình giáo dục, Công nghệ, Trình độ kỹ thuật số, Giảng dạy, Trường học và Đầu ra.
“Nếu chỉ xét riêng một số đặc tính như chương trình, công nghệ, dạy học và trường học, ta thấy giáo dục Việt Nam đang chủ yếu tiếp cận chương trình theo đơn ngành và đa ngành, sử dụng công nghệ ở mức độ giấy và bút chì và máy tính và máy tính xách tay; dạy học chủ yếu là một chiều hoặc hai chiều; mô hình nhà trường là gạch, vữa và gạch kết hợp nhấp chuột.
Các phân tích trên có thể cho ta hình dung một cách hết sức sơ lược rằng giáo dục Việt Nam đang đâu đó ở giai đoạn Giáo dục 2.0”, GS.TS. Nguyễn Lộc nhận định. Do vậy, việc tiến tới Giáo dục 3.0 và Giáo dục 4.0 đặt ra nhiều thách thức lớn.
Ngoài ra, hai chuyên gia Hàn Quốc cũng nhấn mạnh một số kỹ năng cần có của người cán bộ quản lý hiện đại: kỹ năng tạo dựng mối quan hệ, tự kiểm soát, hoàn thiện khắc phục; có động lực cá nhân và đạo đức minh bạch.
Liên quan đến vấn đề ứng dụng công nghệ, TS. Nguyễn Thị Thanh Thương (Khoa cơ bản - Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng: Việt Nam hiện nay có khoảng 1/3 dân số biết đến mạng xã hội Facebook và thường xuyên sử dụng, con số đang tăng trưởng mỗi ngày. Chính vì vậy, các trường đại học có thể tạo Facebook của trường mình, của các phòng, ban, khoa và sử dụng facebook của các cá nhân quản lý như một kênh hiệu quả để thiết lập diễn đàn trao đổi, cung cấp các chương trình học bắt kịp xu hướng phát triển cuộc CMCN 4.0, hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý.
Các chuyên gia trong và ngoài nước đồng tình rằng, khả năng thích ứng, không ngừng tiếp thu điều mới vô cùng quan trọng với các nhà quản lý giáo dục thời đại 4.0.
GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Trường Đại học Giáo dục) dẫn lại câu nói của nhà bác học Charles Darwin Darwin: "Những giống loài tồn tại được không phải là những giống loài khỏe nhất hoặc thông minh nhất mà là những giống loài thích ứng với sự thay đổi tốt nhất".
Lệ Thu