Trước yêu cầu của công tác nghiên cứu, phát triển lý luận Cảnh sát trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 6120/QĐ-X11-X12, ngày 07/6/2016 về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển lý luận Cảnh sát thuộc Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân. Đồng thời, theo đề nghị của Bộ Công an, ngày 19/12/2016, tại Giấy phép số 575/GP-BTTTT của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt và cấp phép cho Tạp chí Cảnh sát nhân dân xuất bản Chuyên đề “Khoa học Cảnh sát” định kỳ hàng tháng. Trung tâm Nghiên cứu phát triển lý luận Cảnh sát, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân là cơ quan thường trực xuất bản Chuyên đề.
Từ khi xuất bản, Chuyên đề “Khoa học Cảnh sát” đã công bố các công trình nghiên cứu lý luận, thực tiễn có hàm lượng khoa học cao và trao đổi những vấn đề khoa học có tính cấp thiết về công tác Cảnh sát.
Tuy nhiên, để tập trung công bố những công trình chuyên sâu về lý luận Cảnh sát và công tác đào tạo Cảnh sát. Được sự đồng ý của Bộ Công an, Chuyên đề “KHOA HỌC CẢNH SÁT” đổi tên thành Chuyên đề “LÝ LUẬN VÀ ĐÀO TẠO CẢNH SÁT”, thực hiện từ số 7/2017.
Chủ đề của Chuyên đề đăng tải những công trình nghiên cứu về lý luận và đào tạo Cảnh sát trên những lĩnh vực cơ bản sau:
- Những nghiên cứu chung về công tác Cảnh sát nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội như: Khái niệm, đặc điểm, vị trí, vai trò, yêu cầu, chủ thể, nội dung, biện pháp… bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
- Nghiên cứu về đối tượng đấu tranh của lực lượng Cảnh sát như: hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội (phương thức, thủ đoạn thực hiện, nguyên nhân, điều kiện… thực hiện hành vi); tình trạng phạm tội, vi phạm pháp luật…
- Nghiên cứu về phương pháp, chiến thuật, kỹ thuật công tác của lực lượng Cảnh sát, như: hoạt động nghiệp vụ trinh sát, điều tra hình sự, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, vận động quần chúng, công tác nghiệp vụ cơ bản, nghiệp vụ chuyên ngành Cảnh sát...
- Nghiên cứu liên ngành phục vụ công tác Cảnh sát như tâm lý học Cảnh sát, xã hội học Cảnh sát, dân tộc học Cảnh sát...
- Nghiên cứu giáo dục - đào tạo Cảnh sát, các điều kiện đảm bảo cho công tác Cảnh sát như xây dựng lực lượng, công tác hậu cần - kỹ thuật Cảnh sát, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực công tác Cảnh sát.
Những chủ đề trên được trình bày trong các chuyên mục: Nghiên cứu phát triển lý luận, Giáo dục - Đào tạo; Thực tiễn - Kinh nghiệm; Diễn đàn; Nhìn ra thế giới; Thông tin khoa học…
Tiêu chí cao nhất chọn đăng bài mà Chuyên đề hướng tới là chất lượng bài viết, hàm lượng khoa học, ý nghĩa lý luận và thực tiễn, trình bày đúng thể lệ đăng bài (bài viết có dung lượng từ 5 - 7 trang khổ A4, cỡ chữ 14, font chữ Times New Roman, dãn dòng 1,5 line, có từ khóa của bài viết, tóm tắt nội dung không quá 8 dòng và dịch tóm tắt sang tiếng Anh, có họ tên, cấp bậc, chức vụ, học hàm, học vị, số điện thoại và email của tác giả và danh mục tài liệu tham khảo sử dụng trong bài viết).
Đối tượng hướng tới của Chuyên đề là các nhà khoa học, giảng viên, các chuyên gia, lãnh đạo, cán bộ công tác thực tiễn, nghiên cứu sinh, học viên và tất cả bạn đọc quan tâm đến mục tiêu và chủ đề của Chuyên đề.
Chuyên đề thuộc Danh mục tạp chí tính điểm công trình khoa học quy đổi xét chức danh giáo sư, phó giáo sư ngành Khoa học An ninh.
Ban biên tập rất mong được sự quan tâm và tham gia cộng tác nhiệt tình của các nhà khoa học, các thầy cô giáo, cán bộ hoạt động thực tiễn, học viên trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân để Chuyên đề “Lý luận và Đào tạo Cảnh sát” ngày càng phát triển, trở thành một địa chỉ đáng tin cậy của cộng tác viên và bạn đọc.
Thông tin về Chuyên đề xin liên hệ:
Địa chỉ tòa soạn: Trung tâm Nghiên cứu phát triển lý luận Cảnh sát - Viện Khoa học Cảnh sát - tầng 3 Thư viện Lê Quân - Học viện Cảnh sát nhân dân, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Email: tapchi.khcst32@gmail.com
SĐT: 01634.780.093
BAN BIÊN TẬP