Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) là một trong hai cơ sở đào tạo đại học đầu tiên được lựa chọn triển khai áp dụng hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Quá trình triển khai tại nhà trường chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 bắt đầu từ năm học 2009 - 2010 và giai đoạn 2 từ năm học 2015 - 2016. Đây không chỉ thể hiện sự tin tưởng của Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ Công an đối với Học viện CSND trong công tác giáo dục, đào tạo mà còn thể hiện vai trò, vị thế của một đơn vị giáo dục hàng đầu của Ngành. Nhận thức được những cơ hội và thách thức trong triển khai đào tạo tín chỉ, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện CSND luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, chủ động huy động mọi nguồn lực giúp khai thác tối đa những ưu điểm của hình thức đào tạo này, phù hợp với điều kiện của nhà trường và đặc thù lực lượng CAND. Đến nay, trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả thí điểm trong giai đoạn 1, Học viện đang chủ động triển khai những công việc cần thiết nhằm mở rộng áp dụng hình thức đào tạo này trong giai đoạn 2. Học viện đã chủ động rà soát, chuyển đổi nhiều chương trình đào tạo theo yêu cầu đào tạo theo hệ thống tín chỉ mới dành cho các hệ như: Liên thông chính quy; Liên thông vừa làm, vừa học; Vừa làm, vừa học và Văn bằng 2 đạo tạo tại Học viện. Đồng thời, Học viện còn nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản giúp tạo cơ sở triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo tín chỉ như: Quyết định số 2477/QĐ-T32-QLĐT ban hành Danh mục chuẩn đầu ra đối với sinh viên đào tạo trình độ đại học tại Học viện CSND; Quyết định số 2050/QĐ-T32-QLĐT, ngày 22/8/2017 về ban hành chương trình tập huấn đầu khóa hệ chính quy tại Học viện CSND; các Quyết định số 2019, 2020, 2021, 2022 và 2023/QĐ-T32-QLĐT, ngày 17/8/2017 về thành lập các Tổ cố vấn học tập đối với học viên các hệ học tại Học viện CSND. Quá trình triển khai có thể thấy, hình thức đào tạo tín chỉ đã bước đầu phát huy hiệu quả, có nhiều điểm mới, thể hiện qua một số kết quả cụ thể như: Kết quả đào tạo năm sau cao hơn năm trước; sự chủ động, tích cực trong một bộ phận học viên có sự chuyển biến; sự hiệu quả trong công tác quản lý đào tạo; đảm bảo chuẩn đầu ra với học viên ra trường.
Việc triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ đã đem lại nhiều thay đổi, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng dạy và học tại Học viện CSND thời gian qua. Một số ưu điểm có thể kể đến sau 10 năm triển khai hình thức đào tạo này tại Học viện CSND như: Đào tạo tín chỉ giúp Học viện CSND rút ngắn toàn bộ chương trình đào tạo, qua đó có điều kiện đánh giá lại chương trình đào tạo, quá trình chuyển đổi đảm bảo tính kế thừa đề cương chi tiết học phần có sự phân định rõ ràng, hợp lý theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành, thảo luận, tự nghiên cứu của học viên; giúp Học viện đổi mới phương pháp dạy và học, học viên có điều kiện tiếp cận kiến thức một cách chủ động, chuyên sâu hơn. Xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra giúp người học hình thành những kỹ năng cần thiết, phù hợp với chuyên ngành đào tạo, gắn quá trình đào tạo với đòi hỏi thực tiễn;giúp cho học viên có sự năng động, tự tin hơn, đồng thời có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau khi có nhiều chuyên ngành trong một lớp tín chỉ. Học viên có điều kiện tiếp xúc với nhiều kiến thức đa chiều, mở rộng tìm hiểu kiến thức nhiều chuyên ngành phục vụ công tác; đào tạo theo tín chỉ giúp tăng khả năng liên kết, liên thông giữa các cấp đào tạo và giữa các ngành đào tạo khác nhau trong Học viện hay xa hơn là giữa các cơ sở đào tạo trong khu vực và trên thế giới. Học viên có điều kiện thuận lợi khi chuyển chuyên ngành hoặc học tham gia các lớp đào tạo song bằng; đào tạo theo hệ thống tín chỉ giúp Học viện CSND có điều kiện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác tổ chức quản lý; phát triển hoạt động tự học, tự nghiên cứu của học viên tại Học viện CSND.
Bên cạnh những thuận lợi và ưu điểm kể trên, đào tạo theo hệ thống tín chỉ tại Hcọ viện còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn như: Xuất hiện tình trạng nhiều khoa, nhiều bộ môn thiếu giáo viên giảng dạy những môn đặc thù, theo đó, phải ghép cơ học giữa các lớp dẫn đến quá tải về số lượng sinh viên, không đảm bảo chất lượng trong dạy học. Một số môn học tự chọn nhưng mang tính “bắt buộc”, sinh viên chưa thực sự được lựa chọn giáo viên, môn học, lớp học. Hình thức đào tạo trực tuyến E - Learning cũng còn nhiều bất cập, thiếu sự quán xuyến. Về chất lượng chương trình đào tạo còn nhiều bất cập, cụ thể: Với việc mở nhiều mã ngành mới trong thời gian ngắn dẫn đến một số chương trình đào tạo mới nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng, ôm đồm kiến thức, các mô-đun kiến thức chưa đảm bảo tính độc lập, liên kết giữa ngành học, cấp học. Đề cương chi tiết chưa xác định rõ mục tiêu về kiến thức, kỹ năng; chưa chỉ rõ yêu cầu trong tự học, tự nghiên cứu; việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ kéo theo các môn học bị cắt nhỏ, ghép theo hướng cơ học, cục bộ và tổ chức thi học phần quá nhiều (thi học phần nhiều hơn so với đào tạo theo niên chế); trong quá trình chuyển đổi, nhà trường đang phải cùng lúc chạy cả hai chương trình đào tạo tín chỉ và niên chế song song, đối với hệ vừa làm vừa học đang trong quá trình chuyển đổi, dẫn đến chồng lấn chương trình đào tạo. Cùng một môn học nhưng có nhiều mã khác nhau, với thời lượng, cách phân bổ lịch trình khác nhau gây nhiều xáo trộn, lúng túng cho cả cơ quan quản lý và người học; việc khai thác, sử dụng khoa học công nghệ trong đào tạo tín chỉ cũng bộc lộ hạn chế, hạ tầng cơ sở phục vụ tra cứu, nghiên cứu tài liệu trực tuyến phục vụ tự học, tự nghiên cứu còn hạn chế, học viên gặp nhiều khó khăn tìm kiếm thông tin, tài liệu phục vụ học tập thông qua hệ thống mạng máy tính. Mặt khác, hệ thống tài liệu giáo trình nghiệp vụ phần lớn là loại tài liệu cần phải bảo mật nên sinh viên khó tiếp cận để sử dụng thường xuyên nhằm phục vụ theo đúng nghĩa của đào tạo theo hệ thống tín chỉ; khó khăn trong việc cho học viên chủ động lựa chọn môn học, lớp học và giảng viên lên lớp, đặc biệt là hệ vừa làm, vừa học, chưa chủ động tìm hiểu quy chế đào tạo, phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ lớp để nắm bắt mọi thông tin. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ cố vấn học tập chưa thực sự phát huy hiệu quả; thời gian tự học của học viên phụ thuộc vào các sinh hoạt có tính chất tập trung của lực lượng vũ trang nên không thể có “không gian mở” như các trường đại học khối dân sự; việc đào tạo theo tín chỉ cũng không thể giúp sinh viên của Học viện có thể ra trường sớm hoặc ra trường muộn hơn theo đúng nghĩa của hình thức đào tạo này, mà bắt buộc phải tuân theo quy định của ngành Công an (đặc thù là tuyển sinh gắn liền với tuyển dụng).
Từ sự phân tích những ưu điểm, hạn chế bất cập nêu trên, tác giả xin đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong đào tạo đại học tại Học viện như sau:
Thứ nhất, để có luận cứ khoa học chính xác và tham mưu, kiến nghị cho cấp có thẩm quyền của Bộ Công an có nên tiếp tục đào tạo theo hệ thống tín chỉ hay không, cần chỉnh sửa nội dung gì, biện pháp thực hiện ra sao, thời gian điều chỉnh như thế nào… thì vấn đề đặt ra là Học viện cần phải tiếp tục tổ chức tổng kết về vấn đề này một cách toàn diện, tổng thể và sâu sắc hơn (mặc dù trước đây đã có những sơ kết theo một số giai đoạn về đào tạo theo tín chỉ). Việc tổng kết phải có lộ trình về thời gian, có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về nội dung, trong đó cần thiết phải mời lãnh đạo Bộ, Cục đào tạo, lãnh đạo các trường đại học, học viện trong ngành Công an tham dự; lựa chọn mời những đại biểu tâm huyết, hiểu sâu sắc về đào tạo theo tín chỉ và các đại biểu là giảng viên, cán bộ quản lý thật sự có trách nhiệm cao để viết bài, tham luận chỉ rõ hơn những ưu điểm, hạn chế bất cập; phân tích thẳng thắn, có lý lẽ, đảm bảo tính thuyết phục các luận cứ khoa học và hiệu quả thực tiễn làm cơ sở để Học viện đề xuất với Bộ Công an quyết định phương án tối ưu về hình thức đào tạo đại học trong thời gian tới đối với các trường trong lực lượng CAND, trong đó có Học viện CSND thật sự thiết thực, hiệu quả, sát với thực tiễn chiến đấu của ngành.
Thứ hai, trong thời gian chưa có sự thay đổi về việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ tại Học viện, để phát huy ưu điểm, hạn chế những bất cập của hình thức đào tạo này, cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:
- Về phía các cơ quan quản lý: Tiếp tục nghiên cứu đề xuất lãnh đạo các cấp trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống các quy định có liên quan đến đào tạo tín chỉ trong các cơ sở đào tạo CAND. Chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản về triển khai đào tạo tín chỉ tại Học viện CSND, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Xây dựng quy chuẩn trong kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng đào tạo tín chỉ tại Học viện mang tính đặc thù, phù hợp với những định của Bộ Giáo dục - Đào tạo; đổi mới cách thức quản lý, tổ chức đào tạo tín chỉ linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của Học viện, cũng như đặc thù của lực lượng CAND. Chủ động rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo, cấu trúc lại hợp lý khối kiến thức ngành, chuyên ngành tạo điều kiện cho người học nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo kỹ năng cho học viên đáp ứng yêu cầu công tác sau ra trường cũng như phù hợp nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị thực tiễn; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Chủ động đề xuất đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống thông tin, thư viện điện tử, thiết bị dạy học tại các giảng đường và phòng chuyên dụng tại khu huấn luyện, thực hành phục vụ đào tạo tín chỉ. Triệt để ứng dụng khoa học công nghệ vào trong hệ thống quản lý hoạt động đào tạo tín chỉ; đảm bảo mối quan hệ phối hợp hiệu quả giữa cán bộ quản lý - giáo viên giảng dạy và học viên trong quá trình đào tạo tín chỉ. Các đơn vị quản lý giáo dục chủ động phối hợp đội ngũ cố vấn học tập hỗ trợ hiệu quả hoạt động học tập của học viên. Học viện tăng cường trao đổi, hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài Ngành trong triển khai hình thức đào tạo tín chỉ. Định kỳ lấy ý kiến phản hồi của người học, đơn vị giảng dạy và Công an các đơn vị, địa phương về hiệu quả đào tạo tín chỉ, có điều chỉnh về phù hợp với thực tiễn.
- Về phía đơn vị giảng dạy: Phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên đồng chủ nhiệm ở mỗi khoa chuyên ngành trong tư vấn, hướng dẫn học viên trong đào tạo tín chỉ. Lựa chọn những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực phụ trách các lớp chuyên ngành giúp học viên có những định hướng cụ thể trong học tập, rèn luyện phục vụ công việc chuyên môn sau ra trường; các đơn vị giảng dạy cần có định hướng trong đào tạo, bồi dưỡng giảng viên của các đơn vị theo hướng xây dựng đội ngũ chuyên gia trong những lĩnh vực phụ trách. Khuyến khích giảng viên tham gia các lớp, khóa học kỹ năng mềm; phát huy vai trò của các tổ chuyên môn trong đào tạo đội ngũ giảng viên trẻ, đồng thời về kinh nghiệm, phương pháp và các nội dung giảng dạy; mỗi giảng viên cần tự chủ động nghiên cứu, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong đào tạo tín chỉ. Đa dạng cách thức tiếp cận vấn đề, gắn với thực tiễn công tác chiến đấu của lực lượng CAND, đòi hỏi học viên có sự vận dụng vào chuyên ngành đào tạo. Khuyến khích xây dựng các tình huống giả định sát thực tế, gắn liền với thực tiễn, giúp học viên vận động tư duy nhạy bén để giải quyết; triển khai việc số hóa hệ thống hồ sơ bài giảng theo quy định đối với tất cả các môn học giảng dạy nhằm hỗ trợ hiệu quả việc triển khai đào tạo tín chỉ.
- Về phía người học: Học viên cần nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của việc hoàn thành các yêu cầu trong đào tạo theo hình thức tín chỉ. Mỗi học viên cần thấy được sự cần thiết phải thay đổi, chủ động hơn trong học tập, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu đào tạo; Thay đổi quan điểm, phương pháp học tập phù hợp cho học viên trong đào tạo tín chỉ. Đối với mỗi học phần học viên cần tự xây dựng cho mình thời gian biểu, kế hoạch học tập phù hợp, đảm bảo cân đối với thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng như học tập các kỹ năng cần thiết khác; Phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu trong toàn thể khối học viên, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong học tập. Mỗi học viên cần chủ động nắm bắt chương trình đào tạo, đề cương chi tiết, kế hoạch giảng dạy từ đó có xây dựng kế hoạch học tập cá nhân một cách khoa học. Tăng cường nghiên cứu, trao đổi, thảo luận với giáo viên hoặc tìm kiếm, khai thác thông tin từ hệ thống thư viện điện tử.
Thứ ba, trên cơ sở nhận thức rõ những ưu điểm, hạn chế bất cập của việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ, để phát huy hơn nữa ưu điểm của hình thức này, ngoài việc kiện toàn những nội dung nêu ra trong giải pháp thứ hai của bài viết, Học viện vẫn có thể áp dụng đào tạo theo hệ thống tín chỉ từng phần, trong đó, đối với các môn học thuộc phần kiến thức đại cương, kiến thức pháp luật có thể áp dụng triệt để, đầy đủ và hoàn toàn theo hình thức đào tạo tín chỉ. Riêng đối với các môn học nghiệp vụ chuyên ngành có tính đặc thù thì tổ chức giảng dạy theo hướng chỉ có lựa chọn duy nhất. Đây là giải pháp mang tính tình thế, trước mắt, có thể chưa đúng với bản chất đào tạo theo tín chỉ nhưng nó đem lại hiệu quả thực sự cho cả người dạy và người học trong bối cảnh đặc thù của lực lượng vũ trang, cho nên, Học viện cũng có thể phải tính đến, điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, muốn triển khai dạng thức đào tạo đặc thù đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý rõ, cụ thể và các đơn vị tham gia vào quá trình giảng dạy, quản lý phải có trách nhiệm rất cao, thống nhất.
Tài liệu tham khảo:
1. Kỷ yếu hội nghị Sơ kết triển khai thí điểm đào tạo theo hệ thống tín chỉ tại Học viện ANND giai đoạn 2010 - 2015.
2. Kỷ yếu hội nghị Sơ kết 05 năm (2010-2015) đào tạo theo hệ thống tín chỉ tại Học viện CSND.
3. Phan Ngọc Sơn, Đào tạo Đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ và một số vấn đề cần chú ý trong tổ chức và thực hiện tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân.
4. Kế hoạch số 149/KH-BCA-X11 ngày 04/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc triển khai thí điểm đào tạo theo hệ thống tín chỉ trong giáo dục đại học CAND (giai đoạn 1);
5. Kế hoạch số 207/KH-BCA-X11 ngày 18/8/2015 về tổ chức đào tạo đại học, cao đẳng theo hệ thống tín chỉ trong các học viện, trường đại học, cao đẳng trong lực lượng CAND (giai đoạn 2).