Ngày 15/11/2024, Học viện CSND phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong điều tra xử lý tội phạm mua bán người”.
Thiếu tướng. TS Chử Văn Dũng - Phó Giám đốc Học viện và Đại tá Vũ Văn Đấu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an các tỉnh, thành phố và các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Khoa Cảnh sát hình sự và học viên chuyên ngành thuộc Học viện CSND.
Toàn cảnh Hội thảo
Tội phạm mua bán người - một trong những loại tội phạm xâm hại nghiêm trọng nhất đến quyền con người, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người và là một vấn đề nóng toàn cầu. Trong nhiều vụ việc, nạn nhân bị khống chế, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, bị ép buộc thực hiện lừa đảo, cưỡng đoạt, cướp tài sản, có trường hợp dẫn đến chết người, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các đối tượng đặc biệt lợi dụng các ứng dụng công nghệ để thực hiện hành vi, thậm chí gia tăng tình trạng mua bán người ngay trong nội địa với nhiều hình thức mới như mua bán người dưới 16 tuổi dưới hình thức nuôi con nuôi.
Trước sự nguy hiểm khó lường của loại tội phạm này, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp, nỗ lực trong phòng, chống tội phạm mua bán người và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; tiến hành nhiều thay đổi quan trọng trong khung pháp lý, đồng thời tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người.
Vừa qua, Bộ Công an đã trình Dự thảo Luật Phòng chống mua bán người sửa đổi với rất nhiều điểm mới để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn. Khi thủ đoạn của tội phạm mua bán người thay đổi, việc phòng chống càng trở nên cấp thiết hơn. Cùng với cải thiện năng lực của cơ quan chức năng trong việc đấu tranh, phòng ngừa thì nhất thiết chế tài phải đủ mạnh, có như vậy mới đủ sức răn đe, giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Thiếu tướng. TS Chử Văn Dũng - Phó Giám đốc Học viện báo cáo đề dẫn Hội thảo
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, Học viện CSND phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự tổ chức Hội thảo khoa học lần này với các mục tiêu cụ thể:
- Làm rõ, trao đổi những vấn đề lý luận về hoạt động phòng, chống tội phạm mua bán người nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống mua bán người;
- Phân tích, khảo sát thực trạng và làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra nhất là những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra tra tội phạm mua bán người;
- Chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay của các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người để trao đổi, học tập kinh nghiệm;
- Đề ra những kiến nghị, đề xuất, giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong điều tra xử lý mua bán người, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong thời gian tới, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại các địa phương trong cả nước.
Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến công tác phòng ngừa phải được chú trọng và ưu tiên hàng đầu, thông qua biện pháp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng; tổ chức các các lớp tập huấn chuyên sâu và lồng ghép về phòng, chống mua bán người để trang bị kiến thức tự bảo vệ mình của người dân và chủ động trong phòng chống loại tội phạm này.
Bên cạnh đó, công tác điều tra, truy tố và xét xử cần được tăng cường. Công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình là cốt lõi kết hợp triển khai các kế hoạch nghiệp vụ; hằng năm, mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với các nước có chung đường biên giới triển khai các biện pháp phòng ngừa, trao đổi thông tin, điều tra, bắt giữ, chuyển giao tội phạm, giải cứu nạn nhân.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
PV