Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tham dự buổi báo cáo chuyên đề có Đại tá, TS Nguyễn Đăng Sáu, Phó Giám đốc Học viện; đồng chí PGS. TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Báo cáo viên tại chương trình; các đồng chí cán bộ, giảng viên Khoa Luật và đại diện học viên các lớp tại Học viện CSND.

Thượng tá, TS Nguyễn Văn Niên, Phó Trưởng khoa Luật phát biểu tại buổi báo cáo chuyên đề
Thượng tá, TS Nguyễn Văn Niên, Phó Trưởng khoa Luật phát biểu tại buổi báo cáo chuyên đề

Tại buổi báo cáo chuyên đề, cán bộ, giảng viên và học viên Học viện đã được nghe PGS. TS Tường Duy Kiên báo cáo về quá trình hình thành, quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người và công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người; quy định của Hiến pháp và các ngành luật khác như Bộ luật dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự… về công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người; vai trò của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Theo đó, Quyền con người là vấn đề được nhiều quốc gia và Liên hợp quốc quan tâm đặc biệt và được cụ thể hóa trong nhiều văn kiện pháp lý. Phát triển quyền con người là một xu hướng phổ biến nhằm thúc đẩy cuộc sống và chất lượng sống của con người, hiện thực hóa tự do chính đáng thông qua việc tăng cường cơ hội và năng lực của mỗi con người.

Đồng chí PGS. TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo chuyên đề về Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam
Đồng chí PGS. TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người báo cáo chuyên đề về Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam

Tại Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đã đề cao và đưa quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên vị trí trang trọng hàng đầu (Chương II). Điều đó thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Nhà nước ta khẳng định nguyên tắc “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; và “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đây là những nguyên tắc căn bản đề cao trách nhiệm của Nhà nước trước công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là cơ sở để người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong lĩnh vực tư pháp, việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là lĩnh vực trực tiếp liên quan đến tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm... của con người, nơi công lý cần phải được bảo vệ ở mức cao nhất. Ở mỗi loại hình tố tụng (tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính), có các biện pháp chung mang tính nguyên tắc, nhưng cũng có những biện pháp đặc thù nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Trên cơ sở lý luận đó, Báo cáo viên đã chỉ ra những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và những vấn đề đặt ra để tiếp tục nâng cao hiệu quả công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các đại biểu và đại diện học viên Học viện chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Báo cáo viên
Các đại biểu và đại diện học viên Học viện chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Báo cáo viên

Từ những chia sẻ của PGS. TS Tường Duy Kiên, các học viên tham gia buổi báo cáo chuyên đề đã cùng trao đổi, thảo luận với Báo cáo viên về các nội dung liên quan đến tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp, từ đó có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về nội dung chuyên đề báo cáo, phục vụ quá trình học tập và công tác của bản thân.

PV (tổng hợp)

Các tin khác

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT