Khám nghiệm hiện trường không gian mạng - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Tham dự Hội thảo có Đại tá, TS Phạm Long Âu, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ; Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật hình sự; đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Phòng kỹ thuật hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng, Trung tâm thuộc Học viện CSND.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học
Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra nhanh chóng mạnh mẽ và có tác động sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ở mọi quốc gia cũng như Việt Nam. Đặc biệt là thành tựu của công nghệ thông tin đã tạo dựng một không gian mới - “không gian mạng” và ngày càng trở nên quan trọng, là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của xã hội hiện đại.

Khai thác những mặt tích cực từ cuộc cách mạng 4.0 nói chung và không gian mạng nói riêng có thể giúp một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tận dụng lợi thế để đi tắt, đón đầu, phát triển vượt bậc để nhanh chóng trở thành quốc gia thịnh vượng. Do đó, xây dựng không gian mạng (bên cạnh đảm bảo vùng đất, vùng trời, vùng biển và không gian vũ trụ) an toàn, lành mạnh trở thành nguồn lực rất quan trọng cho xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước nhanh, bền vững.

Bên cạnh những lợi ích mà không gian mạng mang lại thì nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe doạ đến ANTT. Các đối tượng phạm tội đã và đang khai thác, sử dụng triệt để các thành tựu của khoa học, công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội trên không gian mạng, đang có xu thế gia tăng về số vụ, phức tạp về tính chất, hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Khi có hành vi phạm trên không gian mạng, các cơ quan chức năng cần phải “áp dụng mọi biện pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ”. 

Trong đó, khám nghiệm hiện trường là một trong các biện pháp điều tra quan trọng, phổ biến nhằm thu thập chứng cứ chứng minh vụ việc đã xảy ra. Tuy nhiên, khám nghiệm hiện trường không gian mạng cho đến nay vẫn còn là vấn đề rất mới trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn. 

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện báo cáo đề dẫn Hội thảo
Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện báo cáo đề dẫn Hội thảo

Trước thực trạng trên, Hội đồng lý luận của Bộ Công an đã giao Học viện CSND tổ chức Hội thảo khoa học “Khám nghiệm hiện trường không gian mạng - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” với mục tiêu góp phần xây dựng, phát triển lý luận về hiện trường không gian mạng, hoạt động khám nghiệm hiện trường không gian mạng của lực lượng Công an nhân dân. Đồng thời đánh giá đúng thực trạng hoạt động khám nghiệm hiện trường không gian mạng thời gian qua để có những tổng kết, rút kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới.

Quá trình chuẩn bị cho Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 88 bài viết của nhiều đơn vị trong toàn quốc, của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo quản lý và cán bộ trực tiếp nghiên cứu, thực hiện hoạt động khám nghiệm hiện trường. Các bài viết đều có chất lượng cao, tập trung luận giải về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn hiện trường không gian mạng, khám nghiệm hiện trường không gian mạng; những khó khăn, bất cập trong triển khai khám nghiệm hiện trường không gian mạng và những kiến nghị, đề xuất. 

Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Theo chương trình của Ban tổ chức, Hội thảo được chia làm 02 phiên tham luận chính, các đại biểu đã tập trung, đi sâu, làm rõ các nội dung về:
- Thực tiễn phát hiện, ghi nhận, thu thập, đánh giá dấu vết điện tử trong khám nghiệm hiện trường không gian mạng.
- Thủ tục pháp lý trong phát hiện, ghi nhận, thu thập dấu vết điện tử.
- Những vấn đề phát sinh trong thực tiễn triển khai khám nghiệm hiện trường không gian mạng thời gian vừa qua và kinh nghiệm xử lý.
- Nhận diện hiện trường không gian mạng.
- Khám nghiệm hiện trường không gian mạng.

Cụ thể, các nhà khoa học đều thống nhất khẳng định có tồn tại hiện trường không gian mạng. Do đó, hoạt động khám nghiệm hiện trường không gian mạng là một hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật để thu thập chứng cứ, dấu vết điện tử phục vụ chứng minh, làm rõ vụ việc mang tính hình sự xảy ra.

Bên cạnh đó, các tham luận, trao đổi tại Hội thảo cũng nêu lên thực trạng hoạt động khám nghiệm hiện trường không gian mạng theo chức năng của lực lượng Kỹ thuật hình sự, của lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quá trình triển khai khám nghiệm hiện trường không gian mạng thời gian qua. Qua đó, đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Hội thảo

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện cho biết: Hội thảo đã tạo cơ hội, môi trường sinh hoạt khoa học, qua đó các nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn chiến đấu tại Công an các đơn vị, địa phương có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm công tác về Kỹ thuật hình sự nói chung và thực tiễn khám nghiệm hiện trường không gian mạng nói riêng. Đây cũng chính là minh chứng sinh động cho mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, giữa Nhà trường với các đơn vị, địa phương trong giải quyết những vấn đề phát sinh của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Sau Hội thảo, Học viện CSND sẽ tổng hợp, xây dựng báo cáo lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt, chỉ đạo các nhiệm vụ nghiên cứu, các giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả công tác khám nghiệm hiện trường không gian mạng trong thời gian tới.

PV

Các tin khác

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT