Khoa Tâm lý giảng dạy thực hành theo phương châm “ba tại chỗ” tại Trại giam Phú Sơn 4

Đợt học tập thực tế này nhằm hướng tới nâng cao chất lượng dạy và học các môn Tâm lý học nghiệp vụ tại Học viện, đồng thời tăng cường quan hệ phối hợp trong công tác giáo dục, đào tạo của Học viện với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an nói chung và Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng nói riêng.

Đoàn học tập thực tế của Học viện tại Trại Giam Phú Sơn 4
Đoàn học tập thực tế của Học viện tại Trại Giam Phú Sơn 4

Chương trình giảng dạy thực hành diễn ra trong 05 ngày tại Trại giam Phú Sơn 4 là một phần trong mô hình giảng dạy - học tập kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, tham quan, kiến tập tại đơn vị thực tế, phù hợp với chuyên ngành của học viên. Đây là lần đầu tiên, học viên có trải nghiệm thực hành môn Tâm lý học nghiệp vụ trong nhiều ngày liên tục, trực tiếp tại môi trường trại giam thay vì tại giảng đường truyền thống. Đoàn học tập thực tế của Học viện bao gồm cả giảng viên và học viên thực hiện “ba tại chỗ” (học tại chỗ; ăn tại chỗ; ngủ, nghỉ tại chỗ) trong môi trường trại giam với sự hoan nghênh, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất từ Ban Giám thị cũng như các cán bộ, chiến sĩ Trại giam Phú Sơn 4.

Với tổng thời lượng 42 tiết cho toàn bộ môn học, học viên lớp B7B-LT36 được học 12 tiết lý thuyết tại Học viện và 30 tiết thực hành tại môi trường trại giam. Kế hoạch học tập thực tế tại Trại giam Phú Sơn 4 được xây dựng chi tiết với nhiều hoạt động đa dạng đã được giảng viên, học viên đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Học viên chia thành 7 nhóm và các hoạt động học tập đều diễn ra theo nhóm. Theo kế hoạch, học viên tiến hành các hoạt động chính, gồm có nghiên cứu hồ sơ của phạm nhân; gặp gỡ, trao đổi và phỏng vấn trực tiếp phạm nhân; xây dựng và trình bày chân dung tâm lý phạm nhân; thảo luận giải quyết tình huống thực tiễn; tham dự tọa đàm khoa học và viết thu hoạch.

Học viên thực hiện các nhiệm vụ học tập theo nhóm
Học viên thực hiện các nhiệm vụ học tập theo nhóm

Các hồ sơ được lựa chọn nghiên cứu tập trung vào 2 loại tội phạm là tội cướp tài sản và tội giết người; mỗi nhóm học viên phụ trách nghiên cứu 2 hồ sơ và trả lời câu hỏi theo yêu cầu của giảng viên. Sau khi đã nắm được những thông tin cơ bản về nhân thân cũng như quá trình phạm tội của phạm nhân thông qua hồ sơ, học viên được bố trí gặp mặt trực tiếp để trao đổi và phỏng vấn phạm nhân, khai thác thêm những thông tin không thể hiện trong hồ sơ, những vấn đề còn thắc mắc trong quá trình nghiên cứu hồ sơ cũng như tìm hiểu tâm tư của phạm nhân trong quá trình chấp hành án. Từ những thông tin đã thu thập được, các nhóm sẽ phác họa chân dung tâm lý của những phạm nhân đó, tìm ra một số đặc điểm tâm lý chung ở những phạm nhân phạm hai tội cụ thể nêu trên.     

Các nhóm học viên lần lượt trình bày chân dung tâm lý của phạm nhân dựa trên kết quả nghiên cứu hồ sơ và phỏng vấn thực tế. Từ việc xây dựng chân dung tâm lý phạm nhân, các nhóm học viên cũng phân tích thuận lợi, khó khăn trong quản lý giáo dục, cải tạo những phạm nhân như vậy, từ đó, đề xuất các biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp với họ.

Học viên trình bày chân dung tâm lý phạm nhân từ kết quả nghiên cứu hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp
Học viên trình bày chân dung tâm lý phạm nhân từ kết quả nghiên cứu hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp

Ngoài ra, học viên cũng có buổi thảo luận giải quyết các tình huống thực tiễn do giảng viên đưa ra và học tập qua việc tham dự Tọa đàm khoa học “Đặc điểm tâm lý phạm nhân chấp hành án phạt tù về tội cướp tài sản, tội giết người và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân” được Khoa Tâm lý phối hợp với Trại giam Phú Sơn 4 tổ chức. Tọa đàm do đồng chí Đại tá, PGS.TS Trần Quang Huyên, Phó Giám đốc Học viện CSND chủ trì. Tại buổi tọa đàm, đồng chí Trần Quang Huyên cho rằng những sự kiện khoa học như thế này là cơ hội tốt để các nhà khoa học và cán bộ thực tế gặp gỡ, trao đổi, giải quyết các vấn đề cả trên phương diện lý luận và thực tiễn; đồng thời khẳng định đây là hình thức học tập rất có giá trị đối với học viên, cần đẩy mạnh trong tương lai.

Học viên học tập qua hình thức tham dự Tọa đàm khoa học
Học viên học tập qua hình thức tham dự Tọa đàm khoa học

Đánh giá về đợt học tập thực tế của đoàn Học viện, đồng chí Trung tá Lưu Thu Hường, Phó Đội trưởng Đội Tham mưu, Trại giam Phú Sơn 4 chia sẻ: “Đây là một chương trình học tập có ý nghĩa rất quan trọng, thiết thực trong công tác giảng dạy tại các nhà trường, thông qua đó, trang bị thêm cho học viên những kiến thức thực tế, học viên được trải nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu công tác trong tình hình mới. Bên cạnh đó, chương trình cũng trở thành kênh trao đổi thông tin giữa nhà trường và các đơn vị, địa phương để có cơ sở bổ sung, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và giúp các đơn vị cơ sở có thêm kiến thức lý luận để làm công cụ đấu tranh đối với các loại đối tượng giam giữ”.

Những năm qua, Khoa Tâm lý đã tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện có hiệu quả chủ trương gắn lý luận với thực tiễn trong công tác giáo dục, đào tạo tại Học viện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện nhiệm kỳ 2020-2025. Hàng năm, Khoa đều tổ chức những đợt học tập thực tế cho học viên, thu được nhiều kết quả tốt và những phản hồi tích cực từ cả giảng viên, học viên và các đơn vị nghiệp vụ tiếp đón đoàn thực tế. Đặc biệt, chương trình giảng dạy thực hành dài ngày tại môi trường trại giam lần này được xây dựng công phu với nhiều hoạt động đa dạng hơn, cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ và nỗ lực không ngừng của cấp ủy, lãnh đạo và tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Tâm lý trong việc nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy các môn Tâm lý học nghiệp vụ và khẳng định tầm quan trọng của Khoa học Tâm lý trong công tác Công an.  

Chương trình học tập thực tế đã đạt được các mục tiêu đã đề ra và để lại những kỷ niệm ý nghĩa đối với thành viên của đoàn học tập cũng như cán bộ, chiến sĩ của trại giam. Đồng chí Trần Văn Phiến, học viên lớp B7B-LT36 cho biết: “Em thấy vừa bất ngờ vừa hào hứng khi được tham gia vào chương trình học thực hành dài ngày tại một đơn vị thực tế mà không phải là tại giảng đường của Học viên như thường lệ. Qua quá trình thực hiện nhiều nhiệm vụ và hoạt động khác nhau trong suốt đợt học, em cũng như các bạn đã có dịp áp dụng những kiến thức lý thuyết để thực hành phân tích tâm lý của phạm nhân phạm tội cướp tài sản và tội giết người, em thấy rất thú vị và hữu ích cho công tác chuyên môn của mình. Lớp cũng mong muốn có nhiều hơn các chương trình học tập vừa ý nghĩa vừa hấp dẫn như vậy”.

Qua đợt học tập thực tế này, Khoa Tâm lý có thêm kinh nghiệm và động lực để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình giảng dạy thực hành tại các đơn vị nghiệp vụ, áp dụng cho các môn Tâm lý học nghiệp vụ và lớp chuyên ngành khác trong thời gian tới.

Một số hình ảnh khác của đoàn học tập thực tế của Học viện tại Trại giam Phú Sơn 4:

Đoàn học tập thực tế xuất quân tại Học viện
Đoàn học tập thực tế xuất quân tại Học viện
Giảng viên Khoa Tâm lý hướng dẫn học viên thảo luận xử lý tình huống thực tiễn
Giảng viên Khoa Tâm lý hướng dẫn học viên thảo luận xử lý tình huống thực tiễn
Học viên đặt câu hỏi trong chương trình Tọa đàm
Học viên đặt câu hỏi trong chương trình Tọa đàm
Giao lưu bóng đá giữa học viên lớp B7B-LT36 với Đoàn Thanh niên của Trại giam Phú Sơn 4
Giao lưu bóng đá giữa học viên lớp B7B-LT36 với Đoàn Thanh niên của Trại giam Phú Sơn 4

Ngọc Hương (Khoa Tâm lý)

Các tin khác

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT