Lãnh đạo Học viện Cảnh sát nhân dân tham dự hội nghị Interpa lần thứ 8 tại Ấn Độ
Chủ tịch INTERPA tặng quà lưu niệm cho đồng chí Giám đốc Học viện

Hội nghị kéo dài 04 ngày với 05 phiên họp tương ứng với 05 chủ đề liên quan đến các lĩnh vực phòng chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng: Khám nghiệm hiện trường; Thu thập chứng cứ điện tử; Các phương pháp/ chiến thuật mới trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phần 1; Các phương pháp, chiến thuật mới trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phần 2; Đấu tranh phòng chống nhiễu thông tin trên mạng xã hội. Trong 5 phiên họp đã có 20 bài tham luận của các đại biểu, đại diện Đoàn Việt Nam (Học viện ANND và Học viện CSND) đã có 02 tham luận về duy trì An ninh mạng trong thời đại công nghiệp 4.0 và Giáo dục ý thức cho giới trẻ Việt Nam trong phát ngôn trên mạng xã hội, các tham luận được Hội nghị đánh giá cao.

Giám đốc Học viện CSND tặng quà lưu niệm cho Giám đốc Đại Học Kỹ thuật Hình sự Gujarat

Theo chương trình, Đoàn Việt Nam đã tham gia phiên họp của Đại Hội đồng của INTERPA, cuộc họp chung giữa INTERPA và ASEANAPOL và tham gia thảo luận về các cách thức tổ chức và tăng cường hiệu quả hoạt động của Hiệp hội, theo đó trong những năm tiếp theo sẽ có nhiều hoạt động được triển khai như trao đổi đào tạo thông qua các khoá tập huấn giữa các trường thành viên, tăng cường các khoá đào tạo trực tuyến, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà trường; Hội nghị INTERPA lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên lề Hội nghị, Đoàn Học viện CSND đã tiếp xúc và gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của các trường Đại học Hành pháp Mông Cổ, Đại học Kỹ thuật Hình sự Gujarat, Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Học viện Cảnh sát Cam-pu-chia để thúc đẩy hiệu quả các hoạt động hợp tác song phương.

Ngoài các phiên họp chính thức, đoàn đã đi tham quan thực tế tại trường Đại học Kỹ thuật Hình sự Gujarat, tham dự buổi chiêu đãi chính thức của Thống đốc bang Gujarat tại dinh thự riêng của Thống đốc và tham gia các chương trình giao lưu văn hoá do Đại Học Kỹ thuật Hình sự Gujarat tổ chức.  

Đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm cùng Thống đốc bang Gujarat

Có thể nói, sau 8 năm hoạt động, Tổ chức INTERPA đã khẳng định được vai trò, vị trí là một diễn đàn quốc tế quan trọng về giáo dục, đào tạo Cảnh sát; Tạo cơ hội và điều kiện cho các cơ sở đào tạo Cảnh sát của nhiều nước trên thế giới. Sau Hội nghị thường niên năm 2019 này, INTERPA đã thu hút được hơn 70 thành viên chính thức là các cơ sở đào tạo đến từ 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, hỗ trợ rất nhiều cho các cơ sở đào tạo Cảnh sát có cơ hội được mở rộng hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các trường thành viên. Với vai trò là thành viên chính thức của Hiệp hội, Học viện CSND đã từng bước khẳng định được vị trí và sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường Cảnh sát trong khu vực và trên thế giới góp phần xây dựng Học viện thành trường trọng điểm quốc gia vào năm 2020. 

HIỆP HỘI HỌC VIỆN CẢNH SÁT QUỐC TẾ (INTERPA) - được thành lập vào ngày 02/07/2011 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ theo sáng kiến của Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ do Giáo sư Tiến sĩ Yilmaz Colak – Giám đốc Học viện Cảnh sát Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ làm Chủ tịch. Tính đến nay Hiệp hội có sự tham gia của hơn 70 học viện/cơ sở đào tạo Cảnh sát đến từ 53 quốc gia/vùng lãnh thổ. Ban Thư ký đặt tại Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. INTERPA hoạt động theo cơ chế mở, hàng năm tổ chức Hội nghị thường niên; ngoài ra các thành viên thường xuyên tổ chức các hoạt động khác như: hội nghị, hội thảo, tập huấn và hợp tác trao đổi thông qua các chuyến thăm hữu nghị giữa các thành viên. Các Hội nghị thường niên do các thành viên tự nguyện đăng cai tổ chức thông qua Ban Thư ký.

Các Hội nghị INTERPA đã được tổ chức:

Hội nghị lần thứ nhất tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ với chủ đề “Tổng quan về cơ chế đào tạo Cảnh sát của các quốc gia”.

Hội nghị lần thứ hai tổ chức tại Ả-rập Xê-út với chủ đề “Các vấn đề hiện hành trong nghiên cứu, đào tạo và giáo dục lực lượng Cảnh sát”.

Hội nghị lần thứ ba tổ chức tại Malaysia với chủ đề “Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên của các cơ sở đào tạo Cảnh sát”.

Hội nghị lần thứ tư tổ chức tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất với chủ đề “Công tác đào tạo cán bộ Cảnh sát trong các lĩnh vực chuyên ngành”.

Hội nghị lần thứ năm tổ chức tại Xu-đăng với chủ đề “Cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu”.

Hội nghị lần thứ sáu tổ chức tại Cộng hòa Bắc Síp - Thổ Nhĩ Kỳ với chủ đề “Tội phạm ma túy và các cách tiếp cận mới trong công tác đào tạo lực lượng phòng chống ma túy”.

Hội nghị lần thứ bảy tổ chức tại Doha - Qatar với chủ đề "Những xu hướng mới trong Chống khủng bố và Chủ nghĩa cực đoan”.

                                                                            

PHÒNG HTQT

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT