Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện CSND và đồng chí TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách, Uỷ ban ATGT Quốc gia đồng chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam; đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an; Phòng Cảnh sát giao thông Công an các tỉnh, thành phố và các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT.
|
Lãnh đạo Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện CSND báo cáo đề dẫn Hội thảo |
Xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TTATGT là cơ sở để nghiên cứu, phân tích làm rõ nguyên nhân, điều kiện dẫn đến mất ATGT từ đó xây dựng, điều chỉnh chiến lược, giải pháp bảo đảm TTATGT; đánh giá kết quả các biện pháp đã triển khai; xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước; huy động, bố trí nguồn lực hiệu quả; đánh giá, làm rõ vài trò, trách nhiệm của các bên trong công tác bảo đảm TTATGT; xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và ra các quyết định trong QLNN về lĩnh vực GTVT. Đặc biêt, hệ thống CSDL quốc gia về TTATGT được chia sẻ rộng rãi còn là nguồn thông tin có giá trị để các tổ chức, cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế sử dụng phân tích, từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về GTVT.
Ở Việt Nam, việc xây dựng CSDL quốc gia về TTATGT đã và đang là yêu cầu cấp bách, được Chính phủ và các bộ, ban, ngành chỉ đạo triển khai quyết liệt thông qua việc ban hành chính sách, pháp luật có liên quan như: Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021…
Trước tình hình đó, Hội thảo khoa học được tổ chức nhằm làm rõ vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết của việc xây dựng CSDL quốc gia về TTATGT ở nước ta hiện nay; đánh giá hiện trạng CSDL đầu vào của Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Y tế cho sự hình thành hệ thống CSDL quốc gia về TTATGT; những ứng dụng trong công tác xây dung CSDL quốc gia về TTATGT và thể chế vận hành sau khi được hình thành; kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong việc xây dựng CSDL quốc gia về TTATGT trên thế giới.
|
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an phát biểu tham luận tại Hội thảo |
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Trung tá Vương Ngọc Bắc, Cục CSGT - Bộ Công an cho biết năm 2013, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 5482/QĐ-BCA-C61 về việc phê duyệt phần mềm hệ thống CSDL TNGT đường bộ quốc gia (viết tắt là NRADS) theo mô hình máy chủ, máy trạm. Trong đó, máy chủ được đặt tại trụ sở Cục CSGT, các máy trạm được đặt tại 576 điểm trên cả nước bao gồm 63 điểm tại Phòng CSGT và 513 điểm tại Công an cấp huyện. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hệ thống này đã không ngừng được củng cố, hoàn thiện, nâng cấp, góp phần đảm bảo cho các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng quản lý chặt tình hình ANTT, qua đó TNGT trên cả nước được giảm cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương; hỗ trợ tốt cho công tác tra cứu, xác minh thông tin TNGT, cũng như hỗ trợ công tác bảo đảm ANTT, TTATGT của lực lượng Công an. Đây cũng là cơ sở cho lực lượng CSGT nhanh chóng hiện thực hóa việc kết nối CSDL quốc gia theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
|
Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội phát biểu tham luận tại Hội thảo |
Cũng theo Thiếu tá, TS Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, việc thống kê, phân tích CSDL TNGT và số liệu VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, có vai trò cung cấp thông tin, làm căn cứ để đưa ra các đề xuất cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trong việc nghiên cứu, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch bảo đảm TTATGT.
Tại Công an TP Hà Nội, trong năm 2018, các đơn vị thuộc Phòng CSGT đã triển khai nhập được 1.044/1.361 vụ TNGT lên hệ thống CSDL về TNGT (đạt 76,7% tổng số vụ TNGT); trong năm 2019, nhập được 1.251/1.272 vụ TNGT (đạt 98,3% tổng số vụ TNGT); trong 09 tháng đầu năm 2020, nhập được 716/716 vụ TNGT (đạt 100% tổng số vụ TNGT). Đối với CSDL xử lý VPHC, lực lượng CSGT Công an thành phố đang thực hiện việc nhập dữ liệu xử lý VPHC lên hệ thống CSDL phục vụ xử phạt thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định của Bộ Công an.
Tuy nhiên, việc triển khai, sử dụng hệ thống các CSDL về TNGT và xử lý VPHC còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ và hoạt động chia sẻ, kết nối dữ liệu với các đơn vị, bộ, ngành, địa phương có liên quan…
|
Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hải Phòng phát biểu tham luận tại Hội thảo |
Từ thực tiễn công tác xây dựng, sử dụng hệ thống CSDL về TNGT và xử lý VPHC tại Công an TP Hải Phòng, Trung tá Lương Thị Danh Chiến, Phòng CSGT Công an thành phố đã đề cập một số hạn chế như: hành lang pháp lý về phương pháp, nội dung thu thập, quản lý, khai thác CSDL về xử lý VPHC, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ làm công tác này chưa được triển khai đồng bộ; việc khai thác CSDL về TNGT và xử lý VPHC trên lĩnh vực giao thông đường bộ mới chỉ dừng lại ở việc lưu trữ thông tin và thống kê báo cáo, chưa khai thác hết các tác dụng mà CSDL mang lại; chưa có cơ chế phối hợp để thống nhất các dữ liệu cần thiết, phù hợp với tất cả các ngành có liên quan đến lĩnh vực này… Đặc biệt, cách thức vận hành, sử dụng phần mềm nhập dữ liệu là vấn đề còn nhiều vướng mắc tại địa phương này.
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều kiến nghị, đề xuất để nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, khai thác CSDL về TNGT và xử lý VPHC trên lĩnh vực TTATGT đường bộ. Điển hình như: đề xuất đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, hoàn thiện phần mềm CSDL về TNGT và xử lý VPHC, tiến tới kết nối, chia sẻ CSDL dùng chung với các bộ, ngành, địa phương có liên quan để thuận tiện trong việc tra cứu thông tin vi phạm, TNGT, kết nối các máy tính của các đơn vị, địa phương và Cục CSGT ổn định, thông suốt đường truyền đảm bảo kịp thời cập nhật tình hình TNGT trên toàn quốc. Thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ CSGT nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hệ thống CSDL trong bảo đảm TTATGT, từ đó mỗi cán bộ, chiến sĩ làm công tác này nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thu thập, quản lý, khai thác CSDL đảm bảo khách quan, chính xác, khoa học. Cần thiết phải đầu tư xây dựng, vận hành Trung tâm chỉ huy giao thông ở các địa phương để đảm bảo kết nối hiệu quả với Trung tâm chỉ huy giao thông đặt tại Cục CSGT, đảm bảo theo dõi, giám sát tình hình TTATGT, phát hiện, xử lý VPHC về TTATGT nhằm phòng ngừa, hạn chế TNGT, góp phần phục vụ công tác QLNN về ANTT.
|
TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách, Uỷ ban ATGT Quốc gia đồng chủ trì Hội thảo |
Trên cơ sở tham luận của các đại biểu, TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách, Uỷ ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh: Để xây dựng hệ thống CSDL quốc gia về TTATGT, cần thiết phải đầu tư phần mềm thu thập, khai thác, quản lý dữ liệu một cách đồng bộ, hiện đại từ trung ương đến địa phương, xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ phối hợp, đôn đốc các bộ, ban, ngành sớm ban hành các quy định pháp luật có liên quan, đồng thời chỉ đạo triển khai thống nhất những dự án lớn về CSDL quốc gia về TTATGT. Đồng chí cũng đề nghị Học viện CSND phối hợp Cục CSGT tổ chức cho học viên chuyên ngành CSGT tham quan, kiến tập tại Trung tâm dữ liệu về TTATGT đặt tại Cục CSGT để nâng cao nhận thức về vấn đề này.
|
Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện CSND đồng chủ trì Hội thảo |
Kết luận Hội thảo, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện CSND đề nghị Ban Tổ chức Hội thảo khẩn trương tổng hợp ý kiến của các đại biểu để báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và các bộ, ban, ngành có liên quan, phục vụ công tác xây dựng, quản lý và khai thác CSDL quốc gia về TTATGT cả trên cả phương diện lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
PV