Ngày 17/12/2020, Học viện CSND đã tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận về án lệ và thực tiễn đặt ra đối với công tác Công an góp phần thực thi các quy định của pháp luật về án lệ ở Việt Nam hiện nay”. Đại tá, PGS.TS Trần Thành Hưng, Phó Giám đốc Học viện và TS Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đồng chủ trì Hội thảo.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Tham dự Hội thảo còn có Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, Thành viên Ban nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Cục trưởng Cục pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an; Đại tá Vũ Ngọc Thắng, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an; PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Thẩm phán Cao cấp TS Hoàng Mạnh Hùng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội cùng đại diện các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương; các chuyên viên cao cấp của Bộ Công an và Học viện.
|
Đại tá, PGS.TS Trần Hải Âu, Trưởng Khoa Luật, Học viện CSND phát biểu khai mạc và trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo |
Án lệ nói chung từ lâu đã trở nên rất phổ biến và vượt ra khỏi biên giới của truyền thống luật, trở thành nguồn pháp luật của nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới. Đó là kết quả tất yếu của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập, hợp tác diễn ra mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, chính trị và pháp luật của thế giới hiện đại.
Án lệ được chính thức thừa nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam là bước ngoặt lớn, đánh dấu sự đột phá trong quá trình cải cách tư pháp. Từ những định hướng về cải cách tư pháp trong các Nghị quyết của Đảng, những quy định của Hiến pháp và pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã và đang tích cực xây dựng các đề án, triển khai thực hiện một cách khẩn trương, quyết liệt, cho ra đời những án lệ nói chung, án lệ hình sự nói riêng, phục vụ cải cách tư pháp, nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ công lý, hướng tới xây dựng Tòa án thân thiện, gần dân, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân và xã hội trong giai đoạn mới.
Trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự ở Việt Nam hiện nay, nhiều vụ án có cùng hành vi, tình tiết tương tự nhau nhưng còn tồn tại cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất, đưa đến hệ quả xét xử là khác nhau. Thực tiễn đó đặt ra nhu cầu áp dụng án lệ để giải quyết các vụ án hình sự là một yêu cầu tất yếu khách quan. Do đó, việc nghiên cứu án lệ hình sự và hiểu thấu đáo về cách thức, quy trình xây dựng và áp dụng án lệ hình sự là một công việc cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
|
TS Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao điều hành phần tham luận |
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, Học viện CSND đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Một số vấn đề lý luận về án lệ và thực tiễn đặt ra đối với công tác Công an góp phần thực thi các quy định của pháp luật về án lệ ở Việt Nam hiện nay”.
|
Các đại biểu tiến hành tham luận |
Tại Hội thảo, tham luận của các đại biểu, các nhà khoa học và cán bộ thực tiễn đã tập trung đi sâu làm rõ những vấn đề lý luận chung: khái niệm, đặc điểm của án lệ hình sự; Nội dung, nguyên tắc xây dựng và áp dụng án lệ hình sự; Tình hình công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về án lệ cho người dân; Phân tích thực trạng, nguyên nhân, cũng như những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ ở Việt Nam hiện nay.
|
Các đại biểu tiến hành tham luận |
|
Các đại biểu tiến hành tham luận |
Về lý luận, các đại biểu đã thống nhất hiện nay pháp luật về án lệ đã từng bước được quy định cụ thể. Số lượng án lệ ngày càng nhiều đã góp phần giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn. Các chuyên gia và nhà khoa học đều đã đề cập đến các khía cạnh khác của án lệ như quy trình lựa chọn bản án làm án lệ, cách thức áp dụng án lệ trong thực tế.
Bên cạnh đó, các đại biểu khuyến nghị lực lượng CAND cần tăng cường nghiên cứu, phổ biến và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong áp dụng án lệ đối với quá trình điều tra các vụ án hình sự, thường xuyên rà soát những khó khăn trong thực tế để xây dựng các văn bản hướng dẫn pháp luật trong đó có xây dựng án lệ.
Ngoài ra, các đại biểu nhất trí cần có cơ chế khuyến khích hoạt động nghiên cứu, bình luận án lệ, đẩy mạnh các kênh truyền thông về án lệ, tạo các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm về viện dẫn, áp dụng án lệ, thảo luận các vấn đề pháp lý cần nghiên cứu phát triển án lệ để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tham gia.
|
Đại tá, PGS.TS Trần Thành Hưng, Phó Giám đốc Học viện phát biểu kết luận tại Hội thảo |
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Đại tá, PGS.TS Trần Thành Hưng, Phó Giám đốc Học viện ghi nhận và khẳng định các ý kiến tham luận, đóng góp có giá trị tại Hội thảo sẽ được Ban tổ chức tập hợp, lựa chọn để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Công an nhằm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện những vấn đề về lý luận và thực tiễn liên quan đến án lệ và vai trò của Công an nhân dân trong góp phần thực thi các quy định của pháp luật về án lệ tại Việt Nam.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
PV