Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16 và Chỉ thị 02, công tác khoa học và công nghệ Công an đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân (CAND). Có thể đánh giá khái quát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 và Chỉ thị 02 trên một số phương diện nổi bật sau đây:
Thứ nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp đối với công tác khoa học và công nghệ Công an được quan tâm hơn, có nhiều chuyển biến tích cực. Xác định khoa học và công nghệ Công an là động lực quan trọng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác công an, 5 năm qua, Đảng ủy CATW, Bộ Công an đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư phát triển khoa học và công nghệ Công an.
Hằng năm, trong các nghị quyết, chỉ thị về nhiệm vụ công tác Công an, Bộ đều nhấn mạnh phải tăng cường công tác nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu khoa học; đồng thời ban hành nhiều văn bản định hướng các nội dung cần nghiên cứu, phát triển về khoa học và công nghệ trong CAND; chỉ đạo và yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương nghiêm túc tổ chức quán triệt và cụ thể hóa trong chương trình, kế hoạch công tác của mỗi đơn vị.
Qua báo cáo của 105 Công an các đơn vị, địa phương, có hơn 40 đơn vị đã có văn bản cụ thể hóa Nghị quyết 16 và Chỉ thị 02; 24 đơn vị ban hành kế hoạch thực hiện; 16 đơn vị ban hành chương trình hành động. Việc ban hành các văn bản này đã thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đối với công tác khoa học Công an.
Thứ hai, công tác nghiên cứu khoa học Công an chất lượng, hiệu quả hơn. Từ năm 2014 đến nay, toàn lực lượng Công an đã chủ trì nghiên cứu hơn 1.840 đề tài khoa học các cấp, trong đó có 19 đề tài cấp quốc gia, 328 đề tài cấp bộ, 1.497 đề tài cấp cơ sở; nhiều chuyên đề và đề tài cấp tỉnh, thành phố; đồng thời phối hợp nghiên cứu, tham gia phản biện nhiều đề tài khoa học của Hội đồng Lý luận Trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự.
Các đề tài nghiên cứu trong CAND tập trung ở 3 mảng chính: (1) Khoa học nghiệp vụ, khoa học xã hội và nhân văn (hơn 1.000 đề tài, chuyên đề), tập trung vào những vấn đề phức tạp nổi lên, những vấn đề mới thực tiễn đặt ra trên các lĩnh vực an ninh, tình báo, cảnh sát, xây dựng lực lượng; (2) Khoa học kỹ thuật và công nghệ (hơn 400 đề tài), đi sâu vào từng chuyên ngành, lĩnh vực công tác cụ thể; tập trung nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả công tác công an trong tình hình mới; (3) Khoa học lịch sử (hơn 20 công trình), đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục truyền thống lịch sử của lực lượng Công an; cung cấp cơ sở hạ tầng sử liệu, làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử, thống nhất nhận thức trên nhiều vấn đề của lịch sử CAND, lịch sử Quân sự, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học để bổ sung, phát triển lý luận CAND.
Thứ ba, công tác quản lý khoa học trong CAND đã quán triệt nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoa học và công nghệ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý khoa học được ban hành, nhất là các quy định về đăng ký, xét chọn, triển khai thực hiện, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các nhiệm vụ khoa học đã từng bước đưa công tác khoa học Công an vào nền nếp.
Các quy trình quản lý được chuẩn hóa; tiếp tục tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về khoa học, tạo cơ chế chủ động cho Công an các đơn vị, địa phương trong tuyển chọn và triển khai thực hiện các đề tài cấp cơ sở, các nhiệm vụ hội thảo khoa học. Tăng dần tỷ lệ chi cho khoa học, công nghệ trong tổng chi ngân sách của Bộ và đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư phát triển khoa học và công nghệ.
Thứ tư, công tác thông tin khoa học tiếp tục được quan tâm phát triển. Hệ thống thư viện, phòng tư liệu, trung tâm thông tin trong ngành được đầu tư xây dựng, ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin, phục vụ việc lưu trữ, tuyên truyền, khai thác, sử dụng thông tin.
Riêng Trung tâm Thông tin khoa học Công an thuộc Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, lưu trữ gần 5.000 đề tài, báo cáo khoa học, 300 cuốn luận văn, luận án và hơn 51.200 tài liệu tham khảo, chuyên khảo, biên mục sách, tạp chí người đọc có thể tra cứu.
Bên cạnh đó, các Trung tâm Thông tin khoa học và tư liệu giáo khoa tại các học viện, trường CAND cũng lưu trữ hơn 1.400 giáo trình, trong đó có trên 60 giáo trình dùng cho hệ đào tạo sau đại học, trên 800 giáo trình dùng cho hệ đại học, gần 600 giáo trình dùng cho hệ trung cấp, cao đẳng. Ngoài ra, các học viện, trường CAND còn lưu trữ hàng nghìn tài liệu tham khảo, luận án, luận văn, khoá luận tốt nghiệp và công trình nghiên cứu khoa học khác của sinh viên.
Thứ năm, công tác ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ công tác Công an được coi trọng và đạt hiệu quả tích cực. Kết quả nghiên cứu khoa học đã bổ sung, cung cấp nền tảng, căn cứ, luận cứ khoa học vững chắc cho công tác tham mưu chiến lược về an ninh quốc gia, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận CAND trên các lĩnh vực an ninh, tình báo, cảnh sát, hậu cần và kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND; đồng thời được ứng dụng trực tiếp vào thực tiễn các mặt công tác, chiến đấu của ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác khoa học và công nghệ Công an vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập, như:
(1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự tăng cường, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và lãnh đạo Công an một số đơn vị, địa phương đối với công tác khoa học Công an chưa thể hiện rõ;
(2) Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ có lúc, có nơi chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Một số vấn đề mới liên quan đến an ninh, trật tự tuy đã được triển khai nghiên cứu nhưng kết quả thu được còn hạn chế, vận dụng vào thực tiễn còn nhiều bất cập, gây khó khăn và lúng túng cho đội ngũ thực thi nhiệm vụ;
(3) Công tác quản lý khoa học đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa khắc phục triệt để tình trạng nhiệm vụ khoa học chậm tiến độ, chậm thanh, quyết toán kinh phí. Hội đồng xét chọn, nghiệm thu của một số nhiệm vụ vẫn còn tình trạng nể nang, chưa đánh giá đúng chất lượng; cơ chế phản biện khoa học chưa được thực hiện có hiệu quả;
(4) Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất (bigdata) về thông tin khoa học trong toàn ngành. Sự kết nối giữa các trung tâm thông tin khoa học ở Bộ và Công an các đơn vị, địa phương chưa thực sự tốt, đặc biệt là hệ thống luận án, luận văn, khóa luận tốt nghiệp ở các học viện, trường Công an không kết nối với hệ thống đề tài ở các cơ quan quản lý khoa học nên chưa phát huy được hiệu quả trong nghiên cứu, triển khai ứng dụng;
(5) Hiệu quả việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào các mặt công tác Công an chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng còn ở mức độ nhất định; (6) Một số điều kiện bảo đảm cho công tác khoa học Công an chưa đáp ứng yêu cầu...
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 và Chỉ thị 02 có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
(1) Sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy Đảng, thủ trưởng công an các cấp là yếu tố quyết định hiệu quả, chất lượng và sự phát triển của khoa học Công an.
(2) Quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học, nhất là cán bộ nghiên cứu khoa học là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng khoa học Công an.
(3) Các cơ chế đảm bảo là yếu tố cần thiết quan trọng cho công tác khoa học CAND.
(4) Hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào công tác Công an là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá chất lượng công tác khoa học Công an.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, từ nhiều yếu tố bất định tác động đến sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước. Các thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục diễn biến phức tạp. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chóng; khoa học và công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông sẽ trở thành nhân tố quan trọng, tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội.
Các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tham nhũng, tội phạm môi trường, tội phạm xuyên quốc gia... chưa có chiều hướng giảm. Đáng chú ý, các thế lực thù địch, phản động, tội phạm sẽ sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nhất là triệt để sử dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ để hoạt động, gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng CAND trong đấu tranh.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác Công an, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, những năm tới, công tác khoa học Công an cần hướng vào những vấn đề trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện các mặt công tác khoa học Công an, từ nghiên cứu, quản lý thông tin, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học. Tập trung nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến; hoàn thiện các cơ quan làm công tác khoa học từ Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương; đổi mới cơ chế quản lý, tạo bước đột phá trong nghiên cứu, quản lý thông tin khoa học và công nghệ trong CAND. Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ hiệu quả công tác Công an và hội nhập về an ninh, trật tự.
Hai là, phát triển khoa học nghiệp vụ, khoa học xã hội và nhân văn cung cấp luận cứ cho việc tham mưu hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước trong tình hình mới; hoàn thiện lý luận CAND.
Nâng cao năng lực khoa học kỹ thuật và công nghệ CAND Việt Nam ngang tầm với lực lượng an ninh, tình báo, cảnh sát các nước trong khu vực; tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển những lĩnh vực khoa học và công nghệ mà lực lượng CAND có thế mạnh, đặc thù; tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược, tin cậy để chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao phục vụ công tác Công an. Có cơ chế, chính sách phù hợp để đào tạo, thu hút đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học có trình độ cao, đủ sức làm chủ khoa học và công nghệ tiên tiến. Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh để giải quyết vấn đề quan trọng, cấp bách đặt ra đối với công tác Công an và sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước trong bối cảnh mới.
Bốn là, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, chiến đấu của lực lượng CAND.
Năm là, tăng cường phối hợp, huy động tiềm lực từ các bộ, ngành cho công tác khoa học Công an; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ công tác Công an.
Thiếu tướng Đỗ Lê Chi Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an
Nguồn: Công an nhân dân online