|
Toàn cảnh Hội thảo |
Đại tá, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Phó Giám đốc Học viện và Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đồng chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ thực tiễn từ các Vụ, Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Công an các tỉnh, thành phố và đại diện các nhà trường CAND.
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, từ năm 2015 đến hết năm 2018, trên toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” trong đó có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Hệ lụy của “tín dụng đen” kéo theo nhiều loại tội phạm về trật tự xã hội như: giết người, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hay gây rối trật tự công cộng…
Thực tiễn diễn biến của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” rất phức tạp, tuy nhiên, hệ thống lý luận về loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” và công tác quản lý, đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật của lực lượng Cảnh sát nhân dân còn hạn chế, thiếu sót. Trước tình hình đó, Học viện CSND phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học: Thực trạng hoạt động “Tín dụng đen” và những vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” của lực lượng CSND.
|
Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện nhấn mạnh: hoạt động “tín dụng đen” là một trong những nguyên nhân gây phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại nhiều địa phương trên cả nước, là nguồn gốc của nhiều tội phạm khác như: bắt giam giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản… Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương còn lúng túng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu của Hội thảo, đồng chí Giám đốc Học viện đề nghị các đại biểu thẳng thắn trao đổi để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở nhiều góc độ khác nhau, từ đó nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
|
Đại diện Công an thành phố Hà Nội trao đổi về thực tiễn đấu tranh PCTP liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn thành phố Hà Nội |
Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn của các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ thực tiễn từ các đơn vị trong và ngoài ngành Công an như: Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, Cục Cảnh sát kinh tế, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Công an các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - hai địa phương có tình trạng hoạt động “tín dụng đen” và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay có nhiều diễn biến phức tạp.
|
Đại diện Cục Cảnh sát kinh tế trao đổi về thực tiễn công tác đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen” theo chức năng của lực lượng Cảnh sát kinh tế |
Tham luận của các đại biểu đã tập trung nhận diện các dấu hiệu đặc trưng của hoạt động “tín dụng đen”, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”; trao đổi những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm hay, cách làm tốt của Công an các đơn vi, địa phương trong quản lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trong thời gian tới, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương trong cả nước.
Thực tế cho thấy, “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất mà pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường hoạt động núp dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, hội nhóm như: cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh, dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính…; các tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng dưới mọi hình thức (khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiểu… với lãi suất cao); các cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay tài chính bất hợp pháp; các cơ sở, cá nhân có biểu hiện huy động vốn với lãi suất cao bất thường (chơi hụi, họ, phường…) hoặc góp vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp. Các đối tượng còn sử dụng công nghệ cao tổ chức hoạt động “tín dụng đen” qua mạng Internet dưới dạng cho vay trực tuyến, vay ngang hang, huy động vốn, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí đến 700%/năm so với khoản tiền ở thời điểm vay).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, trong đó có thể nhận thấy một số nguyên nhân cơ bản như: hệ thống ngân hàng, thương mại, các tổ chức huy động trong dân cư hoạt động chưa hiệu quả, thủ tục cho vay rườm rà, khó tiếp cận; quy định của hệ thống pháp luật hiện hành về xử lý hành chính, hình sự liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn nhiều bất cập; công tác nắm tình hình của lực lượng Công an còn nhiều hạn chế, sự phối hợp giữa các lực lượng còn chưa chặt chẽ…
Tại Hội thảo, một số kiến nghị, đề xuất đã được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Lực lượng CAND cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và Kế hoạch số 285/KH-BCAĐA2 ngày 14/12/2018 của Ban Chủ nhiệm Đề án 2, Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Phối hợp với các bộ, ban, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trong đó có Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình; Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về những phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen”…
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Những ý kiến tham luận tại Hội thảo sẽ là căn cứ để Ban tổ chức tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Bộ Công an những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến công tác quản lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” của lực lượng CSND.
PV