Hội nghị DGICM lần thứ 27 sẽ diễn ra từ 12-16/8 tại Khánh Hòa

Được sự đồng ý của Bộ Công an, ngày 6/8, Cục Quản lý XNC tổ chức họp báo thông báo về việc Bộ Công an đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM lần thứ 27.

Dự họp báo có đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Đại sứ quán các nước nằm trong khối ASEAN, Đại sứ Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore tại Việt Nam. Cùng dự có lãnh đạo đại diện cơ quan báo chí…

Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý XNC chủ trì họp báo. 

Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì họp báo.
Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì họp báo.

Tại cuộc họp báo, Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý XNC cho biết, Hội nghị DGICM được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996, theo cơ chế họp thường niên định kỳ hàng năm và luân phiên đăng cai chủ nhà, là diễn đàn để các nước ASEAN bàn thảo những vấn đề cùng quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý XNC và lãnh sự. Hội nghị cũng đưa ra các sáng kiến, biện pháp và cơ chế để tăng cường hợp tác XNC trong và ngoài khối, nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công dân và đấu tranh phòng, chống XNC trái phép.

Việt Nam tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị DGICM từ năm 1997 và luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong các hoạt động. Việt Nam đã hai lần được đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM vào năm 2003 tại Hà Nội, năm 2013 tại TP Hồ Chí Minh và nhận được sự đánh giá tích cực của khối ASEAN và các đối tác quan trọng ngoài khối ASEAN.

Trong những năm qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN triển khai hiệu quả các Hiệp định miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông, công vụ, ngoại giao và phối hợp với một số nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia trong công tác đấu tranh, phòng chống di cư trái phép. Hiện nay, Việt Nam đã cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ, không phân biệt mục đích nhập cảnh, không cần cá nhân, tổ chức bảo lãnh và được phép lưu trú đến 90 ngày; hoàn thành đề án hộ chiếu điện tử; thực hiện việc kiểm soát XNC tự động tại các cửa khẩu sân bay quốc tế.

Đại tá Nguyễn Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh trả lời các câu hỏi tại buổi  họp báo.
Đại tá Nguyễn Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh trả lời các câu hỏi tại buổi họp báo.

Năm 2024, Việt Nam vinh dự được đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM lần thứ 27, là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý XNC và lãnh sự trong khu vực ASEAN. Đây là cơ hội để Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà đăng cai tổ chức, thể hiện sự tích cực, chủ động và trách nhiệm của một nước thành viên DGICM, góp phần xây dựng một ASEAN thống nhất, đoàn kết, phát triển bền chặt và toàn diện trong công tác quản lý XNC và lãnh sự.

Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh phát biểu tại buổi họp báo.
Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh phát biểu tại buổi họp báo.

Hội nghị DGICM lần thứ 27 năm nay xác lập chủ đề là “An ninh toàn diện, tăng cường kết nối, hướng tới tương lai”. Tập trung giải quyết những vấn đề, thách thức trong quản lý XNC và lãnh sự, nhằm xây dựng ngôi nhà chung ASEAN vững vàng trong mọi hoàn cảnh, thực hiện hiệu quả những nguyên tắc cơ bản, định hướng chung đã được ASEAN thống nhất và hiện thực hóa “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045”.

Hội nghị DGICM năm 2024, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà sẽ có những sáng kiến đề nghị tại DGICM 27 để trình lên Ban thư ký ASEAN. Đây là văn bản quy định khung hoạt động chung của hội nghị, trong đó quy định các mục liên quan như nguyên tắc, vai trò, nhiệm vụ, tần suất nhóm họp, nội dung họp, chi phí tổ chức, cơ chế hỗ trợ…

Hội nghị DGICM lần thứ 27 tại Việt Nam được tổ chức từ 12-16/8, tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Về nội dung, chương trình tổ chức Hội nghị DGICM lần thứ 27, Cục trưởng Cục Quản lý XNC nước chủ nhà sẽ được bầu làm Chủ tịch cuộc họp. Từng nước thành viên sẽ có bài phát biểu, báo cáo quốc gia. Trong đó, trao đổi tình hình, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những biện pháp mới trong công tác quản lý XNC và lãnh sự; thảo luận tiến độ và phương hướng thực hiện các sáng kiến, cơ chế hợp tác DGICM (diễn ra vào 14 - 15/8).

Diễn đàn Những người đứng đầu cửa khẩu chính ASEAN lần thứ 7 (AMICF 7) sẽ thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong việc quản lý các cửa khẩu lớn trong ASEAN và đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý cửa khẩu (diễn ra ngày 13/8).

Đại tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng phòng Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phát biểu tại buổi họp báo
Đại tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng phòng Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phát biểu tại buổi họp báo

Diễn đàn trao đổi thông tin XNC ASEAN lần thứ 19 (AIIF 19) sẽ thảo luận về các cơ chế, biện pháp trao đổi thông tin XNC trong khối ASEAN, cập nhật đầu mối trao đổi thông tin liên lạc của mỗi nước, cập nhật việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị định thư về chia sẻ thông tin XNC (IDSP) diễn ra ngày 13/8.

Cuộc họp Những người đứng đầu đơn vị phòng, chống đưa người di cư trái phép lần thứ 3 (HSU3) sẽ trao đổi về các xu hướng và những thách thức của tội phạm đưa người di cư trái phép trong khu vực và những nỗ lực nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề này (diễn ra ngày 13/8).

Cuộc họp Tham vấn DGICM-Úc lần thứ 19 đánh giá, thảo luận về chương trình hợp tác đào tạo giữa ASEAN và Úc nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ XNC, thảo luận Chương trình làm việc ASEAN-Úc (diễn ra ngày 15/8).

Cuộc họp Tham vấn DGICM + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 3 sẽ trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý XNC, lãnh sự và xác định các lĩnh vực hợp tác giữa các nước ASEAN và các nước cộng ba (diễn ra ngày 15/8).

Tại cuộc họp báo, bên cạnh việc thông báo các nội dung liên quan đến việc tổ chức Hội nghị DGICM 27 tại Việt Nam, Cục Quản lý XNC đã thông báo kết quả công tác quản lý XNC 6 tháng đầu năm 2024, trong đó, trọng tâm là chính sách mới về XNC, công tác chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên lĩnh vực XNC.

Theo đó, trong lĩnh vực quản lý XNC sẽ cung cấp 40 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần, gồm: 22 dịch vụ công trực tuyến một phần và 18/22 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Tính hết 6 tháng đầu năm 2024, lưu lượng nhập cảnh của người nước ngoài (NNN) là 8.889.746 lượt, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023; xét duyệt nhân sự cho 1.695.777 lượt NNN nhập cảnh; cấp 1.482.469 thị thực điện tử, hiện tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến tại Cục ổn định, thủ tục “kiểm tra, xét duyệt nhân sự cho NNN nhập cảnh Việt Nam” qua giao dịch điện tử đạt mức 99%”.

 

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT