Hội nghị tập huấn một số đạo luật vừa được Quốc hội thông qua liên quan đến CAND
Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tại điểm cầu Hà Nội, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và cán bộ thuộc các tổng cục, bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ, các học viện, nhà trường CAND…

Theo báo cáo tại Hội nghị, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, sau đây gọi là Bộ luật hình sự năm 2015) có 426 điều, 26 chương, chia thành 03 phần. So với Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015 tăng 72 điều, 02 chương, 01 phần và có nhiều nội dung mới như: Bổ sung quy định hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù; bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; thay đổi chính sách hình sự đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; thay đổi chính sách hình sự đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội; bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện; bổ sung các tội phạm mới, bãi bỏ một số tội phạm; cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính.

Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, đối với người có công với cách mạng, người hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo và những người có khó khăn về tài chính sẽ được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Trợ giúp pháp lý sẽ góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là công cụ pháp lý để cá nhân, tổ chức đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung. Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Bồi thường nhà nước đã thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và quyền, lợi ích của Nhà nước; từng bước nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định, Bộ luật hình sự năm 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Luật Trợ giúp pháp lý trong CAND năm 2017 là những đạo luật quan trọng có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự của lực lượng Công an. Để triển khai thi hành có hiệu quả những đạo luật trên, đồng chí Thứ trưởng yêu cầu thời gian tới, Công an các đơn vị địa phương cần tập trung quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 và nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc triển khai thi hành và ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, cần rà soát toàn bộ các vụ án, tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố đang tiến hành điều tra, giải quyết có liên quan đến sự thay đổi về chính sách hình sự của Bộ luật hình sự 2015 để kịp thời giải quyết theo quy định.

Mặt khác, cần khẩn trương rà soát Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 do Bộ Công an ban hành để đề nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung các văn bản không còn phù hợp với Bộ luật hình sự năm 2015; tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, trong đó, cần chú ý đến Nghị định của Chính phủ quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 kịp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018…

Đồng chí Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của CAND phải tuân thủ quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và quy định của Luật Trợ giúp pháp lý trong CAND năm 2017 về việc đảm bảo quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong tố tụng và đảm bảo quyền của người thực hiện việc bào chữa cho người bị tạm giam, người bị tạm giữ. Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra, điều tra viên phải giải thích cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam về quyền được bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, đồng thời giúp đỡ, tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền đó. Mặt khác, cơ quan điều tra, điều tra viên cần phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý, trợ giúp viên pháp lý, luật sư… làm các thủ tục cần thiết để trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý… 

quan-triet-bo-luat-hinh-su.jpg (972×582)

Về việc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Thứ trưởng Lê Quý Vương lưu ý, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chủ trì giải quyết bồi thường trong các trường hợp như: Đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; đã ra lệnh bắt, quyết định tạm giữ nhưng cơ quan, người có thẩm quyền quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, không phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; đã ra quyết định khởi tố bị can nhưng viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định khởi tố vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm. Trường hợp viện kiểm sát quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, cơ quan điều tra ra kết luận điều tra bổ sung hoặc kết luận điều tra mới đề nghị truy tố nhưng viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm…

Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị, sau Hội nghị này, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện bằng các hình thức phù hợp, đảm bảo cán bộ, chiến sỹ nắm vững các nội dung của các văn bản nêu trên để thực hiện thống nhất trong toàn lực lượng./.

Minh Long

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT