Tăng cường phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2019

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết hiện nay đang diễn biến phức tạp, gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề. Tại Việt Nam, trong 06 tháng đầu năm 2019 ghi nhận hơn 96.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 07 trường hợp tử vong (tại Bình Phước, Quảng Bình, Tiền Giang, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương). 
 
Trong lực lượng Công an nhân dân, từ đầu năm 2019 đến nay bệnh sốt xuất huyết xuất hiện rải rác tại một số đơn vị nhưng chưa có vụ dịch nào xảy ra. Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới, khu vực và tại Việt Nam đang tăng nhanh và diễn biến phức tạp; để tăng cường chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ, học viên, công nhân viên và can phạm, phạm nhân, trại viên, học sinh trường giáo dưỡng; hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, Cục Y tế đề nghị Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt một số nội dung sau:
 
1. Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến từng cán bộ, chiến sĩ, học viên, công nhân Công an và can phạm, phạm nhân, trại viên, học sinh trường giáo dưỡng; vận động nhân dân, người thân thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Khi có dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.
 
2. Phối kết hợp chặt chẽ với y tế trên địa bàn đóng quân (Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/ Trung tâm Y tế dự phòng địa phương) triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch bằng các hoạt động cụ thể: tổ chức diệt loăng quăng (bọ gậy), thu gom, lật úp, xử lý dụng cụ phế thải chứa nước, đậy kín các dụng cụ chứa nước mưa, nước sinh hoạt,… để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước (nếu có thể được) để cá ăn loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ.
 
3. Thực hiện tốt công tác giám sát, khám phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để khi có dịch xảy ra, hạn chế thấp nhất số ca tử vong:
 
- Các bệnh viện, bệnh xá, y tế các đơn vị thực hiện tốt công tác khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế không để dịch lan rộng, kéo dài, hạn chế tối đa số trường hợp mắc, giảm tỷ lệ biến chứng và hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong.
 
- Chuẩn bị đầy đủ giường bệnh, cơ số thuốc và phương tiện điều trị, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly người bệnh. Củng cố nguồn nhân lực đã được đào tạo về điều trị cho người bệnh sốt xuất huyết tại các khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn. Thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn như quy chế thường trực, cấp cứu, hội chẩn, chuyển tuyến…
 
- Công tác chẩn đoán, điều trị, khai báo bệnh sốt xuất huyết: Tăng cường công tác khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết theo Quyết định số 458 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue”; Quyết định số 3711 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue”; Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo tình hình dịch bệnh theo Thông tư số 54 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
 
4. Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên, kịp thời báo cáo tình hình và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; những khó khăn vướng mắc và các kiến nghị, đề xuất về Cục Y tế (qua Phòng Y tế dự phòng; Điện thoại: 069.2320001, 069.2320003, di động: 0919.492.565, Fax: 0243.9428478) để phối hợp giải quyết.

 

PV

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT