I. Mô hình đại học thông minh thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, được thế giới đánh giá và công nhận là cuộc cách mạng có sự ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong 4 cuộc cách mạng khoa học của lịch sử nhân loại. Những đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật kết nối (IoT), công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ nano, tin học lượng tử… sẽ tác động mạnh mẽ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, xã hội, giáo dục đào tạo đặc biệt là giáo dục đại học… của tất cả các quốc gia. CMCN 4.0 giúp giáo dục đại học có cơ hội lớn để tiếp cận nhanh với những tiến bộ mới nhất của khoa học công nghệ, phát huy vai trò trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cung cấp các kết quả nghiên cứu quay trở lại phục vụ xã hội. Mặt khác, CMCN 4.0 cũng mang đến nhiều thách thức rất lớn, mạnh mẽ cho giáo dục đại học. Sự xuất hiện của các công nghệ mới làm thay đổi nền tảng sản xuất dịch vụ đặt ra những yêu cầu mới về năng lực nhân sự, từ đó đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải tích cực, chủ động đổi mới sáng tạo, ứng dụng những thành tựu mới nhất của khoa học công nghệ vào công tác quản lý, nghiên cứu, giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực của mình.
Trong giáo dục đại học truyền thống, người dạy là yếu tố quan trọng nhất, thông thường thầy giảng và trò nghe thụ động, với sự tương tác một chiều là chính. Giáo dục đại học thời kỳ CMCN 4.0 (giáo dục đại học thông minh) sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội thời kỳ này. Trong môi trường đại học thông minh, yếu tố “liên kết tương tác” và yếu tố “công cụ thông minh” được nhấn mạnh. Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại, đồng bộ phục vụ hoạt động đào tạo, quản lý là yếu tố then chốt, quyết định trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho tất cả các thành viên của cộng đồng đại học, IoT sẽ tạo ra sự kết nối không chỉ giữa người học với nhau, người học với người dậy mà còn của các trường đại học với nhau, tạo ra một hệ sinh thái học tập phát triển toàn diện; dễ dàng thống kê, báo cáo kết quả học tập, nghiên cứu và giảng dạy nhờ hệ thống các phần mềm có sự liên thông, kết nối, dữ liệu tập trung được chia sẻ theo sự phân cấp giúp nâng cao chất lượng chất lượng giáo dục đào tạo của trường đại học. Trên cơ sở hạ tầng CNTT thông minh, hiện đại, đồng bộ trường đại học thông minh thời kỳ CMCN 4.0 có vai trò, nhiệm vụ cụ thể: (1) Mục tiêu đào tạo: Người học phải biết sáng tạo và tạo ra giá trị, người học là trung tâm, quan trọng, nòng cốt, bất cứ ai với trình độ nào đều có cơ hội học theo cách thức phù hợp. Người học được học tập trong môi trường mở và thoáng, do đó có cơ hội dễ tiếp cận được với nguồn kiến thức đa dạng và toàn cầu. (2) Chương trình đào tạo: Theo hướng đào tạo xuyên ngành, có thể mở rộng, cập nhật đáp ứng yêu cầu thực tiễn; (3) Phương pháp đào tạo: Mọi lúc, mọi nơi, “lấy người học là trung tâm”, người dạy chỉ phụ trách định hướng, hướng dẫn, giữ nhịp, tạo động lực, giám sát và đánh giá là phương pháp chủ đạo của mô hình đại học thông minh; (4) Học liệu: Giáo trình, tài liệu và công cụ học tập được cung cấp trước cho người học, người học phải học tập, nghiên cứu, thực tập theo năng lực, tính cách và điều kiện của mình, chỉ gặp gỡ thầy và trợ giảng khi cần thiết, khi cần thảo luận về những vấn đề phức tạp, tinh tế, nâng cao; (5) Công nghệ dạy học: Internet kết nối vạn vật (IoT), hệ thống phần mềm dạy học, phần mềm mô phỏng, E-learning…
Hiện nay, trên thế giới và tại Việt Nam chưa có trường đại học nào công bố và triển khai mô hình đại học thông minh toàn diện. Một số trường đại học đang nghiên cứu và thử nghiệm mô hình đào tạo thông minh ở quy mô nhỏ, tuy nhiên hầu hết các trường đại học đã và đang tích cực chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, quản lý đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu, học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội thời kỳ CMCN 4.0. Do đó, xây dựng mô hình đại học thông minh là nhu cầu cấp bách của tất cả các trường đại học, đại học thông minh sẽ gồm nhiều thành phần tuy nhiên các yếu tố cốt lõi của mô hình đại học thông minh bao gồm: Thứ nhất, phải có cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT hiện đại (hạ tầng phần cứng, hạ tầng mạng kết nối vạn vật); thứ hai, phần mềm hệ thống quản lý điều hành, phần mềm ứng dụng đầy đủ, đồng bộ; thứ ba, con người tham gia trong chu trình đào tạo (giảng viên, cán bộ, học viên) phải được đào tạo, quản lý; thứ tư, nhà trường phải xây dựng được chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại tiếp cận nhu cầu người sử dụng lao động; thứ năm, ban hành được hệ thống văn bản, quy định đảm bảo cho hệ thống vận hành thông suốt.
II. Áp dụng mô hình đại học thông minh tại học viện cảnh sát nhân dân
Những năm vừa qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới toàn diện, áp dụng triệt để khoa học công nghệ trong công tác quản lý, giáo dục và đào tạo. Học viện đã cụ thể hóa thành chủ đề của các năm học “Chuẩn hóa, tin học hóa, hiện đại hóa”, “Xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân thông minh”. Cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin tại Học viện CSND đã được lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Học viện quan tâm đầu tư, phát triển. Tính đến tháng 9 năm 2019, Học viện đã triển khai được gần 40 phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý điều hành, giáo dục và đào tạo trên tất cả các lĩnh vực quản lý, điều hành. Kết quả triển khai hệ thống điều hành Học viện CSND điện tử đã giúp chuẩn hóa hoạt động quản lý, điều hành tại Học viện; giúp tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại và quan trọng nhất là tạo phong cách và phương pháp làm việc khoa học và chính xác. Học viện CSND đã nhiều lần nâng cấp hạ tầng mạng, phủ sóng wifi nội bộ toàn bộ các khu nhà làm việc, ký túc xá, giảng đường. Hệ thống máy chủ dung lượng lưu trữ lớn phục vụ công tác quản trị hệ thống, lưu trữ dữ liệu tập trung được đảm bảo an toàn bằng tường lửa và các phần mềm chuyên dụng có bản quyền. Học viện đã đầu tư trang bị nhiều phòng máy tính chuyên dùng phục vụ đào tạo, phòng học thông minh, phòng thực hành các môn học, phòng học trực tuyến, phòng studio thiết kế bài giảng điện tử E-learning. Các đơn vị đều được trang bị máy tính, máy scan, kết nối mạng LAN, Internet để khai thác hệ thống phần mềm của Học viện.
Mặc dù, hạ tầng CNTT của Học viện đã được quan tâm đầu tư xây dựng, phục vụ tương đối hiệu quả cho hoạt động quản lý, quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, các phần mềm, phần cứng được xây dựng, trang cấp qua nhiều giai đoạn, nhiều đơn vị, đầu mối cung cấp, không có mã nguồn, dàn trải, tính liên thông kém nên hiện nay còn khó khăn trong việc đồng bộ dữ liệu, kết nối, nâng cấp. Hệ thống máy chủ và một số thiết bị phần cứng đã hết thời gian bảo hành, hệ thống cáp quang đi ngầm kết nối các tòa nhà đến trung tâm phòng máy chủ đã cũ, thường bị suy, hao do nhiều lần bị đứt bởi tác động từ môi trường bên ngoài. Hầu hết dữ liệu được lưu trữ trên hệ thống chưa được áp dụng các giải pháp mã hóa. Chưa ứng dụng chữ ký số trong giao, nhận văn bản số trên hệ thống văn bản điều hành cũng như quá trình giao nhận các văn bản, tài liệu trên hệ thống. Nguy cơ lộ lọt thông tin vẫn có khả năng xảy ra. Nguồn ngân sách hạn chế nên khó khăn trong việc triển khai các ứng dụng CNTT mới, trong bảo trì, bảo dưỡng hệ thống đáp ứng yêu cầu thay đổi công nghệ hiện nay hoặc thay đổi về yêu cầu nghiệp vụ đột xuất. Về tổ chức, chưa có bộ phận chuyên trách về CNTT; cán bộ chuyên trách, nòng cốt thay đổi nhiều. Về quy định, chưa có được các quy định, tiêu chuẩn cụ thể cho việc ứng dụng CNTT tại Học viện. Nhận thức, trình độ CNTT của cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên chưa thống nhất, chưa đồng đều, vẫn còn hiện tượng “cát cứ thông tin”, ngại thay đổi…
Từ những yêu cầu cốt lõi của mô hình đại học thông minh đã nêu ở trên, với thực trạng ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, quản lý đào tạo hiện nay, với nhu cầu và xu thế của thời đại, Học viện CSND cần có kế hoạch, lộ trình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, trên từng lĩnh vực để áp dụng mô hình vào xây dựng Học viện CSND thông minh như sau:
Thứ nhất, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại.
Đại học thông minh không tách rời nhiệm vụ nền tảng, quyết định và phải đi trước một bước là hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ, đủ mạnh đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác giáo dục đào tạo, quản lý của nhà trường trong tình hình mới, gồm: Xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn (Big Data) với hệ thống máy chủ (sever) đảm bảo đủ về số lượng, có dung lượng lưu trữ lớn, tốc độ xử lý cao với phần mềm quản trị, hệ thống có bản quyền, đảm bảo an ninh an toàn thông tin. Tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu, hệ thống camera giám sát, hệ thống điều khiển thông minh, hệ thống đầu đọc thẻ… Xây dựng hệ thống mạng LAN, mạng Internet trong nhà trường đảm bảo 100% các đơn vị được kết nối mạng LAN và Internet (phủ sóng wifi trong khuôn viên Học viện).
Thứ hai, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý điều hành, ứng dụng đầy đủ, đồng bộ
Chủ động nghiên cứu phát triển, liên kết, hợp tác, thuê, khoán trong việc xây dựng, triển khai các phần mềm đảm bảo đồng bộ, phù hợp với định hướng chung của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng đại học thông minh. Đầu tư cho việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng của Học viện: Ứng dụng chữ ký số vào các phần mềm; cài đặt các phần mềm giám sát, phân tích, xử lý thông tin nhằm đảm bảo an toàn thông tin mạng; triển khai các giải pháp an toàn, an ninh mạng cho các đầu mối thông tin trọng yếu của Học viện. Xây dựng Hệ thống phần mềm chia thành các khối theo các lĩnh vực công tác:
+ Khối 1: Hệ thống phần mềm về công tác văn phòng, trong đó Hệ thống quản lý văn bản và điều hành là trái tim, điều hành mọi hoạt động hành chính của Học viện; phần mềm quản lý công việc; cổng thông tin nội bộ của Học viện và của các đơn vị...
+ Khối 2: Hệ thống phần mềm Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học: Hệ thống Quản lý tuyển sinh; Hệ thống sổ đầu bài trực tuyến; Phần mềm Quản lý lịch làm phách, chấm thi tập trung; Hệ thống E-learning; Hệ thống Quản lý thời khóa biểu; Hệ thống Quản lý điểm; Hệ thống cấp phát phôi văn bằng, chứng chỉ; Hệ thống Quản lý thông tin nghiên cứu khoa học...
+ Khối 3: Hệ thống phần mềm quản lý cán bộ, giảng viên và học viên: Cổng thông tin sinh viên; Hệ thống Quản lý giảng viên; Hệ thống Quản lý cán bộ…
+ Khối 4: Hệ thống phần mềm về cơ sở vật chất và y tế: Hệ thống Quản lý giảng đường; Hệ thống Quản lý điện thông minh; Hệ thống lưu trữ điện toán đám mây; Hệ thống Quản lý ký túc xá; Hệ thống Quản lý cấp phát quân trang…
+ Khối 5: Hệ thống phần mềm về công tác Đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng: Phần mềm quản lý thi đua, khen thưởng; Phần mềm quản lý Công tác Đảng; Phần mềm quản lý các hoạt động của Đoàn thanh niên...
Thứ ba, đào tạo con người tham gia trong chu trình đào tạo
Xây dựng đội ngũ nòng cốt về CNTT trong các đơn vị, nhằm duy trì và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao đảm bảo đáp ứng trong quá trình khai thác, vận hành, bảo vệ hệ thống của nhà trường.
Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên; chú trọng đào tạo chuyên sâu về kỹ năng ứng dụng, sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống CNTT, an toàn, an ninh mạng.
Giảng viên cần đổi mới tư duy và phương pháp giảng dạy, nhận diện mô hình tri thức trong thời đại số, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ, nắm vững các phương pháp dạy học, sẵn sàng tiếp cận các mô hình đào tạo mới. Vận dụng những tiến bộ, những thành tựu của CMCN 4.0 vào công tác giảng dạy, chủ động nghiên cứu, phân tích đặc điểm của cuộc cách mạng này để từ đó đề xuất, kiến nghị đổi mới trên tất cả các mặt, đặc biệt là đổi mới phương pháp đào tạo.
Thành lập nhóm nghiên cứu phát triển phần mềm để triển khai, xây dựng, phát triển, nâng cấp các phần mềm ứng dụng phục vụ cho công tác quản lý, công tác đào tạo, hậu cần phục vụ.
Thứ tư, xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại tiếp cận nhu cầu người sử dụng lao động, tổ chức đào tạo, quản lý
+ Xây dựng khung chuẩn trong phát triển chương trình đào tạo nhằm: Đảm bảo đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra; chuẩn đầu ra phản ánh những năng lực của người học mà người sử dụng đang cần và sẽ cần trong thực tiễn; trang bị kiến thức, kỹ năng phổ rộng cơ bản và tư duy sáng tạo, khả năng tự học để người tốt nghiệp có thể thích nghi với các yêu cầu công việc mang tính liên ngành và thường xuyên thay đổi trong thực tế. Chú trọng kiến thức nền tảng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ và năng lực sáng tạo trong xây dựng chương trình đào tạo.
+ Xây dựng chương trình đào tạo chuẩn, tiên tiến, hiện đại, vừa tổng kết thực tiễn và đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng CSND. Cần nghiên cứu để mềm hóa các chương trình đào tạo, áp dụng đồng bộ đào tạo theo tín chỉ, nâng cao năng lực thực hành, năng lực tự học và tính chủ động trong học tập của học viên.
+ Thường xuyên rà soát, chỉnh lý bổ sung nội dung chương trình đào tạo phù hợp đảm bảo phân định kiến thức đại cương, cơ sở ngành và kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành phù hợp, gắn trực tiếp với thực tiễn chiến đấu của lực lượng CSND.
Thứ năm, xây dựng, ban hành các văn bản, quy định cho hệ thống vận hành thông suốt:
Ban hành các quy chế, quy định, quy trình trong việc sử dụng các ứng dụng dùng chung và chuyên dụng; quy chế quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống một cách đồng bộ, thống nhất trong toàn trường đảm bảo các quy trình tác nghiệp được thực hiện hiệu quả trong xây dựng, vận hành hệ thống, bao gồm các quy định kết nối và cung cấp thông tin, phân quyền quản lý và tổng hợp thông tin, chia sẻ và chuyển tải thông tin, truy xuất và kết xuất thông tin... Xây dựng các chuẩn cho các đơn vị, cá nhân ở từng cấp bậc, cương vị công tác, áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT trong toàn trường. Ban hành áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn, quy chế hiện hành.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Viết Thảo, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Lý luận chính trị, tháng 5/2017.
2. Bộ Công an, Học viện Cảnh sát nhân dân (2017), Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Cuộc cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với công tác giáo dục đào tạo trong CAND”.
3. Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
4. Quyết định số 117/QĐ - TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
5. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng luận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, 2017.
6. The Fourth Industrial Revolution, Klaus Schwab, 201
Trịnh Minh Đức
TS, Phó trưởng phòng QLĐT, Học viện CSND
Nguồn: Tạp chí Cảnh sát nhân dân số 1+2/2020