Tạo thói quen tích cực trong việc ứng xử trên mạng xã hội

* Hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội

 Trong bối cảnh hiện nay, internet và mạng xã hội đã không còn xa lạ đối với cuộc sống. Internet và mạng xã hội giúp chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau với tốc độ lan truyền nhanh chóng, vượt ra ngoài những giới hạn về địa lý và thời gian.

Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới về số lượng người sử dụng Facebook nói riêng và có khoảng 55 triệu người dùng mạng xã hội nói chung. Với số lượng người sử dụng mạng xã hội chiếm khoảng 57% dân số, cho thấy mạng xã hội đang trở thành một môi trường quan trọng trong việc cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực.

Với rất nhiều tính năng được tích hợp bên trong, mạng xã hội đang trở thành nơi chia sẻ thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng và nhanh chóng nhờ một số tính năng như chat, email, phim ảnh, livestream, chia sẻ file, blog… Không gian mạng thực sự đã mở ra một thế giới vô cùng hấp dẫn với người dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực, thúc đẩy sự phát triển xã hội, trên mạng xã hội cũng tồn tại việc một số cá nhân, tổ chức “lợi dụng” quyền tự do ngôn luận cung cấp những thông tin sai trái, độc hại, không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục. Thậm chí, có những thông tin xuyên tạc, gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Nhằm hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đối tượng áp dụng của Bộ Quy tắc là 3 nhóm đối tượng chính: tổ chức cá nhân tham gia mạng xã hội; các cán bộ, công nhân viên, người lao động trong cơ quan nhà nước; các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. 
- Theo đó, quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân là: tìm hiểu, tuân thủ các điều khoản hướng dẫn, sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.

Các tổ chức, cá nhân cũng cần thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Các tổ chức, cá nhân chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt; vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.

- Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước là: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thực hiện nội dung quy định như đối với tổ chức, cá nhân; thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước cũng cần thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Quy định ứng xử cho các cơ quan nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội: các cơ quan, tổ chức căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và Bộ Quy tắc này triển khai thực hiện, phổ biến nội dung của Bộ Quy tắc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đặc thù của cơ quan, tổ chức mình, trong đó chú trọng đến việc bảo đảm an toàn, lành mạnh cho "người yếu thế'' khi sử dụng mạng xã hội. Người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội được khuyến khích thực hiện đầy đủ các nội dung Bộ Quy tắc và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội.

Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Vũ, dù Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chỉ mang tính chất khuyến cáo, khuyến nghị nhưng khi xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Hiện nay, về cơ bản, các quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội đã được quy định rất rõ trong các Luật và Nghị định liên quan.

* Nâng cao trách nhiệm người dùng mạng xã hội

 Trước khi Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành, tháng 6/2018, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019). Đây là cơ sở pháp lý để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng cùng với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Và trước tình trạng báo động về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội trong học sinh như hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục, các ban ngành đoàn thể đã chủ động triển khai các chuyên đề về kỹ năng ứng xử cho học sinh. Đây là một trong những hoạt động cần được nhân rộng và triển khai một cách thiết thực.

Trung ương Hội sinh viên Việt Nam cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông để cải thiện văn hóa ứng xử trên không gian mạng, với một số khẩu hiệu thiết thực cần được lan tỏa rộng rãi như: “Nội dung lành, lướt mạng sạch” , “Thông tin là tài sản, tài khoản là riêng tư”; “Đưa tin có trách nhiệm, dẫn tin đã kiểm nghiệm”; “Chuyện đẹp tin tốt quanh ta, phải share mạnh mẽ mới là văn minh”…

Và việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng là một biện pháp góp phần cải thiện việc ứng xử văn hóa trên không gian mạng. Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có thể xem như “viên gạch” tiền đề cho nền tảng ứng xử trên môi trường mạng. Để tăng tính hiệu quả, phát huy tính khả thi của Bộ Quy tắc, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, tổ chức nên sử dụng bộ quy tắc chung này như những gợi ý mang tính nguyên tắc để xây dựng, ban hành bộ quy tắc ứng xử riêng cho ứng xử trên mạng xã hội của cán bộ, công chức, nhân viên và người lao động thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

Một điều quan trong hơn cả là mạng xã hội có xây dựng được văn hóa ứng xử lành mạnh hay không chính là phụ thuộc vào hành vi của mỗi người sử dụng, do đó người dùng phải có trách nhiệm hơn trong mỗi lời nhận xét, phê bình, hay gắn biểu tượng cảm xúc của mình khi tham gia mạng xã hội. Phải kiểm chứng nội dung từ các nguồn tin có bảo đảm cao, như các trang, cổng thông tin chính thức của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã được cấp phép. Người dùng cũng cần kiểm tra sự đồng nhất giữa tiêu đề và nội dung, tránh các bài viết giật tít để câu view trong khi thông tin không liên quan, tránh trở thành nạn nhân của tin giả hay lừa đảo...

Nên lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa người Việt thanh lịch, văn minh. Đồng thời cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không sử dụng ngôn ngữ tục tĩu, cá biệt, có tính bạo lực; chỉ đăng, phát thông tin rõ nguồn gốc, đã được kiểm chứng. Không khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người khác cho mục đích thương mại, hoặc các mục đích khác. Đặc biệt, không được lập nhóm, hội để nói xấu, công kích lẫn nhau; không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân; không theo đám đông khi chưa hiểu rõ về vụ việc đó, hoặc không có căn cứ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội... ./.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT