Là
sản phẩm của sự kết hợp khoa học, nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân
chính, truyền thống lịch sử, tinh hoa văn hóa của dân tộc, thực tiễn
sinh động của cách mạng Việt Nam với tinh hoa văn hóa nhân loại, trí tuệ
của thời đại, đặc biệt là chủ nghĩa Mác - Lênin, “Tư tưởng Hồ Chí Minh
là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản
của cách mạng Việt Nam… ”(1).
ĐỔI MỚI, KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI VÌ LỢI ÍCH CỦA ĐẤT NƯỚC, DÂN TỘC
Tinh
thần ấy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hy sinh, phấn đấu vô cùng cao
đẹp và sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chí Minh. Cuộc đời của Hồ Chí Minh là
cuộc đời một con người trọn đời vì dân, vì nước. Người chỉ có một ham
muốn tột bậc “là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn
toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(2).
Chính
lòng yêu nước nồng nàn, ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất nước, dân
tộc là động lực thôi thúc Người nung nấu tinh thần đổi mới từ rất sớm,
đổi mới không ngừng.
Quyết
định đi tìm chân lý cứu nước với một hướng đi mới, một phương pháp tiếp
cận mới, phương thức hành động mới: đi về phương Tây, tiếp thu những
trào lưu tư tưởng mới, khảo nghiệm những cuộc cách mạng điển hình trên
thế giới, tắm mình trong phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và
cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, bóc lột để tìm kiếm con đường
giải phóng cho dân tộc - đó là cuộc đổi mới vĩ đại đầu tiên của Hồ Chí
Minh, cuộc đổi mới mang ý nghĩa quyết định vận mệnh của đất nước, dân
tộc.
Trở
về nước, Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh
nghiệm của phong trào cách mạng thế giới, đặc biệt là Cách mạng tháng
Mười Nga; đổi mới tư duy trong xây dựng, không ngừng hoàn thiện đường
lối chiến lược, sách lược cách mạng; đổi mới phương thức lãnh đạo, tổ
chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, dẫn dắt toàn Đảng, toàn
dân giành độc lập tự do, xây dựng Nhà nước cách mạng, tiến hành sự
nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược,
giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước, từng bước đưa miền Bắc
đi lên chủ nghĩa xã hội, khắc phục đói nghèo, lạc hậu... Thực tiễn cách
mạng Việt Nam từ 1941 khi Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách
mạng đến 1969 khi Người từ trần là một công cuộc đổi mới liên tục của
Đảng, của nhân dân ta theo ngọn cờ và sự dẫn dắt của “Tổng công trình sư
đổi mới” - Hồ Chí Minh.
Trước
khi về với thế giới người hiền, Hồ Chí Minh dự báo, tiên liệu bối cảnh
thế giới, tình hình đất nước, phác thảo những đường nét cơ bản của công
cuộc kiến thiết toàn diện đất nước sau chiến tranh theo tinh thần đổi
mới thể hiện trong bản Di chúc bất hủ. Đó là sự đúc kết kinh
nghiệm, bài học lịch sử và định hướng tiếp tục đổi mới, tạo nền tảng
trực tiếp của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo từ Đại
hội lần thứ VI của Đảng đến nay.
TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH ĐỔI MỚI HỒ CHÍ MINH
Thuật ngữ và tư tưởng “đổi mới” được Hồ Chí Minh đề cập từ sớm trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927), sau đó được Người nhắc lại, làm rõ thêm trong nhiều bài viết, bài nói, nổi bật là: “Sửa đổi lối làm việc” (1947), “Đời sống mới” (1947), “Dân vận” (1949), đặc biệt trong bản “Di chúc” thiêng
liêng (1965 - 1969) để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc Người đi
xa. Từ các các bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh toát lên một hệ thống
luận điểm có giá trị nền tảng và định hướng về đổi mới.
Trước hết, theo Hồ Chí Minh, đổi mới là bản chất của cách mạng, của phát triển. Trong “Đường kách mệnh”, Người chỉ rõ: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”(3).
Nói về công cuộc kiến thiết đất nước sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ
cứu nước thắng lợi, Người nhấn mạnh đó “là cuộc chiến đấu chống lại
những cái gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”(4).
Thứ hai, triết
lý đổi mới, chân lý đổi mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh là ích nước, lợi
dân. “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái
với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý(5); “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(6).
Thứ ba,
đổi mới là sự nghiệp lâu dài, phức tạp, gian khổ, phải kiên định, kiên
quyết, kiên trì, lựa chọn những bước đi thích hợp. Hồ Chí Minh luôn căn
dặn: thắng đế quốc, phong kiến là tương đối dễ, thắng bần cùng, lạc hậu
còn khó hơn nhiều; đấu tranh xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới là công
việc cực kỳ to lớn, nặng nề, phức tạp và khó khăn, do vậy phải có kế
hoạch tỉ mỉ, chuẩn bị chu đáo, thực hiện chắc chắn.
Thứ tư, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đổi
mới không phải là phủ định sạch trơn, mà là sự kế thừa và phát triển;
cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức
thì phải sửa đổi cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm, cái
gì mới mà hay thì phải làm.
Thứ năm, sức mạnh của đổi mới là nhân dân. Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”(7); để giành thắng lợi “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục nhân dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân(8);
phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại theo tinh thần:
cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, Việt Nam sẵn
sàng là bạn của các nước dân chủ.
Thứ sáu, Đảng
là linh hồn của đổi mới. Đảng phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác -
Lênin, căn cứ vào thực tiễn của Việt Nam và thế giới, bổ sung những tư
liệu, vấn đề mà các nhà kinh điển “ở thời mình không thể có được”(9)
để đề ra và thực hiện đường lối, chủ trương đúng đắn. Hồ Chí Minh chỉ
dạy: Thế giới ngày ngày đổi mới, xã hội ngày một phát triển, nhân dân
ngày càng tiến bộ, do vậy, cán bộ, đảng viên không thể “giữ cái kẹp giấy
cũ không thay đổi”, “tư tưởng, hành động cũng phải phát triển”, “phải
tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(10).
Hệ
thống luận điểm về đổi mới của Hồ Chí Minh được diễn đạt giản dị, dễ
hiểu nhưng hàm chứa chiều sâu, tầm cao về tư tưởng và đúc kết tinh túy
đạo đức đổi mới, phong cách đổi mới của Người.
TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH SOI SÁNG CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG, CỦA NHÂN DÂN TA
Vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX,
do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đất nước lâm vào khủng hoảng
kinh tế - xã hội sâu sắc, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Đảng
quyết tâm phát động, lãnh đạo công cuộc đổi mới. Trong quá trình trăn
trở, tìm tòi con đường đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy phát triển
đất nước, Đảng ta nhận thức sâu sắc: Muốn đổi mới tư duy, Đảng phải nắm
vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quí báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đúc kết những bài học từ thực tiễn cách mạng nước ta, Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ VI của Đảng, năm 1986 - Đại hội khai phóng con đường
đổi mới, trên cơ sở quán triệt những luận điểm cốt lõi của Hồ Chí Minh,
đã nhấn mạnh các bài học: “lấy dân làm gốc”; xuất phát từ thực tiễn, tôn
trọng quy luật khách quan; kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại; xây
dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ(11).
Với
Hồ Chí Minh, tư tưởng đổi mới là tư tưởng cách mạng, khoa học trên nền
tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp với tinh hoa văn hóa dân tộc, nhân
loại, phản ánh và giải quyết những nhu cầu khách quan của thực tiễn đất
nước; đạo đức đổi mới là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích
của dân tộc, Tổ quốc lên trên hết, trước hết, đổi mới vì một nước Việt
Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh; phong cách đổi
mới là kiên định, sáng tạo, dân chủ, thực tiễn, hiệu quả, nói đi đôi với
làm, làm thiết thực, mang lại kết quả thực tế cho dân, cho nước. Đó
chính là những giá trị bền vững của tư tưởng, đạo đức, phong cách đổi
mới Hồ Chí Minh.
|
Trải
qua hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, đồng thời với việc kiên
định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta đặc biệt chú
trọng kế thừa, cụ thể hóa tư tưởng, đạo đức, phong cách đổi mới Hồ Chí
Minh, đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội, năm 1991, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và văn kiện
các đại hội Đảng, các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương các nhiệm kỳ từ
năm 1986 đến nay. Đường lối đổi mới của Đảng thấm nhuần sâu sắc tư
tưởng, đạo đức, phong cách đổi mới Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ những nhận
thức cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
nước ta, trở thành ngọn cờ dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua muôn
vàn khó khăn, thử thách, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường
quốc phòng, an ninh, mở rộng hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, xây
dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo nên những thành tựu to lớn, có ý
nghĩa lịch sử. Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới đã minh chứng hùng hồn, nếu
muốn thích ứng và đối phó mạnh mẽ với những vấn đề mà chủ nghĩa xã hội
đang gặp phải, chúng ta phải học ở Hồ Chí Minh bằng cách phát triển
những phẩm chất đã thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài
của Người(12).
VẬN DỤNG SÁNG TẠO, PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ TO LỚN TRONG TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH ĐỔI MỚI CỦA NGƯỜI
Hiện
nay đất nước ta chuẩn bị bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI với
thời cơ, vận hội lớn đan xen với không ít khó khăn, thách thức. Để
thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững, giữ
vững hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, toàn
Đảng, toàn dân ta phải tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc
đổi mới. Với giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt, tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục soi đường, chỉ lối cho Đảng và dân tộc
ta trên con đường đổi mới. Chúng ta cần quán triệt sâu sắc, vận dụng
sáng tạo và phát huy những giá trị to lớn trong tư tưởng, đạo đức, phong
cách đổi mới của Người.
Thứ nhất,
kiên định, vững vàng và không ngừng sáng tạo xây dựng đất nước theo con
đường xã hội chủ nghĩa với mục tiêu đân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh. Muốn đổi mới thắng lợi, phải kiên định lý tưởng độc lập
dân tộc, chủ nghĩa xã hội; kiên định nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng; kiên định
đường lối đổi mới. Kiên định, vững vàng, không dao động, đổi mới không
đổi mầu, nhưng không giáo điều, bảo thủ mà phải không ngừng sáng tạo.
Kết hợp tổng kết sâu sắc, toàn diện thực tiễn đổi mới của đất nước với
nắm bắt, dự báo chính xác những chuyển biến mau lẹ của thời cuộc, những
xu hướng phát triển mới của thế giới, cập nhật những tri thức mới, tiếp
thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhất là những bài học thành công của các
nước phù hợp với điều kiện nước ta, không ngừng hoàn thiện đường lối
đổi mới, làm cho đường lối đổi mới phản ánh, giải quyết đúng những đòi
hỏi khách quan của thực tiễn đất nước, đồng thời phù hợp với xu thế thời
đại. Đổi mới không ngừng, đổi mới sáng tạo, đổi mới vững chắc - đó
chính là kế thừa, phát triển tư tưởng đổi mới, biện chứng đổi mới Hồ Chí
Minh trong bối cảnh lịch sử mới.
Thứ hai, nền
tảng đạo đức của đổi mới là lợi ích tối cao của dân tộc, của nhân dân,
hạnh phúc của con người. Lấy độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và
sự giàu mạnh của quốc gia làm mục đích trên hết, trước hết; lấy quyền
làm chủ và lợi ích của nhân dân, sự phát triển toàn diện và hạnh phúc
của con người Việt Nam làm đạo lý đổi mới. Nhân dân là chủ thể của đổi
mới và là người thụ hưởng thành quả của đổi mới; con người là mục tiêu
và động lực của đổi mới. Đó chính là bản chất nhân đạo, nhân văn của đổi
mới theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó cũng là giá trị
bền vững và sức sống mãnh liệt của đổi mới. Thoát ly nền tảng đạo đức
thì đổi mới không còn ý nghĩa gì.
Thứ ba, đổi mới, phát triển là một quy luật vận động khách quan của lịch sử, là nhu cầu, khát vọng của nhân loại. Toàn
cầu hóa và sự phát triển bùng nổ công nghệ thông tin cùng hệ thống kết
cấu hạ tầng toàn cầu làm cho các quốc gia ngày càng xích lại gần nhau,
tùy thuộc lẫn nhau; hợp tác và hội nhập quốc tế trở thành một xu thế lớn
không thể đảo ngược. Tư tưởng và sự chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về sự gắn
bó chặt chẽ cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, về việc tăng
cường hợp tác quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
trên cơ sở hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có
lợi… còn nguyên vẹn giá trị định hướng con đường đổi mới.
Tranh
thủ nguồn lực bên ngoài là rất quan trọng, song Hồ Chí Minh luôn căn
dặn, nguồn lực nội sinh là quyết định, ngoại lực phải kết hợp với nội
lực để nhân lên sức mạnh tổng hợp quốc gia; hợp tác, hội nhập nhưng phải
giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào
sức mình là chính.
Thứ tư, đổi
mới là một quá trình cách mạng lâu dài, gian khổ, muốn giành thắng lợi,
Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng với tư cách là lực lượng lãnh
đạo phải tự đổi mới, nêu gương đổi mới, trước hết là đổi mới phong cách
tư duy, phong cách lãnh đạo để phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của
toàn Đảng, toàn dân. Hồ Chí Minh là tấm gương lớn, truyền lại bài học
lớn về phong cách đổi mới: nhạy bén nắm bắt diễn biến lịch sử, chủ động
tranh thủ thời cơ, giữ vững nguyên tắc và mạnh dạn sáng tạo, kịp thời
đổi mới, gắn liền lý luận với thực tiễn(13).
Tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thống nhất với nhau, kết tinh
thành lý luận - thực hành đổi mới. “Cống hiến lý luận của Hồ Chí Minh
vừa có tính thời sự thiết thực, đáp ứng nhu cầu đương thời của cách
mạng, vừa có giá trị lâu dài, là những gợi ý quan trọng và nguồn cảm
hứng cho các thế hệ cách mạng về sau. Được hiểu và vận dụng một cách
sáng tạo hệ thống luận điểm lý luận của Hồ Chí Minh có khả năng thích
hợp với những diễn biến mới hiện nay của lịch sử, sống và phát huy tác
dụng lâu dài trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam và nhân dân
thế giới”(14)./.
__________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr. 84.
(2) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.15, tr.627, 617.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.284.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.505.
(5) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.378, 337.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 65.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.232.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.509.
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H, 1987.
(12) Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia - Uỷ ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Hội thảo quốc tế: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học Xã hội, H, 1991, tr. 183.
(13) (14) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2009, tr. 219; 180-181.