Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong thời gian qua, với quyết tâm chính trị cao, vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã gương mẫu đi đầu trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
1- Trong
tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn phấn đấu,
rèn luyện, xứng đáng là đội tiên phong và đại biểu trung thành của giai
cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Là lực lượng lãnh
đạo Nhà nước và xã hội, các tổ chức của Ðảng và đảng viên hoạt động
trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; luôn gắn bó mật thiết với nhân
dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm
trước nhân dân về những quyết định của mình. Với lý luận cánh mạng -
khoa học và đội ngũ đảng viên kiên trung, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân
làm nên thắng lợi vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và
giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp
đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay khi chuẩn bị thành lập Đảng, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm
1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: Đảng Cộng sản cầm quyền, tổ
chức ra Chính phủ công, nông, binh, phát đất cho dân cày, giao công
xưởng cho thợ thuyền..., ra sức tổ chức kinh tế mới để thực hành thế
giới đại đồng. Kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản
Việt Nam chính thức trở thành đảng cầm quyền, đánh dấu sự chuyển biến
quan trọng của cách mạng nước ta cũng như sự thay đổi lớn về chất trong
vị trí, vai trò, trọng trách của Đảng trước vận mệnh của dân tộc, nhân
dân và toàn xã hội, đó là Đảng tổ chức và lãnh đạo bộ máy nhà nước, đem
lại cuộc sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong “Di chúc” để
lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn
dặn: Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm
nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh
đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Quán
triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và kế thừa những truyền thống vẻ vang của
Đảng, cùng với việc tăng cường năng lực, sức chiến đấu, bảo đảm hiệu quả
sự lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng đến đổi mới nội dung
và phương thức lãnh đạo của Đảng, coi đây là một trong những vấn đề
chiến lược, xuyên suốt của công tác xây dựng Đảng. Điều này được khẳng
định trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ
sung, phát triển năm 2011): “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền,
lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược,
các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên
truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành
động gương mẫu của đảng viên...”(1). Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp
tục khẳng định: “Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh
đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững bản lĩnh chính trị của
Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên”(2);
Phương
thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là những phương pháp, cách
thức, quy trình được Đảng sử dụng tác động vào Nhà nước và xã hội bảo
đảm cho quá trình lãnh đạo đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Phương thức
lãnh đạo có sự liên hệ mật thiết và là cơ sở, điều kiện để bổ sung,
hoàn thiện mục đích, nội dung, điều kiện lãnh đạo của Đảng, và khác với
phương thức quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đảng
lãnh đạo thông qua Nhà nước nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,
thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh và đối ngoại chính là một phương
thức lãnh đạo quan trọng bậc nhất trong điều kiện Đảng cầm quyền.
Sự
lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng được tăng cường, năng
lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, phương thức lãnh đạo của Đảng đối
với Công an nhân dân được đổi mới, tạo điều kiện để lãnh đạo, chỉ đạo
lực lượng công an bám sát cơ sở, nắm tình hình và giải quyết hiệu quả
các vấn đề an ninh, trật tự ngay từ cơ sở; tuyệt đại bộ phận cán bộ,
chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với
Đảng, Tổ quốc và nhân dân.
2- Thực
tiễn hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng công
an nhân dân Việt Nam luôn gắn liền với sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp
về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này được thể hiện cụ thể: 1-
Đảng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đối với Công an nhân
dân, như Chỉ thị số 10/CT-TW, ngày 5-5-1950, của Ban Thường vụ Trung
ương, “Về Đảng lãnh đạo Công an”, trong đó đề ra nhiệm vụ và tổ
chức công an, đồng thời chỉ thị cho các cấp ủy cử những cán bộ tin cậy,
có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức quan tâm, chỉ đạo sát sao
các mặt công tác công an từ cơ sở, địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh ký
các sắc lệnh, chỉ thị, nghị quyết về đổi Nha Công an thuộc Bộ Nội vụ
thành Thứ Bộ Công an, đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an trực thuộc
Hội đồng Chính phủ; thành lập ngành cảnh sát nhân dân và Cục Cảnh sát;
thành lập Đảng đoàn Bộ Công an; quy định về tổ chức đảng trong Công an
nhân dân trong Điều lệ Đảng... ; 2- Đảng đã thành lập hệ thống tổ chức
đảng tương ứng với hệ thống bộ máy của lực lượng công an nhân dân và
thông qua đội ngũ đảng viên sinh hoạt trong các tổ chức đảng đó để lãnh
đạo toàn diện mọi mặt tổ chức, hoạt động, công tác, chiến đấu của Công
an nhân dân; 3- Thể chế hóa các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng
thành chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự,
an toàn xã hội, xây dựng lực lượng công an nhân dân thông qua: Hiến
pháp, Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia, Luật Phòng, chống
khủng bố...; 4- Lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện công tác kiểm
tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc chấp hành chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo, chỉ
đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về bảo đảm an ninh, trật tự và xây
dựng lực lượng; việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung
dân chủ, đoàn kết nội bộ của chi bộ, đảng viên; kê khai tài sản, phòng,
chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực trong
Công an nhân dân; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là
cán bộ lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp...
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”,
đến nay lực lượng công an nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan
trọng. Cụ thể: Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng được
tăng cường, năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, phương thức lãnh
đạo của Đảng đối với Công an nhân dân được đổi mới, tạo điều kiện để
lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng công an bám sát cơ sở, nắm tình hình và giải
quyết hiệu quả các vấn đề an ninh, trật tự ngay từ cơ sở; tuyệt đại bộ
phận cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung
thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Điều đó thể hiện trên những nội
dung sau đây:
Về cơ sở chính trị, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã chủ động nghiên cứu, xây dựng Đề án “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Đề án 106), báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15-3-2018, về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Trong đó, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân
dân, coi việc xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh
cả về chính trị, tổ chức và đạo đức, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy
công an nhân dân theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” là
nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng
viên và của toàn lực lượng. Tập trung hoàn thiện, phân công, phân cấp rõ
ràng, rành mạch về chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng lực lượng,
không chia cắt về địa bàn, lãnh thổ, bảo đảm nguyên tắc “Một việc chỉ một đơn vị chủ trì thực hiện”.
Trong đó: các đơn vị ở Bộ chủ yếu thực hiện chức năng nghiên cứu, tham
mưu, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật; chỉ đạo,
hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quản lý nhà nước về an
ninh, trật tự; chỉ tổ chức thực hiện nhiệm vụ lớn, phức tạp liên quan
đến nhiều địa phương. Công an cấp tỉnh thực hiện chức năng tham mưu cho
cấp ủy, chính quyền, là cơ quan thực thi, chịu trách nhiệm chính về nắm
tình hình, quản lý nhà nước về phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội
phạm, bảo vệ an ninh, trật tự ở địa phương. Công an cấp huyện là cấp
trực tiếp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp
luật; thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản của ngành, nắm tình hình, giải
quyết cơ bản các vụ, việc xảy ra, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ
an ninh Tổ quốc; trực tiếp giải quyết các yêu cầu của nhân dân về an
ninh, trật tự theo quy định. Công an xã, phường, thị trấn là công an cấp
cơ sở, gần nhân dân, sát nhân dân nhất, thực hiện nhiệm vụ nắm tình
hình, tiếp nhận, giải quyết ban đầu, tại chỗ các vấn đề về an ninh, trật
tự ở cơ sở, trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát động phong
trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, hướng dẫn các tổ chức quần chúng trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự.
|
Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân giúp người dân trên địa bàn cơ sở thu hoạch lúa_Ảnh: Tư liệu |
Về cơ sở pháp lý,
Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã khẩn trương lãnh
đạo, chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật Công an nhân dân, báo cáo Quốc hội
khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, năm 2018; báo cáo, trình Chính phủ
ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, ngày 6-8-2018, của Chính phủ, về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
Đây là bước phát triển quan trọng, bảo đảm quán triệt, thể chế hóa các
quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với tổ chức bộ máy công an nhân dân, tạo
cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh, bố trí lực lượng và thực hiện tinh
giản biên chế; giảm tầng nấc trung gian, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo
vệ an ninh quốc gia, giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong tình hình
mới. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, Đảng ủy
Công an Trung ương đã lãnh đạo Bộ Công an ban hành 48 quyết định quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các đơn vị
trực thuộc Bộ; các quyết định sáp nhập 20 đơn vị cảnh sát phòng cháy và
chữa cháy tỉnh, thành phố vào công an tỉnh, công an thành phố trực thuộc
Trung ương; các quyết định quy định tổ chức bộ máy của 63 công an tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương; quyết định quy định tổ chức bộ máy của
công an cấp huyện. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công an cấp tỉnh, công an
cấp huyện, công an phường, thị trấn; các đơn vị cấp đội thuộc phòng và
công an cấp huyện.
Về công tác chính trị, tư tưởng,
cùng với việc hoàn thiện cơ sở chính trị, pháp lý cho việc triển khai
kiện toàn tổ chức bộ máy lực lượng công an nhân dân, Đảng ủy Công an
Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy,
thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác chính trị, tư
tưởng; thường xuyên nắm bắt diễn biến tâm lý tiêu cực và giải quyết kịp
thời trong quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy, trước hết là của đảng
viên, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Đồng thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn
chặn và kiên quyết xử lý, khắc phục những sơ hở, yếu kém, khuyết điểm
trong công tác xây dựng lực lượng, quản lý, sử dụng, sắp xếp, nhận xét,
đánh giá cán bộ. Do làm tốt công tác này nên việc triển khai sắp xếp lại
tổ chức bộ máy của lực lượng công an nhân dân đã nhận được sự đồng
thuận của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhất là đội ngũ tướng lĩnh, lãnh
đạo, chỉ huy công an các cấp. Nhiều đồng chí đã sẵn sàng đảm nhiệm những
cương vị thấp hơn, thậm chí xin không đảm nhiệm chức vụ, nghỉ hưu trước
thời hạn. Nhiều đồng chí sẵn sàng về công tác tại đơn vị trực tiếp
chiến đấu, tại địa bàn cơ sở theo sự phân công của tổ chức, bảo đảm yêu
cầu kiện toàn, ổn định của đơn vị, tổ chức theo chủ trương của Bộ.
Về công tác tổ chức cán bộ,
Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã có hướng dẫn cụ thể
về công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức cán bộ đối với từng cấp công an.
Đến nay, kết quả triển khai cho thấy, sau khi kiện toàn, toàn lực lượng
công an nhân dân đã giảm 6 tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục và hơn 800
đơn vị cấp phòng, hàng nghìn đơn vị cấp đội. Đội ngũ cán bộ ở Bộ giảm 35
lãnh đạo tổng cục, 55 cục trưởng và tương đương, 287 trưởng phòng và
tương đương; ở công an các địa phương: điều động, bố trí các đồng chí
giám đốc, phó giám đốc và điều động gần 15.000 cán bộ, chiến sĩ của 20
đơn vị cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đến công tác tại công an cấp
tỉnh, bảo đảm nguyên tắc “Một nhiệm vụ chỉ do một đơn vị chủ trì, một
đơn vị đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ”, ưu tiên, bố trí chuyên sâu các đơn vị
trực tiếp chiến đấu, không chia cắt về địa bàn, lãnh thổ, đối tượng,
lĩnh vực quản lý.
3- Thời
gian tới, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhanh
chóng, khó dự báo. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, vận hội, những
nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ vẫn hiện hữu. Hơn lúc
nào hết, tăng cường năng lực, sức chiến đấu, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt
đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, trong đó đổi mới nội dung, phương
thức lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân là yêu cầu khách quan,
cấp thiết, là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho lực lượng công an nhân
dân luôn giữ vững bản chất giai cấp, tính đảng, tính dân tộc và tính
nhân dân sâu sắc, hoàn thành xuất sắc trọng trách được Đảng, Nhà nước và
nhân dân giao phó trong tình hình mới. Đổi mới phương thức lãnh đạo của
Đảng đối với Công an nhân dân vừa phải bảo đảm giữ vững vai trò lãnh
đạo của Đảng, vừa phát huy vai trò, hiệu lực quản lý của Nhà nước, đề
phòng và khắc phục tình trạng “bao biện làm thay” hoặc “buông lỏng” sự
lãnh đạo. Vì vậy, lực lượng công an nhân dân tiếp tục quán triệt và thực
hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là,
về nhận thức, cần thống nhất, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là
một bộ phận cấu thành của toàn bộ công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ
thống chính trị, góp phần quan trọng nâng cao năng lực, hiệu lực lãnh
đạo của Đảng trong tình hình mới. Trong đó, đổi mới phương thức lãnh đạo
của Đảng đối với Công an nhân dân là một bộ phận quan trọng; là bổn
phận, trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng và
của từng đảng viên, với sự gắn bó chặt chẽ, đồng bộ giữa các lãnh đạo
bằng chủ trương, nghị quyết, bằng cán bộ, tổ chức, bằng công tác tư
tưởng và bằng pháp luật, nhằm xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an
nhân dân trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo
đức, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Hai là,
kiên định sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với
Công an nhân dân, coi đây là nhân tố quyết định đến thành công, chất
lượng, hiệu quả xây dựng lực lượng và hoàn thiện tổ chức, bộ máy công an
các cấp trong giai đoạn hiện nay. Trọng tâm là: Tăng cường sự lãnh đạo,
chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung
ương và cấp ủy các cấp; xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Đảng
ủy Công an Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương
trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng
lực lượng công an nhân dân; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai
Quy định của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong Công an nhân dân; chỉ
đạo kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ
chức đảng ở cơ sở đối với công an các cấp, nhất là công an cấp xã.
Đối
với công tác xây dựng lực lượng công an nhân dân, cần đặc biệt quan tâm
quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về xây dựng
lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có Công an nhân dân(3), với chủ đề
công tác là “Hoàn thiện thể chế, tăng cường cơ sở” và khẩu hiệu hành động của toàn lực lượng công an nhân dân: “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả” mà Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đã thống nhất chỉ đạo.
Ba là,
tiếp tục kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, cụ thể
hóa việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc tập
thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình trong công tác
lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của công an các đơn vị,
địa phương. Phân biệt rõ giữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng với
quản lý, điều hành công tác chuyên môn của thủ trưởng đơn vị, trong đó
cấp ủy, tổ chức đảng trong Công an nhân dân lãnh đạo, chỉ đạo thông qua
nghị quyết, chỉ thị, công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ, kiểm
tra, giám sát.
Bốn là,
xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật
tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, việc xây dựng lực lượng công an
nhân dân theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”,
hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải dựa trên cơ sở khoa học, hoạt động
thực tiễn, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, thiết thực và hiệu quả
đối với từng hệ lực lượng, từng cấp công an. Đảng ủy Công an Trung ương,
cấp ủy công an các đơn vị, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc
hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của lực lượng công
an ở tất cả các cấp, các lĩnh vực, trọng tâm là ban hành văn bản quy
phạm pháp luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ từng cấp công an, tổ chức
phân công, phân cấp bảo đảm tăng cường cho cơ sở; bố trí công an chính
quy đảm nhiệm chức danh công an xã, để bảo đảm công an cấp cơ sở thực
hiện tốt chức năng nắm tình hình, tiếp nhận, giải quyết ban đầu, tại chỗ
các vấn đề về an ninh, trật tự ở cơ sở, trực tiếp tham mưu cho cấp ủy,
chính quyền phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”,
hướng dẫn các tổ chức quần chúng trong công tác bảo vệ an ninh, trật
tự, qua đó đáp ứng và giải quyết các nguyện vọng chính đáng của quần
chúng nhân dân, bảo đảm phương châm “Giữ vững bên trong là chính”.
Tiếp
tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác nghiên cứu, cụ thể hóa khung
tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh
đạo, quản lý các cấp theo Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, của Bộ
Chính trị; tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban
Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý theo Quy định số
90-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, của Bộ Chính trị trong Công an nhân dân. Đồng
thời, ban hành Bộ tiêu chí cán bộ công an các cấp theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
Năm là,
lựa chọn, đề cử những cán bộ thực sự đủ năng lực, uy tín, trình độ, đủ
năng lực lãnh đạo, chỉ đạo để tham gia cấp ủy các cấp. Đề cao và phát
huy trách nhiệm nêu gương của bí thư cấp ủy, thủ trưởng đơn vị công an
các cấp và các tổ chức, cơ sở đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện cơ
sở chính trị, pháp lý, xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng và giáo dục tư
tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tổ chức cán bộ, chế độ, chính sách
và kiểm tra, giám sát đối với lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, đảng viên,
chiến sĩ công an nhân dân. Thường xuyên, kịp thời nắm bắt, giải quyết
thỏa đáng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ. Bố trí, sử dụng phù
hợp với tiêu chí cán bộ, sở trường công tác, chuyên ngành đào tạo và
nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ ở các cấp công an, có lộ trình, bước đi
thích hợp, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí và cũng không áp đặt,
máy móc, cứng nhắc. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, kịp thời công
tác thi đua, khen thưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chủ động phòng
ngừa sai phạm, suy thoái trong lực lượng công an nhân dân./.
---------------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 88
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 199
(3) Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15-3-2018, của Bộ Chính trị, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Luật Công an nhân dân năm 2018; Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, ngày 6-8-2018, của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an
Đại tướng, GS.TS Tô Lâm
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an
Nguồn: Tạp chí Cộng sản