Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, trong hai ngày 01-02/11/2022, Học viện CSND phối hợp với Văn phòng UNODC Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “An ninh mạng tại Việt Nam”. Đồng chí Đại tá, TS Chử Văn Dũng - Phó Giám đốc Học viện dự và chủ trì lễ khai mạc Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm có bà Nguyễn Nguyệt Minh - Phụ trách Văn phòng UNODC Việt Nam; ông Samuel Juett - Điều phối viên chương trình Hành pháp và Tư pháp, Văn phòng Phụ trách vấn đề Ma túy và Thực thi pháp luật Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội; ông Himal Ojha - Chuyên gia về tội phạm mạng và 32 đại biểu đến từ các đơn vị: Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty cổ phần công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam, Tập đoàn Viettel và một số đơn vị của Bộ Công an.
Trong những năm qua, sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Tuy nhiên, chính khả năng kết nối ngày càng tăng và tính ẩn danh trên môi trường mạng cũng là điều kiện để tội phạm mạng máy tính, công nghệ thông tin, truyền thông phát triển. Tội phạm mạng, bao gồm lây lan phần mềm độc hại, mã độc tống tiền, tấn công từ chối dịch vụ DDoS, vi phạm dữ liệu và tấn công giả mạo/lừa đảo qua mạng (phishing) tiếp tục gia tăng ở Đông Nam Á. Do vậy, các cán bộ hành pháp, tư pháp, các cơ quan hữu quan đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh giải quyết các mối nguy cơ liên quan đến an ninh mạng.
Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Đại tá, TS Chử Văn Dũng - Phó Giám đốc Học viện đánh giá, để đảm bảo an ninh mạng ở Việt Nam nói chung, phòng chống tội phạm mạng nói riêng, đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật cần phải tăng cường năng lực, cập nhật những kiến thức và kỹ năng chuyên môn, làm quen với các loại công nghệ mà đối tượng thường sử dụng, đồng thời phải nỗ lực hợp tác, nhằm đấu tranh triệt để với loại tội phạm này. Đồng chí ghi nhận, đánh giá cao các hoạt động của UNODC trong tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam về an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng trong thời gian qua. Điển hình như: các khóa tập huấn về Tiền mã hóa và điều tra darknet; Khóa tập huấn điều tra về mã độc tống tiền… Việc Học viện CSND và UNODC tổ chức Tọa đàm lần này là cơ hội để các cơ quan thực thi pháp luật, các nhà cung cấp dịch vụ mạng và đảm bảo an ninh mạng thảo luận, nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra ở Việt Nam hiện nay.
Về phía UNODC, bà Nguyễn Nguyệt Minh - Phụ trách Văn phòng UNODC Việt Nam nhấn mạnh, UNODC với tư cách là Ban Thư ký của Công ước về chống Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc đã và đang hỗ trợ các quốc gia thành viên trong phòng, chống tội phạm mạng. Các nỗ lực của UNODC tập trung vào: cải thiện khuôn khổ pháp luật chính sách; nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các cán bộ thuộc các cơ quan chức năng; đẩy mạnh các cơ chế hợp tác song phương, đa phương, khu vực và quốc tế; và tăng cường các cơ chế, mạng lưới trao đổi thông tin. Trong khuôn khổ Chương trình Phòng, chống tội phạm mạng, UNODC đã và đang thực hiện các khóa đào tạo, tập huấn, phổ biến các công cụ của UNODC và xây dựng các công cụ mới hỗ trợ các cơ quan hành pháp, tư pháp tại Việt Nam.
Trong 02 ngày tổ chức, Tọa đàm đã ghi nhận 09 ý kiến tham luận tâm huyết, chuyên sâu đến từ các cơ quan, đơn vị: UNODC, Vụ pháp luật Hình sự - hành chính - Bộ Tư pháp, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Công ty cổ phần công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Học viện CSND trên các phương diện: quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế; thực trạng công tác đảm bảo an ninh mạng ở Việt Nam; các chương trình, dự án đang triển khai để đảm bảo an ninh mạng; biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, quan hệ phối hợp và hợp tác quốc tế trong xử lý các vi phạm pháp luật liên quan nhằm đảm bảo an ninh mạng trong tình hình hiện nay.
Việt Dương