Hưởng ứng không khí thi đua sôi nổi chào mừng ngày pháp luật Việt Nam 09/11 và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày 25/10/2023, Khoa Luật - Học viện CSND đã tổ chức Toạ đàm khoa học “Hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”.
Buổi Tọa đàm khoa học có sự tham dự của đồng chí Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện; Đại tá Lê Ngọc Anh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa; đồng chí Đinh Văn Trọng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên; Trung tá Cao Trương Hoàn, Phó Trưởng Phòng PC01, Công an TP. Hà Nội; Đại úy Nguyễn Văn Vương, Trưởng công an xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Học viện cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Khoa Luật và đại diện học viên các khóa học, hệ học tại Học viện.
Hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung một số điều năm 2021) và những văn bản dưới luật. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã quy định rất rõ về trình tự tiếp nhận, thời hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. Song trong thực tiễn áp dụng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở một số địa phương có nhận thức và áp dụng có sự khác nhau dẫn đến hiệu quả giải quyết tố giác, tin báo không cao, ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân đối với hoạt động đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.
Mặt khác, công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sẽ quyết định chất lượng điều tra, kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự. Đây cũng là một trong những bước quan trọng để xem xét căn cứ có hay không hành vi phạm tội, chủ thể thực hiện tội phạm, tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội. Đồng thời, kiểm sát tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đồng thời là cơ sở khẳng định việc khởi tố là đúng người, đúng tội và đảm bảo các căn cứ để xử lý tội phạm, mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.
Tại buổi Tọa đàm, đại diện lãnh đạo, cán bộ thực tiễn Công an các đơn vị địa phương đã tham luận sôi nổi về những vấn đề có liên quan đến quy định của pháp luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết vụ án hình sự, cụ thể:
- Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định về thẩm quyền, thời hạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;
- Thẩm quyền của lực lượng Công an xã chính quy quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2021) về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
- Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong thời gian tới.
Ngoài ra, tại buổi Toạ đàm, các thầy cô giáo, học viên các hệ học đã đặt ra các câu hỏi thực tiễn có liên quan đến việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2021) quy định về hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong lực lượng Công an nhân dân và được các đại biểu tham dự giải đáp thấu đáo.
Kết luận tại buổi Tọa đàm, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự đồng thời khẳng định những ý kiến đóng góp sẽ được ghi nhận và đề xuất các đơn vị chuyên trách tiếp tục hợp tác nghiên cứu nhằm bảo đảm các điều kiện thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an nhân dân.