Thực hiện chương trình công tác năm học 2023 - 2024 với chủ trương gắn lý luận với thực tiễn trong công tác giáo dục, đào tạo, ngày 02/5/2024, được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, Khoa Lý luận chính trị (LLCT) và Khoa học xã hội nhân văn (KHXHNV) tổ chức thành công Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Tác động tâm lý trong lấy lời khai, hỏi cung bị can các vụ án giết người - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng - Phó Giám đốc Học viện chủ trì buổi Tọa đàm.
Buổi Tọa đàm còn có sự tham gia của nguyên lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, lãnh đạo, chỉ huy một số đơn vị chiến đấu của Công an tỉnh Quảng Ninh và các nhà nghiên cứu thuộc Học viện.
Chương trình còn có sự tham gia của tập thể giảng viên Khoa LLCT & KHXHNV, hơn 300 học viên chuyên ngành Cảnh sát điều tra thuộc các khóa học, hệ học nhằm tiếp cận, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiệp vụ công tác.
Các báo cáo tham luận tại Tọa đàm đã chỉ rõ: “Tình hình tội phạm giết người gia tăng với phương thức thủ đoạn tinh vi, tình trạng giết người do mâu thuẫn tình cảm, tranh chấp tài sản, đối tượng gây án ngày càng manh động, liều lĩnh. Đặc biệt xảy ra một số vụ án giết người với thủ đoạn phân xác, phi tang thi thể nạn nhân nhằm che giấu tội phạm, tái diễn thủ đoạn sử dụng khí C02, xăng đốt để giết người, xuất hiện nhóm đối tượng “điều” nạn nhân ra nước ngoài giết người, cướp tài sản. Trong hoạt động tố tụng hình sự lấy lời khai, hỏi cung bị can là biện pháp điều tra quan trọng, phổ biến nhằm phát hiện, thu thập, kiểm tra, củng cố tài liệu chứng cứ; khai thác mở rộng điều tra vụ án giết người. Tuy nhiên, với đặc trưng là loại hình giao tiếp đặc biệt lấy lời khai, hỏi cung bị can chứa đựng nhiều mâu thuẫn, xung đột do sự chênh lệch về vị thế giao tiếp, không thiết lập được mục đích giao tiếp giữa các chủ thể tâm lý”. Trước những yêu cầu của thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội nói chung và tội phạm giết người nói riêng cho thấy ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn của việc sử dụng tác động tâm lý trong công tác lấy lời khai, hỏi cung bị can.
Tọa đàm đã nhận được nhiều bài tham luận từ các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia đang công tác tại các đơn vị trong ngành Công an. Các báo cáo tham luận đều có tính lý luận và thực tiễn cao, phản ánh đúng nội dung và chủ đề của Tọa đàm. Những ý kiến trao đổi, thảo luận là sự tâm huyết, cởi mở, chia sẻ của các khách mời về việc tiếp cận, đánh giá sử dụng tác động tâm lý trong công tác lấy lời khai, hỏi cung bị can góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã tập trung trao đổi những nội dung nổi bật như: tham luận “Đặc điểm hình sự của tội phạm giết người trong những năm gần đây” của Đại tá, PGS.TS Nguyễn Hoàng Minh (nguyên Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu khoa học - T02); “Tác động tâm lý trong lấy lời khai, hỏi cung bị can các vụ án giết người có từ hai nạn nhân trở lên” của Đại tá Phạm Văn Tám (nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự); “Tác động tâm lý trong lấy lời khai, hỏi cung bị can các vụ án giết người do tình ái, ghen tuông” của Thượng tá Trần Trung Hiếu (Trưởng Công an huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh).
Ngoài phần trình bày tham luận, các đại biểu cũng nhiệt tình trả lời các câu hỏi và chia sẻ sâu sắc những vấn đề người nghe quan tâm. Một số vấn đề được các học viên tham dự tọa đàm đưa ra như: Kinh nghiệm sử dụng phương pháp thuyết phục, ám thị trực tiếp trong hỏi cung bị can các vụ án giết người của điều tra viên; Diễn biến tâm lý của đối tượng phạm tội sau khi thực hiện hành vi giết người với hình thức dã man, giết nhiều người; Những lưu ý đặc biệt khi sử dụng các biện pháp tác động tâm lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội giết người; Cách thức phác họa chân dung tâm lý và động cơ gây án của đối tượng trong các vụ án giết người chặt xác, phi tang hiện nay… đã nhận được sự trao đổi, giải đáp một cách cởi mở, thuyết phục từ các nhà khoa học tạo nên tính hiệu quả, thiết thực, sâu lắng cho buổi tọa đàm.
Thành công của buổi Tọa đàm không chỉ đến từ sự tâm huyết của các nhà khoa học, công an các đơn vị, địa phương trong nghiên cứu lý luận khoa học tâm lý tội phạm về sử dụng các phương pháp tác động tâm lý tạo tiền đề quan trọng cho việc định ra các phương pháp, chiến thuật của hoạt động điều tra mà còn là sự phát huy, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị giảng dạy và đơn vị thực tế trong giáo dục đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Công an. Từ đó, càng khẳng định mối quan hệ của Học viện CSND nói chung, Khoa LLCT & KHXHNV nói riêng với các đơn vị địa phương được xây dựng và phát triển một cách sâu sắc, bền vững. Bên cạnh đó, mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị giảng dạy trong Học viện cũng được tăng cường, củng cố.
Với định hướng đẩy mạnh chất lượng và nâng cao tính ứng dụng của các môn KHXHNV nói chung và Khoa học tâm lý nói riêng, Tọa đàm lần này tiếp tục thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của tập thể lãnh đạo cũng như toàn thể giảng viên Khoa LLCT & KHXHNV trong chú trọng phát triển chuyên môn, mang đến cho học viên những bài học giá trị nhất, từ đó, góp phần xây dựng, khẳng định uy tín của Học viện trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công an.
Từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự phối hợp của các đơn vị chức năng cũng như sự tham gia tích cực của học viên, Khoa LLCT & KHXHNV sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong thời gian tới.
Như Nguyệt (Khoa LLCT & KHXHNV)