Tỷ lệ giảm này ở năm thứ 13 liên tiếp, giúp Nhật là quốc gia có số vụ tội phạm thấp nhất thế giới và cảnh sát quá nhàn rỗi nên phải điều tra cả những vụ lãng xẹt như mất quần đùi, xe đạp vượt đèn đỏ, người thừa trên taxi. Tỷ lệ tội phạm ở Nhật thấp không phải do năng lực của cảnh sát mà chủ yếu do người dân sống có kỷ luật.
Tuy nhiên, các vụ lừa đảo qua tin nhắn gửi qua các trang mạng xã hội và các dịch vụ Internet khác lại có xu hướng gia tăng, với gần 5.800 vụ trong năm 2017, tăng gấp gần 4 lần so với năm 2013. Theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NAP), các nhóm tội phạm có tổ chức có thể chuyển sang hoạt động trên mạng.
Tội phạm nghiêm trọng ít
Tỷ lệ tội phạm liên tục giảm trong 13 năm trở lại đây khiến cảnh sát Nhật Bản phải điều tra cả những vụ phạm pháp vặt vãnh. Trong một tuần, một toán cảnh sát mẫn cán của thành phố Kagoshima, phía Nam Nhật Bản, theo dõi cả ngày lẫn đêm một chiếc xe ôtô không khóa, đỗ bên ngoài một siêu thị.
Trong xe là một thùng bia mạch nha. Sau nhiều ngày, cuối cùng cũng có một người đàn ông trung niên đi ngang qua, không nén được lòng tham, đã quyết định "chôm chỉa" thùng bia.
Ngay lập tức, 5 cảnh sát lao ra và tóm gọn một trong những tên tội phạm hiếm hoi còn sót lại trong thành phố. Đường phố của Nhật rất an toàn. Số liệu thống kê đã chứng minh điều đó. Tỷ lệ tội phạm tại đất nước mặt trời mọc liên tục giảm trong 13 năm qua. Nhật Bản chỉ có 0,3 vụ sát nhân trên 100.000 người. Con số này quả thực ấn tượng nếu so sánh với tỷ lệ tương tự ở Mỹ là xấp xỉ 4/100.000.
Cả năm 2015, cảnh sát Nhật chỉ ghi nhận một trường hợp nổ súng gây sát thương. Kể cả Yakuza, tổ chức tội phạm lớn nhất tại đây, cũng suy yếu do luật pháp ngày càng cứng rắn và tình trạng già hóa dân số diễn ra nhanh. Tuy nhiên, thay vì cho nhân viên nghỉ theo chế độ để cắt giảm bớt nhân lực, lực lượng cảnh sát Nhật Bản vẫn tuyển mộ thêm người để bổ sung cho các đội tuần tra khu phố.
Nhật Bản hiện có hơn 259.000 sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục, gấp hơn 17 lần so với 10 năm trước, bất chấp tỉ lệ tội phạm giảm mạnh. Thống kê cho thấy tỉ lệ cảnh sát so với số lượng cư dân ở Thủ đô Tokyo rất cao, nhiều hơn so với New York sầm uất 25%. Tokyo là nơi có lực lượng cảnh sát đô thị lớn nhất thế giới.
Điều tra cả những vụ vặt vãnh
Do số lượng cảnh sát đông đảo mà số vụ phạm tội lại thấp nên cảnh sát Tokyo sẵn sàng điều tra cả những vụ vi phạm mà ở hầu hết các quốc gia khác bị coi là vặt vãnh, ví dụ như trộm xe đạp hoặc tàng trữ một lượng nhỏ thuốc gây nghiện.
Không khó bắt gặp đâu đó những vụ việc như 5 cảnh sát "ập" vào một căn hộ chật hẹp sau khi chủ nhà báo mất một chiếc quần đùi trên dây phơi. Năm ngoái, nguyên một nhóm thám tử hùng hậu được điều đi vây bắt 22 người trồng cần sa để dùng riêng tại nhà ở vùng nông thôn vắng vẻ.
Gần như chẳng có việc để làm, cảnh sát Nhật tập trung vào những hành vi có thể dẫn tới hành động phạm tội, theo Giáo sư Kanako Takayama đến từ Trường Đại học Kyoto. Một trong những vụ điển hình gần đây, bà Takayama cho biết, cảnh sát đã "tóm gọn" một nhóm người đi chung taxi và chia tiền với nhau, coi đây là hành động gian lận khi sử dụng dịch vụ taxi.
Một vài nơi ở Nhật thậm chí còn tiến hành khởi tố những người đi xe đạp dám vượt đèn đỏ. Trong một trường hợp hy hữu xảy ra cách đây 15 năm, cảnh sát ở thành phố Hokkaido đã "móc nối" với băng đảng xã hội đen khét tiếng Yakuza để dàn dựng một vụ vận chuyển lậu súng vào Nhật nhằm hoàn thành chỉ tiêu bắt giữ tội phạm.
Nguyễn Lai
Nguồn: Báo CAND