Tiền giả xuất hiện lần đầu tiên tại Pháp vào đầu thế kỷ 15 và nghề làm tiền giả được cho là một trong những nghề cổ nhất thế giới. Dù các nước châu Âu đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng tội phạm làm tiền giả vẫn có đất sống trong thời đại số.
Làm tiền giả - Một trong những nghề xưa nhất
Cơ quan trung ương chống tiền giả (OCRFM) có trụ sở nằm trong tòa nhà của Tổng cục Cảnh sát Tư pháp Trung ương ở tại Nanterre (Hauts-de-Seine, Pháp). Được thành lập ngày 11-9-1929, OCRFM tham gia vào các vụ điều tra liên quan đến tiền giả.
Khách tới OCRFM làm việc sẽ khá bất ngờ trước những tấm biển treo ở nhiều vị trí khác trong trong tòa nhà. Điều thú vị ở chỗ, những tấm biển lớn này tiết lộ lịch sử nghề làm tiền giả cũng như những quy định nghiêm ngặt của chế độ nhà nước trước đây nhằm ngăn ngừa vấn nạn này.
Theo OCRFM, nghề đúc tiền sớm xuất hiện ở Pháp. Vào thế kỷ XV, nhà vua là người có quyền duy nhất ra lệnh đúc tiền. Những người đúc tiền mà không có sự cho phép của nhà vua sẽ bị khép vào tội phỉ báng và bị xử phạt rất nặng.
“Tại Paris, vào năm 1460, một kẻ làm tiền giả đã bị ném vào vạc nước sôi. Tại thành phố Tours, vào năm 1487, một người thợ bạc vì làm tiền giả đã bị ném vào vại nước sôi, sau đó bị kéo lê trên đường phố trước khi bị treo cổ. Nhiều kẻ làm tiền giả còn bị trói vào xe đẩy, đeo những xâu tiền giả trên cổ và bị đánh dập mông trước công chúng”, OCRFM cho biết thêm. Theo OCRFM, cùng với mại dâm, làm tiền giả là nghề xưa nhất thế giới.
Năm 1716, tiền giấy được thử nghiệm ở Pháp theo yêu cầu của một lý thuyết gia về tài chính tiền tệ người Scotland tên là John Law. Ngược dòng lịch sử, Vua Pháp Ludwig XVI (1638-1715) nổi tiếng về ăn chơi xa xỉ, sau khi qua đời để lại khoản nợ 2,8 tỷ bảng Anh. Bá tước Orleans, người chấp chính thay cho vua mới, tìm cách giải quyết khoản nợ này không thành công.
Đó chính là thời điểm John Law được giới thiệu tiếp kiến Bá tước Orleans. Có thể Bá tước Orleans tin tưởng John Law, cũng có thể ông ta không còn sự lựa chọn nào khác khi chấp nhận khuyến nghị của John Law: “Tôi có một kế hoạch sẽ khiến cả châu Âu phải ngạc nhiên. Nó sẽ làm thay đổi nước Pháp”.
Đề nghị đầu tiên của Law là được thành lập một ngân hàng tư nhân nhưng có quyền phát hành tiền giấy. Đó là ngân hàng Banque Generale, ngân hàng đầu tiên ở Pháp, sau này đổi tên thành Banque Royal sau khi được nhà nước mua lại.
Tiền giấy do ngân hàng Banque Generale phát hành được đảm bảo bằng cam kết của nhà nước và được người Pháp tin dùng. Để hỗ trợ cho việc chấp nhận và sử dụng tiền giấy, John Law thuyết phục được Bá tước Oreans áp dụng biện pháp hành chính: không sử dụng tiền kim loại nữa mà thay thế bằng tiền giấy.
Theo Le Figaro, phương thức thanh toán bằng tiền giấy có ưu điểm là lưu thông dễ dàng hơn so với tiền kim loại nhưng lại có hạn chế là dễ làm giả. Ngay sau tiền giấy lưu hành rộng rãi, tại Pháp xuất hiện tiền francs giả có mệnh giá khác nhau, thậm chí đồng bảng của Anh cũng bị làm giả.
Năm 1720, nhà chức trách Pháp đã thu giữ số lượng lớn đồng bảng Anh giả cùng các bản khắc tiền giả tại Villeneuve-lès-Avignon của Pháp.
“Các bản khắc được thực hiện trên đá in thạch bản, tuy nhiên tiền giả luôn có những lỗi nhỏ”. Những người làm tiền giả bị bắt sẽ phải chịu hình phạt tử hình theo đạo luật thời đó. Đến năm 1830, cơ quan lập pháp tuyên án cho lao động khổ sai suốt đời”, OCRFM cho hay.
Tuy nhiên, lợi nhuận lớn vẫn khiến nhiều người mờ mắt. Năm 1905, một người có tên là Perriolat đã dùng mực tàu và bảng kẽm để làm giả đồng 20 francs với số lượng lớn. Người này sau đó đã phải chịu hình phạt tù chung thân. “Làm tiền giả vẫn được coi là một hình thức tấn công vào an ninh quốc gia, vì nó có thể gây mất ổn định niềm tin của công chúng và ngăn chặn toàn bộ nền kinh tế”, Ủy viên Eric Bertrand, người đứng đầu OCRFM, cho biết.
Trong cuốn “Le cave se rebiffe” của tác giả Gilles Grangier xuất bản năm 1961, Jean Gabin, hay còn gọi là “Le Dabe”, đã cảnh báo về những rủi ro liên quan: “20 năm tù, lợi nhuận được chia, sự giam cầm cộng lại”. Tuy nhiên, theo Điều 442-1 của Bộ luật Hình sự mới, làm tiền giả sẽ bị phạt 30 năm tù và nộp 450.000 euro.
Cuộc chiến chưa có hồi kết
Nằm giữa “giao lộ” thương mại và du lịch thế giới, Pháp và Italy là hai quốc gia có lượng tiền giả lưu hành nhiều nhất. Theo cơ quan OCRFM, nguồn tiền giả ở châu Âu chủ yếu đến từ Italy, Bulgaria, Lithuania và Ba Lan. Những kẻ buôn lậu có thể vận chuyển số tiền này bằng xe ô tô, tàu hỏa, xe bus hoặc thậm chí bằng cả máy bay. Bằng chứng là một người Senegal bị bắt gần đây tại sân bay Beauvais (Pháp) với 40.000 euro được làm giả với kỹ thuật cao.
Pháp là một trong các nước châu Âu bị nạn tiền giả hoành hành nặng nhất. Tại đất nước hình lục lăng, hàng năm có khoảng 30 đến 40 vụ làm tiền giả bị phát hiện. Các xưởng in lậu thường nằm ở vùng Marseille, Paris, Lille và do các băng đảng kiểm soát. Với sự trợ giúp của các tay thợ ảnh, chúng thường in tiền bằng máy offset trên một loại giấy quý có chất lượng cao.
Một trong những đối tượng làm tiền giả nổi tiếng nhất là Ceslaw Bojarski, một thợ rèn sinh ra và lớn lên tại Pháp nhưng gốc Ba Lan. Ceslaw Bojarski được coi là “nghệ nhân xuất chúng” với những đồng tiền giả do anh ta làm ra, nhất là tờ 100 franc Pháp có hình Hoàng đế Napoléon. Một mình trong tầng hầm dưới ngôi nhà mình ở, Bojarski đã “chế” ra 300.000 tờ tiền giả rồi đưa vào lưu hành khắp nước.
Ông ta sử dụng số tiền giả bằng cách chi tiêu cho gia đình, mua ôtô sang trọng và cả biệt thự nữa. Năm 1951, ngân hàng Pháp đã phát hiện ra tiền 1.000 francs giả nhưng không có bằng chứng để điều tra từ đâu. Đến năm 1958 họ lại phát hiện thêm những đồng 5.000 francs Pháp. Phải đến năm 1963, Ceslaw Bojarski mới bị bắt và bị kết án 13 năm tù. Thủ phạm làm tiền giả đã chết năm 2003.
Từ những năm 1990, sự bùng nổ của ngành vi tin học (micro-informatic) đã làm thay đổi hẳn diện mạo kỹ nghệ làm tiền giả. Một thế hệ tội phạm mới được sinh ra, lần lượt thay chỗ thế hệ cũ, vốn là những “bậc thầy sao chép và chạm khắc vân tiền”. Đó là tội phạm thời đại số.
Những chiếc máy in cỡ lớn dưới các hầm ngầm đã được thay thế bởi một dây chuyền đồ họa nhỏ gồm nhiều bộ phận: máy scanner, máy in, một chương trình vi tính xử lý hình ảnh… được cất trong các tòa biệt thự hoặc là các căn hộ cao cấp, thậm chí ngay trong nhà ở của bọn tội phạm. Nhiều băng đảng vốn chuyên nghề tẩu tán tiền giả nay cũng chuyển sang trực tiếp in tiền giả.
Năm 2002, đồng euro chính thức trở thành đồng tiền lưu hành trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Lần đầu tiên, nhiều kỹ thuật in ấn tân tiến được áp dụng nhằm mục đích làm nản lòng những kẻ làm tiền giả nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, đồng euro vẫn bị làm giả, trong đó tờ 20 euro và 50 euro là những tờ tiền bị làm giả nhiều nhất do dễ tiêu thụ hơn.
Theo Interpol, tiền giả được in bằng phối hợp giữa phương pháp in phun và offset. Đồng tiền 50 euro giả bị phát hiện năm 2012 được cho là không có họa tiết in bằng phương pháp in intaglio, chất giấy mờ đục, không trong và rõ như giấy thật.
Trên bề mặt lá cờ EU màu xanh dương ở góc trên bên trái mặt trước tờ tiền giả không có các ngôi sao màu vàng như quy định. Mặc dù có sự khác nhau rõ rệt giữa đồng euro giả và thật, song người tiêu dùng vẫn bị đánh lừa do mất chủ quan.
Sự đa dạng về phương thức chế tạo và bùng nổ tội phạm làm tiền giả đang trở thành vấn đề khiến cảnh sát EU đau đầu. Với sự hỗ trợ của lực lượng hải quan các nước, cảnh sát Pháp tập trung rà soát các kiện hàng từ châu Á, châu Âu và rất bất ngờ khi phát hiện ra nhiều “vị khách” bất đắc dĩ là chủ nhân của các kiện hàng đáng ngờ.
Tháng 12-2018, OCRFM bắt giữ một người đàn ông 72 tuổi khi phát hiện người này đã rao bán tiền giả trên mạng. Tại trụ sở OCRFM, người này thú nhận đã chế tạo ra 1.000 tờ tiền giả mệnh giá 10 euro ngay tại nhà ở vùng Val-de-Marne. Khám xét nhà của ông này, cảnh sát thu được thêm 600 tờ tiền giả vừa in xong.
Ở miền đông nước Pháp, một sinh viên 19 tuổi và một thanh niên thất nghiệp 21 tuổi cũng bị bắt với số lượng tiền giả tinh xảo. Trong hai ngày 12 và 13-6-2012, cảnh sát Pháp đã phát hiện được một cơ sở làm tiền euro giả tại vùng Seine-et-Marne, nằm sát thủ đô Paris. Đây là cơ sở làm tiền giả lớn nhất ở Pháp, và lớn thứ hai ở châu Âu bị phát hiện từ trước đến nay.
Cơ sở sản xuất tiền giả này được ngụy trang một cách rất kín đáo tại một xưởng công nghiệp nằm trong một ngôi làng nhỏ, hẻo lánh. Các tờ giấy bạc giả mạo được làm tại đây có chất lượng tinh xảo và được sản xuất ra với dây chuyền in kỹ thuật số, chứ không phải bằng kỹ thuật offset thông thường.
Cơ sở làm tiền giả này đã in ra khoảng 350.000 tờ euro mệnh giá 20 và 50 euro, trong vòng 5 năm. Người tổ chức cơ sở sản xuất tiền giả nói trên là Dominique P. khoảng 50 tuổi, từng bị kết án tù, liên quan đến tiền giả. Cảnh sát cho biết, trong 10 năm, Dominique P. đã chế tạo và tiêu thụ gần 9 triệu euro giả.
Vụ bắt giữ tiền giả lớn nhất được tiến hành vào năm 2018 với mục tiêu nhắm vào “nhóm tội phạm Napoli” do trùm mafia Camorra đứng đầu. Nhóm tội phạm này được thành lập vào những năm 1970, chuyên về sản xuất và tiêu thụ tiền giả ra thị trường. Với số lượng thành viên đông đảo, hàng chục các gia đình trong “băng đảng” này tham gia in tiền giả trong những tòa biệt thự đi thuê.
Tháng 4-2018, trong một cuộc đột kích ở ngoại ô thành phố Napoli (Italy), cảnh sát đã thu giữ ba máy in offset và 36 triệu euro giả, toàn bộ là đồng 50 euro còn chưa ráo mực. Số tiền giả này được cho sẽ tuồn sang Pháp. “Năm 2015, tập đoàn Napoli đã tuồn 90% số tiền giả vào các chợ đen ở Pháp. Còn bây giờ, 44% số tiền giả được lưu hành ở Pháp năm 2018 đến từ tập đoàn tội phạm này”, Eric Bertrand, Ủy viên của OCRFM, cho hay.
Cũng theo ông Eric Bertrand, cho đến nay cuộc chiến chống tiền giả của OCRFM chưa có hồi kết, thậm chí được dự đoán ngày càng gian nan hơn do bọn tội phạm đã tiếp thu kỹ thuật in tiền hiện đại và tinh vi.