Hai là, về lĩnh vực nghiên cứu khoa học Cảnh sát. Thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm luôn đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, đòi hỏi phải nghiên cứu mọi vấn đề của đời sống xã hội, tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn sẽ cần phải ưu tiên nghiên cứu những lĩnh vực mà thực tiễn đòi hỏi. Đặc biệt hiện nay và thời gian tới, các lĩnh vực cần được thường xuyên đầu tư nghiên cứu, chính là: Các quy định về pháp luật đấu tranh phòng, chống tội phạm (đặc biệt là pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, hành chính và tư pháp hình sự quốc tế). Tội phạm học, thực tế các phòng chuyên đề ở các Cục nghiệp vụ, Công an địa phương làm tốt công tác đánh giá thực tiễn, còn nghiên cứu lý luận lý giải nguyên nhân điều kiện nào dẫn đến tội phạm và tại sao một người lại trở thành nạn nhân của tội phạm hoàn toàn bỏ trống, nếu có nghiên cứu thì mới dừng lại khái quát, do vậy lĩnh vực này Học viện CSND cần được đầu tư nghiên cứu để có giải pháp phòng ngừa sát hợp. Lý luận nghiệp vụ cơ bản và nghiệp vụ trinh sát của lực lượng Cảnh sát nhân dân, trong đó ứng dụng đấu tranh với tội phạm về môi trường, công nghệ cao. Đầu tư hơn nữa việc nghiên cứu khoa học ứng dụng, phương tiện kỹ thuật, khoa học công nghệ, điện tử tin học gắn liền với chức năng của từng lực lượng nghiệp vụ của lực lượng CSND. Tăng cường nghiên cứu khoa học quản lý trật tự an toàn giao thông; trật tự quản lý hành chính.
Đổi mới hình thức, nội dung biên soạn giáo trình, tài liệu chuyên khảo, tham khảo, cụ thể: Đối với các giáo trình nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm cần biên soạn kèm theo phim mô phỏng về tình huống nghiệp vụ (ví dụ, mô phỏng hiện trường một số loại án như vụ án giết người, vụ án cướp, vụ án trộm,... ); hoặc mô phỏng các tình huống giải tán đám đông, biểu tình, chống người thi hành công vụ, tai nạn giao thông,... thông qua công nghệ mô phỏng kết hợp với lý thuyết trong giáo trình để học viên, sinh viên có thể hình dung ngay môi trường thực tế, phát huy tính sáng tạo trong giải quyết tình huống. Đối với các đề tài khoa học, sách tham khảo, chuyên khảo cần đi sâu giải quyết những vấn đề vướng mắc giữa lý luận và thực tiễn; hoàn thiện và thông nhất các khái niệm, tạo nên sự thông nhất trong lý luận nghiệp vụ phòng chống tội phạm hiện nay.
Ba là, về sắp xếp tổ chức đơn vị và phân công, phối hợp nghiên cứu. Ngày 20/8/2015 Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 5059/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Viện Khoa học Cảnh sát thuộc Học viện CSND. Trên cơ sở Quyết định này, đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Công an xem xét xây dựng Viện Khoa học Cảnh sát là một đơn vị cấp cục hoàn chỉnh có địa vị lý như đơn vị cấp cục và có cơ chế đầy đủ để Viện Khoa học Cảnh sát phát triển, đồng thời cần được Bộ đầu tư thỏa đáng là cơ quan nghiên cứu khoa học Cảnh sát hàng đầu của lực lượng CSND. Về lâu dài Học viện CSND, xem xét thành lập các bộ phận nghiên cứu chiến lược chuyên sâu về lý luận xây dựng và hoạt động thực tiễn của lực lượng CSND trong Viện Khoa học Cảnh sát, cụ thể: Bộ phận nghiên cứu về xây dựng lực lượng CSND, đặc biệt là nghiên cứu về khoa học quản lý, lãnh đạo, chỉ huy, đào tạo, biên chế, tổ chức lực lượng, điều lệnh đội ngũ; bộ phận nghiên cứu về phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác của từng lực lượng; bộ phận nghiên cứu về nghiệp vụ Cảnh sát, Công an xã; bộ phận nghiên cứu về kỹ thuật phòng ngừa, điều tra các vụ cháy, nổ; công nghệ cao; bộ phận nghiên cứu về phương pháp, chiến thuật trinh sát hình sự; điều tra hình sự;... Phân công rõ ràng cấp độ lĩnh vực nghiên cứu theo tính chuyên sâu của từng đơn vị nghiên cứu của Viện Khoa học Cảnh sát; mỗi đơn vị nghiên cứu, theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ, đơn vị tham mưu của các cục nghiệp vụ, Công an các địa phương nghiên cứu những vấn đề mới phát sinh và những vướng mắc giữa lý luận và thực tiễn để có kiến nghị, đề xuất lãnh đạo Bộ, Tổng cục, Học viện kịp thời chỉ đạo, định hướng giải quyết.
Bốn là, về cách thức tổ chức nghiên cứu khoa học Cảnh sát. Hiện nay các đề tài nghiên cứu chủ yếu do các chủ nhiệm đề tài đưa ra và các đề tài do các đơn vị đặt ra, tuy nhiên cả hai loại này đều thông qua cơ chế đấu thầu, xét duyệt theo quy định của pháp luật. Hình thức này phần nào hạn chế sự sáng tạo của các nhà khoa học, cũng như chất lượng công trình khoa học, bởi nhiều đề tài các chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học đặt ra khi đấu thầu, xét duyệt chưa chắc đã được phê duyệt, nên rất nhiều ý tưởng khoa học của họ không thể thực hiện. Còn đối với đề tài đặt ra nếu có được duyệt, nhưng giao không đúng với người nghiên cứu, đơn vị nghiên cứu sẽ dẫn đến bị động, nên điểm mới khoa học thường hạn chế hoặc nghiên cứu kéo dài. Chính vì vậy, theo chúng tôi bên cạnh các hình thức trên, Bộ cần đặt hàng nghiên cứu đối với các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu trong Học viện CSND, đồng thời khuyến khích các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu và “mua” sản phẩm của họ. Có như vậy mới khích lệ tạo động lực nghiên cứu cho họ và sản phẩm khoa học chắc chắn sẽ đạt chất lượng cao có thể áp dụng vào thực tiễn, thay vì sản phẩm “đóng bìa vàng cất vào tủ kính”.
Bộ Công an, Tổng cục Chính trị CAND, Học viện CSND cần giao chỉ tiêu nghiên cứu hay đặt hàng nghiên cứu khoa học giáo dục Cảnh sát như: Lý luận và thực tiễn về phòng ngừa tội phạm; điều tra tội phạm; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; về khoa học luật;... Bên cạnh việc giao chỉ tiêu nghiên cứu cần được Bộ đầu tư một phần kinh phí phục vụ công tác khảo sát, nghiên cứu. Có cơ chế để cán bộ các trung tâm được dự tổng kết án, chuyên án, chuyên đề cao điểm, hội thảo khoa học của các lực lượng nghiệp vụ trong Ngành và Công an các địa phương. Đồng thời quy định cơ chế phối hợp với và trách nhiệm cung cấp số liệu thống kê của các đơn vị tổng hợp của các lực lượng nghiệp vụ, Công an các địa phương phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học giáo dục Cảnh sát. Ngoài việc nghiên cứu các đề tài khoa học Cảnh sát như hiện nay, theo chúng tôi Bộ cần cấp một phần kinh phí cho Học viện CSND phục vụ việc dịch các tài liệu nước ngoài, hiện nay tài liệu tham khảo về khoa học Cảnh sát của nước ngoài phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo, chiến đấu rất nghèo nàn, ngoài số tài liệu của Liên Xô cũ trước đây đã cũ, hầu như các tài liệu mới về lý luận nghiệp vụ về Tội phạm học về Luật học của nước ngoài không có trong các thư viện của các trường, đơn vị nghiên cứu nói chung và của Học viện CSND nói riêng. Khi xây dựng văn bản luật, văn bản quy phạm pháp quy của Ngành cần tham khảo nước ngoài để chọn lọc tính ưu việt, kinh nghiệm hay các nhà soạn thảo không có nguồn tham khảo. Hoặc trong hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm; cán bộ trong ngành ra nước ngoài công tác cần tìm hiểu luật pháp, quy định nghiệp vụ phòng, chống tội phạm của họ để ký kết, đàm phán, tránh sai sót cũng rất khó khăn có tài liệu tham khảo từ tài liệu dịch.
Nếu như hàng năm Học viện CSND tổ chức hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học, tại sao không tổ chức hội thi nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giáo viên của Học viện để chọn ra những đề tài xuất sắc và sẽ đạt được hai mục đích đó là: Sẽ sử dụng được kết quả nghiên cứu đó vào thực tiễn; vừa khuyến khích và huy động chất xám của họ. Mỗi đề tài đạt giải tùy từng mức độ sẽ được công nhận như là một đề tài cấp cơ sở hay cấp bộ,... và có giải thưởng vật chất, tinh thần tương xứng với công sức nghiên cứu. Bên cạnh đó hàng năm các đơn vị tập hợp các công trình nghiên cứu (bài báo khoa học, đề tài khoa học, sáng kiến, phát minh, sáng chế) báo cáo Học viện, Tổng cục Chính trị CAND để có tổng kết khen thưởng thành tích nghiên cứu khoa học giáo dục Cảnh sát, có như vậy mới khích lệ khả năng sáng tạo của cán bộ, giáo viên, các nhà khoa học của Học viện trong công tác nghiên cứu khoa học giáo dục Cảnh sát.
Năm là, về công tác đào tạo, sử dụng cán bộ có trình độ khoa học. Đối với công tác đào tạo nên mở rộng và khuyến khích cán bộ ở các đơn vị nghiên cứu, trong các khoa, bộ môn của Học viện đi học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài. Để đạt mục đích này, Bộ cần tăng chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài, ưu tiên gửi đào tạo ở các nước truyền thống có hợp tác tốt với Bộ Công an như các nước thuộc Liên Xô cũ. Để tạo điều kiện và thu hút được nhiều cán bộ, giáo viên mạnh dạn ra nước ngoài nghiên cứu, có thể theo kinh nghiệm của Bộ Quốc phòng, đó là cán bộ đi học nước ngoài được nhận 100% lương (theo quy định của Nhà nước chỉ nhận 40% lương), trong thời gian học tập ở nước ngoài được Bộ Quốc phòng tài trợ toàn bộ vé đi và về thăm gia đình một lần và được thanh toán toàn bộ tiền mua tài liệu nghiên cứu; hơn thế nữa đồng chí nào làm nghiên cứu sinh về trước thời hạn được khen thưởng theo từng cấp độ (bằng khen, giấy khen). Các đơn vị nghiên cứu của Viện Khoa học Cảnh sát cần được sắp xếp cho hợp lý, bố trí những cán bộ có khả năng và say mê nghiên cứu khoa học; ngoài số cán bộ, các nhà khoa học cơ hữu của Viện cần có đội ngũ các nhà khoa học kiêm nhiệm, đặc biệt phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia thực tiễn đã nghỉ hưu vẫn còn tâm huyết cống hiến cho khoa học Cảnh sát. Đối với các cán bộ khoa học cần sắp xếp đúng vị trí để họ nghiên cứu phát huy khả năng và kiến thức chuyên ngành đã nghiên cứu để họ xứng đáng là những nhà khoa học – chuyên gia trong từng lĩnh vực khoa học Cảnh sát. Đồng thời mỗi cán bộ khoa học, giáo viên của Học viện nói chung và của Viện Khoa học Cảnh sát nói riêng luôn phải xác định hoạt động nghiên cứu khoa học Cảnh sát là một trong nhiệm vụ quan trọng và là danh dự của mỗi người, nên cần tích cực và chủ động nghiên cứu tìm tòi, mạnh dạn nêu quan điểm khoa học góp phần hoàn thiện lý luận của lực lượng CSND để phục vụ hiệu quả cao nhất công tác thực tiễn đấu tranh phòng,chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đồng thời góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo và giáo dục mà Đảng và Nhà nước, Bộ Công an giao cho và góp phần xây dựng thành công là cơ sở đào tạo đại học trọng điểm của Ngành và của Quốc gia, xứng đáng là trường đại học nghiên cứu đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
GS, TS. Nguyễn Minh Đức - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
Nguồn: Tạp chí Cảnh sát nhân dân - Chuyên đề Thông tin Tội phạm học - Số 10/2015