Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Tư, 20/9/2017 7:53'(GMT+7)

Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm - 10 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành

Trung tá, PGS.TS Nguyễn Minh Hiển - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm

Trung tá, PGS.TS Nguyễn Minh Hiển - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm

Trước yêu cầu phát triển Học viện Cảnh sát nhân dân thành cơ sở giáo dục trọng điểm của Ngành Công an vào năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công an đã ra Quyết định số 5059/QĐ-BCA, ngày 20/8/2015, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Viện Khoa học Cảnh sát thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân. Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm là một trong năm đơn vị đầu mối trong tổ chức bộ máy của Viện Khoa học Cảnh sát, thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân thực hiện việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận và thực tiễn phòng chống tội phạm; tổ chức hội thảo, đào tạo tập huấn; tư vấn và trực tiếp thực hiện tuyên truyền, giáo dục, chuyển tải kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng về phòng chống tội phạm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân công dân.

Trải qua gần 10 năm xây dựng phấn đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, có hiệu quả của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và lãnh đạo Viện Khoa học Cảnh sát, với những nỗ lực không ngừng của cả tập thể, Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm luôn phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn nhằm củng cố và tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những đơn vị nghiên cứu khoa học đầu ngành trong lĩnh vực Tội phạm học và Điều tra tội phạm không chỉ của lực lượng Công an nhân dân mà còn của cả nước, thể hiện qua các kết quả cụ thể sau đây:

- Về công tác nghiên cứu khoa học

Với sứ mệnh là cơ quan nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn tham mưu cho Bộ Công an, Chính phủ trong việc đề ra các chỉ thị, nghị quyết trong công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Trung tâm đã chủ động, sáng tạo thực hiện có hiệu quả trong quản lý, tổ chức nghiên cứu, tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nghiên cứu chuyên sâu tội phạm học.

Không chỉ là đơn vị nghiên cứu khoa học về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm trật an toàn xã hội, trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm còn là nơi tổ chức hội thảo, đào tạo tập huấn, tuyên truyền, giáo dục, chuyển tải kiến thức, kinh nghiệm về phòng, chống tội phạm đến cho cán bộ, nhân dân toàn quốc; tư vấn và trực tiếp thực hiện những hoạt động kỹ thuật phòng, chống tội phạm, bảo vệ an toàn cho các cơ quan, tổ chức và các hộ gia đình tránh khỏi sự xâm hại của tội phạm; thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ. Trung tâm cũng đã tổ chức thành công nhiều Hội thảo khoa học mang tầm quốc gia và quốc tế, chủ trì và phối hợp biên soạn, xuất bản 50 sách, tài liệu tham khảo có giá trị tổng kết lý luận và thực tiễn cao. Điển hình như bộ sách: Khoa học Công an nhân dân, Tội phạm học Việt Nam, Khoa học Hình sự Việt Nam, Khoa học Trinh sát Việt Nam, hàng năm phát hành sách chuyên khảo “Tình hình tội phạm ở Việt Nam”, Trung tâm cũng rất chú trọng đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại khoa học, tích cực mở rộng hợp tác thường xuyên và hiệu quả với nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước như Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an như V21, V19, V12, C45, C46, C47, C50… và Công an các địa phương. Trong hợp tác quốc tế, Trung tâm đã phối hợp thực hiện và tham gia nhiều chương trình nghiên cứu khoa học tại Hàn Quốc, liên Bang Nga, Trung Quốc, và phối hợp với UNODC ở Việt Nam, tổ chức UNICEF, Blue Dragon, WCS... thực hiện nhiều chương trình tập huấn, hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia phòng chống tội phạm hàng đầu trên thế giới.

- Về công tác giáo dục, đào tạo

Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm thực hiện nhiệm vụ giảng dạy với hai môn chính: Tội phạm học và Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm cho tất cả các lớp học, hệ học trong và ngoài Học viện. Trung bình mỗi năm học, Trung tâm tham gia giảng dạy khoảng 1.700 giờ trong Học viện, giảng dạy khoảng 30 lớp tại chức địa phương. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho các lớp Sau đại học, bồi dưỡng chức danh, Điều tra viên, Quốc phòng an ninh được thực hiện bởi những chuyên gia về Luật học, Tội phạm học, Điều tra tội phạm của Trung tâm, đáp ứng việc trang bị kiến thức lý luận cho tất cả các học viên trong nước và quốc tế.

- Về công tác xuất bản tạp chí

Biên tập và phát hành tạp chí Cảnh sát nhân dân, chuyên đề “Tội phạm học và Khoa học hình sự” - tiền thân là chuyên đề “Thông tin Tội phạm học” là một hoạt động diễn ra thường xuyên mỗi tháng của Trung tâm nhằm đăng tải các kết quả nghiên cứu khoa học về Tội phạm học và Khoa học hình sự, các thông tin về thực tiễn hoạt động phòng, chống tội phạm, kết quả hoạt động các Chương trình của Chính phủ như Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, thông tin phòng, chống tội phạm... Đây được xác định là tiếng nói, là cầu nối quan trọng giữa các hoạt động nghiên cứu tội phạm học với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu trong nước và nước ngoài, là nơi trao đổi các vấn đề mang tính chất lý luận chuyên sâu của khoa học về tội phạm học, là nơi đăng tải, giới thiệu các công trình khoa học chuyên sâu về tội phạm học. Tạp chí cũng là cơ sở đáng tin cậy để cung cấp các thông tin về công tác phòng, chống tội phạm trong nước và thế giới, cung cấp các thông tin về hoạt động nghiên cứu tội phạm học trên thế giới, trao đổi những kinh nghiệm cần thiết cho việc định hướng, chọn đề tài nghiên cứu phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm vẫn phải đối mặt với một số khó khăn như: Tổ chức bộ máy và nhân sự của Trung tâm cho đến nay mặc dù được bổ sung và củng cố nhưng vẫn trong tình trạng thiếu cán bộ và không ổn định. Việc điều chuyển nhiều cán bộ từ Trung tâm đến các đơn vị khác và ngược lại đã làm cho đội ngũ cán bộ của Trung tâm có sự xáo trộn. Thêm vào đó, số lượng cán bộ trẻ, cán bộ ngành ngoài, cán bộ nữ chiếm tỉ lệ lớn đã tạo không ít khó khăn và áp lực cho đội ngũ lãnh đạo của Trung tâm trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ và triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác của Trung tâm. 

 Về trình độ chuyên môn: Do số lượng cán bộ trẻ nhiều và được tuyển dụng từ ngành ngoài vào công tác tại Trung tâm nên năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ còn hạn chế. Số lượng cán bộ đang tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chiếm tỉ lệ khá cao so với một số đơn vị khác trong Học viện. Bên cạnh đó, trình độ tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ Cảnh sát của một số cán bộ còn hạn chế, chưa đủ khả năng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được lãnh đạo phân công, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và hiệu quả hoạt động của Trung tâm.

Cơ sở vật chất kỹ thuật của Trung tâm tuy được tăng cường nhưng vẫn còn thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của một đơn vị nghiên cứu trong thời đại bùng nổ thông tin và khoa học kỹ thuật hiện đại.

Để khẳng định và phát huy vai trò của một trung tâm nghiên cứu khoa học đầu ngành của lực lượng Công an nhân dân, đồng thời là đơn vị chủ lực trong nghiên cứu, tổng kết, xây dựng và phát triển lý luận Công an trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm hiện nay, Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới toàn diện và từng bước nâng cao chất lượng các mặt công tác của Trung tâm, tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an nhân dân hiện nay. Cụ thể là: 

 Công tác nghiên cứu được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Trung tâm, do đó cần chú trọng việc cải tiến và hoàn thiện công tác nghiên cứu cả về nội dung, phương pháp và kết quả nghiên cứu. Cần bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nghiên cứu về những loại tội phạm mới, tội phạm phi truyền thống cũng như các phương thức thủ đoạn mới của tội phạm để tham mưu, đề xuất với các cơ quan có tham quyền xây dựng kế hoạch và phương án phòng ngừa, đấu tranh đạt hiệu quả cao nhất. Các kết quả nghiên cứu cần được in ấn và xuất bản thành sách để có thể tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến tất cả các đối tượng, địa bàn và lĩnh vực, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm.

Công tác giảng dạy cần được tiến hành song song với công tác nghiên cứu bởi lẽ, những kết quả nghiên cứu khoa học chính là tư liệu phong phú, mang tính thời sự cao để cập nhật và đa dạng hóa kiến thức giảng dạy; đồng thời, thông qua hoạt động giảng dạy giúp cho mỗi giảng viên xác định rõ vấn đề cần trau dồi và cập nhật thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cho sinh viên. Trong thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm ngoài việc tiếp tục giảng dạy hai môn học như hiện nay, đội ngũ giảng viên của Trung tâm cần tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy thêm một số các môn học khác như: Tội phạm phi truyền thống, Thống kê tội phạm, Lý luận về điều tra tội phạm.. .Việc giảng dạy các môn học này sẽ giúp cán bộ, giảng viên trong Trung tâm có thể đứng vững bằng cả “hai chân” của mình: vừa nghiên cứu sâu, vừa giảng dạy tốt.

Tạp chí chuyên đề Tội phạm học và khoa học Hình sự cần tiếp tục truyền bá các nguyên lý lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ bản chất khoa học, cách mạng và giá trị to lớn của các nguyên lý đó; phê phán có luận cứ khoa học và sức thuyết phục cao đối với các luận điệu xuyên tạc, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nguyên lý phòng, chống tội phạm; tập trung phân tích, giáo dục về tính đúng đắn, sáng tạo trong Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng; góp phần định hướng nhận thức và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, thông tin về khoa học nghiệp vụ Cảnh sát, các nghiên cứu, thông tin về Tội phạm học;

Hai là, tăng cường năng lực và các điều kiện cần thiết đảm bảo cho hoạt động của Trung tâm ngày càng chính quy, hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm hiện nay. Theo đó, ngoài các trang, thiết bị giống như các đơn vị khoa học khác, Trung tâm có thể được trang bị thêm hệ thống phòng và bàn làm việc chuyên dụng phục vụ công tác nghiên cứu và hội thảo khoa học, máy vi tính và máy in hiện đại, kể cả máy in màu; kết nối điện thoại liên tỉnh và quốc tế, các phương tiện như máy ảnh, máy photocopy, Fax, máy quét ảnh màu, máy thu hình màu có lắp truyền hình cáp, nối mạng Internet để thu thập và cung cấp thông tin phục vụ công tác nghiên cứu.

Ba là, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ Cảnh sát, có năng lực nghiên cứu, giảng dạy, thông thạo ngoại ngữ và tin học, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu lý luận về phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Theo đó, ngoài các tiêu chuẩn của cán bộ Học viện, đối với Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm cần phấn đấu có 30 đến 35 cán bộ, trong đó có 03 Giáo sư; 06 Phó Giáo sư, 15 Tiến sĩ, còn lại là Thạc sĩ. Trung tâm phấn đấu 80% cán bộ có trình độ cao cấp chính trị, còn lại là trình độ trung cấp chính trị. Phấn đấu có đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, thông thạo ngoại ngữ và tin học, trong đó phấn đấu có 10 Giảng viên chính, 15 giảng viên.

Bốn là, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế nhằm phát triển Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm cả về chiều rộng và chiều sâu

Trong điều kiện hội nhập và mở cửa, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Học viện Cảnh sát nhân dân và lãnh đạo Viện Khoa học Cảnh sát đối với mọi mặt hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm. Bên cạnh đó, thường trực Hội đồng khoa học Học viện, đặc biệt là đội ngũ chuyên viên cao cấp của Học viện cần quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ và bồi dưỡng cho cán bộ, nhất là các cán bộ trẻ của Trung tâm về phương pháp nghiên cứu, giảng dạy, định hướng nội dung cần chú trọng nghiên cứu, giảng dạy về những vấn đề lý luận phức tạp và về cách thức sử dụng các thành quả nghiên cứu phục vụ công tác giảng dạy, phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Ngành.

Các Phòng chức năng làm tốt chức năng tham mưu cho Ban giám đốc Học viện về các vấn đề liên quan đến sự lãnh đạo, quản lý, hỗ trợ các sản phẩm khoa học của Trung tâm như sách, kỷ yếu khoa học, tạp chí. Các đơn vị khoa học thuộc Học viện cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trong việc động viên cán bộ hợp tác trong nghiên cứu, tham gia hội thảo, viết bài tạp chí theo đơn đặt hàng của Trung tâm; đồng tổ chức các sinh hoạt khoa học, các đợt đi khảo sát thực tiễn; giới thiệu kết quả nghiên cứu đề tài các cấp do các đơn vị thuộc Học viện chủ trì...

Đối với các đơn vị nghiên cứu khoa học ngoài Học viện và ngoài Ngành Công an, Trung tâm cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh hoạt động đối ngoại khoa học, tích cực mở rộng hợp tác thường xuyên và hiệu quả với nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và công an các địa phương. Trong hợp tác quốc tế, Trung tâm tiếp tục phối hợp thực hiện và tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, hợp tác với các quốc gia trong khu vực cũng như quốc tế thông qua việc tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo khoa học nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn từ các nhà khoa học, các chuyên gia phòng chống tội phạm hàng đầu trên thế giới.

Trung tá, PGS.TS Nguyễn Minh Hiển - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm

Nguồn: Tạp chí CSND - Chuyên đề Tội phạm học và Khoa học hình sự số 8+9/2017

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất