Cá chép, đặc biệt là cá chép vượt vũ môn là biểu tượng của sự an lành, sung túc, thịnh vượng và may mắn.
Tương truyền rằng ngày xưa nước từ mưa gió, sông, biển, và những sinh vật sống trong nước được ông Trời tạo ra đầu tiên và cũng chính là khởi nguồn của mọi thứ. Sau này, vì bận bịu tạo ra người và vạn vật nên Trời không làm mưa gió nữa mà giao cho rồng - một sinh vật sống ở cõi trời nhiệm vụ bay lượn ở trên không và phun nước xuống trần gian làm mưa. Nhưng ngặt nỗi, số rồng trên trời quá ít nên không thể làm mưa đều khắp mọi nơi, cho nên ông Trời mới tổ chức một kỳ thi gọi là “thi rồng” để kén chọn những con vật ở trần gian có đủ tiêu chuẩn để trở thành một chú rồng.
Khi chiếu chỉ ban xuống dưới Thủy cung, vua Thủy tề đã loan báo cho tất cả các giống loài sống ở đó và chúng hăm hở dự thi. Cuộc “thi rồng” gồm ba kỳ, mỗi kỳ phải vượt qua một đợt sóng, con vật nào đủ sức, đủ tài, có thể vượt qua cả ba vòng thì mới đủ tiêu chuẩn để được hóa rồng.
Trong một tháng trời đằng đẵng, hầu như các loài thủy tộc đến thi đều bị loại vì không con nào vượt được cả ba đợt sóng.
Con cá rô chỉ nhảy qua được một đợt sóng, và phải dừng lại ở đợt sóng thứ hai.
Con tôm thì nhảy qua được hai đợt, ruột gan, vây, vẩy, râu và đuôi đã gần hóa rồng. Nhưng khốn thay, đến đợt ba, lại đuối sức bị ngã nên lưng cong lại.
Đến lượt có một con cá chép vào dự thi, con cá này bản chất khá đặc biệt vì trong miệng nó có ngậm một viên ngọc trai quý.
Thần gió thấy sự lạ bay đến để xem nên gió, mây ào ạt kéo đến, sấm sét ầm trời, và những đợt sóng cao cũng trỗi dậy. Cá chép nhờ đợt sóng cao đưa lên, vượt một lần qua cả ba đợt sóng một cách dễ dàng rồi từ tốn nhả viên ngọc vượt qua Vũ Long Môn và hóa rồng.
Hình ảnh cá chép hóa rồng trở thành biểu tượng của sự can đảm, may mắn, thành công, chiến thắng cũng từ sự tích trên. Bên cạnh đó, từ một loài cá bé nhỏ sống dưới nước, sau khi vượt qua được Vũ Long Môn, vẫy, đuôi, râu, sừng tự nhiên mọc đủ, hình dạng lại ra vẻ oai phong, rạng rỡ, cũng tượng trưng cho sự khát vọng của con người luôn muốn vươn lên đến tầm cao mới, nhưng chỉ những ai có được “viên ngọc quý” là sự kiên trì, nhẫn nại và không ngại khó khăn, gian khổ mới có thể đạt được thành công. Vậy nên, hình ảnh cá chép hóa rồng cũng như một lời nhắc nhở mọi người phải luôn trau dồi, mài dũa những phẩm chất cao đẹp bên trong chính bản thân mình.
Cá chép hóa rồng phun nước làm cho đất đai mầu mỡ, cây cối xanh tươi, đem lại sức sống cho muôn loài. Chính vì lẽ đó mà hình ảnh cá chép vượt Vũ Long môn cũng được xem là biểu tượng cho sự an lành và sung túc, thịnh vượng trong cuộc sống, may mắn về tài lộc trong kinh doanh, và thành công trong học hành, thi cử.
Để góp phần làm đẹp và phong phú thêm nét văn hóa của Học viện CSND, Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện đã đề xuất với Ban giám đốc Học viện trước khi hết 02 nhiệm kỳ Giám đốc Học viện làm nhiệm vụ khác sẽ cùng với TS Nguyễn Văn Viện Phó Giám đốc CATP Hà Nội, TS Hoàng Văn Mạnh Phó Giám đốc Công an Tỉnh Hà Giang, TS Bùi Quốc Tuấn Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ Học viện Cảnh sát nhân dân, TS Nguyễn Việt Linh Cục đối ngoại Bộ Công an và các Tiến sĩ của Học viện nhận bằng năm 2018 tặng Nhà trường bức tượng Cá chép vượt vũ môn.
Ngày 16 tháng 11 năm 2018 bức tượng Cá chép vượt vũ môn đã hoàn thành đặt tại vườn hoa giữa Nhà H1 và H2 và Hội trường Phạm Minh của Học viện. Tượng do nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu, nghệ nhân nhân dân tại Đà Nẵng thiết kế và thi công.
Bức tượng Cá chép vượt vũ môn là biểu tượng cho sự an lành và sung túc, thịnh vượng trong cuộc sống, thành công trong học hành, thi cử. Đồng thời cũng như một lời nhắc nhở cán bộ, sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân phải luôn trau dồi, mài dũa những phẩm chất cao đẹp bên trong chính bản thân mình, xứng đáng với truyền thống một cơ sở giáo dục đại học hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Tại buổi khánh thành Tượng Cá chép vượt vũ môn cùng với GS.TS Nguyễn Xuân Yêm và các Tiến sĩ năm 2018 có GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện, các thầy Ban giám đốc và nhiều cán bộ, sinh viên nhà trường.
Chùm ảnh: GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện, các thầy Ban giám đốc và nhiều cán bộ, sinh viên nhà trường chụp ảnh kỷ niệm cùng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm và các Tiến sĩ năm 2018 bên Tượng Cá chép vượt vũ môn.
Nhật Nam