Tổ chức của cảnh sát Nhật Bản theo mô hình phân cấp từ trên xuống dưới. Quan hệ trực tiếp với dân và ở cấp thấp nhất trong mô hình này là các koban (phân đội cảnh sát ở đô thị) và tổ cảnh sát (ở khu vực nông thôn).
Phân đội cảnh sát và tổ cảnh sát trực thuộc đồn cảnh sát, đồn cảnh sát trực thuộc sở chỉ huy quận, các sở chỉ huy quận thuộc sự chỉ đạo của sở chỉ huy vùng và sở chỉ huy các vùng trực thuộc sự chỉ đạo chung của trung tâm cảnh sát quốc gia. Tuy nhiên, trung tâm cảnh sát quốc gia và sở chỉ huy vùng hầu như chỉ đóng vai trò quản lý về mặt hành chính và có sự chỉ huy trực tiếp trong một số trường hợp rất cấp bách còn trong các trường hợp khác, sở cảnh sát quận là cấp chỉ huy cao nhất trong điều hành, chỉ đạo các hoạt động hằng ngày của lực lượng cảnh sát cấp dưới. Hiện nay tại Nhật có khoảng 6.600 phân đội cảnh sát và 9.000 tổ cảnh sát. Mỗi phân đội cảnh sát chịu trách nhiệm quản lý trung bình khoảng 0,22km2 khu vực đô thị với 8.500 dân còn tổ cảnh sát nông thôn quản lý khoảng 18km2 và 3.000 dân.
Tại khu vực Tokyo, quân số mỗi phân đội cảnh sát có 12 người (4 người/1 ca trực), không biên chế nữ cảnh sát. Họ đi tuần chủ yếu bằng đi bộ hoặc xe đạp. Tại Nhật, rất khó để tìm đường vì rất nhiều đường phố ở đây thường nhỏ, một chiều và không được đặt tên, trong khi đó các toà nhà cao tầng được đánh số theo năm xây dựng tại mỗi tiểu khu, vì vậy địa chỉ thường nêu tên khu lớn rồi tới số tiểu khu, tiếp theo là số toà nhà. Do vậy, thông thường mỗi cảnh sát khu vực phải mất 2 năm để làm quen với các khu vực mà mình chịu trách nhiệm quản lý, nhưng cũng nhờ vậy họ thông thuộc địa hình hơn bất cứ lực lượng cảnh sát nào khác. Khi có vụ án xảy ra, các điều tra viên cấp trên thường phải nhờ cảnh sát khu vực đi xe đạp dẫn đường tới hiện trường. Tại khu dân cư, cảnh sát khu vực thường xuyên gần gũi, tiếp xúc, giúp đỡ dân, cung cấp cho nhân dân thông tin và cách thức giữ gìn trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đặc biệt là sự tư vấn, hoà giải những mâu thuẫn thường nhật trong nội bộ nhân dân nên họ thường được người dân rất nể trọng, tình nguyện giúp đỡ và cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị về an ninh trật tự và điều tra án. Các phân đội cảnh sát còn có trách nhiệm khảo sát khu dân cư quản lý 2lần/năm về nhân hộ khẩu, giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, phương tiện đi lại…Những thông tin này được cập nhật vào cơ sở dữ liệu để cảnh sát sử dụng trong quản lý hành chính về an ninh trật tự cũng như trong điều tra tội phạm, truy tìm vật chứng, nạn nhân, phương tiện…Các tổ cảnh sát ở khu vực nông thôn cũng hoạt động tương tự như phân đội cảnh sát đô thị.
Đồn cảnh sát có hai trách nhiệm, một là chỉ đạo, quản lý, hỗ trợ mạng lưới phân đội cảnh sát theo thẩm quyền; hai là trực tiếp điều tra, xử lý những vụ án lớn vượt quá thẩm quyền của phân đội cảnh sát, phối hợp với cảnh sát cấp trên xử lý những vụ việc nghiêm trọng. Quân số của đồn cảnh sát không cố định mà phụ thuộc vào tình hình thực tế ở mỗi khu vực, nếu ở khu vực xa xôi, ít phức tạp có thể chỉ 16 sỹ quan nhưng đồn cảnh sát ở Tokyo có thể lên tới 500 người. Quân số tại đồn được biên chế về 7 đội nghiệp vụ: Tuần tra, điều tra hình sự, giao thông, an ninh, phòng ngừa tội phạm, chống bạo loạn và quản lý hành chính. Mỗi sỹ quan làm việc ở đội nào được coi là chuyên môn trong lĩnh vực đó và có trách nhiệm, quyền hành cao hơn cảnh sát viên thuộc phân đội. Tuy có sự phân cấp rõ ràng nhưng sự phối hợp lực lượng giữa các cấp cảnh sát Nhật Bản rất nhịp nhàng theo cơ chế và quy trình hết sức khoa học, trách nhiệm cụ thể, tạo nên một sức mạnh thống nhất trong hành động khi có vụ việc xảy ra cũng như trong phòng chống tội phạm.
Chính phủ và chỉ huy cảnh sát quốc gia rất coi trọng họat động của cảnh sát ở cơ sở, coi đây là lực lượng then chốt tạo nên sự ổn định ở cơ sở. Lực lượng cảnh sát ở các đồn, phân đội, tổ được đào tạo bài bản, thường xuyên được học tập nâng cao trình độ pháp luật, nghiệp vụ, võ thuật, sử dụng vũ khí và cả kỹ năng giao tiếp với dân. Đồng thời họ được có chế độ đãi ngộ thích hợp về lương và các dịch vụ phúc lợi giúp họ vừa đảm bảo cuộc sống gia đình, vừa là biện pháp tốt để tránh nhũng nhiễu, tham nhũng. Bên cạnh đó, quy trình, quy chế làm việc và kỷ luật công tác đối với lực lượng này cũng rất nghiêm khắc và chặt chẽ, tạo nên sức mạnh quân kỷ trong công tác. Hằng năm, cảnh sát Nhật đều có sự tổng kết về hoạt động của lực lượng cảnh sát ở cơ sở, rút kinh nghiệm những mặt tồn tại để kịp thời khắc phục, đồng thời có những nghiên cứu khoa học dựa trên số liệu thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và hoàn thiện tổ chức của lực lượng này. Theo đánh giá của Interpol, Nhật Bản là một trong những nước có lực lượng cảnh sát hoạt động ở cơ sở hiệu quả và hợp lòng dân nhất trên thế giới.
Nguồn: Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an