Căn cứ Quyết định số 1229/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân đến năm 2020”; căn cứ Quyết định số 3013/QĐ-BCA-X11 ngày 12 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc phê duyệt Đề án thành phần số 3 thuộc Đề án 1229 của Chính phủ; căn cứ Quyết định số 3999/QĐ-BCA-X11 ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc công nhận Học viện CSND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ngành Công an. Hiện nay, Học viện CSND đang nỗ lực phấn đấu để đạt công nhận trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia, xứng tầm vị thế và vai trò của nhà trường hàng đầu trong lực lượng CAND trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Trong tiến trình đó, Học viện CSND đã và đang tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên hàng đầu đầu tư xây dựng, phát triển Học viện CSND thành cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu và ứng dụng, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; đạt chuẩn quốc gia, hướng tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế; là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bậc đại học, sau đại học và bồi dưỡng nâng cao cho đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến lược của lực lượng CAND; đào tạo một số ngành, nghề cần thiết cho CAND mà các trường khác chưa có khả năng, điều kiện đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế xã hội.
Bước vào kỷ nguyên của cuộc Cách mạng 4.0, kỷ nguyên của công nghệ số và kết nối toàn cầu, giáo dục và đào tạo cũng cần hòa nhập vào dòng chảy chung đó. Trong đó, Học viện CSND xác định việc thực hiện các chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và tin học, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên và học viên của toàn Học viện, xác định ngoại ngữ trở thành cầu nối cần thiết về mọi mặt để Học viện sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu khi trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của quốc gia.
Đối với công tác giảng dạy, thời gian qua, Học viện đã chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cho cán bộ, giảng viên và học viên của Học viện bằng nhiều hình thức có hiệu quả khác nhau như: tổ chức các lớp nâng cao trình độ ngoại ngữ thường xuyên cho cán bộ, giảng viên và học viên; mở các lớp liên kết đào tạo và trao đổi học tập với nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc… sử dụng bằng tiếng Anh mở tại Học viện CSND và tại nước bạn; mở các lớp liên kết đào tạo bằng tiếng Anh với nước ngoài như với Đại học tổng hợp Maryland Hoa Kỳ (đã tốt nghiệp được 02 khóa học) và đang xúc tiến mở liên kết đào tạo với Đại học RMIT của Australia; tăng cường gửi học viên đi học Thạc sĩ và làm nghiên cứu sinh toàn phần bằng tiếng Anh ở nước ngoài như Vương quốc Anh, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản…; tổ chức tập huấn, đào tạo, hội thảo, hội nghị khoa học khu vực và quốc tế với nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, các tổ chức phi chính phủ; quy định về chuẩn đầu ra ngoại ngữ bắt buộc để xét tốt nghiệp ra trường đối với các hệ học viên; đặc biệt là việc tăng cường và thí điểm giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh trong toàn Học viện đối với tất cả các khoa, phòng, bộ môn, trung tâm.
Một trong những hoạt động có tính đột phá nhất chính là việc thí điểm giảng dạy toàn phần một số môn học thuộc một số khoa, bộ môn, trung tâm bằng tiếng Anh. Học viện CSND là đơn vị có đủ điều kiện để thí điểm nhiệm vụ hết sức khó khăn và chưa có tiền lệ trong các nhà trường CAND trước đây, bởi lẽ Học viện có đủ các điều kiện cần thiết về chương trình đào tạo, về trình độ nguồn lực giảng viên, về mặt bằng trình độ ngoại ngữ của học viên, về sự đồng thuận trong việc xác định và định hướng phát triển, tầm nhìn của Học viện trong kỷ nguyên mới. Giảng viên Học viện đã được tích lũy kinh nghiệm trong các khóa học Thạc sĩ liên kết với nước ngoài, trong thực hiện nhiệm vụ tập huấn và giảng dạy cho nước ngoài, đã được tôi luyện qua các kỳ hội nghị quốc tế và khu vực, được mở rộng giao lưu quốc tế trong tiến trình mở rộng hợp tác quốc tế của Học viện CSND. Lần đầu tiên, Học viện CSND đã tổ chức thành công Hội giảng giảng viên giảng dạy nghiệp vụ bằng tiếng Anh trong toàn Học viện, đây là một chương trình thành công, có tính sáng tạo lớn, được lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục và các đơn vị giảng dạy thuộc CAND đánh giá cao. Các môn học bằng tiếng Anh được thí điểm giảng dạy toàn phần như Khoa Cảnh sát điều tra, khoa Luật, khoa Kỹ thuật hình sự, khoa Cảnh sát hình sự… Quá trình thực hiện cho thấy, việc thực hiện các môn học nghiệp vụ bằng tiếng Anh là khả thi, mở ra triển vọng của việc sử dụng tiếng Anh thành công cụ ngoại ngữ phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy và hội nhập khu vực và quốc tế.
Đối với công tác nghiên cứu khoa học, tiếng Anh chính là một trong những công cụ và chìa khóa vạn năng để mở rộng nghiên cứu khoa học Công an. Nhìn ra thế giới cho thấy, nhiều quốc gia có cách tiếp cận khoa học về tư pháp hình sự, tội phạm học, khoa học Công an, Cảnh sát ít mang tính bí mật và bó hẹp, vì vậy có thể được khai thác rất rộng mở qua kênh Internet và trao đổi học thuật. Hiện nay, Học viện CSND đã có một khu vực thư viện phục vụ lớp Maryland bằng tiếng nước ngoài, phần tài liệu tiếng Anh phục vụ nghiên cứu dạng file mềm cũng đã được Trung tâm Lưu trữ và Thư viện quan tâm thu thập, tuy nhiên thực tế khai thác nghiên cứu những nội dung này chưa được chú trọng; Học viện CSND cũng đã xây dựng trang tạp chí Cảnh sát nhân dân bằng tiếng Anh và trang web điện tử bằng tiếng Anh, đây cũng là một trong những bước đột phá phục vụ ứng dụng tiếng Anh trong nghiên cứu khoa học và phổ biến, nhiều cán bộ và giảng viên đã tích cực viết bài nghiên cứu bằng tiếng Anh, góp phần hoàn thiện các kỹ năng nghiên cứu bằng tiếng Anh đối với các vấn đề khác nhau về tội phạm học, công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và công tác phòng, chống tội phạm trên thế giới và Việt Nam. Đáng chú ý, thời gian qua, Học viện đã ký Kế hoạch số 1892/KH-T32-CSĐT ngày 06 tháng 9 năm 2017 tổ chức cuộc thi tìm hiểu khoa học hình sự trên thế giới. Với mục đích nhằm tìm hiểu những vấn đề tổng quan và chuyên sâu về tình hình và thành quả nghiên cứu của Khoa học hình sự ở các nước trên thế giới. Từ đó, mở rộng các nguồn tư liệu, tài liệu tham khảo góp phần phát triển các bộ phận lý luận chung của khoa học hình sự, chiến thuật hình sự và phương pháp hình sự ở Việt Nam. Thông qua việc tổ chức cuộc thi này rèn luyện, khích lệ tinh thần nghiên cứu, học tập của cán bộ, giảng viên, học viên, góp phần thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu khoa học của Học viện CSND, tạo một phong trào sử dụng tiếng Anh để nghiên cứu về các vấn đề khoa học hình sự một cách có hiệu quả. Cuộc thi này thành công sẽ là minh chứng cho việc sử dụng ngoại ngữ để khai thác những vấn đề mà thế giới đã nghiên cứu và công bố như về lý luận về đại cương Khoa học hình sự của các nước trên thế giới (Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Liên bang Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á…); về những vấn đề về lý luận và thực tiễn, tổ chức chiến thuật điều tra hình sự của các nước trên thế giới (hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đối chất, khám xét, bắt, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định…); về lý luận và thực tiễn áp dụng phương pháp điều tra các tội phạm cụ thể của các nước trên thế giới; về thực trạng, mô hình và kinh nghiệm tổ chức cơ quan điều tra, lực lượng Cảnh sát điều tra của các nước trên thế giới hoặc về ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong điều tra vụ án hình sự của các quốc gia trên thế giới;
Nhìn ra khu vực và thế giới cho thấy, nhiều quốc gia đều có cú hích phát triển từ việc biết sử dụng và có tầm chiến lược trong việc phổ biến ngôn ngữ quốc tế là tiếng Anh vào trong công tác quản lý nhà nước, công tác văn hóa xã hội, hội nhập quốc tế, công tác giáo dục và nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn, bất cứ công dân Singapore nào cũng có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ tiếng Trung và tiếng Anh, đây là 02 ngôn ngữ chủ đạo toàn cầu, là 02 chiếc chìa khóa để mở tới bất cứ một tri thức quốc tế nào, không có lý do gì để đất nước Singapore không phát triển về mọi mặt trong đó có giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ; hoặc với Malaysia, một đất nước đa ngôn ngữ được sử dụng, trong đó tiếng Mã Lai, tiếng Ấn, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh đều thịnh hành, những người bảo vệ, lái xe taxi, thợ xây cũng có thể nói thành thạo 02 thứ tiếng, những nhà nghiên cứu có thể thành thạo từ 02 đến 04 thứ tiếng trong đó có tiếng Anh, không có lý do gì mà những thư viện và chương trình nghiên cứu, giảng dạy của họ lại không có tầm quốc tế hoặc một ví dụ khác, trong một hội nghị quốc tế bất kỳ đều có thể thấy các đại biểu Campuchia, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc sử dụng thành thạo tiếng Anh và do đó, họ tự tin và làm chủ kiến thức, làm chủ diễn đàn học thuật, điều đó cho thấy họ đã coi trọng ngôn ngữ tiếng Anh như thế nào.
Định hướng trường trọng điểm quốc gia đồng thời gắn liền với một trách nhiệm nặng nề để Học viện xứng tầm là trường trọng điểm quốc gia trong thời gian tới, vậy tiếng Anh giúp hoàn thành những sứ mệnh gì của Học viện CSND trong giai đoạn chuẩn bị cũng như khi đã trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia?.
- Thứ nhất, mở rộng phương thức tổ chức đào tạo liên kết đại học Cử nhân bằng học tập thông qua sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh
Hướng tới trường trọng điểm quốc gia, Học viện sẽ định hướng phát triển một số chương trình đào tạo giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh để thu hút học viên là người nước ngoài đến học tập, nghiên cứu. Một số chuyên ngành như Điều tra tội phạm xâm phạm TTXH và Kỹ thuật hình sự có thể định hướng giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh (trừ các môn học đại cương).
Với nền tàng tiếng Anh của cán bộ và giảng viên, khi trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, thực hiện sứ mệnh của mình, Học viện CSND có thể tăng cường trao đổi học viên giữa Học viện CSND với các Học viện, trường đào tạo Cảnh sát các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Phillipine, Singapore, Malaysia… theo mô hình: Trao đổi học viên cả khóa học hệ cử nhân tại mỗi nước hoặc mô hình 2+2 (hai năm học tập trong nước và 2 năm học tập tại nước ngoài), 3+1 (3 năm học tập trong nước và 01 năm học tập tại nước ngoài). Như vậy, đây sẽ là một trong những bước đột phá tiếp theo trong công tác hợp tác quốc tế trong đào tạo, nâng cao trình độ,
- Thứ hai, ngôn ngữ Tiếng Anh là nền tảng giúp Học viện CSND tổ chức thành công liên kết với các Học viện, trường đại học có uy tín trên thế giới để tổ chức đào tạo Thạc sĩ các chuyên ngành mà hai bên có thế mạnh và có thể công nhận tín chỉ của mỗi bên, điển hình như: Tiếp tục liên kết với Đại học tổng hợp Maryland (Hoa Kỳ) để đào tạo Thạc sĩ, chuyên ngành: Lãnh đạo Tư pháp hình sự; mở liên kết với Đại học RMIT (Úc) về đào tạo Thạc sĩ theo hướng ngành kép: Công nghệ thông tin (Tội phạm mạng); định hướng mở liên kết với Đại học Lyon 3 (Pháp) về đào tạo Thạc sĩ hai chuyên ngành là Luật và Ngoại ngữ. Các chương trình liên kết này được dạy và học bằng tiếng nước ngoài (trừ một số môn học chiếm tỷ trọng nhỏ do các nhà khoa học Việt Nam giảng dạy). Phương thức đào tạo kết hợp theo mô hình 1+1 (01 năm đào tạo trong nước và 01 năm đào tạo tại nước ngoài), hoặc học tập các môn học trong nước + hoạt động nghiên cứu và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp tại nước ngoài.
Đồng thời, tiếng Anh sẽ là nền tảng để Học viện CSND xây dựng và phát triển các chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ mà Học viện CSND có thế mạnh để tổ chức giảng dạy bằng tiếng Anh (trừ các môn học đại cương) để thu hút học viên là người nước ngoài theo học và trao đổi học viên hệ sau đại học. Phấn đấu đến tầm nhìn 2020, chuyên ngành Tội phạm học và Điều tra tội phạm được giảng dạy bằng tiếng Anh.
- Thứ ba, với quy mô và vị thế của trường trọng điểm cấp quốc gia, Học viện cần hướng tới mô hình tổ chức các nhóm nghiên cứu sinh để nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực Luật học, Tội phạm học, Khoa học điều tra hình sự, Kỹ thuật hình sự, An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Quản lý trật tự an toàn giao thông… Trong đó, bao gồm các nghiên cứu sinh là người Việt Nam và mời các nghiên cứu sinh hoặc các chuyên gia nước ngoài là giảng viên của các Học viện, trường đại học mà Học viện có liên kết đào tạo (Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Đại học Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, Đại học Tổng hợp Maryland - Hoa Kỳ, Đại học RMIT Úc…).
- Thứ tư, ngoài các chương trình chính thức như trên, thông qua con đường hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin, Học viện sẽ phát triển một số chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên đề được giảng dạy bằng tiếng Anh để thu hút học viên là người nước ngoài đến học tập, nghiên cứu và trao đổi học thuật, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Tội phạm học; Tư pháp hình sự; Quản lý Nhà nước về trật tự An toàn giao thông; Quản lý cư trú; Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Kỹ thuật hình sự; Điều tra hình sự; Công tác truy nã tội phạm…
Đồng thời, tiếng Anh sẽ là cơ sở để Học viện CSND xây dựng Trung tâm đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng thi hành pháp luật các nước trong khu vực, kể cả đào tạo lực lượng Cảnh sát gìn giữ hòa bình của Việt Nam giống như mô hình mà lực lượng quân đội đã làm và đã cử các chiến sĩ có đủ khả năng và yêu cầu để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, đúng như quan điểm của Đảng ta đã khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[1]
- Thứ năm, Học viện CSND trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia phải đồng thời phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học đầu ngành của CAND và có uy tín quốc gia, khu vực và quốc tế; có đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học đủ khả năng giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ trọng điểm của Nhà nước, của Bộ Công an trong các lĩnh vực: phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, xây dựng lực lượng CAND và các cơ quan chuyên trách đảm bảo TTATXH; tư vấn giúp Bộ trưởng Bộ Công an các vấn đề về bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở tầm chiến lược và chiến thuật. Hiện nay, tình hình trật tự, an toàn xã hội và tội phạm đã mang tính phi truyền thống, vượt qua khỏi biên giới lãnh thổ quốc gia, mang tính toàn cầu, tội phạm cũng “hội nhập” và cũng đồng thời tự mình bước theo kỷ nguyên của thời đại công nghệ thông tin, vì vậy, các sản phẩm của hội nhập và khoa học công nghệ toàn cầu đồng thời đều có sự hiện diện của tội phạm dưới nhiều dạng, với phương thức thủ đoạn khác nhau.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, Học viện cần tích cực tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong phòng chống tội phạm của các nước trên thế giới.Quan hệ phối hợp, hợp tác, tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế (Diễn đàn Hiệp hội Cảnh sát quốc tế (IPES), Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế INTERPOL, Hiệp hội Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANAPOL), các tổ chức phi Chính phủ (NGO)...); các Học viện, trường Đại học Cảnh sát khu vực và trên thế giới, tạo ra sự liên kết trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ Cảnh sát. Đặc biệt, trong công tác nghiên cứu khoa học, Học viện cần tích cực tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong phòng chống tội phạm của các nước trên thế giới.Quan hệ phối hợp, hợp tác, tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế (Diễn đàn Hiệp hội Cảnh sát quốc tế (IPES), Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế INTERPOL, Hiệp hội Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANAPOL), các tổ chức phi Chính phủ (NGO)...); các Học viện, trường Đại học Cảnh sát khu vực và trên thế giới, tạo ra sự liên kết trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ Cảnh sát.
Tích cực tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong phòng, chống tội phạm của các nước trên thế giới. Quan hệ phối hợp, hợp tác, tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế (Diễn đàn Hiệp hội Cảnh sát quốc tế (IPES), Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Hiệp hội Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANAPOL), các tổ chức phi Chính phủ (NGO)...); các Học viện, trường Đại học Cảnh sát khu vực và trên thế giới, tạo ra sự liên kết trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ Cảnh sát.
Tóm lại, chuyển biến và nâng cao trình độ ngoại ngữ, tiếng Anh cho giảng viên, cán bộ, học viên của Học viện CSND là yêu cầu, đòi hỏi bức thiết, tất yếu trong định hướng trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia. Chúng ta tin tưởng rằng, với định hướng và tầm nhìn như vậy, Học viện CSND sẽ luôn giữ vai trò nòng cốt cho sự phát triển chung của các học viện, trường CAND trong giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Đại úy, TS Ngô Văn Vinh - Phó Trưởng khoa Cảnh sát điều tra - Học viện CSND
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Học viện CSND - 50 năm xây dựng và định hướng phát triển”