Muốn đào tạo công dân toàn cầu thì các nhà hoạch định chính sách giáo dục và đào tạo cần có tầm nhìn mới về công nghiệp 4.0 như một chính sách đổi mới xã hội.
LTS: Ở Việt Nam, khái niệm công dân toàn cầu (global citizen) đã xuất hiện đầu thiên niên kỷ thứ ba, nhưng vẫn chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh và được chính thức công nhận[1].
Trong buổi tới thăm và chúc Tết lãnh đạo, cán bộ Bộ GD&ĐT ngày 4/2/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã yêu cầu: “Ngành giáo dục cần tập trung đào tạo chất lượng cao, những “công dân toàn cầu” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ…”
Như vậy, theo Chủ tịch nước, trong bối cảnh mới này việc đào tạo công dân toàn cầu là đặc biệt quan trọng để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Vậy thực chất khái niệm “công dân toàn cầu” trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi Công nghiệp 4.0) là gì? Nó diễn ra như thế nào, tác động ra sao đến con người ở thế kỷ 21?
Ngành giáo dục và đào tạo phải làm gì để chuẩn bị cho thanh niên có được những kỹ năng cần thiết trở thành công dân toàn cầu nhằm thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế và khu vực?
Hôm nay, trong bài viết này, TS. Mai Văn Tỉnh - nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT sẽ giúp bạn đọc tìm được những câu trả lời đó.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Thế nào là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4?
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là tầm nhìn hơn là một thực tiễn, nhưng nó ở tư thế làm thay đổi cách chúng ta làm việc.
Số hóa đang tiếp tục là quá trình cùng máy móc chiếm lĩnh mọi hoạt động trong sản xuất chế tạo ở nhiều nước, kể cả Detroit (Mỹ) cũng như Trung Quốc, Việt Nam và Băng-la-đét…. Nhưng con người làm ra máy móc và vẫn bắt chúng làm việc.
Trong khi phương pháp sản xuất truyền thống đang lùi dần xa và những nhà đổi mới tiến lên phía trước tìm ra các phương pháp tổ chức mới, sản phẩm, dịch vụ mới, kênh phân phối mới và mô hình kinh doanh mới.
Mã số 4.0 ban đầu được dùng để chỉ sự thay đổi đột phá của ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hiện đang lan tỏa toàn bộ công nghiệp chế tạo và định hình ra thuật ngữ Công nghiệp 4.0.
Từ đó mã số 4.0 áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác bị tác động bởi những thay đổi nhanh chóng mà chúng ta đang phải đối mặt trong thế giới ngày nay, chẳng hạn: Việc làm 4.0, Y tế 4.0 hay Giáo dục 4.0 ...
Điều này đòi hỏi chúng ta cần đối diện với những thay đổi đó và buộc phải trải qua những thích nghi cần thiết, mặc dù dường như nhiều người vẫn thường không muốn chấp nhận thực tiễn này trên phạm vi rộng.
Đã có nhiều thảo luận về “Công nghiệp 4.0”, vì số hóa tăng lên gây áp lực vào kinh doanh truyền thống, tạo ra những mô hình mới, mở ra nhiều cơ hội cùng phát triển mới, nhưng cũng có nhiều nguy cơ và thách thức cho kinh doanh cũng như xã hội dân sự.
Đó là sự phá vỡ giới hạn việc đang làm tăng lên và nhiều vấn đề chưa giải quyết về tính riêng tư, bảo hộ và an ninh của dữ liệu.
Hơn nữa, nhiều việc làm sẽ dư thừa bởi tự động hóa, yêu cầu chất lượng sẽ nhân lên gấp bội và toàn bộ các nhiệm vụ mới sẽ xuất hiện.
Số hóa tăng lên nhưng nó không chỉ tác động to lớn đến máy móc, nhà xưởng, sản xuất mà còn tác động cả đến các xã hội, do đó chúng ta cần phải xem xét sâu hơn vấn đề này, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tác động của cách mạng 4.0 đến giáo dục đại học
Đối với các trường Đại học, Cao đẳng cấp văn bằng chứng chỉ về sản xuất chế tạo, Công nghiệp 4.0 cũng có tín hiệu về các thay đổi bởi công nhân ngành chế tạo ngày nay cần có các kỹ năng mới và trình độ giáo dục cao hơn so với 10 năm trước.
Báo cáo của Trung tâm giáo dục và lao động thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) cho biết, năm 2018, 38 % công nhân ngành chế tạo sẽ tốt nghiệp sau PTTH, trong khi năm 2008 có 34 % công nhân công nghiệp tốt nghiệp THPT.
Nguyên nhân là do tự động hóa các hoạt động công việc thường ngày, khi máy móc ngày càng thay thế nhiều trách nhiệm của công nhân, giới chủ sẽ tìm thuê cá nhân có đào tạo cao hơn để làm các nhiệm vụ ở trình độ phức tạp hơn. Hình vẽ dưới cho thấy độ sẵn sàng bao trùm của công nghiệp 4.0.
Một nghiên cứu của Liên minh kỹ năng quốc gia (NSC) khi so sánh việc làm theo loại hình công việc và lượng công nhân có sẵn, đã khẳng định nhu cầu cần đào tạo thích nghi ở Mỹ là: 54 % việc làm có kỹ năng bậc trung cần người tốt nghiệp PTTH hơn là Đại học 4 năm; nhưng chỉ 44% lực lượng lao động có kỹ năng cần cho các vị trí công việc này.
Hơn 20% lực lượng lao động được đào tạo cho vị trí kỹ năng thấp, trong khi bản thân các vị trí công việc này chỉ đáp ứng 15% nhu cầu việc làm.
Số liệu trên chỉ ra cơ hội thu hút sức lao động Mỹ vào các trình độ giáo dục và đào tạo cao hơn để đáp ứng nhu cầu việc làm cần kỹ năng bậc trung.
Hai xu thế này đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học tăng cường điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của kỹ năng trong nền công nghiệp đang thay đổi.
Tuy nhiên, cho tới nay, giáo dục đại học về tổng thể vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của giới chủ.
Thậm chí người ta thường nói các nhà quản trị Đại học dường như không nhận thức được điều này.
Còn nghiên cứu năm 2013 của Lumina Foundation/Gallup phát hiện rằng chỉ 11 % lãnh đạo kinh doanh cho rằng sinh viên tốt nghiệp Đại học theo ngành nghề họ đang tìm kiếm là làm việc được.
Con số này khác xa với 96% cán bộ phụ trách đào tạo ở các Đại học, Cao đẳng lại rất tự tin cho rằng trường của họ đang đào tạo sinh viên cho các nghề nghiệp tương lai.
Tuy nhiên tác giả cuốn “Cuộc sống đằng sau trường Đại học” [3] lại đổ lỗi cho chính công nhân với lập luận:
“Ngày nay khi các nghề trong công nghiệp phát triển với tốc độ báo động, công nhân không thể hy vọng bằng đại học, thậm chí sau đại học của họ có thể đảm bảo cho họ làm việc suốt đời.
Họ cũng không kỳ vọng các công ty sẽ đầu tư cho bồi dưỡng chuyên môn của họ, vì nhân công ngày nay chuyển đổi nghề nhiều hơn so với trước đây.”
Vậy nên khi các Đại học, Cao đẳng thay đổi chương trình đào tạo theo yêu cầu Công nghiệp 4.0, sinh viên muốn theo học ngành chế tạo cũng phải thích nghi với năng lực học tập suốt đời.
Quy mô thiếu hụt kỹ năng khác nhau tùy theo lĩnh vực ngành nghề. Khảo sát điều tra của Học viện chế tạo và Hãng Deloitte với 450 giám đốc điều hành sản xuất cho thấy những lĩnh vực mà nhân công thiếu kỹ năng nhất là: Công nghệ và máy tính (70 %), Giải quyêt vấn đề (69%), đào tạo kỹ thuật cơ bản (67%) và kỹ năng tính toán (60 %).
Như vậy, Việt Nam muốn đào tạo “công dân toàn cầu” trong bối cảnh Công nghiệp 4.0 thì các nhà hoạch định chính sách giáo dục và đào tạo cần có tầm nhìn mới về Công nghiệp 4.0 như một chính sách đổi mới xã hội.
Đồng thời triển khai nghiên cứu sâu về các đặc điểm của Giáo dục hàn lâm 4.0 (Academic education 4.0), đặc biệt là một vài gợi ý đề xuất mới đây của các nhà khoa học giáo dục Tây Âu nhằm đạt thành công trong thử nghiệm đào tạo sinh viên cho tương lai như:
Một là, độ phức tạp của thế giới “bên ngoài” phải được phản ánh trong mọi bình diện công tác đào tạo bằng xây dựng chuẩn hóa, và chuẩn hóa phải đi đôi với đơn giản hóa.
Hai là, để tạo ra sự khác nhau cần thiết của quá trình học đại học, phải dựa trên các năng lực tự tổ chức của cả cá nhân lẫn tập thể sinh viên (tổ, nhóm, lớp); mà điều kiện tiên quyết cho phát triển năng lực đó là sinh viên phải xác định được mục đích học của riêng họ.
Giáo viên có thể hỗ trợ quá trình này bằng cách khuyến khích sinh viên tập trung vào 2 tiêu chí: tài năng và mục đích riêng để họ cam kết và thỏa mãn với việc học.
Ba là, các thách thức tương lai là tính liên môn và xuyên suốt các môn học tăng lên. Phải thấy rằng hàng loạt môn học, ngành học ngày càng trở nên lỗi thời. Cái mà sinh viên cần là cách nhìn cấu trúc tổng quan về việc học để tích hợp kiến thức được thường xuyên tích lũy.
Bốn là, quá trình học cá nhân cần có cách trắc nghiệm cá nhân.
Năm là, thông tin cần cho sinh viên đang có sẵn rất nhiều ở khắp nơi (sách, bài báo, tạp chí, blogs, MOOCS …). Thách thức là làm sao giúp họ sử dụng các khả năng mới này.
Sáu là, đặc biệt, Học (learning) là một hoạt động xã hội. Khái niệm E-learning đang chết và được thay thế bằng “Chúng ta học suốt đời” (Long live WE-learning ).
Phải mở toang khuôn viên nhà trường để mời mọi sinh viên sử dụng không gian này làm chỗ gặp mặt, đọ sức, thảo luận và giao lưu.
Cần tạo ra các bối cảnh xã hội thích hợp và dân chủ hơn để sinh viên tranh luận về các vấn đề có thực trong cuộc sống liên quan đến họ.
Bảy là, việc chuyển giao kiến thức theo cách độc thoại giữa thầy với trò không tạo ra được giá trị gia tăng.
Cách giảng bài truyền thống kém hiệu quả hơn so với các hình thức học tích cực.
Môi trường xung quanh rất quan trọng cho các quá trình nhận thức nên khả năng thiết kế và bố trí các không gian làm việc riêng cho sinh viên sẽ mở ra lối thoát cho phong cách tư duy mới.
Và Giáo dục hàn lâm 4.0 cho tương lai chính là thách thức về thiết kế.
TS. Mai Văn Tỉnh
Nguồn: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
1. http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2008/05/781477/
2. Daniel Buhr - Social Innovation Policy for Industry 4.0. A PROJECT BY THE FRIEDRICH-EBERT-STIFTUNG 2015 AND 2017
3. William Morrow (2016) “There Is Life After College”
4. Thomas Wallner & Gerold Wagner - Logistikum, University of Applied Science Upper Austria (Austria) “ACADEMIC EDUCATION 4.0”