Giáo dục - Đào tạo
Thứ Tư, 9/12/2015 12:14'(GMT+7)

Xây dựng chuẩn đầu ra của sinh viên Học viện CSND - Bài học kinh nghiệm và định hướng trong thời gian tới

Trong giai đoạn hiện nay, nền giáo dục Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu và đòi hỏi cần thiết đổi mới căn bản và toàn diện. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, đồng thời nhấn mạnh: Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế [1].

Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu và yêu cầu xã hội là một trong những đòi hỏi quan trọng để tận dụng tối đa nguồn tri thức nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được với sự phát triển của xã hội. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của lực lượng công an nhân nhân phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, đòi hỏi các cơ sở đào tạo của lực lượng Công an nhân dân không ngừng đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình cũng như phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng đào tạo, được thể hiện cụ thể ở các chuẩn đầu ra bắt buộc được công bố công khai.
Chuẩn đầu ra là sự khẳng định học viên làm được những gì và kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi mà sinh viên phải đạt được khi tốt nghiệp ở một ngành đào tạo hoặc ở một chương trình đào tạo. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc công bố chuẩn đầu ra là yêu cầu bắt buộc, là cam kết của các trường về năng lực và chất lượng đào tạo để xã hội giám sát. Tiếp tục thực hiện chủ trương “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”, đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã rà soát lại mục tiêu đào tạo, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho từng ngành đào tạo hoặc chương trình đào tạo, trong đó Học viện Cảnh sát nhân dân là một trong những cơ sở đào tạo đầu tiên của ngành Công an công bố và tổ chức thực hiện chuẩn đầu ra cho các ngành học và chuyên ngành đào tạo.

Quan điểm chỉ đạo trong nghiên cứu, xây dựng chuẩn đầu ra

 Thực hiện Chỉ thị số 7823/CT-BGDĐT ngày 27/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2009-2010 và Quyết định số 179/QĐ-BGDĐT ngày 11/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Phê duyệt Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho các ngành, chuyên ngành đào tạo của Học viện. Đây được xác định là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện, là cam kết của của Học viện về chất lượng đào tạo với xã hội, với ngành Công an về năng lực của học viên sau khi tốt nghiệp. Quá trình nghiên cứu xây dụng chuẩn đầu ra phải quán triệt các nội dung sau đây:
- Chuẩn đầu ra phải cụ thể hóa mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo thành những tiêu chuẩn cụ thể về phẩm chất, kiến thức chuyên môn, kỹ năng giải quyết công việc trong quá trình đào tạo và kéo dài một số khối kiến thức, kỹ năng nhất định (ngoại ngữ, tin học, võ thuật, bắn súng) trong chương trình đào tạo để khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên đáp ứng được yêu cầu sử dụng cán bộ và tự tin thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao. Ngoài ra, chuẩn chuyên môn còn phải thể hiện được bản sắc, thương hiệu của Học viện trong đào tạo cán bộ trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

- Chuẩn đầu ra phù hợp với quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định chuẩn đầu ra tối thiểu trình độ đại học trong CAND của Bộ Công an trong quá trình tổ chức thực hiện mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục đại học và các yêu cầu quản lý sinh viên trong CAND, tạo động lực cho sinh viên thi đua học tập, rèn luyện và không ảnh hưởng đến thời gian học tập các môn học theo chương trình. 

- Chuẩn đầu ra được xây dựng trên cơ sở tham khảo ý kiến của các chuyên gia, cơ quan tư vấn, các trường đại học trong nước, hướng ra thế giới và có lộ trình đảm bảo tiến tới chuẩn hóa so với quy trình đào tạo sĩ quan Cảnh sát các nước trong khu vực, đảm bảo tính liên thông giữa các cấp học.

- Quá trình xây dựng chuẩn đầu ra gắn với thực tiễn, có tính khả thi về tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ và quá trình tổ chức thực hiện với phương châm Học viện và sinh viên cùng làm, cùng đóng góp.

- Quá trình tổ chức thực hiện các chuẩn cụ thể có nghiên cứu, áp dụng và phát huy các ưu điểm của hệ thống tín chỉ. Coi đây là thử nghiệm quan trọng rút ra kinh nghiệm để có lộ trình chuyển đổi đào tạo theo tín chỉ của Học viện CSND. 

Chuẩn đầu ra của sinh viên Học viện CSND

 Ngày 24 tháng 11 năm 2009, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân ban hành Đề án số 2457/ĐA-T32-QLĐT về chuẩn đầu ra đối với sinh viên Học viện CSND. Trên cơ sở đó, ngày 28/12/2009, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân ban hành Danh mục bảng chuẩn đầu ra số 2755/DA-T32-QLĐT của sinh viên đại học hệ chính quy và Danh mục bảng chuẩn đầu ra số 13/DA-T32-QLĐT của sinh viên hệ VLVH, Liên thông, văn bằng 2 theo đề án số 2457/ĐA-T32-QLĐT, ngày 24/11/2009. 

Thể hiện quan điểm chỉ đạo: Chuẩn đầu ra là quá trình cụ thể hóa mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo thành những tiêu chuẩn cụ thể về phẩm chất, kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo để khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên đáp ứng được yêu cầu sử dụng cán bộ, ngày 15/10/2010, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân ban hành Quyết định số 1965/QĐ-T32-QLĐT ban hành chuẩn đầu ra các chuyên ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy bao gồm: Điều tra tội phạm xâm phạm TTXH, Trinh sát chống tội phạm về TTXH, Trinh sát chống tội phạm về kinh tế, Trinh sát chống tội phạm về ma túy, Trinh sát chống tội phạm về môi trường, Kỹ thuật hình sự, Quản lý hành chính về TTXH, Quản lý trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, Tham mưu, chỉ huy vũ trang bảo vệ ANTT, Quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân, Tiếng Anh Cảnh sát. Tiếp đó ngày 08/10/2012 Giám đốc Học viện ban hành Quyết định số 1213/QĐ-T32-QLĐT về chuẩn đầu ra chuyên ngành Trinh sát chống tội phạm sử dụng CNC.

Trên cơ sở các văn bản quy định trên đây của Học viện, chuẩn đầu ra đào tạo đại học cụ thể như sau:

Chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ: Kết quả học tập các môn học trong chương trình đào tạo đạt từ yêu cầu trở lên. Trong đó 2/3 số môn học nghiệp vụ chuyên ngành đạt từ 6,5 điểm trở lên đối với đào tạo theo niên chế và từ 7.0 điểm trở lên đối với đào tạo theo tín chỉ [2],[3],[4].

- Chuẩn về chính trị: Có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, thực hiện nghiêm chỉnh điều lệnh Công an nhân dân, pháp luật Nhà nước. Sinh viên khi tốt nghiệp là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam [2],[3],[4].

Chuẩn về ngoại ngữ

+ Tiếng Anh: Chứng chỉ Toeic 400 điểm hoặc tương đương, từ khóa tuyển sinh năm học 2011-2012 trở đi đạt 450 điểm.

+ Tiếng Pháp: Chứng chỉ DELF B1.

+ Tiếng Trung Quốc: Chứng chỉ HSK cấp 4.

 + Tiếng Nga: Chứng chỉ TRKI-1 [2],[3],[4].

Chuẩn về tin học: Chứng chỉ B tin học văn phòng và quản trị mạng máy tính [2],[3],[4].

Chuẩn về bắn súng: Bắn 10 viên đạn súng ngắn, bia cố định và bia ẩn hiện đạt 70/100 điểm mỗi loại [2],[3],[4].

- Chuẩn về võ thuật: Học đạt chứng chỉ võ thuật Công an nhân dân chương trình nâng cao tương đương Tiểu giáo viên võ thuật [2],[3],[4].

- Chuẩn về lái xe: Được cấp giấy phép lái xe ô tô hạng B2 và mô tô hạng A1. Đối với chuyên ngành Cảnh sát giao thông sinh viên được cấp giấy phép lái xe ô tô hạng C và mô tô hạng A2 và A3 [2],[3],[4].

Quá trình tổ chức thực hiện chuẩn đầu ra, Học viên luôn có sự tiếp thu, đánh giá để bổ sung, điều chỉnh kịp thời các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chuẩn; đồng thời trên cơ sở sơ kết 3 năm thực hiện chuẩn đầu ra, ngày 26  tháng 3 năm 2014, Giám đốc Học viện đã ký ban hành Quyết định số 418/QĐ-T32-QLĐT ban hành Danh mục chuẩn đầu ra đối với sinh viên đào tạo đại học tại Học viện Cảnh sát nhân dân, trong đó điều chỉnh, bổ sung thêm một số chuẩn cụ thể như sau: 

- Chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ

 + Sinh viên các chuyên ngành phải học và thi đạt các chứng chỉ chuẩn đầu ra cụ thể theo từng chuyên ngành như sau:

* Chứng chỉ Chuyên ngành Quản lý hành chính về TTXH: Quản lý nhà nước về đô thị, nông thôn; Kỹ năng giao tiếp và Tư pháp hình sự [5].

* Chứng chỉ Chuyên ngành Trinh sát chống tội phạm xâm phạm TTXH:  Công tác truy nã đối tượng phạm tội và truy tìm vật chứng; Sử dụng chó nghiệp vụ trong hoạt động nghiệp vụ trinh sát [5].

* Chứng chỉ Chuyên ngành Điều tra tội phạm xâm phạm TTXH: Hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát trong Tố tụng hình sự; Vai trò và hoạt động của Luật sư trong giai đoạn điều tra tội phạm; Hoạt động trinh sát ngoại tuyến, trinh sát kỹ thuật trong phòng chống tội phạm [5].

* Chứng chỉ Chuyên ngành Trinh sát chống tội phạm về kinh tế: Nghiệp vụ kế toán, kiểm toán; Quản lý kinh doanh thương mại, tài chính, ngân hàng; Quản trị doanh nghiệp và hợp đồng [5].

* Chứng chỉ Chuyên ngành Kỹ thuật hình sự: Hoạt động của giám định viên tại Tòa án nhân dân; Những vấn đề mới của hóa hình sự, sinh vật học hình sự, giám định ma túy và giám định kỹ thuật - cháy nổ, giám định âm thanh, giám định AND [5].

* Chứng chỉ Chuyên ngành Quản lý trật tự an toàn giao thông: Pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông; Kỹ năng giao tiếp và văn hóa giao thông; Tư pháp hình sự [5].

* Chứng chỉ Chuyên ngành Quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân: - Tư pháp hình sự; Kỹ năng giao tiếp; Đặc xá, đại xá; Vũ trang truy đuổi, truy bắt phạm [5].

* Chứng chỉ Chuyên ngành Trinh sát chống tội phạm về ma túy: Nhận biết các chất ma túy và giám định ma túy; Sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và chó nghiệp vụ trong phòng chống TP về ma túy; Pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế về phòng chống ma túy [5].

* Chứng chỉ Chuyên ngành Tham mưu chỉ huy vũ trang bảo vệ ANTT: Phương pháp, chiên thuật trấn áp đối tượng khủng bố; Chiến thuật giải tán gây rối TTCC, biểu tình trái pháp luật, bạo loạn; Các kỹ năng chỉ huy tham mưu cấp đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn [5].

* Chứng chỉ Chuyên ngành Tiếng anh Cảnh sát: Nghiệp vụ Quản lý hành chính; Nghiệp vụ trinh sát; Nghiệp vụ điều tra; Chứng chỉ phiên dịch [5].

* Chứng chỉ Chuyên ngành Trinh sát chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: Tư pháp hình sự; Nghiệp vụ trinh sát kỹ thuật [5].

* Chứng chỉ Chuyên ngành Trinh sát chống tội phạm về môi trường: Công tác thu thập, bảo quản xử lý mẫu vật môi trường; Những kiến thức cơ bản đánh giá tác động môi trường; Pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực  bảo vệ môi trường [5].

* Chứng chỉ Chuyên ngành Luật tố tụng hình sự: Kiến thức về nghiệp vụ trinh sát; Kiến thức về nghiệp vụ quản lý hành chính; Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát [5].

Chuẩn về chính trị 

 Có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, thực hiện nghiêm chỉnh điều lệnh Công an nhân dân, pháp luật Nhà nước. Sinh viên khi tốt nghiệp là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc được cấp Giấy chứng nhận đã học lớp Bồi dưỡng kiến thức về Đảng [5].

Chuẩn về kỹ năng mềm

 + Chuẩn về sỹ quan chỉ huy: Đạt chứng chỉ chuẩn về sỹ quan chỉ huy bao gồm chuẩn về các kỹ năng: Kỹ năng thực hành chỉ huy điều lệnh, Kỹ năng về lãnh đạo, Kỹ năng về tham mưu [5].

+ Chuẩn về bắn súng: Bắn súng ngắn bia cố định (05 viên đạn) và bia ẩn hiện (05 viên đạn), đạt tối thiểu 70/100 điểm trở lên, trong đó mỗi bài bắn phải đạt tối thiểu 25/50 điểm trở lên [5].

+ Chuẩn về Ngoại ngữ: Tiếng Anh đạt chứng chỉ Toeic 500 điểm hoặc tương đương [5].

Kinh nghiệm, bài học rút ra và một số định hướng thời gian tới

 Công bố chuẩn đầu ra là chủ trương quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, từng bước thực hiện việc kiểm định, đánh giá quá trình đào tạo đảm bảo sự cam kết về chất lượng của các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân với xã hội, với ngành Công an. Chủ trương này đã được Học viện CSND quán triệt và nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện từ năm học 2009-2010, đến nay qua 5 năm thực hiện có thể rút ra một số kinh nghiệm, bài học quan trọng để có định hướng tiếp theo thời gian tới.

Một là, quá trình xây dựng, thực hiện chuẩn đầu ra có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện cũng như trách nhiệm, hưởng ứng đồng thuận của các đơn vị quản lý giáo dục, các đơn vị giảng dạy. Sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc được thể hiện bằng việc xây dựng Đề án cụ thể của Học viện về chuẩn đầu ra các hệ học, khóa học; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án gồm các nhà giáo, các nhà khoa học, các cán bộ thực tiễn tham gia xây dựng, góp ý cho Đề án. Hàng năm, Nghị quyết về Khoa học và Đào tạo của Học viện đều nhấn mạnh nội dung này. Quá trình tổ chức thực hiện, Học viện xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về lộ trình, tiến độ thực hiện từng chuẩn đầu ra, có kế hoạch phân công nhiệm vụ cho các đơn vị giảng dạy cũng như các điều kiện đảm bảo cho tổ chức thực hiện.

Để đảm bảo sự hưởng ứng, đồng thuận cao cần tiếp tục hoạt động tuyên truyền, phổ biến đến học viên về các chuẩn đầu ra của Học viện, nhất là các khóa học, hệ học mới tuyển sinh thông qua nhiều hoạt động cụ thể như: sinh hoạt đầu khóa, tiếp xúc với sinh viên theo định kỳ, qua tổng kết kỳ học, năm học… để học viên có nhận thức đầy đủ, đúng đắn và xác định các tiêu chí phấn đấu từ đó xây dựng động cơ học tập đúng đắn, chủ động xây dựng kế hoạch học tập của cá nhân phấn đấu các chuẩn đầu ra theo quy định.

Hai là, các đơn vị được phân công tổ chức thực hiện chuẩn đầu ra như: Quản lý giáo dục, hậu cần và các đơn vị giảng dạy luôn có sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao và có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, kịp thời để giải quyết các vấn đề phát sinh. Trong số các chuẩn đầu ra, có những chuẩn cần phải thực hiện trong cả quá trình tổ chức đào tạo của chuyên ngành, có những chuẩn đầu ra có thể sắp xếp kế hoạch, lịch thời khóa biểu để học viên hoàn thành trong khoảng thời gian nhất định. Mặt khác việc thực hiện các chuẩn đầu ra do nhiều đơn vị tổ chức thực hiện, quá trình này có liên quan đến các điều kiện đảm bảo như: Hội trường, sân tập, phương tiện, dụng cụ dạy học cũng như các quy định liên quan đến quản lý học viên các trường CAND… Vì vậy, nếu thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị tổ chức thực hiện sẽ dẫn đến chồng chéo, kém hiệu quả.

Ba là, để tổ chức thực hiện chuẩn đầu ra có hiệu quả theo đúng mục tiêu, yêu cầu của đề án cần có một kế hoạch tổ chức thực hiện chi tiết, khoa học trên cơ sở khảo sát, đánh giá và tính toán cho quá trình tổ chức thực hiện về thời gian, lộ trình, kinh phí, điều kiện hội trường, sân bãi, lịch trình học tập, điều kiện giảng viên, thậm chí có hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho giảng viên, học viên trong toàn Học viện để nắm bắt chủ trương mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của Bộ Công an. Có như vậy khi triển khai sẽ đem lại sự nhất trí, đồng thuận cao và tránh bị chồng chéo, lúng túng, bị động giữa các đơn vị tổ chức thực hiện.

Để tiếp tục thực hiện chuẩn đầu ra cho học viên Học viện Cảnh sát nhân dân, thời gian tới cần tập trung làm tốt một số nội dung sau đây:

- Qua sơ kết 5 năm thực hiện chuẩn đầu ra và hàng năm tổ chức thực hiện cần được kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh kịp thời các tiêu chí cụ thể của các chuẩn đầu ra cho phù hợp với mục tiêu, chương trình đào tạo và yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Quá trình nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các chuẩn đầu ra cần dựa trên các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, có ý kiến góp ý của các đơn vị, công an địa phương để kịp thời cập nhật với yêu cầu thực tiễn công tác của Ngành.
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện, quản lý chuẩn đầu ra trong tất cả các khâu: Từ hoạt động lịch trình, thời khóa biểu, quản lý kết quả, công tác tài chính… Xét ở góc độ nội dung việc thực hiện chuẩn đầu ra có những đặc điểm giống như tổ chức chương trình đào tạo do vậy quá trình tổ chức thực hiện cũng cần được thực hiện theo quy trình quản lý đào tạo.

- Thường xuyên duy trì và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện chuẩn đầu ra để đảm bảo các chuẩn theo quy định được thực hiện đúng đắn, nghiêm túc; đồng thời giúp cho quá trình xây dựng các tiêu chí kiểm định và mục tiêu phấn đấu trong tổ chức đào tạo các chuyên ngành đào tạo của Học viện. Chức năng này do Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo phụ trách và phối hợp với các đơn vị quản lý giáo dục khác tiến hành. 

 

Trung tá, TS. Trần Hồng Quang - Trưởng phòng QLĐT

 Nguồn: Kỷ yếu Hội nghị Sơ kết 05 năm thực hiện chuẩn đầu ra tại Học viện CSND

________________
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2011.
2. Học viện CSND, Đề án số 2457/ĐA-T32-QLĐT ngày 24/11/2009 của Học viện Cảnh sát nhân dân về chuẩn đầu ra đối với sinh viên Học viện CSND.
3. Học viện CSND, Danh mục bảng chuẩn đầu ra số 2755/DA-T32-QLĐT ngày 28/12/2009 của sinh viên đại học hệ chính quy theo Đề án số 2457/ĐA-T32-QLĐT, ngày 24/11/2009.
4. Học viện CSND, Danh mục bảng chuẩn đầu ra số 13/DA-T32-QLĐT ngày 28/12/2009 của sinh viên hệ VLVH, Liên thông, văn bằng 2 theo Đề án số 2457/ĐA-T32-QLĐT, ngày 24/11/2009.
5. Học viện CSND, Quyết định số 418/QĐ-T32-QLĐT, ngày  26/03/2014 ban hành Danh mục chuẩn đầu ra đối với sinh viên đào tạo đại học tại Học viện Cảnh sát nhân dân.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất