Giáo dục - Đào tạo
Thứ Hai, 7/5/2018 13:9'(GMT+7)

Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng trong học viện, trường đại học Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay

Hội thảo khoa học “Công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện CSND hướng tới mục tiêu trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, đạt chuẩn quốc gia”

Hội thảo khoa học “Công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện CSND hướng tới mục tiêu trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, đạt chuẩn quốc gia”

Ngày nay, các tổ chức muốn tồn tại và phát triển thì không thể không quan tâm đến chất lượng. Chính vì vậy, các tổ chức muốn đạt được “sản phẩm” có chất lượng thì cách quản lý cũng phải thay đổi từ quản lý truyền thống sang quản lý chất lượng. Việc xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng trong các tổ chức đã trở thành việc tất yếu để vận hành công tác quản lý chất lượng trong một tổ chức. Đứng trước yêu cầu đó, các trường Công an nhân dân (CAND) nói chung và các học viện, trường đại học trong CAND cũng phải có cách nhìn mới trong công tác quản lý. Việc áp dụng quản lý chất lượng mà cụ thể là cấp độ đảm bảo chất lượng cần được nghiên cứu một cách kĩ lưỡng và khoa học để áp dụng vào trong công tác quản lý trong các trường CAND. Việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng (hệ thống đảm bảo chất lượng) trong các trường CAND đang trở thành một vấn đề tất yếu cần được tiến hành nghiên cứu và triển khai sâu rộng. Mỗi trường CAND cần nghiên cứu xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng nhà trường để từ đó hình thành mạng lưới đảm bảo chất lượng trong các trường CAND.

Điều quan trọng để xây dựng một hệ thống đảm bảo chất lượng trong nhà trường là tất cả mọi thành viên trong nhà trường từ lãnh đạo nhà trường đến mỗi cán bộ, công nhân viên và học viên, từ Ban Giám đốc đến các khoa, bộ môn, phòng chức năng trong nhà trường phải hiểu rõ công việc của đơn vị, cá nhân mình thế nào là có chất lượng và phấn đấu để đạt được chất lượng đó, chất lượng là mục tiêu cao nhất để mọi thành viên, đơn vị trong nhà trường hướng tới, từ đó chất lượng trở thành văn hóa trong mỗi nhà trường, hay chính là hình thành văn hóa chất lượng trong nhà trường.

 Để góp phần làm rõ nội dung về xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một số khía cạnh sau đây:       

1. Quản lý chất lượng trong giáo dục

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, mọi tổ chức muốn tồn tại đều phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm của tổ chức mình. Nhưng chất lượng không tự nhiên sinh ra, mà là kết quả tác động của hàng loạt yếu tố và quá trình có liên quan. Muốn đạt được chất lượng mong muốn với các mục tiêu đáp ứng đánh giá từ bên ngoài hay theo nhu cầu tự thân của một tổ chức, cần phải quản lý các yếu tố của quá trình này. Vì vậy, hoạt động quản lý các yếu tố và quá trình theo định hướng chất lượng được gọi là quản lý chất lượng. Nhiều tác giả dùng thuật ngữ quản lý chất lượng để miêu tả các phương pháp hoặc qui trình được tiến hành nhằm kiểm tra đánh giá xem các sản phẩm có đảm bảo được các thông số chất lượng theo yêu cầu mục đích đã định sẵn.

Theo Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa cho rằng: “Quản lý chất lượng là tập hợp các hoạt động có chức năng quản lý chung nhằm xác định chính sách chất lượng, mục đích chất lượng và thực hiện chúng bằng những phương tiện như lập kế hoạch, điều chỉnh chất lượng, bảo đảm chất lượng, cải tiến chất lượng trong khuôn khổ một hệ thống chất lượng”.

Theo Tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản (JIS): “Quản lý chất lượng là hệ thống các phương pháp tạo điều kiện đầu ra, sản xuất tiết kiệm những hàng hóa có chất lượng, hoặc đưa ra những dịch vụ có chất lượng thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng”.

Theo AG. Robertson, chuyên gia người Anh cho rằng: “Quản lý chất lượng được xác định như hệ thống quản trị nhằm xây dựng chương trình và sự phối hợp các cố gắng của những đơn vị khác nhau để duy trì và tăng cường chất lượng trong các tổ chức khâu thiết kế, sản xuất, vận hành… sao cho có hiệu quả nhất, đồng thời, cho phép thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng”.

Như vậy, mỗi định nghĩa về quản lý chất lượng ở trên đều dựa vào những mục đích xem xét riêng, nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ thể hiện quản lý chất lượng là hệ thống các qui trình nhằm đảm bảo chất lượng cho toàn hệ thống, thỏa mãn nhu cầu thị trường với chi phí thấp nhất, có hiệu quả kinh tế cao nhất, được tiến hành trong tất cả các giai đoạn từ thiết kế, sản xuất cho đến phân phối, sử dụng sản phẩm.

Chất lượng giáo dục - đào tạo luôn là vấn đề được quan tâm không chỉ trong phạm vi các cơ sở giáo dục mà còn là sự quan tâm của toàn xã hội. Với giáo dục, đào tạo - một loại hiện tượng xã hội đặc biệt thì chất lượng chính là hiệu quả cuối cùng của mọi mục tiêu giáo dục, đào tạo. Quản lý chất lượng giáo dục, đào tạo là quản lý tổng hợp đối với quá trình giáo dục, đào tạo. Cụ thể hơn là tìm ra các biện pháp khắc phục kịp thời các nguyên nhân dẫn đến giảm sút chất lượng giáo dục, đào tạo, hạn chế thấp nhất tỉ lệ người học không đạt tiêu chuẩn chất lượng đào tạo theo mục tiêu, yêu cầu giáo dục, đào tạo.

Vì vậy, có thể hiểu quản lý chất lượng giáo dục là xây dựng và vận hành một hệ thống quản lý (trên cơ sở các tiêu chuẩn, tiêu chí) nhằm tác động vào các điều kiện đảm bảo chất lượng trong tất cả các giai đoạn của quá trình giáo dục, cho tất cả các sản phẩm của cả hệ thống chứ không nhằm vào chất lượng của từng giai đoạn hay từng sản phẩm đơn lẻ.

Quản lý chất lượng trong giáo dục là một phương thức có công cụ chủ yếu là bộ chuẩn bao gồm các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ báo và các quy trình thực hiện các tiêu chuẩn đó. Vì vậy, thực chất quản lý chất lượng bao gồm các hoạt động sau: Thiết lập (xây dựng chuẩn); Đối chiếu thực trạng so với chuẩn; Xây dựng các biện pháp nâng thực trạng ngang chuẩn.

Ba hoạt động này được tiến hành đồng thời, liên tục thông qua một hệ thống quản lý chất lượng. Hệ thống quản lý chất lượng bao gồm ba bộ phận cấu thành: Danh mục các lĩnh vực cần quản lý (tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ báo); Những qui trình thực hiện các công việc để đạt các chỉ báo, tiêu chí, tiêu chuẩn (danh mục các công việc và bản hướng dẫn thực hiện các công việc); Các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành các bước trong qui trình thực hiện các công việc.

Các cấp độ trong quản lý chất lượng bao gồm: Kiểm soát chất lượng (Quality Control); Đảm bảo chất lượng giáo dục (Quality Assurance); Quản lý chất lượng tổng thể (Total Quality Management - TQM). Trong đó, mối quan hệ giữa kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và quản lý chất lượng tổng thể là rất mềm dẻo. Trong thực tế, các cấp độ chất lượng đan xen, hỗ trợ lẫn nhau trong một tổ chức, quản lý chất lượng tổng thể là sự tiếp tục của đảm bảo chất lượng theo chiều sâu, với sự hiện diện của văn hóa chất lượng, đảm bảo chất lượng là sự mở rộng phạm vi quản lý chất lượng tới mọi thành viên của tổ chức. Còn ở nhiều khâu, kiểm soát chất lượng vẫn cần thiết trong hệ thống đảm bảo chất lượng.

2. Thực trạng quản lý chất lượng giáo dục trong các học viện, trường đại học CAND

Nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng quản lý chất lượng vào trong công tác quản lý giáo dục, đào tạo trong các học viện, trường CAND, trong những năm qua, Bộ Công an đã triển khai từng bước các hoạt động quản lý chất lượng giáo dục trong CAND. Bộ Công an đã banh hành các quyết định thành lập và hoàn thiện hệ thống tổ chức các đơn vị chuyên trách thực hiện công tác quản lý chất lượng giáo dục trong CAND từ cơ quan quản lý đến các học viện, trường CAND. Cụ thể, Bộ Công an đã ký quyết định thành lập phòng Kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo thuộc Cục Đào tạo; thành lập các phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo thuộc các học viện, trường CAND. Có thể nói, đây chính là các đơn vị chuyên trách triển khai các hoạt động quản lý chất lượng giáo dục trong các học viện, trường CAND.

Đồng thời, với việc hình thành bộ máy quản lý chất lượng giáo dục trong CAND, Bộ Công an cũng đã ban hành các Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục. Việc xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí trên là bước khởi đầu rất quan trọng giúp các học viện, trường CAND, các cơ quan quản lý làm quen với các tiêu chuẩn, tiêu chí và nhận diện khá đầy đủ về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo trong CAND.

Công tác quản lý chất lượng đào tạo trong các học viện, trường CAND bước đầu đã hình thành những yêu cầu cơ bản của hệ thống quản lý đào tạo từ các khâu sơ tuyển, quá trình đào tạo trong nhà trường, quá trình thực tế, thực tập tại cơ sở và quản lý quá trình đầu ra. Việc quản lý đầu vào đã hình thành mục tiêu, cơ chế và bước đầu đi vào quản lý chặt chẽ; đặc biệt các trường đã tham mưu cho Bộ ban hành quy định tiêu chuẩn để dự thi và các học viện, trường CAND. Hiện nay, trong các học viện, trường CAND một số khâu trong quá trình đào tạo đã được chuẩn hóa, quy trình hóa đây chính là tiền đề quan trọng để các trường triển khai các hoạt động trong quản lý chất lượng.

Tuy nhiên, đối với công tác giáo dục, đào tạo trong ngành Công an có những đặc thù và cơ chế riêng biệt, tuyển sinh gắn liền với tuyển dụng, sản phẩm đào tạo ra được sử dụng ngay, đào tạo để sử dụng và gắn với quy hoạch nguồn nhân lực của riêng ngành Công an. Do đó, mô hình quản lý chất lượng tổng thể tuy ở mức cao nhưng khó có thể thực hiện trong giáo dục đào tạo của ngành Công an bởi sự đòi hỏi phải cải tiến liên tục theo nhu cầu của khách hàng sẽ phá vỡ sự ổn định trong kế hoạch đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng của Công an các đơn vị, địa phương. Sự tiếp cận mô hình đảm bảo chất lượng và hướng tới thường xuyên cải tiến chất lượng là hướng đi đúng đắn nhất trên con đường đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong CAND trong giai đoạn hiện nay.

Xem xét trên bình diện toàn Ngành, công tác quản lý chất lượng đào tạo trong các học viện, trường CAND ở một chừng mực nào đó còn nhiều bất cập như thiếu sự phối hợp thống nhất giữa các khâu trong quá trình đào tạo, giữa các đơn vị chức năng với các khoa, bộ môn.. trong các học viện, trường CAND.

Trong nhiều lĩnh vực quản lý chưa xác định được rõ và đầy đủ về mục tiêu chất lượng, dẫn đến chưa xác định được các chuẩn chất lượng, chưa xây dựng được các thủ tục, quy trình quản lý chất lượng cho từng lĩnh vực, tiểu lĩnh vực và đặc biệt là các công việc cụ thể trong quá trình quản lý đào tạo.

Bên cạnh đó, có thể nói, hiện nay các học viện, trường CAND chưa có hệ thống quản lý chất lượng, thực chất các quá trình đang diễn ra trong các học viện, trường CAND là quản lý đào tạo nhằm mục tiêu chất lượng hoặc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, trong các quá trình quản lý đào tạo tại các trường CAND cũng đã xuất hiện các yếu tố của quản lý chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Vì vậy, muốn triển khai được quản lý chất lượng vào trong các trường CAND thì việc làm đầu tiên là phải xây dựng được một hệ thống quản lý chất lượng đầy đủ và phù hợp với quản lý chất lượng đào tạo đại học trong các học viện, trường đại học CAND.

3. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng trong các học viện, trường đại học Công an nhân dân

Để thiết lập hệ thống quản lý chất lượng nhất thiết phải cần 3 yếu tố sau: Định danh được các lĩnh vực cần quản lý (các tiêu chí, tiêu chuẩn); Xây dựng những qui trình thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn; Các tiêu chí đánh giá việc thực hiện các bước trong qui trình thực hiện các công việc.

Để xây dựng được một hệ thống quản lý chất lượng trong một học viện, trường đại học CAND cần tiến hành tốt các công việc sau:

Thứ nhất, căn cứ vào Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Bộ Công an đã ban hành, các học viện, trường CAND cần phải xây dựng được các Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các mặt công tác nhà trường. Đảm bảo tất cả các lĩnh vực công tác nhà trường phải có các bộ tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng. Để từ đó mọi đơn vị, cá nhân trong nhà trường, tại mỗi vị trí công tác khác nhau có căn cứ để hoàn thành các công việc sao cho “sản phẩm” đạt được chất lượng đã đề ra. Đây chính là bước chuẩn hóa các mặt công tác trong nhà trường.

 Sau khi đã xây dựng được các Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng các mặt công tác, tại mỗi đơn vị, mỗi vị trí công tác trong các học viện, trường CAND cần lên danh sách các công việc của từng cá nhân, đơn vị, mô tả chi tiết “sản phẩm” cần đạt được của các công việc đã liệt kê. Sau đó phân công cụ thể từng cá nhân, đơn vị để hoàn thành các công việc trên.

Thứ hai, các học viện, trường đại học CAND tiến hành xây dựng quy trình thực hiện từng công việc, có các biểu mẫu, mẫu kèm theo, tạo điều kiện thuận lợi và thống nhất trong quá trình thực hiện các công việc. Trong quá trình triển khai các mặt công tác trong nhà trường, các đơn vị cá nhân cần căn cứ vào các quy trình công tác đã được xây dựng và ban hành để triển khai thực hiện công việc. Trong quá trình triển khai phải có sự kiểm tra, giám sát để đảm bảo rằng các mặt công tác được thực hiện đúng quy trình đã xây dựng thì mới đảm bảo kết quả hay “sản phẩm” đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đây chính là việc quy trình hóa các mặt công tác trong các học viện, trường CAND.

Thứ ba, các đơn vị, các nhân trong các học viện, trường đại học CAND, sau khi hoàn thành các mặt công tác đã được phân công, tổ chức viết báo cáo tự đánh giá để tự đánh giá kết quả công việc hay chính là “sản phẩm” công việc đạt được ở mức độ nào theo Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đã xây dựng (có minh chứng kèm theo). Sau khi đánh giá kết quả các mặt công tác, các đơn vị, tổ chức, cá nhân cần xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng để duy trì chất lượng kết quả đã đạt được và khắc phục, cải tiến những mặt công tác còn hạn chế, chưa đạt mức tiêu chuẩn, tiêu chí. Đây chính là việc tự đánh giá chất lượng các mặt công tác căn cứ trên Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng.

Sau khi các đơn vị trong các học viện, trường CAND tổ chức tự đánh giá, nhà trường sẽ tổng hợp báo cáo của từng đơn vị thành báo cáo tự đánh giá của nhà trường và đăng ký được đánh giá ngoài (đăng ký kiểm định).

Thứ tư, các đơn vị chức năng trong nhà trường (các phòng, ban, khoa, bộ môn, trung tâm, thư viện...) là nơi triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng trực tiếp gắn liền với đối tượng phục vụ của hệ thống đảm bảo chất lượng. Mỗi đơn vị chức năng thành lập một bộ phận chuyên trách công tác đảm bảo chất lượng. Các bộ phận này tại các đơn vị được xây dựng và hoạt động như một đầu mối kết nối trong toàn hệ thống đảm bảo chất lượng toàn trường. Nhìn vào cấu trúc của hệ thống đảm bảo chất lượng, các bộ phận đảm bảo chất lượng được xây dựng như hệ thống con của hệ thống đảm bảo chất lượng nhà trường, trong đó tổ trưởng (trưởng các đơn vị) là thành viên của Hội đồng đảm bảo chất lượng nhà trường và là người chịu trách nhiệm toàn phần về về chất lượng hoạt động của đơn vị mình. Dưới sự chỉ đạo của tổ trưởng, các chuyên viên đảm bảo chất lượng của đơn vị là các cán bộ kiêm nhiệm công tác đảm bảo chất lượng của đơn vị. Riêng tại các khoa, bộ môn, ngoài việc tổ chức các hoạt động đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, thì các thành viên của Tổ đảm bảo chất lượng còn là bộ khung chính trong các hoạt động đảm bảo chất lượng cấp chương trình của Khoa, bộ môn để phục vụ cho hoạt động kiểm định chương trình của nhà trường.

Trên đây là các bước cụ thể để tiến hành xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng trong một học viện, trường đại học CAND. Tùy theo đặc thù của từng cơ sở đào tạo có thể chọn các mô hình quản lý chất lượng khác nhau sao cho phù hợp với từng cơ sở đào tạo.

Trung tá, PGS.TS Nguyễn Kim Phong

                          Trưởng phòng Khảo thí & Đảm bảo CLĐT - Học viện CSND

Các tin khác

Thư viện Video

Thủ đoạn dùng app ngân hàng giả để lừa đảo

Thủ đoạn dùng app ngân hàng giả để lừa đảo

(ANTV) - Trong thời đại số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến vì theo tác đơn giản và thuận tiện. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, những thủ đoạn lừa đảo tinh vi cũng không ngừng gia tăng. Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng thường xuyên sử dụng gần đây là cài đặt các dụng ứng dụng ngân hàng giả mạo để lừa đảo chuyển tiền.

Thư viện Ảnh

Mới nhất