Chính vì vậy, từ khi xã hội có giai cấp và hiện tượng tội phạm xuất hiện con người đã tiến hành nghiên cứu về nó. Từ thời Hy Lạp cổ đại đến thời đại ngày nay đã có rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn tìm tòi, nghiên cứu, khám phá những vấn đề liên quan đến hiện tượng xã hội tiêu cực này với mục đích là tìm hiểu, nhận diện, lý giải bản chất của tội phạm, xác định những nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm và đặt ra vấn đề làm thế nào để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm... Đó cũng chính là đối tượng, là nội dung nghiên cứu của tội phạm học.
Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng kiến rất nhiều chủ thuyết, những khuynh hướng, quan điểm về tội phạm, đóng góp nhiều thành tựu to lớn trong hệ thống khoa học xã hội; đặc biệt kết quả nghiên cứu tội phạm học trong chừng mực của mỗi quốc gia và trên thế giới đã góp phần quan trọng cho mỗi nhà nước có cơ sở xây dựng, hoạch định chính sách đấu tranh phòng chống tội phạm đồng thời góp phần tích cực cho nhân loại ứng dụng rộng rãi vào công việc đấu tranh chống các loại tội phạm tại mỗi quốc gia cũng như các loại tội phạm có tính quốc tế, xuyên quốc gia. Vì vậy, Tội phạm học luôn đóng vai trò, vị trí quan trọng trong hệ thống khoa học xã hội và luôn phát triển song hành cùng với các ngành khoa học liền kề như khoa học điều tra hình sự, khoa học hình sự, xã hội học, tâm lý học...
Hầu hết các nước trên thế giới luôn coi trọng và phát triển khoa học nghiên cứu về tội phạm, đặc biệt ở các nước châu Âu, châu Mỹ và các nước phát triển ở khu vực châu Á đều có các cơ quan nghiên cứu về tội phạm, làm nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề về tội phạm như các ngành khoa học khác; đồng thời trong nhiều trường đại học đào tạo về nghề luật hoặc các trường đại học đào tạo lực lượng Cảnh sát đều có các khoa chuyên ngành tội phạm học. Có thể khẳng định rằng, lý luận về Tội phạm học ngày càng phát triển và không thể thiếu trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm.
Bên cạnh các viện nghiên cứu, các trường đại học, nhiều nước trên thế giới đã hình thành các tổ chức nghiên cứu về tội phạm học thu hút được nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn nhiều kinh nghiệm trong phòng chống tội phạm phối hợp nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến quá trình phát sinh, phát triển tội phạm; nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm tại mỗi quốc gia, từng thời điểm; công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm cụ thể, đồng thời phối hợp, trao đổi các vấn đề về học thuật, lĩnh vực nghiên cứu khác nhau liên quan đến tội phạm học. Vì vậy, hiện nay trên thế giới đã và đang hình thành nhiều tổ chức nghiên cứu về tội phạm. Đặc biệt, sau chiến tranh Thế giới thứ hai, khi mà tội phạm quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ, tình hình nghiên cứu tội phạm học trên thế giới đặt ra yêu cầu cấp bách của sự hợp tác để tìm ra các biện pháp đấu tranh. Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này là một tất yếu khách quan. Và, hợp tác quốc tế có thể được thực hiện chỉ khi có sự phối hợp của các tổ chức quốc tế. Liên quan đến chức năng này chính là tổ chức Liên hợp quốc, Interpol và các tổ chức phi chính phủ.
Hiệp Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm quốc tế (Congress internationale de criminologie) được thành lập năm 1934, có trụ sở đóng tạ Roma (Italia). Hiệp hội tập hợp các viện nghiên cứu các quốc gia, các tổ chức nghiên cứu về tội phạm và các chuyên gia tội phạm học. Hiệp hội có quy chế tư vấn cho Hội đồng kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc và UNESCO, hợp tác với các tổ chức quốc tế khác. Hiệp hội nghiên cứu các nguyên nhân của tình trạng phạm tội ở mức quốc tế, tổ chức hội nghị tội phạm học; thảo luận, kiểm tra, công bố các tài liệu, số liệu nghiên cứu về tội phạm học; giúp đỡ các viện nghiên cứu tội phạm học quốc gia; thiết lập, quy định mức độ và giải thưởng để khích lệ việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tội phạm học. Hiệp Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm quốc tế đã tổ chức hàng chục hội nghị quốc tế thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến tình hình tội phạm và các loại tội phạm cụ thể. Hiệp Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm quốc tế tổ chức thực hiện các khóa học tập về tội phạm học ở nhiều quốc gia khác nhau.
Ở nước ta, trong nhiều năm qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các viện nghiên cứu về luật pháp và một số trường đại học đã tiến hành triển khai chương trình nghiên cứu về tội phạm học. Theo đó, nhiều vấn đề mang tính nhận thức, lý luận và thực tiễn về tội phạm học được xúc tiến nghiên cứu cả bề rộng lẫn chiều sâu như các phương pháp nghiên cứu tội phạm học; quan hệ giữa tội phạm học và các ngành khoa học khác có liên quan như xã hội học, tâm lý học, khoa học quản lý, khoa học luật hình sự, khoa học luật tố tụng hình sự... bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực; đặt nền móng cho những nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực khoa học này. Bên cạnh đó, những vấn đề mang tính thực tiễn của tội phạm học cũng được quan tâm nghiên cứu như tổng kết các chuyên án; triển khai các chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm cụ thể trong từng thời gian, địa bàn cụ thể.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, đã có nhiều vấn đề mới làm phát sinh, phát triển tội phạm, nhất là quá trình toàn cầu hóa tội phạm và xuất hiện một số loại tội phạm mới, phát triển nhanh đang là thách thức không chỉ với một quốc gia đơn lẻ mà là mối quan tâm của nhiều quốc gia cũng như của nhân loại như: tội phạm khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm mạng.. .Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu về các loại tội phạm này nhưng mới ở mức độ khái quát.
Thực tế ở nước ta hiện nay có nhiều cán bộ khoa học đã và đang nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; nhiều lãnh đạo, chỉ huy có kinh nghiệm thực tiễn nhưng chưa được tập hợp khai thác phục vụ cho việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng chống tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa (trong đó có toàn cầu hóa tội phạm). Với tính chất nghiên cứu về học thuật và tổng kết thực tiễn đòi hỏi chúng ta cần tập hợp được đội ngũ những cán bộ có tri thức về tội phạm học, có kinh nghiệm thực tiễn và tâm huyết trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, trong xu hướng phát triển của khoa học thế giới và những vấn đề liên quan đến tội phạm mang tính toàn cầu hiện nay đòi hỏi cần có sự trao đổi về học thuật, về kinh nghiệm về tội phạm học quốc tế cũng như những vấn đề về phòng chống tội phạm quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài... Vì vậy, cần có một tổ chức xã hội đủ mạnh bên cạnh các cơ quan Nhà nước có chức năng phòng, chống tội phạm để tham gia vào các hoạt động ở trong nước và quốc tế liên quan đến các vấn đề phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Tất cả những nhu cầu trên, đòi hỏi cần thành lập một Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm và phòng ngừa tội phạm ở nước ta.
Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm và phòng ngừa tội phạm là một tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức trong nước hoạt động trong lĩnh vực phòng chống tội phạm, có chung mục đích nghiên cứu, phổ biến những kết quả nghiên cứu về phòng chống tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tập hợp đoàn kết hội viên trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam. Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tự bảo đảm kinh phí hoạt động; không vì mục đích lợi nhuận; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ hội.
Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm và phòng ngừa tội phạm Việt Nam là tổ chức thu hút các nhà khoa học và cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn trong phòng chống tội phạm tổ chức nghiên cứu, phổ biến những kết quả nghiên cứu về phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm cụ thể; tư vấn cho các cơ quan, tổ chức về những vấn đề liên quan đến phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong từng lĩnh vực cụ thể. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu Tội phạm học với Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm quốc tế, sớm trở thành thành viên của tổ chức Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm quốc tế, qua đó nâng cao năng lực và hiệu quả trong hoạt động của Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm Việt Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước.
Trước yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới đòi hỏi ngành tội phạm học phải được quan tâm xây dựng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Để ngành tội phạm học ở Việt Nam phát triển, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, đào tạo phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Một là, cần nhận thức đầy đủ về sự cần thiết và vai trò của việc thành lập Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm và phòng ngừa tội phạm ở nước ta nhằm tập hợp những nhà khoa học và những người lãnh đạo, chỉ huy nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội nhằm tổng kết thực tiễn, xây dựng và phát triển lý luận về tội phạm học; tư vấn, góp ý, phản biện các chính sách, pháp luật... về phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.
Nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện để Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm hình thành và phát triển, phù hợp với sự phát triển của xã hội và trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Bộ Nội vụ, Bộ Công an và các cơ quan có tham quyền cần quan tâm hướng dẫn, tạo thuận lợi trong việc hoàn thiện các văn bản pháp lý trong việc thành lập Hội cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất khác cho hoạt động của Hội phát huy hiệu quả và đúng các quy định của pháp luật.
Hai là, cần xác định Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hệ thống các hội xã hội- nghề nghiệp ở nước ta; là tổ chức tự nguyện của các nhà khoa học và cán bộ thực tiễn trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, có chung mục đích, đoàn kết, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của hội và hội viên, của cộng đồng, xã hội trên cơ sở tôn chỉ, mục đích của hội góp phần vào sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới. Cần xác định rõ tôn chỉ, mục đích, quyền lợi và nghĩa vụ của Hội trên cơ sở đó đề ra được những phương hướng, biện pháp hoạt động của Hội đạt hiệu quả.
Ba là, Hội là tổ chức kết nối giữa các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan, tổ chức liên quan khác nhằm tổ chức nghiên cứu những vấn đề về tội phạm trong nước và quốc tế nhằm phục vụ có hiệu quả cho hoạt động phòng chống tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa và Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì vậy, cần có cơ chế, biện pháp để thu hút những nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm ở trong nước và hợp tác với các tổ chức tội phạm học quốc tế tham gia nghiên cứu, tổ chức các hoạt động nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước.
- Bốn là, khẩn trương thành lập Ban vận động thành lập Hội. Ban vận động tiến hành vận động công dân, tổ chức phù hợp đăng ký tham gia Hội; hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập Hội theo quy định của pháp luật. Ban vận động phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền. Trong điều kiện hiện nay, cần xác định Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm Việt Nam đặt dưới sự quản lý nhà nước của Bộ Công an. Do đó, Ban vận động cần làm các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật về thành lập hội để báo cáo xin ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an; có đơn xin công nhận Ban vận động và được Bộ Công an phê duyệt. Cần tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Công an các đơn vị, địa phương; của các cơ quan nghiên cứu và cơ quan bảo vệ pháp luật để Hội sớm được thành lập và đi vào hoạt động.
Tóm lại, trước yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc nói chung, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa và Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, việc thành lập và tổ chức hoạt động của Hội Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm là một nhu cầu tất yếu, khách quan nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ngày càng hiệu quả.
Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm
Nguồn: Tạp chí CSND - Chuyên đề Tội phạm học và Khoa học hình sự số 8+9/2017