1. Học viện Cảnh sát nhân dân (tiền thân là Trường Cảnh sát nhân dân) được thành lập ngày 15/5/1968 trên cơ sở tách phân hiệu Cảnh sát nhân dân (CSND) của Trường Công an Trung ương, có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của lực lượng Công an nhân dân (CAND) đáp ứng yêu cầu công tác đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Học viện Cảnh sát nhân dân không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, qua mỗi giai đoạn phát triển, mỗi lần chia tách Nhà trường đều có bước phát triển mới, đóng góp ngày càng quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Ngay sau khi hòa bình lập lại, Nhà trường được Bộ Công an giao chỉ tiêu tuyển sinh khóa đào tạo sĩ quan Cảnh sát nhân dân đầu tiên với phiên hiệu D1. Năm 1976, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quyết định chia tách Trường Cảnh sát nhân dân thành hai trường: Trường Sĩ quan CSND và Trường Hạ sĩ quan CSND, trong đó, Trường Sĩ quan CSND được Chính phủ công nhận là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống các trường thuộc hệ đại học của nền giáo dục quốc dân.
Năm 1980, Trường Sĩ quan CSND được Bộ Nội vụ quyết định đổi tên thành Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, đánh dấu giai đoạn phát triển mới trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của ngành Công an; Nhà trường không chỉ tập trung nâng cao chất lượng các khóa đào tạo, bồi dưỡng, mà còn chuẩn bị các điều kiện đảm bảo đào tạo các hệ sau đại học. Đến nay, Học viện đã có 26 năm triển khai nhiệm vụ đào tạo sau đại học, trong đó có 23 năm đào tạo Tiến sĩ; được công nhận là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của lực lượng CAND; đang thực hiện lộ trình phát triển thành trường chuẩn Quốc gia.
Qua mỗi giai đoạn, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của Nhà trường ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; hiện nay có hơn 1.000 cán bộ, giảng viên, được đào tạo cơ bản, có năng lực, tâm huyết với nghề nghiệp, chủ động, nhạy bén trong tư duy và phương pháp làm việc, kịp thời nắm bắt, ứng dụng những công nghệ mới trong tổ chức quản lý, giảng dạy như: Xây dựng và thiết kế bài giảng điện tử, ứng dụng các phần mềm tiện tích trong hệ thống E-learning… để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và hiệu quả quản lý.
Nội dung, chương trình đào tạo không ngừng đổi mới, cập nhật, phù hợp với sự phát triển khoa học, thực tiễn công tác và đảm bảo liên thông giữa các chuyên ngành, bậc học, với 17 chuyên ngành đại học, 05 chuyên ngành Thạc sĩ và 02 chuyên ngành Tiến sĩ, trong đó có 01 chương trình Thạc sĩ liên kết với Hoa Kỳ dạy và học bằng tiếng Anh.
Công tác nghiên cứu khoa học được quan tâm đẩy mạnh với hàng trăm đề tài nghiên cứu, tập trung giải quyết những vấn đề lý luận, thực tiễn về phòng, chống tội phạm, phát hiện, dự báo những vấn đề chiến lược, góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận nghiệp vụ và khoa học giáo dục Công an nhân dân. Công tác hợp tác quốc tế được tăng cường, không chỉ với các đối tác truyền thống như Lào, Campuchia, mà còn mở rộng hợp tác với nhiều cơ sở nghiên cứu, giáo dục, cơ quan Cảnh sát các nước trong khu vực và thế giới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện dạy và học được quan tâm đầu tư, đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Học viện.
Xác định “Chuẩn hóa - Tin học hóa - Hiện đại hóa” là điểm đột phá trong đổi mới công tác giáo dục, đào tạo, Nhà trường đã đi đầu, chủ động đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai và vận hành “Học viện Cảnh sát nhân dân điện tử” theo định hướng và mô hình điều hành của Chính phủ điện tử; Chủ động triển khai các phần mềm tiện tích có tính liên thông và đồng nhất dữ liệu trong công tác quản lý, tạo cơ sở quan trọng để triển khai xây dựng mô hình điều hành và quản lý Học viện Cảnh sát nhân dân thông minh; đầu tư trang bị hệ thống bục giảng thông minh, phòng học trực tuyến, Thư viện điện tử kết nối… qua đó đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả công việc và tính chính xác của các dữ liệu quản lý, đồng thời tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, tư duy sáng tạo và sự chủ động của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên; tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển Học viện trở thành trường chuẩn quốc gia, xây dựng mô hình trường đại học thông minh theo tiêu chí của khu vực và thế giới.
Hơn 55.000 Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, hơn 6.000 lượt cán bộ lãnh đạo, chỉ huy được đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện đã đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành Công an, lực lượng Quân đội nhân dân, một số bộ, ngành liên quan, Bộ An ninh Lào, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia... Hầu hết học viên của Học viện đều tích cực trong nghiên cứu, hoàn thiện lý luận, khoa học Công an, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nhiều đồng chí là những nhà giáo, nhà khoa học uy tín; được Đảng, Nhà nước tin tưởng, giao các chức vụ lãnh đạo quan trọng trong lực lượng Công an nhân dân.
Những kết quả, thành tích của Học viện Cảnh sát nhân dân trong quá trình xây dựng, phát triển, trưởng thành luôn được Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao và đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó Nhà trường vinh dự hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Trong thời gian tới, việc xây dựng và phát triển Học viện CSND cần chú ý đến những tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; những vấn đề an ninh phi truyền thống.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có; đặc trưng là điều khiển hệ, Robort; các hệ thống liên kết thế giới thực và thế giới ảo do: (1) Sự đột phá của KHCN dựa trên nền tảng công nghệ số tích hợp công nghệ “thông minh” để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; (2) Điểm “đòn bẩy” là: công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, CN vật liệu mới, CN tự động hóa, Robort, Internet vạn vật (IOT) và Trí tuệ nhân tạo - AT (Artificial Intelligence), với 15 lĩnh vực chủ đạo[1] và 21 sản phẩm công nghệ định hình tương lai kỹ thuật số vào năm 2025 [2], đã và đang tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là về cạnh tranh việc làm[3]; hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan chính quyền; các giá trị và bản năng của con người; hoạt động báo chí, truyền thông; tạo sức ép gia tăng dòng nhập cư; làm thay đổi bản sắc văn hóa, sự riêng tư, ý thức về sự sở hữu, phương thức sản xuất, tiêu dùng…
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, tháng 1/2016 dự báo thế giới sẽ mất 5 triệu việc làm vào năm 2020. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo rằng, trong 2 thập niên tới, khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot. Sức mạnh công nghệ mới làm cho công dân sẽ gắn kết với chính quyền hơn và tăng khả năng kiểm soát của chính quyền. Tuy nhiên, vai trò trung tâm thực hiện chính sách của chính quyền giảm đi bởi các nguồn cạnh tranh mới cũng như xu hướng tái sắp xếp và phân tán quyền lực. Khả năng thích ứng với công nghệ mới của các cơ quan công quyền sẽ quyết định năng lực quản lý của họ.
Xu hướng bị “robot hóa”, những đột phá trong công nghệ sinh học và AI có thể sẽ giảm dần những năng lực tinh túy của con người như lòng trắc ẩn và sự cộng tác; hạn chế khả năng giao tiếp trong thế giới thực, phản ánh và chiêm nghiệm cuộc sống… Đồng thời, đặt ra những yêu cầu mới về kiến thức kỹ năng và tâm thế của người lao động như: (1) Các kiến thức và kỹ năng liên quan đến nhận thức, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng thích nghi, kỹ năng sáng tạo. (2) Các kỹ năng về thể chất, ngôn ngữ, kỹ năng kết nối. (3) Các kỹ năng xã hội: giao tiếp, ứng xử, tạo lập quan hệ, làm việc theo nhóm.
An ninh phi truyền thống: Đây là những thách thức đối với sự tồn vong và thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc, mang tính chất phi quân sự, xuyên quốc gia, phi chính phủ và toàn cầu. ANPTT không phải là sản phẩm do đường lối, chính sách của bất kỳ quốc gia nào, bao gồm 04 vấn đề (môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và khủng bố quốc tế); 05 lĩnh vực (kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị và văn hóa); 10 mối đe dọa (Biến đổi khí hậu, An ninh năng lượng, An ninh lương thực, An ninh nguồn nước, An ninh môi trường; An ninh mạng, Tội phạm xuyên quốc gia, Tội phạm ma túy, Khủng bố) và 28 rủi ro toàn cầu[4] tác động đến các quốc gia cần phải chủ động nghiên cứu, phân tích, đánh giá.
3. Trước tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, an ninh phi truyền thống đặt ra cho Học viện CSND những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện như sau:
(1) Với tư cách là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của lực lượng Công an nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân phải xác định vai trò xung kích, đi đầu trong việc nhận thức đúng đắn về những cơ hội, thách thức; vai trò, nhiệm vụ của Học viện Cảnh sát nhân dân trong thời đại cách mạng 4.0. Nhận sâu sắc về thực trạng, những thách thức đang đặt ra đối với công tác giáo dục, đào tạo nói chung và nhiệm vụ chính trị của Nhà trường nói riêng; những tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và an ninh phi truyền thống, đặc biệt là tác động trên lĩnh vực an ninh, trật tự; yêu cầu về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Công an nhân dân nhằm tiếp cận, nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm định hình tương lai và lĩnh vực chủ đạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
(2) Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong CAND, xây dựng đội ngũ trí thức trong trong thời đại cách mạng lần thứ tư. Nắm vững và hiểu đúng, vận dụng sáng tạo các quan điểm, định hướng, nội dung đổi mới giáo dục, đào tạo, nhất là nội dung Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X); Kết luận số 90-KL/TW ngày 04/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27 gắn với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học công nghệ, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 09-NQ/ĐUCA(X11) ngày 20/01/2010 của Đảng ủy Công an Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong CAND thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, đào tạo, có các giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp dạy, học của Nhà trường phù hợp với thực tiễn, kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
(3) Tích cực, chủ động tham gia nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển ngành Công an trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ, quy hoạch phát triển đội ngũ trí thức; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng đội ngũ trí thức với chiến lược phát triển khoa học, công nghệ; chú trọng các lĩnh vực khoa học nghiệp vụ, nghiên cứu, tham mưu chiến lược, viễn thông, tin học, kỹ thuật hình sự và các lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, đảm bảo an ninh mạng… Tập trung đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, chú trọng cập nhật, bổ sung những kiến thức mới, phù hợp trong thời đại cách mạng 4.0.
(4) Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tư duy sáng tạo và năng lực tự học của người học, gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, nâng cao kỹ năng thực hành cho học viên. Duy trì mối quan hệ phối hợp gắn kết giữa các đơn vị nghiệp vụ với Nhà trường, chủ động cập nhật thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đào tạo thông qua mở rộng đào tạo trực tuyến E-learning; sử dụng công nghệ mô phỏng, tương tác ảo; khai thác thế mạnh thư viện điện tử, học liệu số…, tiến tới xây dựng đại học 4.0.
(5) Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên theo các tiêu chí cụ thể về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật... để đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục, đào tạo trong thời đại cách mạng 4.0. Cán bộ, giảng viên phải thực sự có trình độ, tâm huyết với nghề, có tư duy, ý tưởng đột phá, là nòng cốt phục vụ cho việc nghiên cứu, phát triển các phần mềm ứng dụng và hệ thống Internet vạn vật (IoT), ứng dụng các công nghệ của Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) phục vụ công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện và nghiên cứu khoa học; nghiên cứu, phát triển, triển khai hệ thống công nghệ thông minh ứng dụng trong Học viện.
Chủ động đề xuất các ý tưởng về hệ thống Trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu, thu thập, phân tích và xử lý thông tin về tội phạm, về tình hình quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, tình hình trật tự an toàn giao thông, tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao..., từ đó thay đổi tư duy và cách thức triển khai nghiên cứu nói chung, trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học nói riêng.
(6) Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để tiếp thu những tri thức, kinh nghiệm phù hợp với đặc điểm của nước ta, phục vụ cho phát triển giáo dục, đào tạo trong CAND nói chung và của Học viện nói riêng, đồng thời đảm bảo yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ ngành Công an. Chú trọng tiếp cận, tiếp thu những mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ, chuẩn mực giáo dục đại học tiên tiến của khu vực và thế giới, phù hợp với yêu cầu phát triển của nền giáo dục Việt Nam, cũng như công tác giáo dục, đào tạo trong CAND, nhất là về chương trình đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng... phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành chương trình đào tạo trình độ đại học hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành
Ủy viên Trung ương Đảng - Thứ trưởng Bộ Công an
[1] (1)Cơ sở dữ liệu tập trung (Big Data); (2)Thành phố thông minh (Smart Cities); (3)Tiền ảo (Blockchain/Bitcoin; (4)Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence); (5)Năng lượng tái tạo/Công nghệ sạch (Renewable Energy/Clean-tech); (6)Công nghệ tài chính(FinTech); (7)Thương mại điện tử (E-Commerce); (8)Người máy (Robotics); (9)Công nghệ in 3D (3D Printing:) (10)Kết nối thực ảo (Virtual/Augmented Reality); (11) Các nền kinh tế chia sẻ (Shared Economies); (12) Internet kết nối vạn vật (IoThings); (13) Công nghệ Nano/ Vật liệu 2D, (Nanotechnology/2D Materials); (14) Công nghệ sinh học/Biến đổi gen và cách mạng nông nghiệp (Biotechnology/Genetics & Agricultural Innovation); (15) Khử muối lọc nước ngọt từ nước biển và quản lý chất thải rắn (Desalination and Enhanced Waste Management).
[2] Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới công bố 9/2015): (1) 10% dân số thế giới sử dụng quần áo kết nối với Internet; (2) 90 % dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn; (3) nghìn tỷ cảm biến kết nối với Internet; (4)Dược sỹ Robort đầu tiên ở Mỹ; (5) 10% mắt kinh kết nối với Internet; (6) 80% người dân hiện diện số trên internet; (7)Chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất bằng công nghệ in 3D; (8) Chính phủ đầu tiên thay thế điều tra dân số bằng (Big Data); (9) Chiếc celphone di động cấy ghép vào người đầu tiên được thương mại hóa; (10) 5% sản phẩm tiêu dùng được sản xuất bằng công nghệ in 3D; (11)10% xe chạy trên đường ở Mỹ là xe không người lái ; (12) Cấy ghép lá gan đầu tiên bằng công nghệ 3D; (13) 30% việc kiểm toán ở các công ty được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo; (14) Lần đầu tiên chính phủ thu thuế qua Blockchain; (15) Hơn 50% lượng truy cập Internet ở nhà liên quan đến các thiết bị dân dụng; (16)Trên toàn cầu du lịch qua phương tiện chia sẻ; (17)Thành phố đầu tiên với 50.000 người không có đèn giao thông; (18)10% GNP được lưu trư trên Blockchain; (19)Máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên được sử dụng cho một CEO công ty; (20) 10% GNP được lưu trữ trên Blockchain; (21)Máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên được sử dụng cho một CEO công ty.
[3] Theo thống kê của Văn phòng đăng ký sáng chế Châu Âu (EPO), năm 2016, số bằng sáng chế liên quan đến Cách mạng Công nghiệp 4.0 tăng 54% (trong khi số bằng sáng chế các loại chỉ tăng 8%); Có 5000 phát minh đăng ký IOT (Internet vạn vật).
[4] Thảm họa môi trường do con người gây ra; Sụp đổ hệ sinh thái và biến mất đa dạng sinh học; Khủng hoảng lương thực; Khủng hoảng nguồn nước; Giá năng lượng biến động đột biến; Thảm họa thiên tai; Thời tiết, khí hậu cực đoan; Thất bại trong ứng phó và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; Thất bại trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị; Cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại; Hậu quả xấu của các tiến bộ công nghệ; Tấn công mạng; Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin quan trọng bị phá vỡ; Gian lận dữ liệu và đánh cắp thông tin; Thất nghiệp và thiếu việc làm; Buôn lậu, tội phạm xuyên quốc gia; Khủng hoảng tài chính; Bong bóng bất động sản ở một số nền kinh tế; Lạm phát mất kiểm soát; Giảm phát; Thất bại của một số cơ chế tài chính hoặc tổ chức tài chính, ngân hàng; Bất ổn xã hội sâu sắc; Xung đột giữa các quốc gia; Khủng hoảng hay sụp đổ một số quốc gia; Thất bại trong quản trị toàn cầu và quản trị quốc gia; Vũ khí hủy diệt hàng loạt; Di cư không tự nguyện quy mô lớn; Tấn công khủng bố.