Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Tư, 20/9/2017 12:51'(GMT+7)

Xây dựng quan điểm về tội phạm dưới góc độ khoa học luật hình sự và tội phạm học

 Theo lý luận của Tội phạm học, thì tội phạm là một hiện tượng xã hội tiêu cực[1], khi có một hiện tượng xã hội tiêu cực xuất hiện trong xã hội và trở thành quan hệ xã hội phổ biến, rõ ràng nó trở thành chủ đề chính của các nhà lập pháp và tội phạm học trong mỗi quốc gia để xác lập quan điểm: có nên coi hiện tượng tiêu cực chứa đựng hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm hay không; có cần thiết phải điều chỉnh nó bằng các quy phạm pháp luật hình sự và cần thiết phải áp dụng các chế tài hình sự cứng rắn hay không. Hoặc có những hiện tượng - hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được xác định là tội phạm và quy định trong Luật hình sự, nhưng đến một chừng mực nhất định của thời gian, hiện tượng và tính nguy hiểm đó dần mất đi, thậm chí trong một thời gian dài không xuất hiện trong xã hội, lúc này cũng lại xuất hiện hàng loạt các quan điểm khác nhau của các nhà lập pháp hình sự: nên loại bỏ hành vi bị coi là tội phạm này ra hay vẫn giữ nguyên trong Luật hình sự. Với tất cả những ý kiến xoay quanh đó chính là những quan điểm về lập pháp, trong đó có quan điểm về tội phạm trong khoa học Luật hình sự và Tội phạm học nhằm mục đích cao nhất là xây dựng hành lang pháp lý an toàn bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ các lợi ích hợp pháp khác của xã hội[2]. Tuy nhiên để đạt mục đích cao cả đó thì các quan điểm về tội phạm không phải lúc nào cũng có những quan điểm trùng hợp hoàn toàn mà cũng có những quan điểm khác nhau, trái chiều nhau, tuy nhiên quan điểm thống nhất vẫn thuộc về số đông và đó là chân lý cuối cùng để đi đến quyết định sử dụng quan điểm đó xây dựng thành quy phạm, chế tài trong pháp luật hình sự. Quan điểm đó đúng, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, sẽ tạo điều kiện cho xã hội phát triển và ngược lại[3].

Theo Từ điển tiếng Việt thì, “quan điểm” là điểm xuất phát quy định phương hướng suy nghĩ, cách xem xét và hiểu các hiện tượng, các vấn đề[4]. Từ những lập luận nêu trên có thể hiểu: Quan điểm về tội phạm đó là những suy nghĩ, nhận xét, đánh giá, lập luận mang tính khoa học của các cá nhân hoặc nhóm cá nhân về các hiện tượng xã hội tiêu cực, các vấn đề chính trị - xã hội, kinh tế - xã hội, văn hóa - xã hội tiêu cực đang diễn ra trong xã hội trong từng thời gian nhất định, đang trực tiếp đe dọa gây ra những hậu quả nguy hiểm cho xã hội, cần phải được phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh và loại trừ ra khỏi đời sống xã hội.

Để đưa ra được quan điểm thống nhất về tội phạm, rõ ràng các nhà luật học và tội phạm học phải dựa vào những căn cứ vào lý luận và thực tiễn của khoa học luật hình sự và tội phạm học. Những căn cứ xây dựng quan điểm về tội phạm thường được dựa trên những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự hiện hành về tội phạm và hình phạt. Trước hết để đưa ra các quan điểm về tội phạm một cách khách quan, đầy đủ và có cơ sở khoa học, các nhà lý luận luôn dựa vào tiêu chí khái niệm tội phạm và các quy định về tội phạm trong Luật hình sự hiện hành của Nhà nước ta đồng thời so sánh với một số chế định về tội phạm và các quy định về chính sách hình sự của một số nước trên thế giới mà có những điểm tương đồng với các chế định tội phạm liên quan trong Luật hình sự Việt Nam để từ đó đưa ra các quan điểm về tội phạm nhằm giúp cho cơ quan chức năng của Nhà nước có căn cứ để xây dựng pháp luật sát hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Thông thường, về lý luận các nhà luật học thường dựa vào các căn cứ sau để đưa ra quan điểm về tội phạm:

- Căn cứ vào các quy định về khái niệm tội phạm, nghĩa là dựa vào các dấu hiệu của tội phạm, bao gồm dấu hiệu biểu hiện của hành vi nguy hiểm, dấu hiệu biểu hiện các hình thức lỗi, dấu hiệu về tính trái pháp luật hình sự (những hành vi cấm làm và những những hành vi bắt buộc phải làm trong Luật hình sự) và dấu hiệu về tính chịu hình phạt của tội phạm. Các dấu hiệu này luôn là một trong những nhóm căn cứ quan trọng để cho các nhà làm luật đưa ra căn cứ xác định một hành vi nguy hiểm trong thực tế có phải là tội phạm hay không. Bởi thực tế có những hành vi nhìn về hình thức bề ngoài (hành vi thực hiện và hậu quả) là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm hại tới đối tượng với tư cách là bộ phận cấu thành của khách thể của Luật hình sự, nhưng hành vi đó lại không trái pháp luật hình sự, đó là những trường hợp phòng vệ chính đáng hay tình thế cấp thiết. Tuy nhiên, ranh giới giữa hành vi này với hành vi phạm tội rất gần gũi nhau, nếu không xây dựng hệ thống căn cứ xác định sẽ rất khó phân biệt. Nếu quan điểm về tội phạm và không phải là tội phạm không dựa trên những căn cứ lý luận khoa học (trong nước và ngoài nước) đều có thể dẫn đến sai lầm: có thể sẽ là tội phạm hoặc không phải là tội phạm, điều đó đồng nghĩa với hai tác dụng, có thể sẽ phát huy tính tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc ngược lại, thậm chí sẽ bị lợi dụng để thực hiện hành vi trả thù (phạm tội).

- Căn cứ vào mặt khách quan của tội phạm để xác định hành vi nguy hiểm của tội phạm khác với hành vi nguy hiểm của hành chính, ranh giới giữa hành vi là tội phạm với hành vi vi phạm pháp luật khác. Căn cứ vào tính nguy hiểm của từng hành vi phạm tội đã được quy định trong Luật hình sự hiện hành xem hành vi nào nguy hiểm hơn, dựa vào hậu quả của tội phạm (mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả) được quy định trong từng điều luật về tội phạm cụ thể và tiêu chí phân loại được quy định trong Luật đã thỏa mãn hay chưa thỏa mãn. Đặc biệt trong tiêu chí này là phải căn cứ vào quy định về định tính và định lượng của một tội phạm để xác định ranh giới của tội phạm hay vi phạm hành chính. Các quy định về cấu thành hình thức hay cấu thành vật chất đối với từng tội phạm cụ thể cùng với những yếu tố kinh tế-xã hội chính là căn cứ để đưa ra quan điểm về tội phạm trong từng thời kỳ phát triển của xã hội. Đồng thời dựa vào quy định về cấu thành hình thức (định tính) hoặc cấu thành vật chất (định lượng) để các nhà luật học có thể xác định quan điểm về một tội phạm nào đó nên xác định hành vi nguy hiểm ở mức định tính (cấu thành hình thức) hay để ở mức định lượng (cấu thành vật chất). Nếu chuyển từ hình thức này sang hình thức khác hoặc xác định không chính xác để xây dựng cấu thành tôi phạm đều có thể dẫn đến hai khả năng: có tội phạm hoặc không có tội phạm. Điều này sẽ đặt ra vấn đề nếu hành vi nguy hiểm đó đúng là tội phạm cần phải xử lý và tội phạm đó có cấu thành (hình thức hay vật chất) sẽ có tác dụng xác định chính xác chế tài hình sự và tất yếu Nhà nước và xã hội sẽ đạt mục đích đấu tranh; ngược lại nếu xây dựng không đúng cấu thành hoặc bị loại khỏi sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật hình sự (trong khi đó thực tế phải bị xử lý bằng pháp luật hình sự) thì sẽ dẫn đến việc xử lý thiếu chính xác (áp dụng chế tài không đúng) hoặc bỏ lọt tội phạm, điều này sẽ là rất nguy hiểm đối với xã hội.

- Căn cứ vào khách thể (quan hệ xã hội) cần bảo vệ, nghĩa là căn cứ vào những quan hệ xã hội có thể phát sinh cần phải được bảo vệ bằng quy phạm pháp luật hình sự hay không, các quan hệ xã hội đang tồn tại, phát triển đang được pháp luật hình sự bảo vệ đã đảm bảo hay chưa, có còn những sơ hở để có hành vi nguy hiểm xâm hại mà không bị xử lý bằng pháp luật hình sự (không phải là tội phạm). Hoặc những xem xét những quy phạm pháp luật hiện tại có còn phù hợp hay không, quan hệ xã hội đó có cần thiết phải duy trì quy phạm pháp luật hình sự để bảo vệ hay có thể thay thế bằng quy phạm pháp luật hành chính và như vậy nếu có hành vi nguy hiểm xâm hại tới quan hệ xã hội chỉ cần xử lý bằng chế tài hành chính là đủ sức răn đe, giáo dục và đương nhiên hành vi đó sẽ không còn là tội phạm. Sai lầm trong việc xác định quan điểm về tội phạm tiếp cận từ căn cứ đánh giá tầm quan trọng của khách thể được bảo vệ, đó là thường nhận định, đánh giá quá cao tầm quan trọng của quan hệ xã hội cần bảo vệ nên đã cho rằng cần xây dựng quy phạm pháp luật hình sự để điều chỉnh, bảo vệ, vì thế nếu có hành vi nguy hiểm xảy ra xâm phạm vào một quan hệ xã hội đó tất yếu là tội phạm, nhưng thực tế hành vi đó hầu như ít nguy hiểm hơn rất nhiều so với một hành vi vi phạm hành chính. Ngược lại, trong nhiều trường hợp do dự báo thiếu chính xác về sự phát triển của các quan hệ xã hội và đánh giá thấp tính chất tầm quan trọng của quan hệ xã hội (khách thể), nên quan điểm cho rằng không cần phải bảo vệ bằng pháp luật hình sự, mà thay vào đó là xây dựng quy phạm pháp luật hành chính để điều chỉnh. Nhưng thực tế các quan hệ xã hội này phát triển quá nhanh vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các quy phạm luật hành chính hoặc rất dễ bị xâm hại bởi những hành vi nguy hiểm cho xã hội, trong khi đó quy phạm pháp luật hành chính không đủ khả năng điều chỉnh. Chính những quan điểm đánh giá thiếu chính xác như vậy, đã dẫn đến tình trạng lỗ hổng trong pháp luật hình sự.

Thứ hai, căn cứ vào tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong thực tế. Một trong những căn cứ quan trọng nữa để các nhà luật học có thể đưa ra được quan điểm về tội phạm trong từng thời điểm, thời kỳ nhất định thường là căn cứ vào tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, cụ thể:

- Căn cứ vào tình hình vi phạm pháp luật, nghĩa là để đưa ra quan niệm đầy đủ về tội phạm (loại tội phạm) cụ thể, rõ ràng các nhà luật học cần thống kê đầy đủ số lượng và các dạng hành vi vi phạm pháp luật; phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể; cơ cấu, tính chất, mức độ của các loại hành vi vi phạm pháp luật; nhân thân người vi phạm pháp luật,… trên cơ sở phân tích số liệu sẽ thấy được loại vi phạm pháp luật nào là phổ biển và nguy hiểm hơn cả, hậu quả, tác hại mà loại vi phạm đó gây ra, phương thức thủ đoạn hoạt động (thực hiện) hành vi vi phạm pháp luật của loại vi phạm nào là nguy hiểm, tinh vi và trắng trợn nhất… Đồng thời phân tích nguyên nhân, điều kiện của từng loại vi phạm pháp luật, trong đó chỉ rõ những nguyên nhân, điều kiện về kinh tế - xã hội, về thiếu sót trong hệ thống pháp luật hành chính, đặc biệt là các chế tài hành chính có đủ sức phòng ngừa, đấu tranh hay không. Nếu xác định rõ loại vi phạm pháp luật đang phổ biến với những hậu quả mà chúng gây ra, cùng với tính cưỡng chế của Luật hành chính không thể điều chỉnh được, rõ ràng cần nhìn nhận và xác định những loại hành vi đó là tội phạm và tất yếu cần phải quy định trong Luật hình sự, nghĩa là phải có quy phạm pháp luật hình sự để điều chỉnh hành vi hoặc nhóm hành vi nguy hiểm đó.

- Căn cứ vào tình hình tội phạm đã và đang xảy ra trong thực tiễn, trong đó thống kê và phân tích làm rõ thực trạng tình hình tội phạm nói chung, từng nhóm và loại tội phạm khác nhau; phân tích diễn biến, cơ cấu của từng loại tội phạm từ đó phân tích làm sáng tỏ phương thức, thủ đoạn phạm tội của từng loại tội phạm. Đặc biệt, cần làm rõ cơ chế thực hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới nhất xảy ra trong thực tiễn, các biểu hiện biến thái của hành vi nguy hiểm mà khoa học Luật hình sự chưa được ghi nhận. Bởi thực tế nhiều hành vi nguy hiểm tương tự như một tội phạm được quy định trong Luật hình sự, nhưng khi đối chiếu, so sánh các dấu hiệu hành vi không thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm được quy định trong khoa học Luật hình sự, hoặc không thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định tại điều luật tương ứng. Chính vì vậy đã dẫn đến những quan niệm xử lý khác nhau trong thực tiễn của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

- Bên cạnh việc đưa ra quan điểm về tội phạm căn cứ vào tình hình vi phạm pháp luật và tình hình tội phạm, cần căn cứ vào tình hình diễn biến của những hiện tượng xã hội tiêu cực mới phát sinh trong xã hội và trở thành những quan hệ xã hội tiêu cực phổ biến, mà chưa có bất kỳ một quy phạm pháp luật nào điều chỉnh (kể cả quy phạm pháp luật hành chính hoặc hình sự). Thực tế có quan hệ xã hội tiêu cực phát sinh và tồn tại đang gây ra những hậu quả nhất định cho xã hội, thường được gọi là tình trạng “lỗ hổng” trong hệ thống pháp luật[5]. Để giải quyết tình trạng này, ở các nước khác thường cho phép cơ quan chức năng áp dụng nguyên tắc tương tự để xử lý, nhưng ở nước ta không chấp nhận nguyên tắc tương tự trong pháp luật hình sự, do vậy nếu hiện tượng xã hội tiêu cực xảy ra mà chưa có quy phạm pháp luật hình sự điều chỉnh thì chỉ biết chờ đợi sự bổ sung.

- Căn cứ vào những hành vi phạm pháp luật và tội phạm đã và đang xảy ra ở trong nước và quốc tế nhưng không rõ ràng do quy định của luật chưa chặt chẽ, đầy đủ. Cũng như dựa trên căn cứ dự báo tình hình tội phạm trong tương lai để đưa ra quan điểm về tội phạm. Thực tế, có rất nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra, nhưng cơ quan chức năng không thể phân biệt đó là hành vi vi phạm pháp luật hành chính hay hình sự để xử lý, hoặc không phân biệt được hành vi vi phạm là tội phạm nào trong nhóm tội phạm cùng loại.

Như vậy, việc xây dựng các quan điểm về tội phạm có thể dựa trên nhiều căn cứ khác nhau, nhưng với các nội dung phân tích ở trên chính là các căn cứ quan trọng để xây dựng quan điểm về tội phạm và luôn xác định căn cứ bản chất của tội phạm là trung tâm để dựa vào các căn cứ khác xây dựng quan điểm về tội phạm. Các căn cứ trên luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và tùy thuộc vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội cần thiết phải có sự kết hợp với những yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội để làm căn cứ hoàn thiện hệ thống quan điểm về tội phạm nói chung và từng loại tội phạm cụ thể nói riêng.

Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn khoa học Luật hình sự và Tội phạm học để xây dựng quan điểm về tội phạm có ý nghĩa quan trọng góp phần giúp cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản sau đây:

- Giúp cho chúng ta có nhận thức đầy đủ hơn về bản chất của tội phạm, đó là sự khẳng định về tội phạm là hiện tượng xã hội tiêu cực, có tính giai cấp (bản chất giai cấp), giúp cho việc năm rõ quy luật - đó là tội phạm có quá trình phát sinh phát triển, tồn tại và diệt vong. Đồng thời, trên cơ sở các quan điểm về tội phạm giúp cơ quan chức năng có thể thấy rõ tính chất nguy hiểm của hành vi, tầm quan trọng của những khách thể cần bảo vệ bằng pháp luật hình sự không để tội phạm đe dọa xâm hại hoặc trực tiếp xâm hại.

- Đồng thời, dựa trên quan điểm về tội phạm giúp cho nhà làm luật và các nhà khoa học luật hình sự có cơ sở vững chắc để xây dựng khái niệm tội phạm và từ khái niệm tội phạm được cụ thể hóa trong luật sẽ được coi là khái niệm cơ bản nhất của Luật hình sự Việt Nam xuyên suốt các chế định khác. Nội dung của khái niệm tội phạm được xem là điều kiện cần thiết có tính nguyên tắc để giới hạn giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, giữa trách nhiệm hình sự và các trách nhiệm pháp lý khác. Khái niệm tội phạm là cơ sở để xây dựng phần quy định những quy phạm phần riêng và đồng thời qua đó tạo cơ sở để xây dựng những khung hình phạt tương ứng cho từng loại tội phạm cụ thể.

- Quan điểm về tội phạm chính xác, đầy đủ sẽ giúp cho Nhà nước có cơ sở để hoạch định chính sách hình sự sát hợp với thực tế góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước. Góp phần xây dựng hoàn thiện các nguyên tắc xử lý (nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc cá thể hóa hình phạt, nguyên tắc bình đẳng, công bằng,…) trong Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự được chính xác phản ánh bản chất tốt đẹp, cũng như chính sách nhân đạo của Nhà nước ta trong xử lý người phạm tội.

- Trên cơ sở quan điểm về tội phạm, làm nền tảng lý luận vững chắc và cơ sở thực tiễn để xây dựng các quy phạm pháp luật hình sự chính xác, khách quan, phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm. Các quy phạm pháp luật sẽ khoa học, hợp lý, logic giữa hành vi phạm tội và hình phạt; logic giữa cấu thành cơ bản với cấu thành tăng nặng, cấu thành giảm nhẹ. Đồng thời sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà luật học xác định rõ hành vi nguy hiểm trong thực tế là tội phạm gì, thuộc nhóm tội phạm nào (cùng tính chất nguy hiểm của hành vi và tầm quan trọng của khách thể bị xâm hại hoặc đe dọa bị xâm hại); hoặc qua đó xây dựng hành vi đó thuộc cấu thành vật chất hay cấu thành hình thức.

- Cũng từ quan điểm về tội phạm sẽ giúp các nhà luật học sẽ có cơ sở đầy đủ để phân loại tội phạm, giúp cho Nhà nước xây dựng và hoàn thiện các quy định về tố tụng hình sự, đồng thời giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thể phân hóa tội phạm trong việc xử lý cũng như áp dụng các biện pháp hình sự và tố tụng hình sự sát với yêu cầu thực tiễn đặt ra, đảm bảo sự kiên quyết, khách quan, thận trọng, công bằng và bình đẳng trong xử lý người phạm tội, nghĩa là xử lý đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

- Trên cơ sở quan điểm về tội phạm sát hợp giúp cho việc xây dựng hệ thống hình phạt phù hợp với từng loại tội và hành vi phạm tội nhằm đạt được mục đích và hiệu quả của hình phạt đó là trừng trị và cải tạo giáo dục người phạm tội, cũng như làm cho người phạm tội sau khi chấp hành xong hình phạt nhận thức được sự trừng phạt của xã hội để học thực sự cải tà quy chính không còn tái phạm tội. Để đạt điều này các quan điểm về tội phạm đưa ra phải chính xác về nhận định tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi thì mới có căn cứ xác đáng xây dựng hệ thống, mức và loại hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội. Đồng thời sẽ là căn cứ đưa đưa ra quyết định sử dụng loại hình phạt nào đối với từng tội phạm, cũng như loại bỏ hay duy trì loại hình phạt trong hệ thống hình phạt của Luật hình sự Việt Nam.

- Mặt khác, thông qua các quan điểm về tội phạm giúp cho các cơ quan chức năng có căn cứ để xây dựng các giải pháp, biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm sát hợp và hiệu quả. Đồng thời đề xuất Nhà nước tăng cường và đầu tư thích hợp về cả về người và phương tiện cũng như kinh phí và trang thiết bị phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tóm lại, để xây dựng được quan điểm về tội phạm đúng đắn, sát thực tế làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật hình sự và xây dựng các biện pháp phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan và các nhà luật học, tội phạm học luôn phải phải nắm vững quy luật khách quan và dựa trên cơ sở lý luận cũng như thực tiễn của khoa học Luật hình sự và Tội phạm học. Đúng như Ăngghen từng viết: “Tự do không bao hàm một sự độc lập trừu tượng đối với các quy luật của tự nhiên mà tự do được thể hiện trong sự nhận thức các quy luật đó và trên cơ sở hiểu biết các quy luật của tự nhiên để có thể lần lượt bắt các quy luật đó tác động theo những mục tiêu đã được xác định”[6]./.

 

Đại tá, GS.TS Nguyễn Minh Đức - Ủy viên Thường trực Ủy ban QPAN của Quốc hội

Nguồn: Tạp chí CSND - Chuyên đề Tội phạm học và Khoa học hình sự số 8+9/2017



[1] Giáo trình Tội phạm học, Học viện CSND, Hà Nội, 2002, tr.66.

[2] GS.TSKH Ignatov A.N. Luật hình sự các nước trên thế giới (phần chung). Nxb Pháp lý, Mátxcơva, 2002, tr.75 (bản tiếng Nga).

[3] Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Quan điểm về tội phạm và giải pháp phòng, chống tội phạm ở Việt Nam”, Mã số KX04.26/06-10, Trung tướng Cao Xuân Hồng (chủ nhiệm), Hà Nội, 2010, tr.86.

[4] Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2005, tr.1.268.

[5] TS Nguyễn Minh Đức “Lỗ hổng trong hệ thống pháp luật và những biện pháp khắc phục”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 10/2007, tr.36-39.

[6] Mác-Ăngghen, Tuyển tập, tập II, Nxb Sự thật, Mátxơva, 1954, tr.116 (bản tiếng Nga).

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất