Đại học 4.0
Thứ Sáu, 11/9/2020 10:54'(GMT+7)

Xây dựng Trường Sĩ quan Lục quân 1 theo hướng thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ, nhiều chiều đến các lĩnh vực đời sống xã hội; trong đó có giáo dục, đào tạo - lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhiều trường đại học đang chủ động xây dựng mô hình “Nhà trường thông minh - đại học 4.0”, cùng hướng tới kỷ nguyên số. Trước xu thế đó và để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và Quyết định 889/QĐ-BQP, ngày 22-3-2018 của Bộ Quốc phòng về phê duyệt “Kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường Quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo”, phù hợp với đặc thù nhiệm vụ đào tạo của Nhà trường. Trọng tâm là tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên có chất lượng toàn diện; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị về công nghệ thông tin1,... nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao.

Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mới, khó, đòi hỏi nguồn lực lớn. Trong khi khả năng của Nhà trường, kinh phí đầu tư còn hạn chế; nhận thức của một số cán bộ, giảng viên, nhân viên chưa đầy đủ, còn biểu hiện thờ ơ, ngại đổi mới, v.v. Để khắc phục điều đó, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”, Nhà trường đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn Trường về nhiệm vụ quan trọng này. Thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng dạy - học” mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà trường nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, Đảng ủy, Ban Giám hiệu xác định: việc xây dựng “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” là nhiệm vụ rất quan trọng và vô cùng khó khăn, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; đồng thời, bám sát nhiệm vụ trung tâm là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường, phục vụ mục đích cao nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ chỉ huy - tham mưu lục quân cấp phân đội trình độ đại học có đủ năng lực, tri thức, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong điều kiện mới. Theo đó, Nhà trường tổ chức quán triệt sâu sắc nhiệm vụ cho các đối tượng; ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện; trong đó, nhân tố con người, hạ tầng công nghệ thông tin được xác định là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đảng ủy Nhà trường đã ra Nghị quyết 92-NQ/ĐU, ngày 14-8-2019 về “Lãnh đạo thực hiện Dự án đầu tư trang thiết bị đào tạo theo mô hình xây dựng nhà trường thông minh tiếp cận công nghệ 4.0”; chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng Đề án “Đầu tư trang thiết bị công nghệ, xây dựng mô hình nhà trường thông minh, tiếp cận công nghệ 4.0 tại Trường Sĩ quan Lục quân 1”, trình Bộ Quốc phòng phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện. Cùng với đó, Nhà trường tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, xây dựng nhà trường thông minh, như: Hội thảo khoa học “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, vấn đề đặt ra đối với nhiệm vụ giáo dục - đào tạo ở Trường Sĩ quan Lục quân 1”,... làm cho cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên nhận thức rõ xu hướng tất yếu, cơ hội, thách thức và mục tiêu, yêu cầu, biện pháp thực hiện; từ đó, xây dựng động cơ, trách nhiệm, đổi mới tư duy, cách tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy - học và nghiên cứu khoa học.

Hai là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Con người là nhân tố quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Với nhận thức đó, Nhà trường chú trọng bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên đủ về số lượng, có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để tiếp cận và hoạt động trong môi trường “đại học 4.0”. Chủ động xây dựng quy hoạch đào tạo, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên đảm bảo cân đối về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành, có sự kế tiếp, kế cận vững chắc. Đẩy mạnh bồi dưỡng tại chỗ và cử cán bộ đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội; từng bước chuẩn hóa đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, nhất là về ngoại ngữ, công nghệ thông tin2. Đáng chú ý là, Nhà trường thường xuyên duy trì các câu lạc bộ, tổ, nhóm học tiếng Anh, tiếng Nga ở các đơn vị; tổ chức Hội thi Olympic tiếng Anh cấp Trường và thành lập đội tuyển tham gia thi toàn quân; duy trì nền nếp kiểm tra trình độ ngoại ngữ của cán bộ, giảng viên, v.v. Nhờ đó, trình độ ngoại ngữ của cán bộ, giảng viên Nhà trường từng bước được nâng lên, nhiều đồng chí đạt chuẩn quốc tế. Về công nghệ thông tin, cùng với cử cán bộ tham gia tập huấn do cấp trên tổ chức, hằng năm, Nhà trường đều tiến hành tập huấn cho 100% cán bộ, giảng viên, nhân viên chuyên môn; chú trọng những nội dung cần thiết, như: công tác quản lý, sử dụng trang thiết bị công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; xây dựng và sử dụng các phầm mềm mô phỏng, số hóa nội dung giảng dạy, v.v. Đồng thời, đưa các nội dung về sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin vào thi giảng viên, cán bộ quản lý giỏi; quy định giảng viên giảng trên giảng đường phải có 100% bài giảng điện tử,... tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để cán bộ, giảng viên phấn đấu vươn lên. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường đã có bước tiến bộ rõ nét, quản lý, làm chủ phương tiện hiện đại, phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Ba là, tăng cường đầu tư, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, phù hợp với nhiệm vụ đào tạo của Nhà trường. Đây là yếu tố nền tảng để xây dựng mô hình “Nhà trường thông minh”. Do đó, Nhà trường tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, tiến hành khảo sát, xây dựng và triển khai Đề án “Đầu tư trang thiết bị công nghệ, xây dựng mô hình nhà trường thông minh, tiếp cận công nghệ 4.0 tại Trường Sĩ quan Lục quân 1”. Tập trung đầu tư hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác quản lý, điều hành huấn luyện; xây dựng các phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung, liên thông trong toàn Trường, như: quản lý chương trình đào tạo, lịch huấn luyện, phòng học, thao trường, trường bắn; quản lý đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu khoa học, học viên, cơ sở vật chất, v.v. Đặc biệt, Nhà trường đẩy mạnh triển khai Trung tâm Chỉ huy điều hành với hệ thống máy chủ quản lý tập trung, siêu hội tụ, hệ thống lưu trữ, sao lưu; hệ thống bảo đảm cho trung tâm dữ liệu; hệ thống giám sát an ninh; đồng thời, đầu tư nâng cấp hạ tầng kết nối truyền dẫn mạng truyền số liệu quân sự đến tất cả các đầu mối trực thuộc, một số thao trường huấn luyện. Qua đó, nâng cao năng lực quản lý, chỉ huy, điều hành mọi hoạt động về công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường.

Cùng với đó, Nhà trường đầu tư hệ thống thao trường, cơ sở thực hành hiện đại; tập trung vào các hệ thống mô phỏng phục vụ huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật, như: hệ thống bắn đối kháng với mô phỏng các hình thức chiến thuật trên các dạng địa hình Việt Nam; mô phỏng lái và bắn trên xe thiếp giáp, huấn luyện hỏa khí đi cùng bộ binh; báo bia tự động, v.v. Đồng thời, đầu tư hệ thống phòng học thông minh, phòng học chuyên ngành, phòng học đa năng, phòng nghiên cứu tập trung với các trang thiết bị hiện đại, như: màn hình tương tác, bảng trượt, máy tính kết nối mạng với nhiều phần mềm tiện ích hỗ trợ cho giảng dạy, nghiên cứu, học tập; nâng cấp Trung tâm học liệu (thư viện điện tử) với trang thiết bị số hóa, tự động hóa được kết nối với tất cả các bộ phận trong toàn Trường, tiện lợi cho nghiên cứu, tìm hiểu, học tập. Để hỗ trợ cho công tác rèn luyện, nhất là rèn luyện kỷ luật, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đào tạo, Nhà trường lắp đặt hệ thống giám sát an ninh và kiểm soát với công nghệ nhận dạng tiên tiến ở các khu vực quan trọng, như: cổng ra vào, các trục đường chính, bãi kỹ thuật, bãi tập thể lực, giảng đường, thao trường, trường bắn, phòng phương pháp,… nhằm kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành nền nếp, chế độ làm việc, học tập của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ, tạo bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật.

Cùng với đầu tư hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, Nhà trường tích cực xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế, tạo môi trường vận hành sử dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực công tác; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về công tác quản lý, kỹ năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin cho các đối tượng, phát huy hiệu quả các trang thiết bị đã được đầu tư. Đồng thời, tích cực điều chỉnh, đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, phương pháp dạy - học phù hợp với môi trường 4.0, yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị, tạo đột phá nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Những kết quả Trường Sĩ quan Lục quân 1 đạt được mới là bước đầu, nhưng có ý nghĩa quan trọng, cơ sở để tiếp tục triển khai xây dựng thành công “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”, đáp ứng yêu cầu nhiệm giáo dục, đào tạo trong tình hình mới.

______________

1 - Nhà trường có 16 phòng học chuyên dùng, 23 phòng học chuyên ngành, 10 phòng học tin học; trên 2.000 máy tính các loại; thư viện điện tử kết nối mạng nội bộ với trên 300.000 trang tài liệu được số hóa; Trung tâm Mô phỏng huấn luyện có thiết bị bắn đối kháng, tạo giả âm thanh cho 200 người sử dụng, v.v.

2 - Hiện nay, 100% giảng viên của Nhà trường có trình độ đại học, trong đó hơn 60% sau đại học.

 

 
Nguồn Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Thủ đoạn dùng app ngân hàng giả để lừa đảo

Thủ đoạn dùng app ngân hàng giả để lừa đảo

(ANTV) - Trong thời đại số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến vì theo tác đơn giản và thuận tiện. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, những thủ đoạn lừa đảo tinh vi cũng không ngừng gia tăng. Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng thường xuyên sử dụng gần đây là cài đặt các dụng ứng dụng ngân hàng giả mạo để lừa đảo chuyển tiền.

Thư viện Ảnh

Mới nhất