50 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) (15/5/1968 - 15/5/2018) là một chặng đường lịch sử đầy gian khổ nhưng cũng rất vẻ vang. Vượt lên những khó khăn, thách thức, các thế hệ cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên của Học viện đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. 50 năm qua, Học viện CSND đã đào tạo hơn 40.000 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hơn 30.000 Cử nhân, hơn 2.500 Thạc sĩ và hơn 300 Tiến sĩ... cung cấp cho lực lượng Công an nhân dân (CAND) nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đắc lực vào sự nghiệp bảo vệ ANTT và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Với những thành tích đã đạt được, Học viện CSND vinh dự 02 lần được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trong thời kỳ mới, tình hình trong và ngoài nước đang có nhiều yếu tố tác động vào quá trình xây dựng và phát triển của Học viện. Thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với công nghệ thông tin là nền tảng, đang tác động mạnh mẽ vào mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Cuộc cách mạng này tạo thời cơ để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Song cũng là thách thức khi mà nguồn lực và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế. Hơn nữa, nơi nào chậm trễ trong việc áp dụng công nghệ thông tin để đổi mới hoạt động giáo dục - đào tạo thì cơ sở giáo dục đó sẽ bị bỏ lại phía sau.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã xây dựng đề án về kiện toàn tổ chức bộ máy Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đã được Bộ Chính trị phê duyệt. Theo đó, các trường CAND sẽ được sắp xếp lại theo hướng tập trung và tinh gọn hơn. Vấn đề này sẽ tác động trực tiếp đến việc xác định lại vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và quy mô đào tạo của Học viện.
Tình hình tội phạm đang ngày càng diễn biến phức tạp, các tội phạm truyền thống ngày càng manh động và nguy hiểm hơn (giết người hàng loạt, buôn bán ma túy với số lượng lớn sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ...). Bên cạnh đó, trong nhiều năm gần đây đã xuất hiện nhiều loại tội phạm phi truyền thống như tội phạm sử dụng công nghệ cao, buôn bán người, rửa tiền, tội phạm xâm hại môi trường, sở hữu trí tuệ, tội phạm lừa đảo kinh tế tài chính xuyên quốc gia... Yêu cầu công tác đào tạo của Học viện phải bám sát thực tiễn đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn TTATXH.
Xuất phát từ tình hình trên, yêu cầu phát triển và xây dựng Học viện CSND trong thời kỳ mới là phải tập trung, phát huy mọi nguồn lực nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, trên cơ sở kiện toàn tổ chức bộ máy hợp lý, hiệu quả và sử dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo. Phấn đấu để Học viện sớm đạt chuẩn quốc gia và trở thành trường trọng điểm quốc gia.
Để đạt được những yêu cầu đó, cần tập trung thực hiện một số công tác lớn sau đây:
1. Nghiên cứu, kiện toàn tổ chức bộ máy Học viện CSND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Quán triệt chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an trong đề án về kiện toàn tổ chức bộ máy của lực lượng CAND, Học viện cần chủ động và phối hợp với đơn vị chức năng nghiên cứu xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của nhà trường. Việc nghiên cứu, kiện toàn tổ chức phải được tiến hành một cách khoa học, chống tư tưởng bảo thủ, chủ quan, duy ý chí.
Trong hệ thống các trường CAND, Học viện CSND có vị trí hết sức quan trọng. Học viện đã được công nhận là trường trọng điểm của lực lượng CAND và đang phấn đấu để sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia. Học viện là cơ sở đào tạo hàng đầu của lực lượng CSND, là một trung tâm nghiên cứu khoa học lớn, đồng thời là cơ sở quan trọng kết nối các trường. Ngoài nhiệm vụ đào tạo các bậc học, hệ học và các loại hình đào tạo khác như hiện nay, cần bổ sung nhiệm vụ đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ, chiến sĩ CAND. Bổ sung chương trình giáo dục lý luận chính trị bậc đại học để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền công nhận học viên khi tốt nghiệp ra trường có trình độ trung cấp lý luận chính trị.
Tập trung xây dựng các khoa, bộ môn vững mạnh về mọi mặt, nhất là lĩnh vực đào tạo các chuyên ngành mũi nhọn về đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các phòng, ban, trung tâm phải được sắp xếp theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Sát nhập các đơn vị có chức năng gần giống nhau hoặc có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ mới, cần xác định lại quy mô đào tạo để tính toán biên chế phù hợp, nhất là biên chế giảng viên và có kế hoạch đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.
2. Xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu quyết định việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện
Phải có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ của Học viện trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đội ngũ cán bộ phải bảo đảm sự kế thừa nối tiếp, liên tục, từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy.
Xây dựng đội ngũ giảng viên phải là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa đột phá. Mỗi giảng viên phải là một cán Bộ Công an có phẩm chất chính trị vững vàng, kiến thức chuyên môn sâu rộng, có trình độ ngoại ngữ và tin học cần thiết, vừa là nhà giáo, nhà khoa học vừa là nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc. Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi, chuyên gia hàng đầu cả về lý luận và chuyên môn. Tăng cường cho giảng viên đi công tác thực tế, luân chuyển giảng viên đến các đơn vị trực tiếp chiến đâu. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. Phấn đấu trong một, hai năm tới có ít nhất 40% giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ, 30% Giáo sư, Phó Giáo sư trong tổng số Tiến sĩ.
Việc sắp xếp lại hệ thống các trường CAND cũng như kiện toàn tổ chức của Học viện đặt ra cho việc bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy như là nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Bố trí cán bộ phải đứng người, đúng việc, xem xét đến khả năng phát triển của cán bộ. Đối với cán bộ phải bố trí lại hoặc chuyển đổi đơn vị công tác phải tiến hành thận trọng vừa làm tốt công tác tư tưởng, vừa đảm bảo tốt nhất chế độ chính sách đối với cán bộ.
3. Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo
Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học phải quán triệt quan điểm lý luận gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành.
Trong điều kiện tổ chức bộ máy được kiện toàn, cần rà soát, bổ sung hoàn chỉnh các chương trình đào tạo và tổ chức thực hiện thống nhất trong học viện. Chương trình đào tạo phải đảm bảo sự liên thông giữa các bậc học, trên cơ sở phân định kiến thức cũng như yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp phù hợp. Đồng thời, mở ra sự liên kết trong đào tạo giữa Học viện với các trường trong lực lượng CAND. Chương trình phải đảm bảo cấu trúc hợp lý, giành nhiều nhất 30% cho học lý thuyết và 70% cho trao đổi, thảo luận, kiến tập, thực tế, thực hành, thực tập. Nghiên cứu khoa học phải trở thành một bộ phận quan trọng trong chương trình đào tạo.
Chú trọng tăng cường thực hành cho học viên ở các trung tâm huấn luyện của Học viện và thực tập tại các đơn vị trực tiếp chiến đấu. Tổ chức cho học viên thực hành ngay sau từng môn học. Xây dựng và thực hiện nghiêm túc chuẩn đầu ra đối với từng chương trình đào tạo.
Đổi mới phương pháp dạy học chính là chuyển từ phương pháp đào tạo truyền thông (giảng viên truyền thụ kiến thức cho học viên trên lớp) sang phương pháp dạy học tích cực, trong đó, giảng viên chủ yếu làm nhiệm vụ hướng dẫn người học, giúp cho học viên có những kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với những thách thức của thực tiễn, tập trung hướng dẫn học viên nghiên cứu tài liệu, biết phân tích, phản biện, khắc phục tình trạng học viên tiếp thu kiến thức một cách thụ động.
Đổi mới phương pháp đào tạo hiện nay với nền tảng là sử dụng công nghệ thông tin sẽ tạo ra sự đột phá nâng cao chất lượng dạy và học. Công nghệ thông tin trợ giúp đắc lực cho giảng viên trong việc soạn giáo án điện tử, sử dụng bảng tương tác thông minh, theo dõi lịch giảng dạy, trao đổi với học viên qua mạng... Công nghệ thông tin cũng tạo ra những điều kiện thuận lợi để học viên có thể tự học, tích lũy tín chỉ đảm bảo hoàn thành chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, học viên có thể học qua thư viện, Internet với sự hướng dẫn của giảng viên.
Để thực hiện yêu cầu dạy và học nói trên phải tạo được sự kết nối giữa giảng viên, học viên với thư viện nhà trường và hệ thống mạng nội bộ, mạng Internet. Thư viện nhà trường phải đảm bảo cung cấp đầy đủ cho giảng viên, học viên đầy đủ tài liệu để nghiên cứu (bao gồm cả sách giáo khoa số và các tài liệu tham khảo).
Xây dựng tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng đào tạo, trong đó đánh giá của đơn vị sử dụng học viên ra trường là một kênh quan trọng.
4. Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ tốt cho nhiệm vụ đào tạo
Cơ sở vật chất của nhà trường là một tiêu chí quan trọng để đánh giá cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia hay không.
Các dự án đầu tư xây dựng phải đảm bảo sử dụng quỹ đất của Học viện một cách hợp lý, hiệu quả. Tập trung bảo đảm diện tích và phương tiện làm việc cho cán bộ, giảng viên, phòng học và nơi ăn ở của học viên. Xây dựng môi trường Học viện văn hóa, lành mạnh có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho học viên. Cần có cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đảm bảo các điều kiện sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, rèn luyện thân thể cho cán bộ, giảng viên và học viên.
Tập trung xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Mở rộng dung lượng mạng nội bộ để cán bộ, giảng viên, học viên có thể cùng truy cập và được kết nối đến các phòng làm việc, phòng học, ký túc xá học viên. Nâng cấp đường truyền kết nối Internet, Wifì trong toàn học viện đảm bảo chất lượng cao. Tiếp tục xây dựng thư viện điện tử hiện đại, có đủ tài liệu cho cán bộ, giảng viên và học viên nghiên cứu, học tập. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, hành chính, nhân sự, tài chính... Đầu tư, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, trung tâm huấn luyện, thực hành sát với thực tiễn công tác, chiến đấu.
Tranh thủ mọi nguồn lực tài chính để tăng cường cơ sở vật chất của Học viện. Thực hiện xã hội hóa các công trình văn hóa phúc lợi chung trong nhà trường.
5. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo lực lượng Cảnh sát
Hợp tác quốc tế đang là thế mạnh của Học viện CSND trong hệ thống các trường CAND. Trong những năm qua, hợp tác quốc tế đã đem lại hiệu quả thiết thực trong giáo dục và đào tạo, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa Công an Việt Nam và lực lượng Công an các nước trên thế giới.
Nội dung hợp tác quốc tế cần tập trung vào việc trao đổi kinh nghiệm, thông tin, tài liệu, đào tạo huấn luyện, cử cán bộ, giảng viên đi học tập, tập huấn ở nước ngoài. Mời chuyên gia nước ngoài về Học viện đào tạo, huấn luyện các chuyên đề cho cán bộ, giảng viên, học viên trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mà Việt Nam quan tâm.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác đào tạo với các nước láng giềng như Bộ An ninh Lào và Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia... Hợp tác đào tạo có chọn lọc với lực lượng Công an các nước có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Xây dựng Học viện CSND thành một trung tâm lớn mở ra sự kết nối với các trường Công an các nước trong khu vực và trên thế giới mà Học viên có quan hệ hợp tác.
Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, với khẩu hiệu “Truyền thống, đổi mới, năng động, phát triển”, Học viện CSND sẽ có những bước phát triển mới, viết nên những trang sử mới, mãi mãi xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, mãi mãi là niềm tự hào, tin yêu của các thế hệ cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học viên Học viện CSND.
Thiếu tướng Nguyễn Trung Thành
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND,
Nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân